Kỳ 39.
Nguyễn Phúc Ánh thở dài đáp:
-Không được thưa cha, công lao chuẩn bị ba năm nay sao chưa đánh đã chạy.
Cả Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Ánh im lặng ngồi uống nước. Canh giờ trôi qua mà hai người không tìm ra được giải pháp gì đối phó với cuộc tấn công sắp tới của Quang Trung.
Chợt có tùy tướng vào báo:
-Dạ bẩm chúa công, có thám mã từ Phú Xuân về cấp báo;
-Cho vào ngay.
-Dạ.
Thám mã vào thi lễ:
-Kính chào chúa công, chào cha.
Nguyễn Phúc Ánh vội hỏi:
-Tin tức gì nói mau. Nguyễn Hụê xuất quân đánh Gia Định à?
-Dạ, Quang Trung không thể đánh Gia Định được nữa.
-Vì sao vây?
-Dạ, mấy ngày trước Quang Trung đang ngồi, bỗng nhiên tối xầm mặt mày ngã ngất xỉu, chỉ tỉnh lại được mấy hôm rồi đột ngột qua đời giữa tuổi 40 ngày 29 tháng 7 năm 1792 tại điện Trung Hòa Phú Xuân rồi ạ.
Nguyễn Phúc Ánh nghi ngờ không tin vào tai mình:
-Tin có chính xác không?
-Dạ, chính xác ạ. Lúc mạt tướng về đây, triều đình Phú Xuân đã thông báo cho toàn Đại Việt để cử hành Quốc tang khắp nơi ạ.
Nguyễn Phúc Ánh mừng reo lên:
-Lạy đức chúa tôi, lạy tổ tiên, lạy trời, lạy phật, ta lại gặp may rồi, cái may này là cái may lớn nhất trong cuộc đời ta. Người đâu.
-Dạ, chúa công.
-Đem chai rượu sâm panh ra đây ta uống mừng với cha.
-Dạ.
Rượu được rót ra hai cốc, màu rượu đỏ hồng như máu loãng. Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Ánh nâng ly. Bá Đa lộc nói:
-Xin chúc mừng chúa công, đây đúng là cái may lớn nhất trong cuộc đời gian truân nhưng cũng đầy may mắn của chúa công.
-Đa tạ cha, Nguyễn Huệ chết rồi, không chỉ ta thoát được cuộc tấn công dữ dội thần tốc của ông ta hiện tại mà trong tương lai ta sẽ lật đổ được nhà Tây Sơn, khôi phục lại cơ đồ nhà Nguyễn ta. Bởi vì Nguyễn Huệ mất đi, Tây Sơn không còn ai là trụ cột nữa, không còn ai là tướng bách chiến bách thắng nữa. Ta không còn ai là đối thủ nữa. Ha!ha!ha!
II
Sớm hôm sau trong đại sảnh của thành Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh thông báo cho các tướng lĩnh:
-Báo cho các tướng quân một tin mừng, Quang Trung Nguyễn Huệ đã qua đời đột ngột hôm 29 tháng 7 vừa qua, người kế vị là Nguyễn Quang Toản, đế hiệu Cảnh Thịnh hoàng đế mới 9 tuổi.
Các tướng Gia Định xôn xao:
-Hả, sao đột ngột vậy?
-Cha Bá Đa Lộc nói rằng Nguyễn Huệ mất vì xuất huyết não do làm việc căng thẳng lâu ngày.
Các tướng Gia Định mừng rỡ:
-Xin chúc mừng chúa công.
Nguyễn Phúc Ánh nói:
-Cây trụ cột nhà Tây Sơn đã đổ, Tây Sơn không còn tài năng quân sự ghê gớm, bách chiến bách thắng như Nguyễn Huệ nữa, việc chúng ta lật đổ nhà Tây Sơn chỉ trong sớm tối. Các tướng quân hãy tin tưởng và nổ lực lên, không còn nỗi ám ảnh sợ hãi vua Quang Trung mỗi khi ra trận nữa.
Các tướng đồng thanh:
-Chúng mạt tướng sẽ hết lòng vì chúa công, không còn nỗi sợ hãi vua Quang Trung nữa.
Nguyễn Phúc Ánh nói tiếp:
-Trước mắt chúng ta phải đánh chiếm từ Bình Thuận đến Quy Nhơn để mở rộng lãnh thổ, để bảo vệ Gia Định từ xa, để mở đường tiến đến Phú Xuân. Tướng Tôn Thất Hiệp nghe lệnh:
-Dạ. Có mạt tướng:
-Tướng quân cùng với tướng Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức đem 2 vạn bộ binh tấn công Bình Thuận.
-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.
-Các tướng Võ Tánh, Nguyễn Văn Trương nghe lệnh:
-Dạ, có mạt tướng.
-Hai tướng quân theo ta đi đường thủy dẫn 100 chiến thuyền đánh vào Nha Trang, đánh vào Diên Khánh.
-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.
Ngày hôm sau, thủy, bộ quân Gia Định xuất phát. 100 chiến thuyền Nguyễn Phúc Ánh gặp gió nồm rẽ sóng tiến ào ạt ra biển miền Trung, cờ vàng bay phấp phới, đại bác trên các chiến thuyền theo kiểu Pháp vươn nòng đen sì sẵn sàng nhả đạn. Đến Nha Trang, Ánh cho chiến thuyền tiến vào bến Trường Cá, thuộc làng Phương Mai. Trên lâu thuyền cao nhất chỉ huy, Ánh đã trông thấy chiến thuyền Tây Sơn dàn hàng ngang, cờ đỏ bay pháp phới, Trên các chiến thuyền thấp thoáng thủy binh Tây Sơn quân phục màu nâu, đầu chít khăn đỏ. Tùy tướng dẫn đường nói với Ánh:
-Dạ bẩm chúa công, chiến thuyền Tây Sơn chặn phía trước.
-Số lượng bao nhiêu?
-Khoảng 80 chiếc.
-Ra lệnh của ta xông lên
-Dạ.
Sau mệnh lệnh, 100 chiến thuyên Nguyễn Phúc Ánh rẽ sóng lao vào trận địa Tây Sơn. Khi vừa tầm bắn, Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh:
-Bắn.
Ánh dứt lời, tiếng nổ của đại bác trên các chiến thuyền vang lên như sấm, đạn đỏ rực xé gió bay vào các chiến thuyền Tây Sơn. Các chiến thuyền Tây Sơn đánh trả dữ dội. Đại bác Tây Sơn cũng bắn như mưa vào chiến thuyền Gia Định, hai chiến thuyền của Ánh bốc cháy. Súng nổ vang trời, khói lửa mịt mù trời biển. Một canh giờ bắn nhau, xác người và thuyền hai bên ngổn ngang, máu loang đỏ nước, lửa làm cho nước như sôi lên. Quân Tây Sơn núng thế, tháo chạy. Nguyễn Phúc Ánh chiếm được Diên Khánh. Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh:
-Tiến đánh Phú Yên.
Quân Gia Định chưa kịp bao vây Phú Yên thì tướng Tây Sơn giữ thành đã hoảng sợ mở cửa thành phía sau tháo chạy. Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thêm Phú Yên. Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh:
-Tiến đánh thành Quy Nhơn.
Quân Gia Định ào ạt tiến về thành Quy Nhơn. Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc gọi:
-Người đâu.
-Dạ.
-Cho gọi Nguyễn Bảo tới đây.
-Dạ.
Nguyễn Bảo vào:
-Phụ thân cho gọi Bảo nhi.
Nguyễn Nhạc nói:
-Nay các tướng đã theo về Phú Xuân hết kể từ khi ta nhường ngôi cho Quang Trung, hạ mình làm Tây Sơn Vương. Con chịu khó đem quân ra chống giặc Nguyễn Phúc Ánh.
-Bảo nhi tuân lệnh.
Nguyễn Bảo đem 1 vạn quân còn lại trong thành ra dàn trận. Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh:
-Ta đánh mặt trước, tướng quân Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành vòng đánh tập hậu phía sau, quân Tây Sơn sẽ đại bại.
-Mạt tướng tuân lệnh.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-39-a11720.html