Cái cổng trước hoành tráng, hai cánh cửa làm bằng hai tấm thép đúc, được các thợ hàn có tay nghề cao dùng gió đá cắt từng hoa văn tinh xảo như những bức tranh nghệ thuật vậy. Mà lối cổng chính lúc nào cũng đóng im ỉm chỉ khi con trai Bác về thì cửa mới được mở ra thôi. Hàng ngày những người giúp việc trong gia đình và cả Bác hai đều đi ra vào bằng lối cổng phụ phía bên hông nhà. Nói là cổng phụ nhưng nếu một chiếc xe 4 bánh vẫn ra vô một cách dễ dàng.
Bác Hai mỗi buổi chiều hay đi từ lối cổng phụ rồi sang tuốt bên kia đường đứng ngắm căn nhà như tòa lâu đài của thằng con trai mình. Nhất là lúc buổi chiều ráng vàng óng rực sáng từ phía mặt trời lặn như một vầng hào quang bao trùm cái lâu đài nhìn thiệt đã con mắt.
Từ từ chiều nào bác cũng ra bên kia đường đứng trên con lộ để ngắm cái lâu đài như cổ tích mà con trai bác đã bỏ tiền tỷ tỷ ra xây. Ở ngay đầu con đường nhỏ hướng về cánh đồng có một xe nước mía, vài người đàn ông đang ngồi nói cười vui vẻ tay thì chỉ về tòa lâu đài không biết họ nói gì? Bác hai bước đến ngồi xuống ghế kêu ly nước mía.
Bàn kế bên có bốn người thanh niên một người nói :
- Đố mấy ông biết cái lâu đài bên đó của ai?
- Thì chắc của ông quan nào chớ gì.
Một anh cãi :
- Quan nhà nước lương có bao nhiêu đâu mà cất nguyên cái lâu đài như vậy.
- Nghe hôm trả lời trên báo ổng nói ổng chạy xe ôm ban đêm cả chục năm kiếm tiền dành dụm cất ngôi nhà đó.
Một anh cười ngất :
- Đúng là xạo như vậy mà cũng nói được. Tui chạy xe ôm gần hai chục năm mà chạy cả ngày lẫn đêm giỏi lắm thì cũng kiếm được tiền chợ. Hôm nào cán đinh bể vỏ bể ruột thì mượn tiền góp chết mịa luôn nè.
Bỗng anh ta nhìn sang Bác Hai rồi hỏi :
- Con nói như vậy đúng không bác?
Bất ngờ nên Bác Hai ấp úng gật đầu mà không biết trả lời sao. Một anh hỏi :
- Bác nhà cũng gần đây hả bác?
Bác Hai gật đầu nói:
- Dà, qua đi tập thể dục ngang đây thôi.
Thò tay vô túi Bác Hai lấy ra gói thuốc ba số 5 mời mọi người.
Một người vừa châm điếu thuốc hỏi :
- Xin lỗi, bác được bao nhiêu tuổi rồi Bác?
Bác Hai trả lời :
- Qua hơn 70 rồi chú ơi.
Anh ta khen:
- Nhìn Bác còn tráng kiện quá. Tuổi như bác mà được vô cái biệt phủ kia mới sướng.
Một người nói:
- Thôi đi mày ơi để ông già ổng yên. Ngoài Quảng Ninh biệt phủ trị giá 100 tỷ còn cháy chết bà chủ nhà kia kìa.
Bà chủ quán nói :
- Tui nghe nói nhà đó kín cổng cao tường, trong nhà trang trí toàn gỗ quý nên khi cháy chủ nhà trở tay không kịp.
Một anh nói:
- Tôi có thắc mắc như vầy nhe. Nhà đóng kín như vậy, tường thì cao ngời ngợi. Tụi mình là dân địa phương mà chưa biết mặt mày chủ nhà là ông bà nào, mặt tròn mặt méo ra sao nữa. Vậy mà cái biệt phủ ngoài QN vừa cháy, báo viết : Chủ nhà sống hòa đồng với mọi người được nhiều người quý mến. Mấy ông thấy hòa đồng chỗ nào chỉ giùm tui cái.
Nhìn sang cái lâu đài một người nói :
- Tui thấy cái biệt phủ kia chắc bên trong cũng toàn là gỗ quý, hôm trước tết có tốp thợ than là lãnh tiền công đánh véc ni cho nguyên cái nhà tiền công 100 triệu còn lỗ sặc máu.
Một anh khác :
- Như tụi mình nhà trống trước trống sau vậy mà sướng, muốn đi đâu thì đi không lo trộm cướp gì, lỡ có cháy thì múc nước dưới kinh tát lên chút nó cũng tắt. Ở trong lâu đài như vậy lỡ có cháy thì biết chạy đâu? Xe PCCC có tới cũng khó mà vô chữa cháy phải không Bác?
Bác Hai lại gật đầu, bác cứ tưởng người đời họ sẽ ngưỡng mộ cuộc sống hiện tại của cha con Bác, không ngờ trong mắt họ có cái nhìn khác như vậy.
Trả tiền ly nước mía cô chủ quán xua tay :
- Mấy anh đó trả cho bác rồi bác ơi.
Lấy con cá lóc đang nướng trên bếp một người thanh niên chợt mời :
- Anh em tụi cháu đang chuẩn bị nhậu nếu bác không chê tụi con mời bác cùng nhậu cho vui.
Thấy Bác ngần ngừ một anh nói :
- Dạ trước lạ sau quen mà bác.
Bác Hai không dám nhìn qua bên đường vì sợ người ta biết bác là người đang sống trong tòa lâu đài tráng lệ kia. Bác theo họ men theo bờ đất nhỏ có lối dẫn ra cánh đồng không còn màu xanh mơn mởn của lúa mà đã được bơm đầy cát đang hình thành một khu dân cư mới. Đến một bờ đất trống cả đám ngồi bẹp xuống đất, bác khẽ thở dài, bác chợt nhớ lại ước gì giờ này bác được ngồi với những người bạn chăn vịt chạy đồng, hay nâng ly rượu đế với những người bạn hàng xóm tuy mang tiếng nhà quê mà đầy ắp thân tình.
Một người chỉ qua khu dân cư đang xây dựng bên kia nói :
- Ở đây trước là đất ruộng, tụi cháu mỗi đứa có được vài công. Rồi vô khu quy hoạch nên mỗi công được bồi hoàn vài trăm triệu. Bây giờ khu dân cư hình thành có giá 3 tỷ cho một cái nền 100 mét vuông đó bác. Lạ cái là công trình khu dân cư nào xong rồi họ cũng than lỗ hết.
Một anh nói tiếp :
- Khu đất này nằm ở ngoài khu quy hoạch cháu cũng đang chờ giá cao cao một chút bán kiếm vốn rồi qua bên sông mua miếng đất gần mấy anh bạn này để hủ hỉ có nhau. Tuy tụi cháu không phải là con ruột thịt gì, tuy chỉ là bà con lối xóm nhưng thân nhau còn hơn anh em ruột nữa bác ơi.
Bác Hai muốn đứng dậy ngõ lời kiếu từ vì bác chợt nhớ ra hôm nay là chiều thứ bảy là ngày thằng con trai bác hay về thăm bác mặc dù cũng lâu lắm rồi nó không về thăm... Rồi bác chợt nghĩ rằng mong là những người bạn mới này mong là họ đừng biết mình đang ở trong cái tòa lâu đài đó. Nhìn họ nói chuyện với nhau vui vẻ một cách ung dung tự tại Bác ước gì mình cũng được như họ vậy. Rồi bác cũng chợt nhớ ra là từ khi về ở với thằng con trai bác cũng đã quên hương vị của con cá lóc đồng nướng trui thật lâu lắm rồi. Bác bỗng nhớ quê, nhớ cánh đồng mùa nước nổi, nhớ những người bạn hàn vi mà từ ngày sống trong căn Biệt phủ kia bác đã ngày một quên đi.
Chuyện làng quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mui-ca-nuong-a11887.html