Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên

Kỳ 40.

Nguyễn Bảo đang chống cự mặt trước, hướng tất cả súng hỏa mai, cung tên bắn loạn xạ vào quân Gia Định. Thốt nhiên, phía sau quân Tây Sơn có tiếng reo hò và súng nổ, hàng nhìn quân Tây Sơn gục xuống, máu đổ chan hòa. Nguyễn Bảo mở đường máu chạy về thành Quy Nhơn. Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh:

-Tiến lên bao vây công phá thành Quy Nhơn.

-Chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, ta lấy thêm được Bình Thuận rồi ạ. Tướng Tây Sơn Nguyễn Quang Huy sợ quân ta từ Diên Khánh, từ Trấn Biên bao vây tấn công đã bỏ thành trì tháo chạy.

chnganh1-1649688095.jpg
Tranh minh họa Nguyễn Phúc Ánh, gọi tắt là Nguyễn Ánh. Nguồn: Internet.

 

Nguyễn Phúc Ánh vui mừng nói:

-Tốt lắm, bộ binh ta lấy thêm được Bình Thuận. Hãy lấy Quy Nhơn, sau đó tiến ra lấy Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Xuân.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh chúa công.

Quân Gia Định say trong chiến thắng đánh thành dữ dội, tên đạn bắn như mưa. Vài ngày sau Nguyễn Nhạc bảo một tùy tướng:

-Tướng quân cố vượt ra khỏi thành đến Phú Xuân xin Cảnh Thịnh chi viện, nếu không Quy Nhơn nguy mất.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tại Phú Xuân, Cảnh Thịnh đang thiết triều ở điện Trung Hòa. Quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có tùy tướng của Tây Sơn Vương từ Quy Nhơn ra xin gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Tùy tưởng của Nguyễn Nhạc vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ.

-Đa tạ hoang thượng.

-Có việc gì, nói đi.

-Dạ bẩm hoàng thượng, thủy binh và bộ binh của Nguyễn Phúc Ánh từ Gia Định đã đánh chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên và đang vây đánh thành Quy Nhơn, Quy Nhơn rất nguy cấp. Tây Sơn Vương cử mạt tướng ra xin hoàng thượng cho quân cứu viện, nếu không Quy Nhơn nguy mất.

Cảnh Thịnh hỏi quyền thần Bùi Đắc Tuyên:

-Mất ba phủ Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên, Quy Nhơn lại nguy kịch, sao thám mã không về báo?

Bùi Đắc Tuyên lúng túng:

-Dạ, thám mã có báo nhưng thần quên, chưa bẩm báo với hoàng thượng.

-Việc trọng đại như vậy mà Thái sư quên sao? Bây giờ Thái sư xử lý thế nào?

Bùi Đắc Tuyên thản nhiên:

-Thưa hoàng thượng, môi hở răng lạnh, phải cứu Quy Nhơn thôi ạ. Các tướng sau đây nghe lệnh:

-Thái úy Phạm Công Hưng, Hồ Giá, Nguyễn Văn Huấn, Đại tư lệ Lê Trung, Đại tư mã Ngô Văn Sở.

-Có chúng mạt tướng.

-Các tướng quân đem quân thủy bộ vào cứu Quy Nhơn. Riêng tướng Phạm Công Hưng trước khi xuất phát đến gặp ta.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Khi triều thần về hết, còn lại Phạm Công Hưng và Bùi Đắc Tuyên, Phạm Công Hưng hỏi:

-Thái sư có gì dặn dò?

Bùi Thái sư ghé vào tai Hưng nói nhỏ:

-Cứ như thế, như thế…

Phạm Công Hưng nói:

-Mạt tướng tuân lệnh Thái sư.

Bốn tướng Tây sơn đem 2 vạn  bộ binh, 8 thớt voi, 30 thuyền chiến, 1000 thủy binh chia làm hai đường thủy bộ vào cứu Quy Nhơn. Nguyễn Phúc Ánh đang ngồi trong tổng hành dinh, chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, quân Tây Sơn hai đạo thủy bộ đang tiến vào cứu Quy Nhơn.

Nguyễn Phúc Anh gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Cho gọi quan coi lương thực và vũ khí vào đây.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Quan coi lương thực và vũ khí bước vào:

-Dạ, chúa công cho gọi mạt tướng.

-Quân lương và vũ khí còn nhiều không?

-Dạ, bẩm chúa công sắp hết rồi ạ.

Nguyễn Phúc Ánh nói:

-Tướng quân ra gọi các tướng đang vây thành Quy Nhơn vào đây.

-Dạ, tuân lệnh.

Các tướng bước vào hành lễ. Nguyễn Phúc Ánh nói:

-Vũ khí, lương thực của ta sắp hết, quân cứu viện Tây Sơn sắp đến, quân trong thành đánh ra, quân ngoài thành đánh vào, ta sẽ thất thế. Ta ra lệnh tạm thời rút khỏi Quy Nhơn.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh chúa công.

Quân Gia Định rút đi, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Bảo vui mừng mở cửa đón quân Phú Xuân vào thành Quy Nhơn. Nguyễn Bảo nói:

-Xin chào các tướng quân, đa tạ các tướng quân đã cứu giúp.

Các tướng Phú Xuân chào Nguyễn Nhạc và Nguyễn Bảo vui vẻ, riêng Phạm Công Hưng không nói, mặt đanh như thép, theo kế sách của Bùi Đắc Tuyên nói:

-Nay theo lệnh của Thái sư và hoàng thượng, Phú Xuân sẽ quản lý thành Quy Nhơn, kho tàng của cải và quân lương, Tây Sơn Vương và gia đình phải di dời về Phù Ly. Hoang đế Cảnh Thịnh cho Nguyễn Bảo làm Hiếu công, ăn lộc huyện Phù Ly. Phải dời đi ngay tức khắc, ai trái lệnh chém không tha.

Các tướng Tây Sơn đi theo đều sửng sốt ngạc nhiên. Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc vốn đau ốm nhiều năm, uất hận quá kêu lên:

-Đệ Quang Trung hoàng đế ơi, có sống lại mà trông thấy cảnh này không. Ô hô!!!Ô hô!!!...

Kêu xong, Tây Sơn Vương vốn một thời là Thái đức Hoàng đế, Trung Ương hoàng đế tuôn ra hai bát máu và ngã vật xuống. Nguyễn Bảo và bà Trần hoàng hậu vội ôm lấy. Nguyễn Bảo gọi:

-Thái y đâu. Gọi thái y nhanh.

Thái y bước vào bắt mạch và nói:

-Tâu hoàng hậu, Tây Sơn Vương đã băng hà.

Trần hoàng hậu ngã vật xuống bất tỉnh.

Dưới gươm súng của quân Phú Xuân, Nguyễn Bảo đành phải đưa gia quyến, gia nhân, hộ giá xe quan tài Nguyễn Nhạc về huyện Phù Ly. Các đại thần của triều đình Nguyễn Nhạc xưa phần lớn về quê, một số ở lại phục vụ triều đình Phú Xuân nhưng sau cũng bị thay hết.

 Thái đức hoàng đế Nguyễn Nhạc, người khởi xướng và là một trong nhân vật chủ chốt của phong trào nông dân Tây Sơn, sinh năm 1741 mất 1793, ở ngôi 16 năm (1778-1788), thọ 52 tuổi, an táng tại vùng núi Tây Sơn.

Nguyễn Bảo ở Phù Ly được gọi là “Tiểu triều”. Nguyễn Phúc Ánh hay tin liền cho người chiêu dụ Bảo về với Gia Định. Nguyễn Bảo còn do dự chưa quyết thì đã bị Nguyễn Quang Toản giết chết. Bà Trần hoàng hậu sau những biến cố đau thương, “nồi da nấu thịt” liền đem hai con nhỏ là Văn Đức, Văn Lương về quê, nói là gần mộ Nguyễn Nhạc cho tiện bề hương khói. Đây là bị kịch lần thứ ba của nhà Tây Sơn. Bi kịch lần thứ nhất là Nguyễn Huệ xung đột với Nguyễn Nhạc năm 1787, bi kịch lần thứ hai là Quang Trung mất năm 1792. Các bi kịch nội bộ này báo hiệu sự suy yếu của nhà Tây Sơn và sự sụp đổ là không thể tránh khỏi trước một kẻ thù là Nguyễn Phúc Ánh đang lớn mạnh, đầy thủ đoạn và quyết tâm lật đổ vương triều này.

(Còn nữa)

CVL

                            

 

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-40-a11733.html