Kỳ 9.
Đàm thái hậu đáp gay gắt:
-Ta không sai, cái mạng của Lý Long Tường và những người khác ta muốn lấy lúc nào mà chả được. Còn điều quan trọng này nữa, dẹp xong loạn Quách Bốc thì lo thế lực của Tô Trung Từ, bây giờ Tô Trung Từ chết rồi thì lại lo thế lực của Trần Tự Khánh. Đây là bức thư của thế lực họ Đoàn ở Hồng Châu cảnh báo cho ta và hoàng thượng về thế lực của họ Trần đây. Xem đi.
Lý Huệ Tông cầm thư lên xem thì ra đó là thư của Đoàn Thượng, thế lực sứ quân lớn ở Hồng Châu. Lý Huệ Tông đọc, Thư viết: “Trong sự rối ren của thiên hạ ngày nay, thế lực nào cũng muốn ngồi lên ngôi báu của hoàng thượng. Trần Tự Khánh đem quân vào kinh sư là mưu đồ phế lập. Xin hoàng thượng phải tinh tường, biết thế lực nào là trung thành với nhà Lý khả dĩ có thể dựa vào được để giữ vững cơ nghiệp tổ tiên và để phúc thái bình cho thiên hạ. Như họ Đoàn của thần ở Hồng Châu là con cháu của Đại trung thần Đoàn Văn Khâm, Công bộ Thượng thư đời Lý Nhân Tông, có thể làm rường cột cho hoàng thượng. Mong hoàng thượng minh xét cho cơ đồ khỏi cảnh điêu tàn nghiêng ngửa như vừa qua. Sứ quân Hồng Châu Đoàn Thượng kính thư”.
Lý Huệ Tông đọc xong thư, Đàm thái hậu hỏi:
-Ý hoàng thượng thế nào?
-Ý Sảm nhi là dựa hẳn vào họ Trần để yên thiên hạ và giữ cơ nghiệp. Sảm nhi định giao chức Thái úy phụ chính cho Trần Tự Khánh.
Đàm thái hậu đập bàn:
-Không được, chức Thái úy phụ chính phải để cho Đàm Dĩ Mông, thứ hai phải tìm cách đuổi Trần Tự Khánh khỏi kinh thành vì họ Trần có ý phế lập, thứ nữa phải đuổi Trần Thị Dung về Hải Ấp và bỏ cô ta đi, nếu không ta sẽ giết chết có ngày, còn nữa về lực lượng quân sự mà dựa vào có thể liên kết với sứ quân Đoàn Thượng.
Lý Huệ Tông không còn cách nào khác vì Đàm thái hậu can thiệp quá sâu vào triều chính mà có sáng suốt gì đâu, chỉ một mực bảo vệ ngai vàng cho con đẻ, tàn sát cả người trong họ, kể cả hoàng tử nhà Lý. Đàm Dĩ Mông là em trai thái hậu đã đi theo Quách Bốc không bị trừng trị, còn được giữ chức Thái sư, tài đức học thức quá kém cõi, nay còn mơ cả chức Thái úy phụ chính, lực lượng quân sự triều đình đã tan rã hết sau cái chết của Tô Trung Từ. Dựa vào Trần Tự Khánh may ra còn hy vọng vì đó dẫu sao cũng là anh ruột của nguyên phi. Bỏ và giết nguyên phi quả là việc làm quá bất nghĩa, không còn nhớ thời gian khổ ở Hải Ấp đã được họ Trần cưu mang bốn mẹ con, rồi họ Trần lấy lại ngai vàng cho Lý Huệ Tông, trong khi đó các sứ quân khác bó tay. Vả lại giết nguyên phi là một hành động quá ngu xuẩn về chính trị. Trần Tự Khánh có thể đuổi cùng giết tận khi em gái bị giết, đòi giết hoặc bỏ nguyên phi là thái hậu không biết gì đến tình cảm của Lý Huệ Tông với Trần Thị Dung. Nhưng thái hậu vẫn là thái hậu, Lý Huệ Tông thở dài và nói:
-Những điều khác thì Sảm nhi nghe theo mẫu thân nhưng còn việc bỏ nguyên phi Trần Thị Dung con không chấp nhận, nếu thái hậu giết Trần Thị Dung thì con sẽ chết theo, thứ nữa nếu nàng ấy bị sát hại, thế lực nhà họ Trần có tha cho chúng ta không, ai bảo thế lực quân sự nhà Trần hiện nay không mạnh? Thái hậu giết nguyên phi là giết Sảm nhi và tự giết mình đó.
Nói xong Lý Huệ Tông buồn bã đứng dậy:
-Sảm nhi cáo biệt.
Đàm thái hậu không bất ngờ với những lời nói của Lý Huệ Tông vì bà biết tình yêu của Lý Huệ Tông giành cho nguyên phi quá sâu nặng ngay từ ngày gặp nhau lần đầu ở Hải Ấp. Dù sao thì Lý Huệ Tông cũng đã để cho bà tham chính để bảo vệ ngai vàng cho Sảm nhi, bảo vệ quyền lợi cho dòng họ Đàm. Quốc gia, bách tính, dân tộc đối với Đàm thái hậu không có ý nghĩa gì mà chỉ xếp ở thứ tự sau cùng.
Trong buổi thiết triều hôm sau, Lý Huệ Tông nói:
-Sau khi đại thần Tô Trung Từ tử trận, triều đình khuyết chức Thái úy phụ chính. Nay giao chức này cho Đàm Dĩ Mông.
Cả triều đình bất ngờ:
-Hả…
Đại thần Phạm Bố nói:
-Thần có tấu.
-Ái khanh tấu đi.
-Bẩm hoàng thượng, Đàm Dĩ Mông xưa loạn Quách Bốc đã ở lại cộng tác với giặc, triều đình tha tội cho là may. Chức Thái úy phụ chính nay nên giao cho Chương thành hầu Trần Tự Khánh.
Lý Huệ Tông nói:
-Trần Tự Khánh khi trẫm đăng quang đã phong Chương Thành hầu, nay hãy giữ tạm như vậy sẽ tính sau.
-Còn nữa, nay vùng Hải Ấp rất quan trọng trống vắng, đề phòng quân phản nghịch ở Đại Hoàng tấn công vùng quan trọng này, Trần Tự Khánh hãy kéo quân đội về phòng thủ ở đó cho trẫm. Hẹn ngày mai phải rời khỏi kinh thành.
-Hả?...
-Ai còn tấu?
Im lặng, không có ai tấu.
-Bãi Triều.
Trần Tự Khánh đến hẹn không rút quân về Hải Ấp. Tháng 7 năm 1211, Lý Huệ Tông lấy cớ đó giáng Trinh Thuận quý phi Trần Thị Dung xuống ngự nữ, hạ chiếu kêu gọi các sứ quân các nơi khởi binh đánh Trần Tự Khánh vì tội kháng chỉ. Ngay lập tức Đoàn Thượng ở Hồng Châu kéo quân về kinh sư. Quân Trần Tự Khánh núng thế rút khỏi Thăng Long. Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi, Đoàn Chú, Đoàn Nguyễn, Đoàn Cẩm vào yết kiến Lý Huệ Tông, quỳ hành lễ:
-Hoàng Thượng vạn tuế, vạn tuế.
Lý Huệ Tông nói:
-Miễn lễ, các ái khanh đứng dậy đi.
-Tạ ơn hoàng thượng.
ĐoànThượng đứng dậy và nói tiếp:
-Đất nước loạn ly, nhiều sứ quân, giặc dã nổi lên vì lợi ích riêng tư đã làm cho hoàng thượng vất vả, xa giá gian nan. Tội của chúng thần là không phò tá hoàng thượng được chu toàn. Nay đã về đây sẽ tôn phò hoàng thượng chu đáo, đem lại an bình cho thiên hạ, giữ vững cơ nghiệp 200 năm của nhà Lý.
Lý Huệ Tông nói:
-Thiên hạ chao đảo loạn ly, nay được các khanh phò tá, trẫm có thể yên tâm.
Lý Huệ Tông hỏi Đoàn Thượng:
-Với lực lượng mạnh như Trần Tự Khánh, khanh định như thế nào?
Đoàn Thượng đáp:
-Bẩm hoàng thượng, thần sẽ tiêu diệt hết lực lượng quân sự của họ Trần, thu hẹp sự chiếm đóng của Trần Tự Khánh. Trước mắt là đuổi lực lượng của Khánh ra khỏi Khoái Châu, giáp với Hồng Châu của thần.
Lý Huệ Tông nói:
-Tốt lắm, nay ta phong cho mấy huynh đệ họ Đoàn tước hầu để hiệu triệu thiên hạ tiêu diệt Trần Tự Khánh.
Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi, Đoàn Cẩm, Đoàn Chú, Đoàn Nguyễn quỳ hành lễ:
-Đa tạ hoàng thượng.
Hôm sau về quân doanh, Đoàn Thượng lệnh cho Đoàn Văn Lôi và Vũ Hốt:
-Hai tướng quân nghe lệnh:
-Dạ, chúa công.
-Hai Tướng quân đem 2 vạn quân tiêu diệt quân Trần ở Khoái Châu, đuổi thế lực họ Trần khỏi ranh giới với Hồng Châu.
-Tuân lệnh chúa công.
Đang đêm quân họ Đoàn hành quân bất ngờ bao vây tấn công doanh trại của quân Trần ở Hoàng Điểm. Quân Trần bị bất ngờ chống cự yếu ớt và bị tiêu diệt gần hết. Tướng Trần là Nguyễn Đường bị bắt, tướng Trần Lại Linh đem quân cứu viện nhưng không kịp. Quân Trần thua trận phải rút khỏi vùng Khoái Châu.
Trần Tự Khánh nói với Trần Thừa, Trần Thủ Độ và Trần Hiến Sâm:
-Ta đã mất thế đứng ở Thăng Long, ở Hưng Yên, bây giờ ta phải mở rộng thế lực ra đồng bằng Bắc Bộ, nơi đông dân, nhiều người nhiều của để phát triển lực lượng, tiêu diệt thế lực họ Đoàn và các sứ quân khác.
Trần Thừa nói:
-Chương thành hầu nói phải lắm.
Trần Tự Khánh ra lệnh:
-Trần Thừa, Trần Thủ Độ nghe lệnh.
-Có mạt tướng.
-Hai tướng quân đem quân đến Đội Sơn (Duy Tiên Hà Nam) tiêu diệt quân của Đoàn Cẩm để chiếm toàn bộ đất Duy Tiên.
-Chúng mạt tướng tuân lệnh.
Đoàn Cẩm đang ngồi ở phủ đường Đội Sơn, chợt có thám mã về báo:
-Dạ bẩm tướng quân, 2 vạn quân Trần đang tiến vào Đội Sơn đánh chúng ta.
Đoàn Cẩm ra lệnh:
-Mở cổng thành để ta ra giao chiến.
-Dạ.
Cổng thành mở. Đoàn Cẩm và Vũ Hốt đem quân ra khỏi thành nửa dặm dàn trận. Canh giờ sau thấy bụi cuốn mù mịt, quân đi ngựa chạy như gió, khi lại gần quân Đoàn Cẩm, quân Trần dàn trận. Ba tướng đứng đầu đoàn quân dưới cờ vàng bay pháp phới, oai phong lẫm liệt, đó là Trần Thừa, Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm. Trần Thừa quát:
-Ai ra bắt thằng giặc này cho ta.
-Có mạt tướng.
Mọi người nhìn ra thì đó là tướng Trần Hiến Sâm, cưỡi ngựa nâu, sử dụng hai thanh kiếm. Bên quân của Đoàn Cẩm, tướng Vũ Hốt cưỡi ngựa đen sử dùng ngọn giáo dài xông ra. Khi hai ngựa xáp nhau, kiếm và giáo chạm nhau tóe lửa như chớp, phát ra tiếng kêu keng keng chát chúa. Đấu khoảng 20 hiệp không phân thắng bại, Trần Thừa vẫy cờ hiệu, quân Trần theo hình cánh cung bao vây quân Đoàn Cẩm mà đánh giết. Quân Đoàn Cẩm tan vỡ tháo chạy nhưng bị vây bọc lại và bị giết. Tiếng chiêng trống, tiếng reo hò náo loạn vùng trời đất Duy Tiên. Đoàn Cẩm, Vũ Hốt mở đường máu chạy một mạch về Hồng Châu.
Sau trận đó, Trần Tự Khánh làm chủ một vùng từ Thuận Lưu (Thái Bình) cho đến hết Hà Nam, Nam Định, trừ vùng Đại Hoàng Ninh Bình còn do sứ quân Bùi Đỗ và Đinh Khang đóng giữ.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-9-a12027.html