Chuyện của Nó

Hoa phượng nở đỏ ối, từng chùm rực rỡ nhìn đã thấy sợ cái nóng oi bức khủng khiếp của mùa hè. Đã thế khu tập thể cũ kỹ của Nó suốt ngày mất điện. Một tuần mất điện vài lần, mỗi lần như thế trẻ con người lớn ùa hết xuống đường.

Nó theo lũ bạn hàng xóm cắp chiếu với quạt nan lên sân thượng.  Trên đó rộng rãi, gió mát lồng lộng tha hồ ngắm cả một bầu trời đầy sao nữa chứ. Hôm nào trăng sáng bọn Nó vẫn căng dây chơi nhảy dây bình thường. Con trai thả diều vi vu thi thố xem diều đứa nào cao hơn. Gần cuối hè bọn Nó cũng hay lên đấy tập văn nghệ.  

buu-dien-ngu-1650925920.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tập thể dục, tập hát múa, hát đơn ca, hát tập thể, múa sạp, rồi tập nghi thức các kiểu. Trẻ con kể ra cũng buồn cười, hay chửi nhau. Hai khu tập thể Dệt kim và Bưu điện hai sân thượng song song chuyên đời chõ mõm sang chửi nhau. Có lần căng quá lũ bạn Nó tức chửi bậy như này:

" Bưu điện là bưu điện ngu

Chỗ ăn chỗ ở như bu L bà

Dệt kim là dệt kim tài

Chỗ ăn chỗ ở như đài phát thanh "

Hì hì thế mà bọn bên kia thua bọn Nó đấy  vì bọn Nó đông hơn hét to hơn. Cú quá mấy đứa bên kia lại hét sang:

" Dệt kim ăn lắm đẻ nhiều.  Đồ

Dệt kim đông con là dệt kim đông con "

Cười vỡ bụng với kiểu chửi nhau của trẻ con thời bao cấp. Đội Dệt kim nhà Nó năm nào thi cũng đoạt giải nhất xong về tập tiếp để thi lên quận. Nghỉ hè còn được đi bơi nữa chứ,  2 đồng mua vé bơi cả tháng. Chiều đến lũ lượt hơn chục đứa rủ nhau đi bộ lên bể bơi Tăng Bạt Hổ,  đứa nào đứa đấy đen nhẻm đen nhèm ra xấu kinh khủng, may thế Nó suýt ế chồng.

Ếch ngồi đáy giếng nên ếch chỉ ngắm bầu trời bằng miệng giếng. Nó ở cái tập thể chật chội ấy nên ước mơ cũng hạn hẹp. Nó ước nhà nó có xe đạp để đi học cũ cũng được, để ko phải đi bộ.,có vô tuyến xem để ko phải đi xem nhờ. Tối tối ăn cơm xong chị em Nó lại sang nhà hàng xóm xem chương trình bông hoa nhỏ.

Cái phim" Maika từ trên trời rơi xuống "của Tiệp khắc sao mà hay thế, Nó ko bỏ sót tập nào. Trẻ con xem phim trẻ con xong bị đuổi về học bài để các cụ còn xem thời sự.  Bố bộ đội về làm ngoài dành dụm mãi mới mua cái vô tuyến cửa lùa đen trắng chân gỗ Nó vênh mặt lên với lũ bạn từ nay ko phải xem nhờ nữa. Thỉnh thoảng bố cho Nó đi ăn phở mậu dịch ở phố Huế,  Nó ngồi bàn chờ bố xếp hàng hết hơi mới bê được bát phở. Rồi bố  lại sắm tiếp đến cái đài đĩa mét hai về nữa, Nó tự hào thung thướng lắm vì các bạn khen nhà Nó giàu. Ối giời ơi cái đài phải gió bình thường nghe hay thế mà đến lúc bị vấp nó như ma làm. Bố có cái đĩa gì mà đến chỗ vấp cứ kêu ầm lên nhai đi nhai lại "muôn năm, muôn năm, muôn năm. ......." hàng xóm cứ ớ ra ko hiểu đài đóm nhà này kiểu gì. Sau này bố đổi sang nghe cái đài cát sét ba con chín màu đỏ chạy bằng băng có vẻ ổn hơn. Chết cười cái đài mét hai mang đi bán cho bọn buôn đồ cổ có khi được vài cây vàng thế mà Nó vẫn ngẩn ra vì tiếc.

Cho tôi một vé đi về tuổi thơ với. Con bạn thân nhất của Nó ré lên khi thấy Nó đang lên tàu trở về tuổi thơ. Một tuổi thơ với ánh mắt trong veo, tâm hồn bay bổng, để được đong đầy bằng cảm xúc chân thật nhất. Con bạn Nó ngày nào cũng tấp tểnh gọi Nó đi học, một chân Thủy bị liệt bẩm sinh, vì nghe đâu mẹ Thủy bị sốt khi mang thai Thủy. Hai đứa thân nhau lắm đi đâu làm gì cũng có nhau. Con bạn hiền lành ít nói bao nhiêu thì Nó lại hay nói bấy nhiêu.

Trường cấp 1,2 của Nó  gần nhà,  trước mặt là hồ Hai bà, hồi bé sao nhìn thấy cái hồ ấy rộng thế cứ mênh mông là. Nó với con Thủy suýt chết hụt ở cái hồ đấy vì cái tội tan học về ra vớt cá bảy màu về nuôi. Cho vào mấy cái lọ rảnh rỗi chổng mông lên ngắm. Cái hồ đấy năm nào cũng cống một mạng người. Năm nào lũ trẻ tụi Nó cũng kéo nhau ra xem người chết đuối. Nghĩ đến mấy cái xác trương phềnh rỗ lỗ chỗ vì cá rỉa Nó toát mồ hôi hột. Hai con ranh tới giờ vẫn bảo nhau "tớ với cậu chết hụt thế kiểu gì cũng thọ hơn trăm tuổi".

Nó với con bạn chuyên đời xúc trộm gạo đổi bánh rán với rượu nếp, ăn quà như mỏ khoét. Năm nào đến hội làng Đồng nhân hai đứa lại được mẹ cho tiền rủ nhau ăn kẹo mạch nha, hai tay hai que kéo kẹo trắng tinh ra mới ăn. Cái gì cũng thèm như là quân chết đói ý,  công nhận ngày xưa khổ thật, trẻ con bây giờ ăn sung mặc sướng mà chẳng chịu học hành cho nên người gì cả cứ làm khổ các đấng sinh thành.

Chuyện làng quê

Kim Oanh Đào

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-cua-no-a12036.html