Bà hay kể chuyện về các con của bà, bà bảo với bố mẹ Hạnh rằng:
- Lắm lúc tôi bực mình với mấy đứa con lắm anh chị ạ! Mấy đứa con dâu nhà tôi, kể từ lúc chúng có con, chúng cứ gọi tôi bằng bà. Tức mình, lắm lúc tôi bảo với chúng:
- Này, bà thì chỉ có bà hàng xóm thôi nhé!
- Bực riêng cả mấy thằng con trai nữa chứ! Có lần tôi nghe thấy chúng nói chuyện với mấy thằng bạn nó rằng: Ông già nhà tao, rồi là bà già nhà tao.
- Nghe mà bực không chịu được anh chị ạ! Tôi và ông bố chúng nó đã già đâu mà chúng toàn xưng hô như vậy. Mà kể cả chúng tôi có già khọm đi chăng nữa cũng không muốn nghe chúng gọi chúng tôi như vậy anh chị ạ!
- Vâng đúng đó thím, nói chung lớp trẻ bây giờ hay xưng hô như vậy lắm chứ chẳng riêng gì mấy em nhà thím đâu ạ! Chẳng biết mọi người thế nào chứ riêng cháu cũng không thích xưng hô kiểu như vậy đâu.(bố Hạnh trả lời)
- Thứ nhất là mình là bố mẹ của con mình chứ mình có phải là ông bà của con mình đâu.
- Nói là gọi thay con chứ cháu cũng không đồng ý, hay tại cháu kỹ tính quá?Theo cháu chỉ nên gọi thay con trước mặt con trẻ thôi, còn khi chỉ có bố mẹ với con cái thì đừng nên gọi bà ơi hay ông ơi, cứ đúng vai vế mà gọi mà xưng hô nghe nó sẽ tình cảm và gần gũi hơn.
- Thứ hai cháu cũng không đồng ý dùng từ bà già nhà tôi rồi là ông già nhà tôi. Làm cho người nghe cảm thấy câu nói đó có phần xấc xược, hóa ra cái ông già nào và cái bà già nào sinh ra con cái chứ không phải là bố mẹ sinh ra con à! Thôi thím yên tâm, lúc nào đó cháu sẽ tham gia với mấy em ấy thím ạ!
Mẹ Hạnh lúc này mới lên tiếng:
-Thôi thím đừng buồn nữa, lúc nào nhà cháu sẽ lựa lời nói với mấy em trai, còn cháu sẽ góp ý với mấy em dâu thím nhé!
Hạnh ngồi yên nghe người lớn nói chuyện. Trong câu chuyện Hạnh được nghe âu cũng là một bài học về đạo đức cho Hạnh.
Lớn lên Hạnh có gia đình và từ đó chị có hai người bố và hai người mẹ. Bố mẹ hai bên của Hạnh cũng trạc tuổi nhau.
Thế rồi Hạnh có con, sinh con ra mới hiểu lòng cha mẹ.
Kể từ lúc có con, chưa khi nào Hạnh gọi hai bố là :ông ơi, hoặc gọi hai mẹ là bà ơi. Bởi lẽ vì sao ? Bởi Hạnh hiểu rằng tâm lý của bố mẹ nào cũng vậy thôi, chẳng ai thích con mình gọi mình là ông là bà đâu. Với cách xưng hô của Hạnh như vậy nên chồng Hạnh cũng cảm hoá theo, chồng Hạnh cũng xưng hô với bố mẹ hai bên giống như Hạnh. Xin nói thêm không phải riêng gì bố mẹ mà kể cả cô dì chú bác nội ngoại hai bên Hạnh đều xưng hô đúng với vai vế của mình. Hạnh nghĩ mình sau này cũng vậy, sẽ chẳng muốn nghe con cái gọi mình là bà cho dù mình chưa già hoặc đã già.
Đã nhiều năm, bố mẹ Hạnh đã có đủ dâu rể, các anh chị em của Hạnh đều gọi bố mẹ Hạnh một điều bố mẹ hai điều bố mẹ.
Lần đó Hạnh tới nhà chú thím chơi, Hạnh nghe em dâu gọi chú thím hoàn toàn là ông ơi, bà ơi. Với mọi người không biết thế nào chứ Hạnh nghe thấy nó cứ dửng dưng thế nào ấy, dường như không có chút tình cảm nào, ngọt ngào nó ở nơi đâu ấy. Thím Hạnh buồn khẽ nói :
- Em nó toàn xưng hô thế đấy cháu ạ!
Mẹ Hạnh vốn là dâu trưởng trong một gia đình, anh em họ hàng của bố mẹ Hạnh sống quây quần bên nhau cùng một xóm nhỏ. Các thím Hạnh thường bảo với các con mình rằng công nhận các anh chị nhà bác trưởng toàn gọi hai bố gọi mẹ nhé. Tuy hai bác ấy tuổi đã cao, nhưng chưa bao giờ thấy các anh chị ấy gọi bố mẹ là ông bà đâu.
Nghe cách xưng hô của anh em nhà Hạnh với bố mẹ như vậy nên từ đó những đứa con dù gái hay trai, dù dâu hay rể của các chú thím, cô dì đều nhìn đó mà học tập.
Năm nay bố mẹ hai bên của Hạnh cũng đang ở tuổi ngoài bảy mươi. Bản thân Hạnh cũng đã có con dâu và cũng mới có cháu nội đồng nghĩa là bố mẹ Hạnh đã lên chức cụ rồi. Tâm lý Hạnh cũng không hề muốn con trai con dâu gọi mình là bà chút nào.
Bước chân ra khỏi làng khỏi xã Hạnh thấy vẫn còn nhiều người con gọi cha là ông gọi mẹ là bà, Hạnh nghe sao mà nó xa lạ quá. Hạnh tự dặn lòng đúng là cha mẹ có trăm tuổi mãi mãi cũng vẫn là cha mẹ, không thể là ông bà của mình được vì bố mẹ mình chỉ là ông bà của con mình mà thôi.
Chuyện Làng Quê
Phạm Hiếu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/con-oi-dung-goi-me-la-ba-a11749.html