Sự kiện thu hút sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, chuyên gia về văn hóa dân tộc và đại diện lãnh đạo nhiều địa phương.
Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng nhưng có nhiều giá trị thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Đồng thời, mỗi dân tộc lại có những nét đáo riêng có, tạo nên bản sắc của dân tộc mình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục qua từng thế hệ con người Việt Nam. Tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng như bài học sinh động từ thực tiễn ở địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, nhằm bổ sung các giải pháp để nhiệm vụ của ngành đạt hiệu quả cao.
Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như phát huy truyền thống văn hóa xây dựng môi trường văn hóa góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; môi trường văn hóa dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề cập đến những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay; phát huy truyền thống văn hóa các tộc người ở Việt Nam; đoàn kết các dân tộc để phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong xây dựng môi trường văn hóa…
Các ý kiến, tham luận tại hội thảo đã nêu bật những nét đẹp của văn hóa dân tộc, tầm quan trọng văn hóa dân tộc trong qua trình xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phải coi môi trường văn hóa dân tộc là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (thực hành văn hóa sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức...) bởi đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc ấy. Bởi vậy, môi trường này cần được bảo vệ, củng cố và phát huy nhằm xây dựng nên những con người văn hóa…
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch khẳng định: Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương, chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp… Đó là những vấn đề quan trọng và thiết thực, cần được nghiên cứu chuyên sâu.
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nêu một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc hiện nay như đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa…
“Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và càng khó khăn hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đòi hỏi những giải pháp có tính cấp bách cũng như lâu dài”, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nói.
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến thiết thực về xây dựng môi trường văn hóa từ các địa phương, trong đó nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, kết quả đạt được cũng như hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng.
Ý kiến của đại biểu tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, góp phần giúp cho ngành thực hiện thắng lợi các chủ đề công tác năm 2022 là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức - cán bộ”, hướng đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Phương Lan (TTXVN)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phat-huy-truyen-thong-van-hoa-cac-dan-toc-trong-xay-dung-moi-truong-van-hoa-a11867.html