*Diễn biến 1:
Bắt đầu, từ Nghị quyết (88/2014/QH13) của Quốc Hội (28/11/2014), về “Đổi mới chương trình và Sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Tiếp đến, Quyết định (404/QĐ-TTg), của Chính phủ (27/3/2015), phê duyệt: “Đề án Đổi mới CT và SGK giáo dục phổ thông”.
Tiếp đến nữa, ngày 5/8/2015, BGD- ĐT, công bố “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.
Điều đáng nói, theo Dự thảo, không có môn Lịch sử riêng, mà tích hợp vào môn Giáo dục công dân, gọi chung là: “Công dân với Tổ quốc”.
Bị dư luận phản đối, buộc hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Ngày 27/11/2015, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 (QH khoá 13), đã ra Nghị quyết: “Tiếp tục giữ môn Lịch sử trong Chương trình và Sách giáo khoa mới” (Kết quả bỏ phiếu, ảnh dưới).
Để rốt ráo vấn đề hệ trọng, ngày 7/12/2015, Ban tuyên giáo Trung ương, đã tổ chức buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử và Bộ giáo dục và Đào tạo.
Tại cuộc họp này:
•Bộ GD- ĐT, buộc phải thông báo, bỏ môn: “Công dân với Tổ quốc”.
•Hội KHLS do GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch”, đã khẳng định: “Lịch sử là môn Quốc sử…phải thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, phải là môn học bắt buộc…”
•Về phía Ban TGTƯ, ông Vũ Ngọc Hoàng (Phó Trưởng Ban), chủ trì buổi làm việc, đã kết luận: “Vai trò môn lịch sử trong xã hội là rất cần thiết, cần phải tôn trọng môn học và được thể hiện trong chương trình và sách giáo khoa mới”.
Cũng trong cuộc họp này, theo GS. Vũ Quang Hiển, (người dự họp), cho rằng: “BGD- ĐT chỉ tiếp thu với tinh thần có mức độ!”.
Và rồi, hai năm sau, Bộ GD- ĐT công bố: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới (2018).
*Diễn biến 2:
Bẵng đi nhiều năm, bỗng gần đây, Đài Truyền hình VN (VTV1), đưa tin: Từ năm hoc 2022- 2023, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Theo đó môn Lịch sử (học từ lớp 10), thuộc diện môn Tự chọn!
Một tin, làm chấn động nhân tâm con dân nước Việt. Muôn dân, từ ngơ ngác, ngạc nhiên; đến bất bình, phẫn nộ! Một làn sóng phản đối, đa chiều, đa cấp độ, nóng cháy dư luận, trên mạng xã hội.
Nếu trắc nghiệm, đồ rằng sẽ có trên 99% dân chúng không chấp nhận cách làm của Bộ GD- ĐT.
Ở xứ ta, mỗi khi có sự cố, nhà chức trách lại biện minh, cố dây dưa để làm chìm dư luận! Lần này, không phải Bộ, mà là ông Nguyễn Minh Thuyết (GS- Tổng chủ biên CT, SGK mới).
Ông khẳng định: “ Chương trình GDPT mới, đã thực hiện nội dung giáo dục Lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ”.
Xin thưa, “đầy đủ” là thế này đây:
Ở Tiểu học, học nhập nhoà chung với các môn khác; ở THCS ghép chung với môn Địa lý (Sử- Địa); ở THPT, lúc đầu nhập vào môn Công dân, nay biến thành môn Tự chọn!
Thực chất, Bộ GD- ĐT, đã làm trái với:
- Nghị quyết 88 của QH khoá 13.
- Kết luận của Ban tuyên giáo Trung ương.
- Đề nghị của Hội KHLS Việt Nam.
- Suy rộng ra, trái với cả Tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà VN”.
- Và, trái đạo với Lịch sử dân tộc và bất yên lòng dân nước Việt…
Lịch sử VN rất đặc biệt, so với Thế giới, bởi nó kết tinh bằng máu của hàng trăm cuộc đấu tranh, giao tranh, suốt dọc dài Lịch sử. Là sức mạnh nội tại vô bờ, để nhân dân Việt tồn sinh vững chải, cho đến ngày nay!
Mọi lý lẽ của nhà soạn sách là không thuyết phục. Nếu không nói là khuất tất! Hãy trả môn Lịch sử cho trường học, đúng trạng thái và sứ mệnh cao cả của chính nó!
Theo Trái tim người lính/Nguồn: YDTVN
XIN LỖI BẠN ĐỌC VÀ TÁC GIẢ
Do nhầm lẫn, trước đó, đã đề tên tác giả bài viết kể trên là Đặng Vương Hưng. Bài viết này theo "Trái tim người lính" khai thác nguồn từ YDTVN. Thành thật xin lỗi bạn đọc, TS. Nguyễn Quang Cương và Nhà thơ Đặng Vương Hưng.
BBT.
TS. Nguyễn Quang Cương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dan-ta-phai-biet-su-tacho-tuong-goc-tich-nuoc-nha-viet-nam-a11965.html