Đền Tống Trân có tên tự “Tiên căn linh từ”, tên nôm Đền Thượng, đền Quan Trạng, nhân dân thường gọi là Đền Tống Trân. Tương truyền vào thời vua Lý Nam Đế ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có một người họ Tống tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, trong gia đình hiếu lễ, ngoài xã hội khoan hòa. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh (cùng huyện) tên là Đào Thị Cuông. Hai vợ chồng sống rất nhân từ, tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện, những việc làm ấy đã thấu tận trời xanh, nhà trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Đến tuổi lục tuần hai người mới có con. Bà Cuông mang thai hơn 11 tháng đến giờ Dần ngày rằm tháng tư năm Bính Ngọ (556) mới hạ sinh một cậu bé, đặt tên cho con là Tống Trân.
Tống Thiệu Công lâm bệnh trọng và qua đời khi Tống Trân mới hơn 3 tuổi. Từ đó, gia cảnh ngày một sa sút, Tống Trân đã phải dắt mẹ đi ăn xin khắp nơi. Một hôm hai mẹ con Tống Trân lang thang hành khất đến đạo Sơn Tây và vào ăn xin ở một gia đình Trưởng Giả giàu có nhưng rất keo kiệt và gian ác. Khi thấy mẹ con Tống Trân hắn liền đuổi đi và không ngớt lời chửi mắng. Lúc ấy Cúc Hoa con gái Trưởng Giả là một người nhân ái và giàu tình thương người nên đã lén lút đem cơm cho hai mẹ con ăn, không may Trưởng Giả bắt gặp, trong cơn tức giận, hắn liền đuổi nàng đi và từ chối không nhận con. Vì thế, mẹ con Tống Trân đã đưa Cúc Hoa đi cùng. Họ cùng nhau trở về quê cũ làm ăn.
Sau đó ông đỗ Trạng nguyên, vua khen là "Quốc sĩ tướng tài trong nước chỉ có một mình Tống Trân không ai sánh được". Sau khi vinh quy, Tống Trân kết duyên với Cúc Hoa, người xã Phù Anh cùng huyện. Cưới được 3 tháng, vua sai Tống Trân đi sứ Trung Quốc. Hoàng đế của Trung Quốc ngày đó muốn thử tài, sai bắt giam Tống Trân vào chùa Linh Long, trong chùa chỉ có tượng phật và nước lã. "Có nước uống, ắt phải có cái ăn, nghĩ vậy, Tống Trân bèn bẻ thử tay tượng thì quả nhiên tượng được đắp bằng chè lam. Bốn tháng sau, vua cho mở cửa chùa thì thấy Tống Trân vẫn sống đàng hoàng, nhưng tượng Phật không còn. Vua phục tài, phong Tống Trân là "Phụ quốc, thượng tể đẩu Nam Tống đại vương". Qua nhiều lần thử tài văn chương, võ nghệ, vua càng khâm phục phong là "Lưỡng quốc trạng nguyên".
Mười năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa đã bị ép lấy chồng khác. Tống Trân giả dạng tìm đến dò la ý tứ, biết vợ vẫn chung thủy với mình, Tống Trân đón nàng về, vợ chồng đoàn tụ. Nhà vua biết chuyện cảm động phong cho Cúc Hoa là Quận phu nhân. Còn Tống Trân sau làm Phụ chính đại nhẫn". Làm quan đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về, mở trường dạy học tại quê nhà, được 5 năm thì mất. Vua thương tiếc phong sắc "Thượng đẳng phúc thần", sau lại gia phong "Thượng đẳng tối linh phụ quốc thượng tể đẩu Nam song toán Tống đại vương", và truyền cho dân làng lập đền thờ. Người đời sau đã viết truyện Tống Trân - Cúc Hoa, một tác phẩm thơ Nôm dân gian nổi tiếng, ca ngợi tài đức, tình yêu và lòng chung thủy của Tống Trân- Cúc Hoa.
Lễ hội tưởng nhớ Tống Trân là sự tái hiện truyền thuyết về Tống Trân - Cúc Hoa. Lễ hội diễn ra xung quanh cụm di tích này: Đền Tống Trân (thôn An Cầu - Tống Trân), Đền Cúc Hoa (thôn Phù Oanh - Minh Tiến) và đền Nông (An Cầu, thờ thần địa phương). Tương truyền đền được xây dựng trên nền nhà cũ của Tống Trân từ thời Lý và đã được tu sửa nhiều lần “ Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt; Sứ sự mười năm khét đất Ngô”. Năm 1991, đền Tống Trân được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Sau nhiều lần tu sửa nâng cấp, được nhà nước đầu tư kinh phí, đền Tống Trân được trùng tu lại như hiện nay.
Phụng Thiên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/den-tho-luong-quoc-trang-nguyen-tong-tran-a11780.html