Có những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn anh hùng thầm lặng (Kỳ 3): Biệt động Sài Gòn Bảy Bê - Ông xứng đáng được phong tặng 3 lần Anh hùng

Mới mờ sáng ngày 4/12/1965 ở Sài Gòn, mà đúng hơn là 5h10’ sáng khi nhiều người còn đang chìm sâu trong giấc ngủ vùi, nhất là đám phi công Mỹ ở khách sạn Metropol sau những trận rượu thâu đêm trong vũ trường thì một tiếng nổ của 400 kg thuốc nổ TNT làm rung chuyển cả thành phố.

Vụ nổ đã đánh gần sập hết khách sạn Metropol cao 7 tầng lầu và kéo theo gần 200 phi công, nhân viên Mỹ có mặt trong khách sạn, lớp đi về thế giới bên kia mà không một lời trăn trối, lớp bị thương có sống được cũng bị thần kinh vì hoảng loạn. Cũng không biết tên tuổi những tên lính Mỹ phi công này nằm ở khúc nào trong bức tường đá đen xì khắc tên hơn 58 ngàn binh sỹ Mỹ tử trận trong chiến tranh xâm lược Việt nam được dựng lên bên kia Thái Bình Dương?

bay-be-1650690348.png
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhưng có một điều chắc chắn tôi biết tên tuổi của người chỉ huy trận đánh xuất quỷ nhập thần ấy của biệt động Sài gòn được khắc ghi trong con tim của rất nhiều người Việt Nam hôm nay. Ông là Nguyễn Thanh Xuân, tức Bảy Bê. Hiện ông đang an nghỉ ở nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi. Với ông Bảy Bê, hàng chục trận đánh của đội 5 biệt động thành do ông là đội trưởng trực tiếp chỉ huy và tham gia trong những năm đánh Mỹ-nguỵ ở ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn là những trang sử rất đẹp của một đạo quân mang tên Biệt động Sài Gòn được ghi vào sử sách nước nhà để cho muôn đời con cháu mai sau ghi nhớ.

Viết về ông, nói về ông, nói về chiến công của ông và cùng đồng đội ngày ấy thì đã có rất rất nhiều người đã viết. Bây giờ nhắc lại những chiến công ấy, trong tôi trào dâng sự khâm phục về mưu trí và dũng cảm tuyệt vời của cả một tập thể, trong đó hơn 10 cá nhân được phong, truy tặng danh hiệu AHLLVTND và chúng ta cũng không tìm đâu ra một tập thể nhỏ bé vài chục người như đội 5, tập thể ấy được 2 lần tuyên dương ANH HÙNG.

Khi được hỏi về trận đánh nào đẹp nhất và gây thiệt hại cho địch nhiều nhất của đội 5 biệt động thành ngày ấy? Ông Tư Chu,- chỉ huy biệt động thành thời đó đã nói mà không cần phải suy nghĩ: trận đánh sập khách sạn Metropol tại Sài Gòn ngày 4/12/1965 của đội 5 do Bảy Bê chỉ huy với 12 người chỉ diễn ra trong có hơn 4 phút, cái thời gian mà khi tôi đốt điếu thuốc là còn chưa hết, đã tiêu diệt và làm bị thương gần 200 phi công và nhân viên kỹ thuật của Mỹ và anh em rút đi, không một ai bị thương, không một ai bị rơi vào tay giặc là điểm sáng nhất của đội 5.

Trong cuốn sách “Biệt động Sài Gòn, chuyện bây giờ mới kể”, các bạn có thể tìm thấy chi tiết của trận đánh xuất quỷ nhập thần táo bạo này để minh chứng cho câu nói của ông Tư Chu về đội 5. Ít ai có thể hình dung nổi 12 chiến sỹ biệt động đó của ông Bảy Bê trên 2 chiếc xe ô tô nhỏ và mấy chiếc xe Honda nối đuôi nhau hộ tống cái trước, cái sau với người lái ăn mặc rất bảnh bao xuất phát từ căn cứ du kích ở xã Phước Long tờ mờ sáng ngày 4/12/1965 chực chỉ hướng Sài gòn. Bây giờ, ta cứ tưởng tượng cho vui thế này để hình dung ra trận đánh của ông Bảy Bê và đồng đội như là đi lễ vậy, họ về Sài gòn trong một đoàn xe đi ăn hỏi hay rước dâu của một đám cưới giang hồ nào đó vẫn thường thấy ở chốn đô thành này.

Thay vì trên một xe phải chở chú rể và gia đình đàng trai thì cái xe ấy do Bảy Bê cầm lái chở 5 biệt động với trang bị vũ khí là tiểu liên, lựu đạn và súng lục làm nhiệm vụ xung kích. Chiếc xe còn lại thì bao giờ cũng phải là xe chở đồ ăn hỏi hay quà cưới của đàng trai, nhưng trên chiếc xe đó do biệt động Lý Cảnh Nè cầm lái giờ chở theo quà cưới là khối thuốc nổ TNT với trọng lượng 400 kg. Vâng, gia đình đàng gái cũng ở giữa trung tâm Sài Gòn là khách sạn Metropol đã tiếp nhận món quà ý nghĩa của chú rể Bảy Bê không thể trịnh trọng hơn để rồi sau đó hàng trăm người được trở về nhà bên kia Thái bình dương trong những quan tài kẽm lạnh toát, thật u ám?

Bà Chính Nghĩa kể với tôi hôm qua: anh Bảy Bê mạnh mẽ như thế, gan góc như thế nhưng sau giải phóng, ổng nhiều lúc bất lực thu mình ngồi nhìn cuộc đời thật trớ trêu với số phận của mình trước sự lựa chọn thật nghiệt ngã: ở với ai và phải bỏ ai, khi tổ chức không cho phép người đảng viên, người cán bộ cách mạng đã có vợ con lại đi lén lút quan hệ “bất chính” với người yêu cũ?

Ông không thể từ bỏ tình yêu của ông và cũng không thể nỡ lòng nào từ bỏ ân tình ân nghĩa và 3 đứa con của mình để chạy theo tình yêu với một người đàn bà khác. Đúng là một trận đánh được giao quá khó mà cấp trên đã chỉ định cho ông không thể thực hiện được trong thời bình. Ông sẽ đối mặt với mất tất cả, ông hiểu điều đó. Là người phụ nữ, bà Chính Nghĩa tâm sự với ông Bảy Bê: em bây giờ là người có lỗi. Em không thể cướp chồng của dì Hai ( tức bà Tránh ) là chính anh đang ngồi trước mặt em đây?

Thôi, anh hãy quên em đi, anh đi về với dì Hai và 3 đứa nhỏ của mình đi, bả đang đợi anh đó và anh cũng cần phải nhớ, con của anh rất cần có cha bên cạnh. Không, ông Bảy Bê ôm chầm lấy bà Chính Nghĩa và nói trong nước mắt: không thể thế được!. Anh không thể bỏ em. Người phải bỏ để chọn một hôm nay là dì Hai của em, anh không thể sống thiếu em được, em hiểu anh không? Hai người ôm chặt lấy nhau, cả hai nước mắt giàn dụa và ông Bảy Bê đã hôn bà thật nhiều. Nhìn tôi, bà như có chút xấu hổ rồi kể tiếp: trong cái ôm rất chặt của ông Bảy Bê với tôi, ổng thì thầm, anh không bao giờ và không bao giờ bỏ em. Giữa sự ngọt ngào ấy của tình yêu mà ông Bảy Bê dành cho tôi, tôi thấy như bầu trời trước mặt đang rực sáng và ở trên trái đất này chỉ còn có riêng tôi với ảnh đang bên nhau để được bay bổng lên, để được mơ với những ước mơ mà mười mấy năm trước tôi và ảnh thường mơ khi nước nhà thống nhất, chiến tranh chấm dứt để làm đám cưới. Nhưng bỗng nhiên, tôi giật mình đẩy ảnh ra khỏi vòng tay và như sực nhớ ra điều gì và nói: hổng được, anh ơi!

Anh không thể làm như vậy được đâu? Em nghĩ lại rồi. Anh rất cần danh hiệu anh hùng và rất cần được mọi người tôn vinh ca ngợi vì anh xứng đáng được nhận những tình cảm như thế. Giờ anh ở với em, anh sẽ mất tất cả, mọi người sẽ chê cười anh là người bội bạc, anh là người sống không có nghĩa, có tình, vô trách nhiệm với người vợ đã từng mặn nồng và đã sanh cho anh 3 đứa con?. Tụi nó có tội tình gì mà anh bỏ rơi chúng nó?

Hơn nữa, tụi nó lại là cháu ruột của em, tụi nó sẽ nhìn em với sự oán trách như thế nào??? Thôi thôi, anh đi về với dì Hai và mấy đứa nhỏ đi, anh lên nói với anh Tư Đạt bên Bộ tư lệnh thành là anh bỏ em rồi, anh quên em rồi, đề nghị làm thủ tục để nhà nước xét duyệt phong tặng cho anh danh hiệu anh hùng đi! Thật lòng, bà Chính Nghĩa lại nghẹn ngào nói với tôi: khi nói những lời như thế với ảnh, tôi như bị sát muối vô lòng, làm sao tôi có thể xa ảnh được, làm sao tôi có thể từ bỏ được tình yêu của mình mà mười mấy năm nay nó là nguồn cảm hứng để tôi sống và vượt qua biết bao sóng gió của cuộc đời?

Lặng yên hồi lâu, tôi mới gặn hỏi bà: thế sau khi nghe cô nói như vậy thì chú Bảy trả lời thế nào? Cười cười, bà Chính Nghĩa kể tiếp: làm gì mà ổng dám nói câu nào? Ổng đổ sụp xuống với hai hàng nước mắt, như chợt hiểu ra mình có lỗi điều gì rồi ôm lấy hai bờ vai của tôi và nói: em không muốn những đứa con của anh thiếu cha, đúng không? Em không muốn anh bội bạc với dì Hai của em, đúng không? Em muốn anh và cả em, chúng ta đều được nhà nước trao tặng danh hiệu anh hùng, đúng không? Và để làm điều đó, anh phải đánh đổi tình yêu của anh với em? Vinh dự gì, cao sang gì khi phải đánh đổi tình yêu để nhận lấy ngần ấy thứ để rồi anh phải xa em, máu trong tim anh tứa ra từng giây đây, em có biết không? Hay là chúng ta tất cả với nhau cùng chung sống trong một nhà, mỗi người hy sinh một chút để chúng ta có tất cả trừ danh hiệu anh hùng của Nhà nước phong tặng cho anh và em? Tôi đã khóc thật nhiều bên anh, ngày này qua tháng khác và cũng không biết làm sao tôi có thể chấp nhận được một gia đình như thế khi một người đàn ông lại ở song song với hai bà vợ rồi pháp luật đâu có cho phép và công nhận chuyện này, những đứa con của tôi sinh ra phải mang họ mẹ hay sao? Cứ thế, cứ thế, những ngày tháng ấy thật sự làm tôi mệt mỏi, chẳng hiểu anh có thể giải quyết êm đẹp chuyện này hay không rồi thì dì Hai có chấp nhận như vậy không? Thôi thì buông xuôi, để tự ảnh lo thôi vậy, tôi chỉ muốn không mất anh trong cuộc đời này.

Nghe câu chuyện của bà Chính Nghĩa hay quá, tôi mạo muội hỏi bà ấy: thưa cô, thế rồi, chú Bảy làm được chuyện ấy và chú đã có một gia đình lớn mà trong đó, mọi người đều thương yêu nhau, tha thứ cho nhau tất cả và chú thật hạnh phúc. Ừ, đúng rồi. Ảnh đã làm được chuyện ấy và công bằng lắm. Một tuần với tôi, rồi lại một tuần với dì Hai, khi nào có công có việc gì thì sang bên với bà vợ gần nơi phải đi để cho tiện việc thôi. Xét ra, ảnh là con người nhân hậu, thuỷ chung với Đảng, với đất nước, thuỷ chung với gia đình, với tình yêu và luôn yêu thương những người ruột thịt, bạn bè, đồng chí, đồng đội, ảnh xứng danh là người anh hùng mà Nhà nước không thể tuyên dương khi ảnh còn sống.? Đối với tôi và dì Hai, chúng tôi đã nhận thức được tình cảm của ảnh rất công bằng dành cho cả hai và thế nên hai chúng tôi đã hết hết lòng yêu thương ảnh, nuôi dạy con cái khôn lớn, hoà thuận, thương yêu nhau, không phân biệt hơn thua.

Cái nóng ngoài hiên nhà bà Chính Nghĩa đã hắt vào bên trong làm tôi toát hết mồ hôi. Nhưng hôm nay cũng đâu có thật nóng như thế, bởi tôi đã toát hết cả mồ hôi vì được nghe một câu chuyện tình yêu như cổ tích, mà ở đó thấm đẫm nước mắt của những người trong cuộc và không ai có lỗi cả, có chăng chỉ là do chiến tranh mà thôi. Một tình yêu của những người anh hùng trên đất nước Việt nam có thể viết mãi vẫn không hết và càng viết, càng hay như những viên ngọc càng sáng khi được người ta nâng niu, mài giũa mỗi ngày. Với ông Bảy Bê, ông đã xứng đáng được nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng với tôi, ông rất xứng đáng cần được Nhà nước truy tặng thêm 2 lần anh hùng nữa. Một lần anh hùng cho sự dũng cảm để bảo vệ tình yêu của mình. Một lần nữa cho sự nghĩa tình và thuỷ chung của ông với đồng đội và đồng chí để rồi ông đã mang lại hạnh phúc thật sự cho cả hai người phụ nữ sau chiến tranh có nhiều đóng góp cho cách mạng với những số phận và bi kịch khác nhau.

Trước khi chia tay bà Chính Nghĩa, bà đã nói với tôi trong sự xúc động: trước ngày ra đi, anh Bảy Bê chỉ căn dặn có một điều: khi tôi qua đời, tiền phúng điếu được bao nhiêu, hai bà dùng để ủng hộ cho quỹ người nghèo và xây 1-2 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội còn khó khăn. Tôi không có gì để lại cho hai bà và các con ngoài tình yêu của tôi đối với Tổ quốc này và các bà ráng chỉ bảo con cháu đừng lãng quên những hy sinh của cha anh vì độc lập của đất nước này.

Giờ thì tôi ghi lại những người con của ông Bảy Bê trong cái gia đình hạnh phúc đó để các bạn được biết:

1/ Với bà vợ tên Tránh:

- Nguyễn Thị Thanh Hồng, sinh năm 1974

- Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1975

- Nguyễn Thị Thanh Huệ, sinh năm 1977

- Nguyễn Thị Thanh Hiếu, sinh năm 1980

( ngoài ra bà Tránh còn có một người con riêng tên Nguyễn Thị Luỹ, sinh năm 1963 ).

2/ Với bà Chính Nghĩa:

- Nguyễn Thuận Hiệp, sinh năm 1980

- Nguyễn Thị Xuân Hạnh, sinh năm 1984.

Bà Chính Nghĩa bảo với tôi: ngày tôi sinh con bé Hạnh, đúng vào ngày 19/8 là ngày Cách mạng thành công. Anh Bảy Bê rất cưng và chiều con bé út này nhất!

HẾT.

Nguồn: BTPNNB

Trái tim người lính

  Thành Đô (St-Tổng hợp)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/co-nhung-chien-si-biet-dong-sai-gon-anh-hung-tham-lang-ky-3-biet-dong-sai-gon-bay-be-ong-xung-dang-duoc-phong-tang-3-lan-anh-hung-a11971.html