“Đi tìm một vì sao” – Cuốn tự truyện đậm chất văn chương

Sáng nay (21/4), nhân “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022”, tại Thư viện Quốc gia Hà Nội (31,Trang Thi, Hà Nội), đã diễn ra lễ ra mắt cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao”.

Tác giả của cuốn sách là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT&DL - Phạm Quang Nghị. Sách dày 650 trang in khổ giấy lớn (16X24) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2022. Đây không phải là quyển sách đầu tiên mà là quyển sách thứ 9 của tác giả Phạm Quang Nghị.

Một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội, tỉnh Hà Nam; đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, đồng môn, bạn học, người thân của tác giả đã tới dự.

img-20220421-091355-1650535435.jpg
Tác giả Phạm Quang Nghị giới thiệu tóm tắt tác phẩm  “Đi tìm một vì sao”.

 

Mở đầu buổi giao lưu, tác giả Phạm Quang nghị chia sẻ: Sách này viết sau khi “treo ấn từ quan” về nghỉ hưu, bước sang tuổi U80. Tác giả giới thiệu tóm tắt ghi lại quãng đời của mình, từ tuổi thơ, "Lớn lên bên dòng sông Mã" (Thanh Hóa), tới trưởng thành "Chào mẹ con đi để được làm người", hồi tưởng "Những chuyện đã qua". Tác giả nhớ và ghi lại được khá chi tiết, sinh động về quá khứ dài dặc của cuộc đời. Trên con đường vạn dặm, tác giả đã vượt qua bao gian khổ, ác liệt, tình đồng đội, tình yêu thương của người dân, đã giúp anh vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ vào chiến trận. Nơi ấy, bom rơi đạn nổ, quân thù càn quét, dội mưa bom bão đạn, tình đồng chí, đồng bào thắm thiết và niềm tin tất thắng giúp anh có thêm nghị lực, dũng khí, vững vàng trên vị trí người lính xung kích của mặt trận chính trị tư tưởng, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Những vấn đề tưởng dễ mà lại khó và ngược lại những vấn đề tưởng khó mà lại dễ khi bắt tay vào viết tự truyện.

img-20220421-085247-1650535478.jpg
Gặp chia sẻ, chúc mừng đồng hương, đồng môn Phạm Quang Nghị trước khi giao lưu ra mắt sách  “Đi tìm một vì sao”

 

Trao đổi tại buổi giao lưu, Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương nêu rõ: Đi tìm một vì sao là những trang viết công phu, hấp dẫn kể về những câu chuyện đời thường, những năm tháng đã qua. Tác giả đi tìm lý tưởng, con đường để đạt được ý tưởng đó. Tác giả từng làm việc ở Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, làm việc hết mình, luôn làm tròn trách nhiệm, nhất là từ lúc trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, rồi Bộ Chính trị. Rất nhiều trang viết trong “Đi tìm một vì sao” gây xúc động bởi cách viết, các kể mộc mạc, chân thật, sống động của một thứ văn chương không cần đến tưởng tượng hư cấu. Từ ngôn từ đến sự kiện, không gian, thời gian, địa danh, tên người và những nghĩ suy, cảm xúc của tác giả. Tất cả đều chân thật và có thật.

img-20220421-165306-1650535360.jpg
Lưu bút của tác giả Phạm Quang Nghị thân tặng sách.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng “Đi tìm một vì sao” là một tự truyện đậm chất văn chương. Như phụ đề của tên sách: Tự kể về mình, tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời của mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc. Cùng với những ký ức chân thực và sống động ấy là những chiêm nghiệm sâu sắc mà chính tác giả nhận ra trong đời sống và mỗi câu chuyện thường ngày được ông kể đều chứa đựng trong đó những tầng sâu suy tưởng và những thông điệp. Cuốn tự truyện như là bộ hồ sơ cá nhân của một con người. là lịch sử của một con người nhưng từ đó người đọc nhìn thấy những thời khắc lịch sử của một dân tộc. Đồng hành cùng dân tộc trong những biến dộng lớn của lịch sử từ những năm tháng chiến tranh cho đến những năm tháng hòa bình, mỗi ngày của ông đều chứa đựng một phần của sự kiện của đất nước có đời sống cá nhân ông. Đấy chính là sự hấp dẫn và là giá trị của cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao”.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, PGS TS Phạm Quang Long đề bày tỏ “Đi tìm một vì sao” là quyển sách hay, tất cả cuộc đời của tác giả Phạm Quang Nghị đều gói gọn trong cuốn sách đó, ấn tương nhất trong đó là tác giả nghĩ về người mẹ rất hiện đại, chịu thương, chịu khó và tình cảm của tác gải với người mẹ. Chính đó làm nên nhân cách của Phạm Quang Nghị.

Còn Phạm Thị Thanh Bình, là con gái của tác giả Phạm Quang Nghị đọc bài viết sẵn của người chồng là con rể bày tỏ tự hào, khâm phục người cha vợ xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, là người yêu lao động, không khuất phục trước khó khăn, làm gì cũng cẩn thận, tỷ mỷ, chịu khó học, lưu giữ được nhiều tư liệu để viết nên cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao”. Tin tưởng là sẽ có nhiều người tìm đọc quyển sách này.

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-tim-mot-vi-sao-cuon-tu-truyen-dam-chat-van-chuong-a11933.html