Cảm tử quân trên dòng sông Phố

Một tiếng nổ kinh hoàng, rung chuyển cả một vùng lúc 2 giờ 15 phút ngày 8-10-1974. Cầu Hóa An bị phá sập, ba chiến sĩ Thường, Thiết và Đệ anh dũng hy sinh, chiến sĩ Thưởng bị sóng xung kích của bộc phá hất lên bãi sông nằm ngất lịm.

Tháng 10-1974, nhận Chỉ thị của Bộ chỉ huy Miền, Trung đoàn 113 (nay là Lữ đoàn Đặc công 113-Binh chủng Đặc công) được lệnh phá hủy cầu Hóa An (còn gọi là cầu Mới), bắc qua sông Đồng Nai, đoạn gần thị xã Biên Hòa, do công binh Mỹ và công binh Pắc Chung Hy (Nam Triều Tiên) xây dựng từ năm 1970.

song-pho-1650000646.jpg
Chân dung các thành viên của Tổ đặc công đánh cầu Hóa An (từ trái sang phải: Nguyễn Trung Thường, Triệu Văn Thiết, Trần Văn Đệ và Nguyễn Văn Thưởng). Ảnh tư liệu

Cầu có cấu trúc hiện đại, dài 820m, rộng 8m với 27 nhịp. Nằm trên trục giao thông quan trọng, cầu được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Các trụ cầu đều được rào bao quanh những tấm lưới thép kèm một bóng điện 1.000W chiếu sáng. Cứ 4 trụ cầu có 1 vọng gác, 2 trụ cầu giữa sông có 1 vọng gác sát mặt nước. Hai đầu cầu có một đại đội lính bảo vệ, với các nhà ngủ, lô cốt vững chắc. Đặc biệt, cách 50m phía thượng và hạ lưu cầu, địch chăng dây kẽm gai ngầm đề phòng đặc công đột nhập (trừ một lối để ghe thuyền qua lại). Mặt sông có 3 tàu bo-bo túc trực tuần tiễu, đèn pha chiếu quét sáng rực. Từ khi xây dựng cho đến tháng 10-1974, cầu chưa bị đánh phá lần nào. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tạo thế chia cắt trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long sắp mở màn.

Tiểu đoàn 23 là một đơn vị đặc công nước trực thuộc Trung đoàn 113. Tại đây, tiểu đoàn được biên chế thêm Đại đội Đặc công nước 22 - một đơn vị trực thuộc trung đoàn đã bám địa bàn chiến đấu từ năm 1972. Với quyết tâm rất cao, Tiểu đoàn 23 giao nhiệm vụ cho tổ trinh sát gồm hai đồng chí Nguyễn Văn Thưởng và Nguyễn Trung Thường đi nghiên cứu nắm địch. Địch phán đoán được ý định của ta nên tăng cường bố phòng nghiêm ngặt. Nhưng hai đồng chí Thưởng và Thường đã vượt qua các đồn bốt, ổ phục kích và các trạm gác dày đặc của địch, ngâm mình dưới dòng sông hàng chục tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều chướng ngại vật tự nhiên như sình lầy, kênh rạch, bãi trống... luồn được vào khu vực cầu nắm tình hình, quy luật hoạt động của địch, đặc biệt là khu vực gần cầu và gầm cầu. Sau đó, hai chiến sĩ còn vào tận trụ cầu giữa sông, đánh giá được độ vững chắc, xác định được điểm đặt bộc phá, tính toán được lượng thuốc nổ cần sử dụng.

Sau khi nghe các đồng chí báo cáo kết quả trinh sát, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 23 đã nhanh chóng giao nhiệm vụ cho Đại đội 2 chọn 4 đội viên ưu tú nhất trong diện xung phong để đảm đương trọng trách cao cả này. Bốn đồng chí gồm: Nguyễn Trung Thường là Tổ trưởng; Triệu Văn Thiết - Tổ phó; Trần Văn Đệ và Nguyễn Văn Thưởng là Tổ viên. Trong số này, các đồng chí Thường, Thiết, Đệ đã từng tham gia chiến đấu đánh sập nhiều mục tiêu cầu, cống của địch dưới thời bọn tập đoàn phản động Lon Non trên đất bạn Cam-pu-chia, lập công xuất sắc. Phương án tác chiến được tính toán, riêng vấn đề lượng nổ bao nhiêu để phá sập cầu vẫn tiếp tục được cân nhắc. Ban chỉ huy Tiểu đoàn suy tính, nếu theo tính toán của Tổ lượng nổ từ 450 đến 500kg là quá sát. Phải dự kiến tình huống không thể đưa lượng nổ vào sát trụ cầu được, cần phải tăng lên 700kg mới đủ sức phá cầu.

CCB Nguyễn Văn Thưởng (người duy nhất sống sót) kể lại: “Chưa kịp hỏi ai sẽ xung phong nhận nhiệm vụ đặt thuốc nổ này thì đồng chí Nguyễn Trung Thường đứng thẳng dậy và nói: Tôi xin nhận lao khối thuốc vào cầu và giật nổ tức thì! Giọng đồng chí Thường rất trang nghiêm và ánh mắt rực sáng. Tất cả những người có mặt trong buổi giao nhiệm vụ lần lượt siết chặt tay Thường, vây kín lấy anh nhưng đều im lặng bởi vô cùng xúc động và tự hào về đồng đội của mình. Từ giờ phút ấy cho đến khi các đồng chí lên đường, hầu như không đồng chí nào muốn rời nhau. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của anh em khi nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy Tiểu đoàn và Trung đoàn rất tin tưởng”.

Sẩm tối 7-10-1974, Đại úy Đinh Xuân Nghiêm - Tham mưu trưởng Trung đoàn Đặc công 113 (nay là Đại tá nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh) cùng với cán bộ đơn vị trực tiếp chỉ huy gần 50 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 23 khẩn trương vận chuyển số lượng hợp chất C4 tại xóm Thuộc Nghĩa, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa xuống bến vượt ven sông Đồng Nai. Giao cho bộ phận quân giới trung đoàn gói buộc rất kỹ lưỡng rồi bỏ vào hai giỏ sắt hình chữ nhật đã hàn sẵn, ghép vào hệ thống phao làm giá đỡ được dùng bằng vỏ đạn H12 hàn kín miệng và nhiều ruột xe GMC của Mỹ bơm căng hơi. Tổ đánh cầu đón nhận khối thuốc nổ và chia tay mọi người trong tâm thế hết sức phấn chấn, tự tin, bằng bất cứ giá nào cũng mang vinh quang chiến thắng trở về, góp phần tô thắm lá cờ truyền thống của đơn vị.

Đêm hôm đó, toàn tổ xuất phát từ bến Tân Định thuộc huyện Vĩnh Cửu, đưa khối bộc phá trôi ngầm dưới mặt nước, các chiến sĩ lặng lẽ bơi, thả, nhằm cầu Hóa An tiến tới. Khoảng 2 giờ sáng, khi đến gần sát cách khoảng 20m khu vực trụ cầu đã xác định trước, tổ đang hoàn thành những thao tác cuối cùng để đưa khối bộc phá áp sát vào trụ cầu thì bị địch phát hiện, lập tức đạn các cỡ bắn xối xả xuống sông và nhằm vào đội hình của tổ đánh cầu. “Đã bị lộ!"- Tiếng đồng chí Thường lẫn trong tiếng súng và anh hô tiếp: “Theo phương án hai! Nhanh lên, đừng chần chừ nữa!”. Trước tình huống bất ngờ, nguy cấp đó, như một tia chớp, chiến sĩ Thưởng lặn một hơi ra xa đội hình của tổ, rồi nổi lên mặt nước cố ý đánh động làm mục tiêu thu hút, đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho tổ tiếp tục thực hiện trận đánh. Cùng thời điểm đó, 3 chiến sĩ Thường, Thiết, Đệ đẩy khối thuốc vào sát trụ cầu. Bọn địch rất xảo quyệt, chúng chỉ cho một ca-nô đuổi theo chiến sĩ Thưởng, số còn lại vẫn bám lấy các đồng chí đang đẩy thuốc vào trụ cầu, lúc đó tiếng súng, tiếng động cơ ca-nô vang cả một khúc sông Đồng Nai. Nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm cộng với kỹ chiến thuật đặc biệt tinh nhuệ, 3 đồng chí nhanh chóng đưa khối bộc phá áp sát trụ cầu, điểm hỏa đầu nổ tức thì. Một tiếng nổ kinh hoàng, rung chuyển cả một vùng lúc 2 giờ 15 phút ngày 8-10-1974. Cầu Hóa An bị phá sập, ba chiến sĩ Thường, Thiết và Đệ anh dũng hy sinh, chiến sĩ Thưởng bị sóng xung kích của bộc phá hất lên nằm ngất ở bãi sông, đến sáng được cơ sở nhân dân phát hiện và chỉ hướng. Ba ngày sau, Thưởng mới tìm về tới căn cứ trong niềm vui khôn xiết của đơn vị.

Ngay sáng hôm sau, đài BBC đã đưa tin về trận đánh này: “Cầu Hóa An (cầu Mới) bắc qua sông Đồng Nai đã bị Đặc công Việt Nam phá sập hai nhịp giữa, giao thông hoàn toàn bị tắc nghẽn, gây trở ngại cho Quân đội Việt Nam cộng hòa trong việc cơ động lực lượng chi viện cho các chiến trường”.

Tổ đặc công đánh cầu Hóa An trên sông Đồng Nai thuộc Tiểu đoàn 23 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và Quân ủy - Bộ chỉ huy Miền tuyên dương: Tổ Hành động Anh hùng. Cả bốn đồng chí trong Tổ đánh cầu năm ấy đều được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Hành động của họ ngang tầm các chiến sĩ cảm tử quân dùng bom ba càng lao vào xe tăng địch hay các anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm nào... Đã hơn 40 năm trôi qua , thi hài các anh được bà con cô bác bất chấp sự đe dọa của kẻ thù, đã đón vớt gởi vào lòng đất mẹ Đồng Nai. Giờ đây mỗi khi nhớ lại lòng chúng tôi cảm thấy bồi hồi, tiếc thương, cảm phục và tự hào về các anh những Cảm Tử quân trên dòng Sông Phố.

Với nhiều chiến công lẫy lừng, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập (3-6-1972/3-6-2015), Lữ đoàn Đặc công 113 đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tổ đặc công đánh cầu Hóa An trên sông Đồng Nai, thuộc Tiểu đoàn 23.

Nguồn : SKNC - BLL Đoàn Đặc Công 113 với BHĐN

P/s : (*) Trên sông Đồng Nai có đoạn gần cầu Hóa An gọi là khúc Sông Phố - Trang 202

-Từ khi xây dựng cho đến tháng 10 năm 1974, cầu chưa bị đánh phá lần nào. Tháng 3 năm 1974, đơn vị được lệnh nghiên cứu, tổ chức đánh cầu. Tổ trinh sát gồm ba đồng chí: Trọng, Lâm (Tiểu đoàn 23) Dưỡng (trinh sát Trung đoàn) trên đường vận động đến mục tiêu bị địch phát hiện. Chúng huy động cả một đại đội hơn 100 tên, bao vây quyết bắt sống ba người. Nhưng, cả ba đồng chí đã kiên quyết đánh trả địch quyết liệt diệt nhiều tên, cả tổ đã anh dũng hy sinh tại trận địa, nên việc nghiên cứu phải tạm ngưng.

-Tháng 10-1974, nhận Chỉ thị của Bộ chỉ huy Miền, Trung đoàn 113 (nay là Lữ đoàn Đặc công 113-Binh chủng Đặc công) được lệnh phá hủy cầu Hóa An (còn gọi là cầu Mới).

Trái tim người lính

Thành Đô ( St-Tổng hợp )

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cam-tu-quan-tren-dong-song-pho-a11811.html