Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Phát triển du lịch từ chính vốn liếng di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả ở nhiều vùng miền, nhất là mô hình du lịch cộng đồng (homestay) ở các bản, buôn làng.

Mô hình này thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến trải  nghiệm, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân bản địa. Người dân có thêm nghèo cơ hội thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và đặc biệt là có điều kiện phát huy các giá trị văn hóa bản địa.

Chú thích ảnh Các homestay được trang trí mang đậm bản sắc dân tộc Mông (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Những bản làng đậm sắc màu văn hóa

Lai Châu đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách bởi khí hậu trong lành, sự thân thiện, mến khách của người dân bản địa. Nơi đây sở hữu nhiều cảnh quan nguyên sơ, các di tích lịch sử và những đỉnh núi “chỉ nghe tên là muốn khám phá” như Putaleng, Phu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Chung Nhía Vũ, Pú Đao hay Pờ Ma Lung... Có thể nói, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào dân tộc thiểu số là những lợi thế riêng có để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu) - bản của đồng bào người dân tộc Dao nằm cách trung tâm thị trấn khoảng chừng 6km. Nơi đây được bao bọc với 4 bề là núi non hùng vĩ, còn ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào người dân tộc Dao. Những năm gần đây, bản làng đã đón khá nhiều du khách đến khám phá văn hóa cũng như trải nghiệm bay dù lượn.

Ngày nay, người dân trong bản đã trở nên quen thuộc với việc đón tiếp du khách. Nhiều gia đình đã  đầu tư homestay để phục vụ du khách ăn nghỉ; hướng dẫn cách khách làm trang phục cũng như trải nghiệm nghề thủ công truyền thống của người dân tộc Dao.

Anh Trần Trường, một hướng dẫn viên du lịch tự do cho hay: Du khách mà lên được với bản làng vùng cao này thường là thanh niên, thích khám phá, mong muốn gần gũi với thiên nhiên. Họ thích tìm hiểu các sản văn hóa, hòa mình vào các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ cấp sắc, lễ nhảy lửa) hay đơn giản chỉ là thưởng thức những món ăn truyền thống do chính tay người dân bản địa chế biến. Với người yêu thích du lịch mạo hiểm, họ muốn được xem và trải nghiệm bay dù lượn, chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của thung lũng Tam Đường từ trên cao. Để tham gia bay dù, du khách cần đặt trước để được phục vụ chu đáo nhất…

Tỉnh Kon Tum là nơi sinh sống của 28 dân tộc anh em, trong đó có các dân tộc thiểu số: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Sự đa dạng về thành phần dân tộc giúp Kon Tum có một kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đậm đà bản sắc. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch địa phương phát triển bền vững.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, hệ thống di sản văn hóa của Kon Tum rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa. Điều này thể hiện ở các luật tục, cư trú, kiến trúc, lễ hội và các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật dân gian, ẩm thực, trang phục, thổ cẩm... Biết rõ vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đối với cộng đồng, xã hội, các cấp chính quyền và ngành Văn hóa Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số và  phát huy giá trị trong hoạt động du lịch…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã phối hợp chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan triển khai hệ thống mô hình du lịch văn hóa nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh như di sản văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán sinh hoạt, đời sống, kiến trúc…

Làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum là một ngôi làng cổ ở tỉnh Kon Tum. Nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của đỉnh núi Kong Muk, cùng với dòng suối Krong Blah hiền hòa và bãi cát vàng rất thu hút. Đồng bào Ba Nar đến nay vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp về lễ thức, phong tục tập quán truyền thống trong cuộc sống thường ngày như hệ thống lễ hội cộng đồng, văn hóa ẩm thực, nhà rông, nhà sàn, trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng…Vì vậy, nơi đây đã được tỉnh Kon Tum chọn làm khu du lịch sinh thái.

Về thăm Kon K’Tu, du khách không chỉ hòa mình với đời sống sinh hoạt hàng ngày cùng người dân mà còn được làm quen với dân ca, nhạc cụ truyền thống qua các màn giao lưu múa xoang - múa cồng chiêng cùng vô số lễ hội đặc sắc... Đặc biệt là làng Kon K’Tu là một trong những cộng đồng hiếm hoi còn nhiều nghệ nhân thông thạo nghệ thuật dân gian kể sử thi và biểu diễn cồng chiêng.

Không chỉ có Kon K’Tu, ở Kon Tum đã hình thành những điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn và thu hút du khách như làng Kon Pring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông); làng Đăk Răng  (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi); làng Kon Brăp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy)... Những ngôi làng du lịch này đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc các giúp người dân giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước. Bác nói: "Văn hóa soi đường quốc dân đi". Văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc, là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước. Đảng, Nhà nước ta xác định văn hóa của đồng bào dân tộc là di sản quý báu, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, đặc biệt là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sức mạnh bền vững, trường tồn để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tại rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định: Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Để công tác này đạt hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021-2030, các cơ quan chức năng cần chú trọng đổi mới chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch...”.

Chính vì lẽ đó, tháng 3/3022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Đây là dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, triển khai giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Dự án này sẽ góp phần hành động thiết thực nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, dự án nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Dự án sẽ thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Các hoạt động của dự án hướng tới bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh Loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm cuộc sống Homestay tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dự án phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Các đơn vị liên quan ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp với cùng một địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện dự án ở các cấp, các ngành  sẽ được thực hiện trên cơ sở tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Dự án.

Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn trung ương và địa phương. Trong đó, nguồn vốn đầu tư Trung ương hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nguồn vốn từ Trung ương cũng hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch.

Thanh Giang (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ton-vinh-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-bai-cuoi-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich-a11858.html