Bóng đá Thành Nam

Chuẩn bị cho SEA Game 31, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có chuyến tập huấn tại Hàn Quốc. Đội đã có 2 trận đấu với Tuyển nữ Hàn Quốc, kết quả 1 thắng 1 thua. Ở cấp CLB, Tuyển nữ Việt Nam đã thắng Đội bóng nữ trường đại học Uiduk với tỷ số 4-1 và hòa CLB Gyeongju với tỷ số 2-2.

image-1-1650549339.png

Ngày hôm nay (21/4), Tuyển nữ Việt Nam sẽ về nước và di chuyển ngay tới Quảng Ninh tập luyện, chuẩn bị cho môn bóng đá nữ SEA Game 31 sẽ tổ chức ở Quảng Ninh.

Bóng đá Nam Định thật lắm người tài và cổ động viên Nam Định cũng thuộc TOP CĐV nhiệt nhất Việt Nam.

Ông Chủ quán phở Ngọc Vượng, hậu duệ phở Cồ thành Nam đã thống nhất với HLV Mai Đức Chung, lo cho Tuyển nữ Việt Nam bữa ăn nhẹ là những bát phở quê hương để đội có thời gian kịp về Quảng Ninh ngay trong ngày.

Phạm Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược liệu Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, người con của đất Nam Định, cũng đã kịp sản xuất để ủng hộ đội tuyển nữ Việt Nam những viên sủi Sâm Ngọc Linh dùng cho đợt thi đấu tại SEA Game và cả ký lô gam Sâm Ngọc Linh 18 năm tuổi để nâng cao sức khỏe cho các tuyển thủ nữ Việt Nam.

Nhân dịp này, xin giới thiệu về Bóng đá thành Nam

“Sông kia rày đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.

(Tú Xương)

image-2-1650549339.png

Không cứ sông Vị Hoàng chảy qua Thành Nam bị lấp mà nền bóng đá Nam Định cũng bị phôi pha qua thời gian. Hồi thuộc Pháp, Nam Định đã là trung tâm bóng đá lớn xứ Bắc kỳ. Đội Cotonkin Nam Định đã từng giành chức vô địch Đông Dương vào các năm 1941 – 1945.

Thành phố Nam Định được thành lập trước cả Phố Hiến lẫn Hội An. Với chiều dài gần 800 năm thành lập, lịch sử Thành Nam chỉ xếp sau Hà Nội về mốc thời gian.

Hà Nội xưa có câu ca 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng tự hào khi có tới 40 phố cổ mang tên làng nghề như Hàng Vàng, Hàng Bát, Hàng Kẹo, Hàng Mâm, Hàng Tiện, Hàng Nâu,Hàng Thao, Hàng Ghế, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Vải Màn, Hàng Rượu, Hàng Sũ, Hàng Cấp, Hàng Cau, Hàng Thao, Hàng Đồng, Bến Thóc, Bến Ngự, Cửa Trường, Tràng Thi...

Năm 1921, chính quyền thuộc địa Đông Dương quy hoạch thành phố Nam Định thành 10 khu phố với 40 phố. Sau khi bạt thành lấp hào, có thêm hàng loạt phố mới mang tên Tây như Avenue Clémenceau (nay là Trần Phú), Boulevard Galliéni (nay là Hoàng Hoa Thám), Rue Francis Garnier (nay là Máy Tơ), Avenue Brière L isle (nay là Trần Quốc Toản), Boulevard Paul Bert (nay là Trần Hưng Đạo)…

image-3-1650549338.png

Cùng với chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ Sắt ở Hải Phòng, chợ Rồng Nam Định là một trong ba chợ có lịch sử lâu đời nhất Bắc kỳ. Năm 1922, kiến trúc sư từng thiết kế tháp Eiffel và cầu Long Biên đã đứng ra xây dựng chợ Rồng. Với diện tích 10 000 m2, chợ Rồng nay vẫn là chợ lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Từ thời Lê sơ, đặc biệt là thời Hồng Đức, Nam Định với chính sách khẩn hoang đã lập ra hàng loạt đồn điền tầm cỡ quốc gia như Sở Vĩnh Hưng, Sở Đông Hải, Sở Hoa Diệp, Sở Vọng Doanh.. Những đồn điền đấy đã đưa Hương Tức Mạc, sau đổi là Phủ Thiên Trường, thành nơi chiếm giữ vị thế đặc biệt quan trọng của nước Việt thời phong kiến.

Dưới triều nhà Nguyễn, Nam Định cùng với Hà Nội và Huế được chọn để lập trường thi dành cho sĩ tử cả nước lều chõng đến thi Hương thi Hội. Ngôi trường Thành Chung Nam Định xưa, nay là trường chuyên Lê Hồng Phong với gần trăm năm lịch sử, xứng đáng kế thừa truyền thống hiếu học ở Thành Nam.

Những năm đầu thế kỷ 20 bóng đá du nhập Việt Nam. Tại Nam Định các đội bóng thuộc Nhà máy sợi Bắc kỳ, thuộc các ông chủ người Hoa nơi phố cổ, thuộc đội quân đồn trú Lê dương tại Thành Nam được thành lập. Các trận đấu bóng đá cuốn hút mọi cư dân. Đội Cotonkin với giàn cầu thủ đồng đều về kỹ thuật, lối đá khéo léo và hợp lý trở thành “ông lớn” bóng đá xứ Bắc kỳ. Người Thành Nam nhiều người vẫn nhớ những cái tên như : Phòng, Khánh “le”, Thọ “ve”, Tân “thỏ”, Tuất “gù”, Phú “tí”, Thọ “cáo”, Khuê “võ sỹ”…

image-4-1650549339.png

Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng năm 1954, nhiều cầu thủ đội Cotonkin vẫn là những cây đại thụ, giữ trọng trách bóng đá Nam Định như ông Tuất “gù” làm HLV Công nghiệp Hà Nam Ninh, ông Kỳ ông Phòng làm HLV Dệt Nam Định, ông Thọ “ve” HLV đội Thanh niên Nam Hà, ông Khuê “võ sĩ” lãnh đạo xây dựng các tuyến trẻ.

Từ đội Cotonkin, thế hệ kế tiếp đã có những cầu thủ như Bảy, Trường, Nhật, Thành “hổ”; Minh “tàu” hoặc sau nữa là Vân, Thành “đen”, Văn Toàn, Văn Hoà…làm rạng danh bóng đá Nam Định.

Năm 1957 tỉnh Nam Định đã khôi phục các phong trào thể thao. Những cựu cầu thủ Cotonkin như Phòng, Thọ, Khê, Tân, Tuất...làm nòng cốt xây dựng đội Dệt Nam Định và ngay lập tức đội được tham gia thi đấu tại giải hạng A miền Bắc. Năm 1960, khi Trường huấn luyện được thành lập, Dệt Nam Định đã vinh dự giới thiệu lên đội tuyển quốc gia hai cầu thủ là Nguyễn Tiến Cường và Nguyễn Văn Minh. Năm 1962 với đội hình chính gồm thủ môn Nhật, hậu vệ Tứ, Trọng, Minh, Quyết, tiền vệ Hữu, Huệ, tiền đạo Tùng, Thanh, Bảy, Đức… đội Dệt Nam Định đã đoạt hạng Nhì giải Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đội Thanh niên Nam Hà sau là đội Công nghiệp Hà Nam Ninh đã đoạt ngôi vô địch hạng A1 năm 1985.

image-5-1650549340.png

Gần một thế kỷ bóng đá, Nam Định đã giới thiệu cho người hâm mộ Việt Nam nhiều HLV tầm cỡ quốc gia như Lâm Ngọc Lập, Ninh Văn Bảo, Bùi Hữu Nam, Nguyễn Ngọc Hảo, Nguyễn Thế Cường, Lê Hữu Tường, Phạm Hồng Phú, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Văn Dũng…cùng nhiều cầu thủ giỏi như Đàm Thu Trang, Hiếu “trâu”, Tuấn “gáo”, Cường “nhẻm’, Minh “mỡ”, Bảy, Tuấn, Hoa, Trọng, Hiền, Nhật, Cường, Mẫn, Cảnh, Thành, Thịnh, Nam, Hữu, Bốn, Khoát, Thanh, Mạnh, Hỷ “tàu”, Hỷ “con’, Thơ, Chung, Phương, Tự, Tạo, Vượng, Huấn …

Cổ động viên bóng đá nhiệt thành nhất nước Nam cũng là người Nam Định. Ông là nhà văn Nguyên Hồng, sinh ra tại phố Hàng Cau – Nam Định. Ông Đinh Ngọc Liên, vị Nhạc trưởng lừng danh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là người Xuân Thủy - Xuân Trường – Nam Định, là người đầu tiên phụ trách đội bóng đá Quân khu Hà Nội.  Đất Thành Nam thật lắm người tài, nếu kể cho đủ phải hết vài trang giấy.

image-6-1650549339.png

Những khó khăn thời bao cấp, những xáo trộn khi chia tách tỉnh đã đẩy bóng đá Nam Định vào vòng xoáy trì trệ thời hậu bao cấp. Đội lần lượt phải đổi theo tên các nhà tài trợ. Từ Mikado-Nam Định đổi thành Đạm Phú Mỹ và khi là Câu lạc bộ Bóng đá Dược Nam Hà Nam Định, toàn long đong ở nửa cuối bảng xếp hạng bóng đá Việt Nam.

Tuy vậy, nếu xếp độ cuồng nhiệt của fan hâm mộ thì Nam Định lại đang dẫn đầu bóng đá Việt Nam. Được đá bóng trên sân Chùa Cuối (nay đổi thành Thiên Trường) với khán đài đông nghịt người xem cổ vũ cuồng nhiệt luôn là ao ước của mỗi cầu thủ Việt Nam.

image-7-1650549339.png

Ảnh của Bác sĩ Quân đội Pháp Charles Edouard Hocquard (1853 – 1911) chụp năm 1884 và ảnh sưu tầm.

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bong-da-thanh-nam-a11938.html