Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên

Kỳ 42.

Tại Phú xuân, đêm chưa khuya nên trong căn phòng của tư dinh Đại đô đốc Võ Văn Dũng còn sáng đèn. Đêm, mọi vật chìm trong bóng tối. Gió từ sông Hương thổi về mát rượi. Xa xa, tiếng chuông chùa Thiên Mụ trầm lắng ngân vang như đánh thức lòng từ bi của thế gian. Bốn người ngồi đối diện nhau ở hai ghế tràng kỷ dài, giữa là chiếc bàn đặt bộ ấm chén trà, Bốn người đó là chủ nhà Võ Văn Dũng, còn ba vị khách là Bùi Hữu Hiếu, Thái bảo Nguyễn Văn Huấn, Hám hổ hầu Phan Văn Lân.

chbdtuyen-1649860070.jpg

Tranh minh họa: Bùi Đắc Tuyên là cậu ruột của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn. Dưới triều vua Quang Trung, Bùi Đắc Tuyên nhờ thế em gái là hoàng hậu Bùi Thị Nhạn nên được làm quan trong triều. Tuyên tìm mọi cách để tạo vây cánh, dần đi vào con đường lộng quyền, khống chế cả triều đình, lấn át nhà vua trẻ, làm triều đình mất uy tín với dân ngay từ những ngày đầu gây nhiều phẫn nộ trong triều. Hắn đã bị hổ tướng Võ Văn Dũng cùng một số tướng lĩnh hạ gục. Nguồn: Internet.

 

Sau lượt trà, Võ Văn Dũng nói:

-Tại hạ mới ở Thăng Long về có vào Ba Đồn sông Linh Giang thăm Phụ chính Trần Văn Kỷ bị lưu đày, qua đó mới biết Bùi Đắc Tuyên lợi dụng là em của Bùi Thái hậu, lợi dụng vua còn nhỏ chuyên quyền quá đáng, giết hại nhiều đại thần  như đại tướng công thần Lê Văn Hưng, đày cả Phụ chính Trần Văn Kỷ, cướp đoạt lãnh địa Quy Nhơn và mọi tài sản của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc, của con là Nguyễn Bảo khiến Trung ương hoàng đế thổ máu mà chết. Sau đó  giết hại Nguyễn Bảo ở Phù Ly. Trong khi đó, giặc Nguyễn Phúc Ánh đã lấy toàn bộ Gia Định,  lấy thêm Bình Thuận, Diên Khánh và Phú Yên. Xã tắc Tây Sơn của ta hiện nay rất nguy ngập cả bên trong và bên ngoài. Chúng ta không hành động sẽ chết không có đất mà chôn. Hôm nay, tại hạ mời các vị tới đây là cùng đồng lòng diệt trừ quyền thần để cứu xã tắc, cứu bản thân. Không biết ý các vị thế nào?

Thái bảo Nguyễn Văn Huấn nói:

-Mọi người đều nhìn thấy sự lộng hành của Bùi Đắc Tuyên nhưng không ai dám nói ra, sợ liên lụy. Nay Đại đô đốc mà quyết tâm thì tại hạ cũng nghe theo.

Hám Hổ Hầu Phan Văn Lân nói:

-Để cứu xã tắc thì cũng không còn cách gì khác, tại hạ cũng nghe theo Đại đô đốc.

Võ Văn Dũng lôi ra bốn mũi tên và nói:

-Chúng ta lấy mũi tên này mà thề trung thành với sự việc lớn lao này.

Bốn người mỗi người cầm một mũi tên và thề:

-Nếu hai lòng thì bị tru diệt như mũi tên này.

Nói xong, bốn người bẻ gãy mũi tên trong tay mình,  cạn ly và bàn nhau hành động cụ thể.

Qua đi mấy hôm. Một đêm trời tối như bưng, bầu trời đen thẫm lung linh những vì sao xa xăm nhấp nhánh. Gió sông Hương thổi làm cây lá lay động xạc xào. Ở  Nam sông Hương có khoảng 1 vạn quân đang âm thầm tiến sát bao vây dinh thự của Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Họ mở cổng đột nhập vào dinh gặp ai giết nấy. Giết hết mà không thấy Bùi Đắc Tuyên đâu, kể cả trong phòng ngủ. Gặp một gia nhân, Võ Văn Dũng dí dao vào cổ và hỏi:

-Thái sư đâu, nói ngay sẽ tha mạng.

-Dạ, Thái sư đêm nay không ở nhà. Thái sư ngủ trong cung hoàng thượng.

Bốn người lại lặng lẽ cho quân tiến vào cung vua Cảnh Thịnh. Gặp quân ngự lâm đi tuần và canh gác  hỏi:

-Đại đô đốc dẫn quân đi đâu?

Võ Văn Dũng đáp:

-Đi cứu hoàng thượng, đêm nay có thích khách của quân Gia Định. Mở cửa cung mau.

-Dạ

Quân ngự lâm mở cửa. Quân bốn tướng bao vây cung Cảnh Thịnh. Cảnh Thịnh ra hỏi:

-Ai Đấy? Có việc gì?

Võ Văn Dũng nói:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế. Tâu hoàng thượng, hiện nay quân đội, các tướng lĩnh và bách tính đòi bắt quyền thần Bùi Đắc Tuyên để cứu xã tắc. Mong hoàng thượng giao Bùi Đắc Tuyên ra, nếu không tính mạng hoàng thượng cũng khó an toàn.

Cảnh Thịnh cả sợ nói:

-Thái sư ở cung bên cạnh, phía tả.

Bốn tướng đạp cửa xông vào. Bùi Đắc Tuyên chui xuống gầm giường trốn. Võ Văn Dũng chĩa gươm vào nói:

-Thái sư ra ngay nếu không muốn lưỡi gươm này đâm chết.

Bùi Đắc Tuyên hống hách như vậy mà lúc này run rẩy:

-Xin các tướng quân tha mạng.

-Tha mạng cho người thì ai đền mạng cho Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc, cho công thần Lê Văn Hưng, cho Nguyễn Bảo và cho bao trung thần bị ngươi hãm hại? Người đâu.

-Dạ, Đại đô đốc.

-Trói lại giam vào ngục của Đại đô đốc.

Hôm sau Võ Văn Dũng sai Nguyễn Văn Huấn đem chiếu chỉ của Cảnh Thịnh đến Quy Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ là con trai Bùi Đắc Tuyên. Lại phái đô đốc Hài cầm chiếu của Cảnh Thịnh triệu Ngô Văn Sở từ Thăng Long về Phú Xuân và bắt. Võ Văn Dũng sai người phao tin ba người Tuyên, Trụ, Sở có âm mưu làm phản rồi đem dìm xuống sông Hương cho đến chết, trước sự chứng kiến của hàng nghìn bách tính Phú Xuân. Bùi Thái hậu và vua Cảnh Thịnh chỉ biết ôm nhau mà khóc. Đó là mùa hạ năm 1795.

                                           IV

Một ngày cuối năm 1799, Phú Xuân mơ màng trong sương khói. Gió thu se lạnh thổi sóng sông Hương lả lướt. Vua Cảnh Thịnh đang ngồi trong điện Trung Hòa thì có nội thị vào báo:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, có thám mã từ Quy Nhơn về báo

-Cho vào.

Thám mã vào:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, có việc gì.

-Dạ bẩm hoàng thượng, Nguyễn Phúc Ánh đã đánh chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên, vừa rồi ta lại mất Quy Nhơn rồi ạ.

Vua Cảnh Thịnh hỏi:

-Ai trấn thủ Quy Nhơn?

-Dạ, các tướng giữ Quy Nhơn là Lê Văn Thanh, Thượng thư Nguyễn Văn Phác, Thiếu úy Trương Tấn Túy. Do bị quân Nguyễn vây đánh, chờ mãi không có viện binh từ Phú Xuân ra nên họ mở của thành đầu hàng.

-Bây giờ họ theo giặc rồi à?

-Dạ dù đầu hàng nhưng khi vào được thành Nguyễn Phúc Ánh đã giết cả ba tướng, sau đó Nguyễn Phúc Ánh đổi Quy Nhơn thành Bình Định ạ.

-Các tướng ở Phú Yên không ai ra cứu Quy Nhơn sao?

-Dạ, tướng Nguyễn Quang Huy từ Phú Yên ra cứu Quy Nhơn. Một mình tướng Huy đánh nhau với hơn chục tướng Nguyễn. Nguyễn Phúc Ánh lấy làm lạ ra mặt thành đứng xem, bị tướng Nguyễn Quang Huy bắn một phát tên trúng vào cánh tay trái, phải về Gia Định trị thương rồi ạ.

-Thành Quy Nhơn nay tướng Nguyễn nào giữ?

-Dạ, bẩm hoàng thượng, tướng của Gia Định là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ạ.

-Tướng Nguyễn Quang Huy của ta nay ở đâu?

-Dạ bẩm hoàng thượng, tướng Nguyễn Quang Huy bị tướng  Gia Định là Nguyễn Văn Thành từ Phú Yên đánh ra, trong thành Quy Nhơn đánh lại nên thua trận chạy lên núi Dương An rồi ạ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-42-a11775.html