Cửa mở, bà già người Bắc sững người nhìn chiến sỹ giải phóng đầu đội mũ tai bèo, vai khoác súng AK sừng sững trước cửa. Một luồng điện chạy nhanh qua người. Một linh cảm vụt đến, bà kêu lạc giọng:
- Cháu con bố Khải phải không?
Nước mắt trào ra bên khóe mắt người lính trẻ, anh nghẹn ngào:
- Vâng! Cháu là Minh, Tống Quang Minh con bố Tống Quang Khải đây! Bố cháu bảo cháu phải đi tìm ông bà.
Những tiếng khóc, tiếng nấc vang nhà, hai bà cháu dìu nhau vào ngôi nhà cấp 4 trong khu vườn rộng. Năm 1954, ông bà vào Nam, Minh chưa sinh. Nhìn nhanh bao quát ngôi nhà. Minh thấy bài trí y như nhà dân ở Hà Nội.
Anh nghẹn ngào nhìn ảnh người đàn ông trán cao, tai vểnh, mắt sáng trên bàn thờ giọng đầy nước mắt:
- Ông mất lâu chưa ạ!
Vừa lau nước mắt, bà vừa run rẩy quyẹt diêm đốt hương. Không biết diêm ẩm hay xúc động mà diêm không cháy. Minh nói:
- Bà để cháu!
Cắm 3 nén hương lên bàn thờ, hai bà cháu khấn ông. Tiếng bà nho nhỏ nhưng rõ ràng:
- Ông ơi! Ông sống khôn, chết thiêng hãy về đây. Cháu nội của ông là chiến sỹ giải phóng vào tìm ông đây này!
Ngoài sân có tiếng lao xao, bà con chòm xóm thấy người chiến sỹ giải phóng, hỏi tìm nhà bà người Bắc, đã dẫn đến và đứng đầy ngoài sân. ( ở đây họ gọi ông bà là ông bà người Bắc)
Ánh mắt long lanh còn ngấn lệ, bà nội tôi giới thiệu với bà con đứa cháu nội là chiến sỹ giải phóng quân. Mọi người kéo nhau vào nhà, chỉ lát sau, ngôi nhà đông nghịt. Mọi người mừng cho bà già Bắc có người thân đến thăm, mừng vì có chiến sỹ giải phóng đầu tiên đến khu dân nghèo của họ. Người nắm tay, người sờ khẩu súng, người xem cái mũ tai bèo. Có tiếng nói: Cậu bộ đội trẻ dữ, đẹp trai hè! Hai bà cháu sung sướng tiếp nước mọi người. Xóm này ai cũng biết gia đình ông bà người Bắc, sống hiu quạnh, rất ít khách tới thăm. Họ thì thầm rỉ tai nhau: Họ có con làm to ở Thủ đô. Còn chính quyền ngụy ban đầu o ép ông bà, xong biết cụ ông là Công chức của Pháp, theo Pháp vào đây để hưởng tiếp lương hưu nên để họ sống bình yên. Mươi phút sau hai cán bộ quân quản đeo băng đỏ đến nhà. Sau vài phút trao đổi, hỏi han, một người chạy đi. Chỉ một lát một tốp dăm cán bộ đến bắt tay, chào mừng người chiến sỹ giải phóng. Ngay lập tức, cổng nhà bà tôi, một chiếc bảng to với dòng chữ: " Gia đình có công với cách mạng " được treo ngay ngắn. Mọi người vỗ tay ào ào chúc mừng bà người Bắc. Đó là chiều ngày 1 tháng 5 năm 1975.
Sau đó Minh còn vài lần về thăm bà. Qua chuyện của đồng đội cùng đơn vị kể lại, mới biết, chuyến đi vào Sài Gòn tìm bà không đơn giản tý nào. Ngày mới giải phóng, quy định và kỷ luật chiến trường rất nghiêm. Ra khỏi đơn vị phải có 3 người, phải mang theo súng đề phòng bọn tàn quân trả thù. Thực tế, do quân giải phóng đánh đòn quá mạnh, quá thần tốc nên quân đội và chính quyền ngụy đổ rụp, như ong vỡ tổ. Nhưng ta vẫn cảnh giác đề phòng chúng tụ lại, phản công
Về lại đơn vị tại Phan Thiết.
Trung đội trưởng Dân hỏi:
- Đồng chí đi đâu về, đồng chí đã bỏ trốn khỏi đơn vị một ngày, một đêm. Vi phạm kỷ luật chiến trường.
Minh:
- Báo cáo Trung đội trưởng, tôi vào Sài Gòn tìm ông bà nội tôi, đi khỏi Hà Nội từ năm 1954, mất liên lạc, không biết còn sống hay đã chết. Bố tôi dặn:
- Con vào Sài Gòn phải đi tìm bằng được ông bà. Đây địa chỉ của bà tôi ở ấp 4 quận 7, ngay chân Cầu chữ Y. Đồng chí có thể xác minh. Đến đó tôi đã báo cáo Ủy ban quân quản. Tôi đã gặp bà tôi, ông tôi đã mất. Nhà bà tôi được treo biển " Gia đình có công với cách mạng" Tôi vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi tìm được bà nội. Tôi biết đã vi phạm kỷ luật. Tôi xin nhận khuyết điểm và chịu kỷ luật. Mong đồng chí thông cảm!
Trung đội trưởng vốn là người Đông Anh, anh rất thông cảm, nhưng kỷ luật chiến trường lúc này không thể coi thường. Anh hô:
- Bắt giữ binh nhất Tống Quang Minh, giam lại, chờ mai giải lên đại đội.
Hai chiến sỹ tiến lại, Minh chìa tay ra. Chiến sỹ nói nhỏ vào tai Minh:
- Anh thông cảm, em chỉ trói hờ thôi.
Minh bị trói vào cột nhà nơi Trung đội trưởng ở. Mấy thằng bạn cùng tiểu đội mang nước đến. Chúng bảo:
- Trung đội mình còn hai thằng Lê Minh và Hiếu khòng cũng trốn đi tìm người thân chưa về. Mày cứ nhẹ nhàng, để chúng tao xin lão Dân cho. Lão ấy mà báo lên đại đội thì mày hết đời.
Ngồi dưới cột nhà, tay bị trói, may mấy thằng bạn trói lỏng, dây dài nên Minh vẫn đứng ngồi dễ dàng. Anh gặm nhấm phút giây cảm động quý giá được ở bên bà nội. Anh đã làm được điều mà cả họ Tống và bố anh mong mỏi: Tìm thấy bà nội. Nghĩ mông lung, Minh gọi thằng Hương bảo lấy giấy bút ghi lại mấy dòng sau:
" Bố mẹ kính yêu! Theo địa chỉ bố cho, con đã tìm được bà nội. Bà khỏe mạnh, khát khao được ra với các con, cháu. Bố và các bác các chú nhanh chóng vào đón bà nhé! Đơn vị con nghe nói còn phải đi đánh tiếp...
Con sẽ viết thư về sau.
Minh bảo thằng Hương:
- Mày tìm mọi cách gửi về nhà cho tao. Địa chỉ: Ông Tống Quang Khải - 37 Trần Hưng Đạo Hoàn Kiếm Hà Nội.
Thằng Hương nghẹn ngào:
- Mày yên tâm.
Minh nói tiếp: Thời buổi giặc giã, chiến tranh. Biết đâu nó tống tao đi tù hay lên rừng, có khi không trở lại thì nhà tao không biết tao đã tìm thấy bà nội. Minh nghĩ tiếp:
- Biết thế đếch về đơn vị nữa, biến luôn. Song nghĩ đến gia đình, bố mẹ ở Hà Nội, Minh lại nhủ, mình về đơn vị là đúng. Cùng lắm bị giải về trại thu dung.
Đêm hôm ấy, thằng Công lẻn ra nói với Minh. Mày yên tâm. Lão Dân không báo lên đại đội đâu. Trung đội mình gần chục thằng trốn. Báo lên lão cũng bị kỷ luật vì quản quân không tốt.
Ngày hôm sau Minh được cởi trói, viết kiểm điểm. Cùng đêm hôm đó, hai thằng cùng đại đội, trốn đi tìm họ hàng về cũng bị trói vào càng cối xay lúa của nhà dân.
Minh bảo:
- Em cũng quên là dạo đó bị kỷ luật hình thức gì, chỉ biết sau đó em vẫn cùng đơn vị về canh giữ Tổng kho Long Bình. Năm 1976 đơn vị được điều động lên Tây Nguyên truy quyét Fun ro. Năm 1977 Minh được ra quân sau hơn 3 năm tại ngũ. Tổ tiên đã phù hộ độ trì cho em tôi - thằng cháu hiếu nghĩa vẫn lành lặn trở về sau cuộc chiến tranh khốc liệt. Với dòng họ tôi em là người có công lớn khi đã tìm được bà nội sau bao năm bặt tin.
Em tôi mất khi tròn 60 tuổi do bệnh ung thư.
Trái tim người lính
Tong Hong Quan
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/em-toi-tong-quang-minh-nguoi-chien-sy-giai-phong-di-tim-ba-noi-a11737.html