Ngàn ở ban Giáo dục huyện (nay là phòng GD và ĐT) Bắc Quang ba ngày thì nhận quyết định phân công công tác ở trường phổ thông cơ sở (PTCS)(*) xã An Hoà. Trường cử 1 giáo viên và 3 học sinh cấp 2 đón giáo viên mới ở phòng giáo dục.
Thầy giáo được cử đi nhìn Ngàn:
- Chào cô giáo.
- Em chào anh.
- Anh là Hoàng cùng các em học sinh lớp 7 đi đón em đến trường.
- Em chào anh! Cô chào các em!
Lòng cô ấm lên. 11 giáo viên đến huyện nhận công tác chỉ mình cô có giáo viên và học sinh đi đón. Cô nhìn các giáo viên khác nhận thấy sự chạnh lòng thoáng qua đôi mắt họ.
Đoạn đường 12km đường đất, lúc ngồi xe đạp, lúc dắt bộ rồi cũng đến trường. Các cô giáo, thầy giáo, học sinh ùa ra đón cô giáo mới. Tập thể nhà trường sắp xếp một phòng nửa gian cho Ngàn ở. Bữa cơm tập thể trường 5 người toàn nữ, món ăn đạm bạc đĩa rau sắn luộc, tép kho, canh mướp mà ấm áp tình người.
Sáng hôm sau lúc đầu lác đác học sinh đến trường, tiếng trống trường vang lên một hồi vang vọng núi rừng thì học sinh ùa vào cổng trường ríu ra ríu rít. Cổng trường là hai đoạn vầu chôn xuống đất, trên có tấm gỗ ngang ghi "TRƯỜNG PTCS xã An Hoà". Xung quanh trường là hàng rào nứa xộc xệch. Vườn thuốc nam lèo tèo vài cây tía tô, húng chanh, húng quế, riềng, hoa mười giờ... Trường có bốn phòng học cho hai buổi học, học sinh cấp 2 học sáng, cấp 1 học chiều. Phòng học được làm bằng cây rừng, mái cọ, vách nứa. Một nhà làm việc của giáo viên ba gian, một gian dành cho hiệu trưởng, một gian phòng thí nghiệm, một gian cho giáo viên nghỉ giữa hai tiết học. Một nhà ba gian phân cho 5 giáo viên ở tập thể, mỗi giáo viên nửa gian, nửa gian còn lại là bếp. Học sinh đa phần người Nùng, Tày, còn lại là người Kinh. Học sinh ríu rít nói với nhau bằng tiếng dân tộc, các em dùng tiếng phổ thông chưa sõi, miệng lúc nào cũng cười, nụ cười của các em làm cho Ngàn vui lên chút. Rời xa thị xã thân quen, xa gia đình yêu thương, xa khu phố với hai hàng sấu xanh rì... Ngàn nhớ lắm.
Thoắt cái hai năm học đi qua, bước vào năm học thứ ba, vẫn trường lớp ấy giáo viên ở tập thể chỉ còn Ngàn. Ở tập thể một mình dần cũng quen, chỉ buồn thôi, thỉnh thoảng Ngàn rủ một hai em học sinh nữ đến ngủ cùng. Buồn nhất là những đêm mưa, cứ thui thủi một mình nghe tiếng mưa rơi.
Cũng một đêm mưa tối thứ bảy, Ngàn đang chấm bài thì nghe tiếng ai đó gọi: "Cô giáo ơi!"
- Ai đấy?
- Cho tôi vào trú mưa, có được không?
- Được ạ.
Ngàn ra mở cửa. Một người đàn ông quàng áo mưa xuất hiện.
- Anh vào đi.
Người đàn ông ngồi xuống ghế.
- Em mời anh uống nước.
Trời vẫn mưa... Chuyện trò với người đàn ông, Ngàn biết người đàn ông tên Sơn, làm ở bệnh viện huyện, Sơn xuống xã công tác mấy hôm nay, trên đường qua trường thấy ánh đèn ghé vào. Chuyện giữa họ dè dặt, người hỏi người đáp.
Ngoài trời càng mưa càng to. Bất chợt Sơn lỡm lờ thăm dò:
- Cho anh ngủ đây nhé?
Không thấy Ngàn phản ứng, Sơn lấn tới ôm Ngàn. Thấy Ngàn đẩy mình ra yếu ớt hắn ôm Ngàn chặt hơn, hắn bế Ngàn lên giường, cởi áo áo Ngàn, chỉ thấy Ngàn kêu: "Đừng"...
Thấy Ngàn buồn, nhiều lúc sụt sịt rớm nước mắt, các cô giáo xì xào. Công đoàn trường cử một chị tiếp xúc Ngàn, tâm tình trò chuyện nắm được sự việc: Ngàn có thai với anh Sơn làm ở BV huyện, anh Sơn đã có gia đình; cô Ngàn không muốn sự việc trở thành to tiếng và giữ cái thai.
BGH trường và BCH Công đoàn trường họp thống nhất: Đó là việc riêng cô Ngàn; tập thể trường cử người giúp đỡ Ngàn về tinh thần, đời sống, chuyên môn để Ngàn yên tâm công tác.
Chuyện Ngàn có thai lọt ra ngoài trường. Nhân dân, phụ huynh học sinh rì rầm chuyện cô giáo không chồng có chửa. Lại có tin chồng cô Ngàn làm thợ mộc ở quê.
Việc của Ngàn được ông hiệu trưởng trực tiếp báo cáo với trưởng Ban Giáo dục.
Một lần mấy chị em trong trường rủ nhau đi chợ huyện chủ nhật, từ xa họ nhìn thấy Sơn đi ngược chiều. Họ bàn nhau để Ngàn đi tụt lại xem Sơn gặp Ngàn sẽ phản ứng ra sao. Từ xa Sơn nhìn thấy Ngàn bụng chửa, anh ta đi nép bên đường. Ngàn cố ý giáp mặt Sơn, không thấy Sơn ngẩng lên. Ngàn lên tiếng:
- Anh Sơn.
Sơn ngẩng lên. Ngàn chìa cái bụng chửa ra:
- Của anh đấy.
Sơn lầm lũi:
- Chắc gì phải của tôi.
Ngàn xì một tiếng nhổ bãi nước bọt vào mặt Sơn. Nước mắt Ngàn dàn dụa.
8/1984 Ngàn nhận quyết định chuyển đến trường PTCS An Xuân dạy học. Anh chị em ai cũng mừng cho Ngàn. An Xuân là xã cuối huyện, giáp quốc lộ, cách thị xã 40km.
Ngàn xuống ô tô khách. Một gánh gồm nồi, niêu, xoong, chảo được xâu vào nhau; một gói đồ dùng các nhân, sách vở…và cái bụng bầu vượt mặt. Ngàn gánh vào trường, cũng may trường gần quốc lộ.
Anh chị em giáo viên ra đón Ngàn, người xách giúp xâu nồi, niêu, xoong, chảo; người bê gói đồ; người lấy nước mời Ngàn. Trường sắp xếp Ngàn ở một gian nhà gỗ mái cọ vách trát vữa vôi cát. Mấy bữa đầu Ngàn ăn cùng với 2 cô giáo ở tập thể sau Ngàn nấu ăn riêng.
Đến kì sinh, Ngàn nhắn mẹ lên trường. Có mẹ bên cạnh, có chị em đồng nghiệp giúp đỡ, Ngàn vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông. Thằng bé bụ bẫm ba cân mốt, da trắng tóc đen. Sau tiếng khóc chào đời nó từ từ đưa mắt từ bên này sang bên kia như chào mọi người trong phòng sinh của trạm xá xã.
Lúc đó nền kinh tế đất nước rất khó khăn do nước ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh hơn 20 năm lại phải đương đầu với hai cuộc chiến Tây Nam và biên giới phía Bắc, bị Mỹ cấm vận, mô hình kinh tế cũ chưa kịp thay đổi. Đời sống nhân dân đói khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Ngàn nuôi con vất vả trong cái thiếu thốn khổ cực cùng mọi người. Được cái trời như bù đắp cho bà mẹ đơn thân, thằng bé cứ ăn cứ lớn, khỏe rồi ốm, ốm rồi lại khỏe.Người ta bảo rằng trẻ con phải ốm thì nó mới lớn lên được, phải qua những trận ốm thì nó mới tạo ra kháng thể để chống chọi với bệnh tật cuộc đời.
Bà mẹ đơn thân với đồng lương giáo viên còm cõi, nồi cơm độn sắn, độn hạt bo bo ấy mà thằng bé lớn nhanh như thổi.
Hành trình một mình nuôi con với bao nhọc nhằn khó khăn gian khổ, nhiều lúc Ngàn nuốt nước mắt vào trong kiên gan nhìn đời bước đi. Những lúc con gọi mẹ ơi, hay nhìn thằng bé chơi cùng các anh chị học sinh Ngàn mỉm cười.
Một lần thằng bé đang chơi với chúng bạn chạy hồng hộc về tức tưởi:
- Mẹ ơi! Bọn nó bảo con là thằng không có bố. Bố con đâu hả mẹ?
Nước mắt cô trào ra. Cô ôm con vào lòng. Một lúc sau Ngàn nói với con trong nước mắt:
Con không có bố, con là con chỉ của mẹ, con là Tình yêu của mẹ, con là Thiên thần của mẹ. Gia đình mình chỉ có con và mẹ. Con nhớ chưa! Từ bây giờ nếu có ai nói con không có bố, hay ai hỏi bố con đâu, con đừng nói gì và ngẩng cao đầu. Con nhớ chưa!
- Vâng ạ. Con yêu mẹ!
Cô mỉm cười trong nước mắt, nhìn thằng bé tự hào.
Thoắt cái thằng bé ngày nào trở thành chàng thanh niên 18 tuổi Trần Trung Hiếu. Hiếu tốt nghiệp PTTH loại giỏi, trúng tuyển trường đại học Kiến trúc Hà Nội.
Sau 5 năm học đại học, 2 năm đi làm, 2 năm tu nghiệp ở Ytaly bây giờ Hiếu là trưởng phòng thiết kế Cty Kiến trúc - Xây dựng Xanh và Xanh.
Vợ Hiếu là bác sĩ CK2 bệnh viện tư nhân Bích Ngọc.
Một lần Hiếu đến thành phố Hà Giang công tác, vô tình gặp một bà giáo đã nghỉ hưu, trước công tác cùng mẹ Hiếu. Trong câu chuyện Hiếu biết được mẹ Ngàn có thai Hiếu như thế nào, chuyển trường, nuôi con vất vả ra sao. Ông Sơn hiện nghỉ hưu ở huyện Bắc Quang, ông vừa bị tai biến nhẹ.
Một lần Hiếu được Cty cử đi công tác ở huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang. Hiếu báo tin với mẹ:
Ngày kia con đi công tác ở Hà Giang. Con đến huyện Bắc Quang để khảo sát thực địa khu đất một Cty trên đó họ đặt hàng thiết kế xây dựng trụ sở và nhà xưởng.
Nói đến đây Hiếu để ý thấy đôi tay đang thoăn thoắt cầm hai cây đan len của mẹ bỗng dừng lại.
- Con xin phép mẹ cho con gặp một người...
Mẹ Hiếu nín lặng một lúc rồi hỏi:
- Ai, con?
- Người này tên Sơn ạ.
Mẹ Hiếu đứng dậy tìm khăn mùi xoa thấm giọt nước mắt vừa trào ra...
- Mẹ đồng ý cho con gặp người đó, con có thể nói con là con của mẹ Ngàn, chỉ thế thôi.
- Còn con đối xử với người đó như thế nào, con lớn rồi, mẹ tin con.
Hiếu ôm mẹ:
- Con cảm ơn mẹ!
Hiếu lên Hà Giang đến huyện Bắc Quang dành 2 ngày đến thực địa, quan sát, đo đạc, khoan nền đất, tổng hợp dữ liệu. Ngày thứ ba Hiếu mua một gói quà, hỏi thăm đến nhà ông Sơn.
Hiếu vào nhà, ông Sơn ở nhà một mình. Hiếu chào:
- Cháu chào chú. Chú cho cháu hỏi: chú có phải là chú Sơn, trước làm ở bệnh viện huyện không ạ?
- Đúng. Tôi là Sơn đây.
- Thưa chú cháu tên là Hiếu con mẹ Ngàn, trước mẹ cháu dạy học ở xã An Hoà...
Ông Sơn hơi giật mình, ông ướm chừng chàng trai này gần 40 tuổi.
- Cháu nói cháu tên là Hiếu?
Dạ, cháu là Trần Trung Hiếu.
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Dạ. Cháu 38 tuổi ạ, cháu sinh tháng 12 năm 1984.
...Ông Sơn trầm xuống, thế là ông có một đứa con trai không mang họ của ông, ông là Dương Thanh Sơn, nó là Trần Trung Hiếu.
Một lúc sau:
- Ta thật có lỗi với cô Ngàn lắm, ta làm khổ cô ấy. Trời trừng phạt ta, đời trừng phạt ta.
Ông Sơn:
- Cháu gọi ta bằng bố được chứ?
- Dạ. Con chào. Bố ạ!
- Ừ. Ta có lỗi với con.
Câu chuyện giữa hai người rời rạc như thăm dò, như tìm hiểu nhau...
Cuối cùng Hiếu chào ông Sơn:
- Con đến thăm bố, lần đầu hai bố con gặp nhau. Bây giờ con về Cty báo cáo công việc với giám đốc. Có thể hơn một tháng nữa con lại lên công tác.
Ông Sơn:
- Ừ, con về nhé. Lần sau lên nhớ ghé thăm bố. Bố muốn nói chuyện với con những dằn vặt trong lòng bố.
Hiếu phóng xe ô tô theo quốc lộ 2 về phương nam nơi mẹ anh, vợ con anh đang mong anh.
_____________
(*) Trường Phổ thông Cơ sở (PTCS) là loại hình trường phổ biến những năm 1980 gồm cấp 1 (cấp TH) và cấp 2 (cấp THCS).
Chuyện Quê
Đinh Tiến Hùng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cuoc-doi-so-phan-a11762.html