Buổi tọa đàm được diễn ra tại trường quay Sông Đà - Kinh Bắc (Hà Đông, Hà Nội), đã thu hút được sự quan tâm của không ít nhà báo, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, ca sĩ, doanh nhân tên tuổi cũng như sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, người mến mộ tài năng của nhà thơ Nguyễn Phan Hách.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách sinh năm 1944 tại Thuận Thành (Bắc Ninh)- mảnh đất của tranh dân gian Đông Hồ, của những làn điệu quan họ say đắm, da diết lòng người. Vùng quê yên bình Bắc bộ này với những buổi sinh hoạt văn hóa nơi sân đình cùng các làn điệu quan họ sâu lắng là nơi khởi nguồn cho những sáng tác của ông ngay từ thời điểm mới bắt đầu cầm bút cho đến khi đã thành danh.
Nhà thơ gốc Bắc Ninh gắn bó với nhiều thế hệ độc giả yêu thích văn chương khi là tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như “Hoa sữa” được nhạc sĩ Phạm Việt Long phổ thành ca khúc "Hoa sữa Tình đầu", bài thơ “Làng quan họ” được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thành bài hát "Làng quan họ quê tôi".
Tác giả của "Làng quan họ quê tôi" lúc sinh thời cũng từng chia sẻ, thời gian làm công tác nghiên cứu, sáng tác, biên tập văn học tại Hội văn học dân gian (Sở Văn hóa Hà Bắc lúc bấy giờ) đã cho ông rất nhiều kiến thức văn hóa dân tộc và là mạch nguồn trong hồn thơ ông sau này.
Đọc những vần thơ của ông, độc giả như được nương theo những con chữ đầy tính nhạc, để thấu hiểu mạch nguồn sâu lắng và tình tứ của người quan họ trao duyên, vừa bay bổng nhưng cũng đầy nỗi buồn man mác, da diết và sự cô đơn cố hữu trong tâm hồn của người nghệ sĩ.
Tại buổi Tọa đàm, các vị khách mời gồm những nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ và đại diện gia đình nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã có những chia sẻ rất xúc động và chân tình về tác giả của bài thơ "Hoa sữa" và “Làng quan họ quê tôi”.
Nói về những buổi đầu gian khổ, vất vả, đặt nền móng xây dựng và phát triển NXB Dân Trí- ngành nghề mà nhà thơ Nguyễn Phan Hách gắn bó những ngày cuối đời bên cạnh văn học - nghệ thuật, Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Phạm Việt Long - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển tâm sự: "Nguyễn Phan Hách với cuộc sống bon chen này vẫn nhìn dưới con mắt rất ngây thơ, chân chất, tình cảm và giản dị. Và những sự chân thành đó thể hiện rất rõ trong cách làm việc cũng như những tác phẩm của anh. Làm Tổng Biên tập của một nhà xuất bản thì rất vất vả, phải đọc từng con chữ, từng trang sách, anh Hách thường ghi chép, cất lưu rất kỹ những trang bản thảo”.
“Chúng tôi gắn bó với nhau hơn chục năm trời từ những ngày đầu xây dựng NXB Dân Trí khi đi tìm địa điểm thuê trụ sở, xin giấy phép,..rồi cùng trải qua nhiều sóng gió. Nếu như không nặng lòng với công việc biên tập, anh Nguyễn Phan Hách đã chẳng thể giữ vững nhiệt huyết cống hiến ngay cả khi sức khỏe đã kém đi rất nhiều.
Dù rằng xót xa khi người bạn, người đồng nghiệp thân thiết đã đi xa nhưng tôi tin rằng những giá trị mà anh Hách để lại sẽ còn mãi và nhiệm vụ của những người ở lại là lan tỏa những giá trị đó đến với độc giả, người mến mộ tác phẩm của anh", Nhà văn Phạm Việt Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với nhà văn Phạm Việt Long, Giám đốc NXB Dân Trí Bùi Thị Hương cho biết: "Anh Nguyễn Phan Hách là một người tâm huyết, đam mê mãnh liệt, chân thành và kiên nhẫn với công việc xuất bản. Những năm tháng gắn bó với công việc, với ông nếu không có một sự nhẫn nại, bản lĩnh thì khó có thể thực hiện được.
Trách nhiệm, niềm tin với nghiệp xuất bản trong nhiều năm cống hiến của anh là điều đáng được trân trọng. Trước khi ra đi, anh Hách có dặn dò tôi phải cố gắng giữ được hai chữ "Dân trí". Tôi cũng tự hứa với lòng mình sẽ sống với nghề và sau này truyền lại cho các lớp đàn em kế nhiệm như những lời anh đã dặn’.
“Thật hạnh phúc khi trong đời, tôi được làm việc, được nhận chỉ bảo từ một người cấp trên, một người đàn anh như anh Nguyễn Phan Hách", bà Bùi Thị Hương xúc động chia sẻ.
Ngoài công việc xuất bản, nhà thơ Nguyễn Phan Hách vẫn say mê với sự nghiệp cầm bút. Trong suốt sự nghiệp của mình, nhà thơ Nguyễn Phan Hách vẫn luôn nghiêm túc, cần mẫn và sáng tạo trên nhiều lĩnh vực của văn học - nghệ thuật.
Bên cạnh sáng tác thơ trữ tình, ông cũng rất thành công ở thể loại văn xuôi với những bài phóng sự sắc sảo đi sâu mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, những truyện ngắn về đề tài nông thôn, những bài tản văn về quan họ, về Hà Nội.
Những sáng tác từ thơ trữ tình đến tiểu thuyết, âm nhạc…của ông có thể coi là một tài nguyên quý giá với văn học đương đại bởi sự sáng tạo trên các chất liệu quen thuộc cũng như chứa đựng biết bao trải nghiệm dưới con mắt tinh tế của người nghệ sĩ đa tài.
Tâm hồn lãng mạn, bay bổng vốn có của người nghệ sĩ nhưng đôi khi, nhà thơ Nguyễn Phan Hách cũng đầy thực tế trong văn chương. Điều này hoàn toàn phù hợp với nét tính cách hào sảng, vui vẻ, dí dỏm và ẩn chứa trong đó là chiều sâu đầy suy ngẫm của ông ở ngoài đời.
Tính cách, tình yêu văn học- nghệ thuật và sự nhiệt huyết với nghề của ông đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh ông, đặc biệt là người thân trong gia đình. "Tôi nhớ khi tôi mới chỉ 8,9 tuổi đã được cha tôi dạy làm thơ, thế nào là vần bằng, vần trắc, thế nào là thơ lục bát,…chính tình yêu văn thơ của cha đã khiến tôi cũng dần được hướng nghiệp, động viên đi theo tiếng gọi của văn học nghệ thuật.
Khi trưởng thành và công tác, điều tôi luôn nhớ về cha tôi đó là trách nhiệm với công việc. Giống như nhà thơ Phạm Việt Long đã chia sẻ, khi mà làm việc là cha tôi dường như không còn quan tâm đến giờ giấc. Niềm đam mê với công việc của ông, cả gia đình tôi đều rất trân trọng và coi đó là tấm gương để noi theo", anh Nguyễn Phan Khuê- con trai nhà thơ Nguyễn Phan Hách chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Anh Khuê cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với các khách mời cũng như toàn bộ ê-kíp thực hiện buổi tọa đàm tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã cho gia đình có cơ hội để chia sẻ về người cha, "người thầy" đầy giản dị, chân thành.
Đáng chú ý, cũng tại buổi tọa đàm, nhà báo Vương Xuân Nguyên cho biết, thời gian tới đây, Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển sẽ "số hóa" chân dung các nhà văn hóa. Trong đó, sẽ có riêng một "thư mục" về Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách để những độc giả yêu mến các tác phẩm của ông sẽ có thể dễ dàng theo dõi và lan tỏa những giá trị tới cộng đồng.
Theo Nhà báo Vương Xuân Nguyên thì nhà thơ Nguyễn Phan Hách để để lại cho đời một di sản văn hóa nghệ thuật đáng nể trọng ở nhiều thể loại. Với thể loại thơ ca tính đến nay Nguyễn Phan Hách đã sáng tác được 4 tập thơ: Người quen của em (1981); Hoa sữa (2000); Vô tình (2007); Những ngôi sao tuổi thơ (2011). Trong đó, bài thơ Người quen của em và Nhìn sao đã nhận giải thưởng của báo Văn nghệ lần lượt trong các năm 1969, 2014. Với truyện ngắn và truyện vừa ông cũng có các sáng tác tiêu biểu như tập truyện: Vườn hoa cổng ô (1974); Tổ chim sẻ (1978); Sau những cách xa (1984); Khớp ngựa ô (1987); Tình đùa (1996); Cây vĩ cầm cảm lạnh (2000); Đại bàng Kim điêu (2012), Thị xã và anh lính (2015). Trên mặt trận tiểu thuyết và kịp ghi dấu ấn với độc giả bằng 4 tác phẩm: Mây tan (1983); Mê cung tình ái (1990); Người đàn bà buồn (1994); Cuồng phong (2008). Đặc biệt ông còn để lại dấu ấn trong lĩnh vực âm nhạc với 18 ca khúc.
“Trong những di sản nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã để lại suốt một đời cầm bút của mình, hiếm có một nhà thơ đương đại nào được bạn đọc yêu thích và lưu truyền tới 57 bài thơ. Trong đó, có những bài thơ đã đi vào âm nhạc, hội họa và trở thành bất tử trong lòng công chúng như “Làng quan họ quê tôi”, “Hoa sữa”. Cả đời ông và một cơn khát sáng tạo nghệ thuật đến bất tận đúng như ông từng chia sẻ: Khát vọng sáng tạo, là một ân huệ tuyệt vời của tạo hóa ban cho nhà văn, và nhà văn tồn tại trong cuộc sống. Hôm nay, tưởng nhớ 3 năm ngày mất của Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, chúng ta cùng nhìn lại những cống hiến vẻ vang của ông đã để lại cho cuộc đời để cảm phục, tri ân và gìn giữ những câu thơ còn mãi cho tình đời ngát hương…”, Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh đem đến Tọa đàm những câu chuyện ấm áp nghĩa tình của một người đồng hương, đồng nghiệp thân tình. Ông chia sẻ, bài hát “Làng quan họ quê tôi” phổ thơ của anh Nguyễn Phan Hách không chỉ là niềm tự hào của những người con Kinh Bắc, mà mỗi khi bài hát được cất lên những người con đất Việt thêm yêu quê hương và trân trọng Tổ quốc mình.
Bên cạnh những lời chia sẻ hết sức chân thành của các vị khách mời, ca sĩ- Á hậu Trang Viên và nghệ sĩ Quốc Quốc đã khiến cho những người có mặt trực tiếp tại buổi tọa đàm hay theo thông qua các kênh trực tuyến, trên nền tảng mạng xã hội vô cùng xúc động khi thể hiện hết sức sâu lắng hai ca khúc được phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Phan Hách là "Hoa sữa" và "Làng quan họ quê tôi".
Lời thơ và giai điệu bài hát mà 2 nghệ sĩ thể hiện cũng giống như các tác phẩm khác của nhà thơ Nguyễn Phan Hách sẽ mãi vang vọng, lan tỏa và làm say đắm trái tim những người yêu mến người con đa tài đất Kinh Bắc.
75 năm sống trên cõi tạm, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã có một “cuộc rong chơi” với những đam mê, sáng tạo bất tận của mình. Tâm hồn thi sĩ với rất nhiều áng thơ đẹp của ông sẽ được vinh danh, được nhắc đến về sau như một bài thơ ông đã viết: "Xa xưa lời cũ còn văng vẳng/ Ai biết đời ta sứ mệnh nào?/ Ngọn lửa riêng ta còn ủ kín/ Có bừng lên được giữa đêm thâu/ Mọi cái rồi đi qua/ Câu thơ còn ở lại/ Mọi cái rồi hư vô/ Chút tình còn sống mãi...".
Bạch Hiền - Quyết Tuấn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tuong-nho-nha-tho-nguyen-phan-hach-nhung-cau-tho-con-mai-cho-tinh-doi-ngat-huong-a12013.html