Trong số những tấm gương tiêu biểu có liệt sỹ Đặng Đăng Lâm, kỷ vật còn lại của anh là quyển sổ tay và chiếc khăn mùi xoa hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Đặc công.
Liệt sỹ Đặng Đăng Lâm (quê quán Hàm Rồng, Thanh Hóa) nhập ngũ năm 1973, biên chế thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn Đặc công 113. Được phân công về đơn vị có bề dày thành tích và có nhiều trận đánh vang dội, anh càng được tôi luyện thêm ý chí chiến đấu và lòng dũng cảm.
Bước sang năm 1975, cách mạng nước ta giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện trên tất cả các mặt. Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị họp và quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhiệm vụ của Bộ đội Đặc công trong chiến dịch cuối cùng này là đánh chiếm, chốt giữ 14 cây cầu và các căn cứ quan trọng của địch, chuẩn bị cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong đó, mục tiêu Cầu Ghềnh, cầu Hoá An (Tp. Biên Hòa, Đồng Nai) có vị trí chiến lược trọng yếu, nếu chiếm được cầu ta sẽ bảo đảm đường cơ động cho Quân đoàn 4 đánh chiếm Biên Hòa, phát triển vào Sài Gòn đồng thời chia cắt địch giữa Sài Gòn với Biên Hòa.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử, chỉ huy Trung đoàn 113 đã họp bàn và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 23 bằng bất cứ giá nào cũng phải chiếm và chốt giữ được cầu Ghềnh, cầu Hoá An, chuẩn bị sẵn sàng cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, không để cho địch chiếm lại và phá cầu. Xét về góc độ chiến thuật, Bộ đội Đặc công có thể hoàn thành nhiệm vụ “đánh, phá” dễ dàng, song việc “đánh, phá và chiếm giữ” quả thật nặng nề bởi quân địch tổ chức lại phản kích rất nhanh, trong khi lực lượng của ta chưa rõ thời điểm tiến vào.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, lực lượng của Đại đội 1 và Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 23, Trung đoàn Đặc công 113 cùng hai đại đội pháo của Tiểu đoàn 174 bí mật tiếp cận mục tiêu và tập kích vào lực lượng địch canh giữ cầu. Bị đánh bất ngờ, địch hoảng hốt bỏ chạy, ta đã chiếm được cầu Ghềnh và tổ chức lực lượng chốt giữ, không bị thương vong về người. Giai đoạn chiếm cầu nhanh gọn, nhưng để giữ được cầu an toàn mới thật là gay go, ác liệt bởi vì cầu Ghềnh có vị trí hết sức quan trọng nên ngụy quân tập trung lực lượng phản kích quyết liệt nhằm chiếm lại.
8 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, địch bắt đầu phản công. Chúng sử dụng hỗn hợp pháo binh, xe tăng và lực lượng biệt động quân nhằm đánh chiếm lại cầu Ghềnh. Quân địch từ Thủ Đức, Châu Thới, Biên Hòa, Long Bình liên tục pháo kích trong gần một giờ về phía cầu Ghềnh, tiếp theo là xung lực từ nhiều hướng đánh vào. Biệt kích ngụy tập kích cả vào chỉ huy tiểu đoàn, lính dù có xe tăng yểm trợ từ Dĩ An lên đánh chiếm lại cầu. Cả ngày 27, các đơn vị giữ cầu và lực lượng Đặc công đã đánh bại 4 đợt tiến công bằng xung lực kết hợp với hỏa lực và xe tăng của địch. Cầu vẫn được giữ nguyên vẹn. Ban ngày, quân ta liên tục đánh địch phản kích, đến đêm lợi dụng lúc địch tạm dừng tiến công, bộ đội lại củng cố công sự, bố trí lực lượng, chuẩn bị cho các trận chiến tiếp theo.
Rạng sáng ngày 28/4/1975, năm trực thăng của địch từ Sài Gòn tới bắn rốc két và đạn 12,7mm vào các chốt của ta ở hai đầu cầu, tiếp theo là pháo và xe tăng. Chiều hôm đó, địch chiếm lại được cầu Ghềnh. Được du kích phối hợp chiến đấu, nhân dân tiếp tế cơm nước và chăm sóc thương binh, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 và trung đội pháo kiên trì bám trụ, đánh trả lại địch bằng cả vũ khí cầm tay và pháo cối, diệt nhiều địch, thu 20 súng, buộc địch phải tháo chạy. Đêm 28/4/1975, Đại đội 1 và Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 23 tổ chức lực lượng bí mật tiêu diệt địch và chiếm lại được cầu.
9 giờ 30 phút sáng ngày 29/4/1975, địch sử dụng 30 xe tăng và bộ binh tổ chức thành hai mũi chiếm cầu Ghềnh và cầu Hòa An. Một chiến sĩ của ta đã bắn cháy 5 xe tăng. Lúc này, địch đã bao vây Ban chỉ huy Đại đội 1, chúng hò nhau “bắt sống chứ không bắn chết”. Ba đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tiêu diệt được nhiều tên địch và anh dũng hy sinh tại trận địa. Riêng tổ của đồng chí Đặng Đăng Lâm cùng các đồng chí Hoàng Gia Hạnh, Chính trị viên phó, đồng chí Mai Xuân Đoài, Nguyễn Mạnh Hà, Trịnh Xuân Thái nhận nhiệm vụ đánh chiếm và làm chủ đầu cầu Ghềnh bên thị xã Biên Hòa. Các đồng chí đã kiên trì bám trụ, chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng, đồng chí Đặng Đăng Lâm đã anh dũng hy sinh.
Sau 3 ngày chiến đấu liên tục, quyết liệt, trước hỏa lực mạnh của quân thù, hơn 50 cán bộ, chiến sỹ Đặc công của Đại đội 1 và Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 113 đã hy sinh để bảo vệ Cầu Ghềnh. Đến cuối ngày 29/4/1975, lực lượng chốt giữ cầu chỉ còn 4 đồng chí. Nhưng với tinh thần dũng cảm, các đồng chí vẫn kiên cường bám trụ và bảo vệ cầu an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực ta vào giải phóng Sài Gòn. Tiểu đoàn 23, Trung đoàn Đặc công 113 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những chiến công và sự hy sinh lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 113, trong đó có liệt sĩ Đặng Đăng Lâm trong trận quyết chiến cuối cùng trước ngày toàn thắng của cả dân tộc đã ghi thêm vào lịch sử đơn vị những trang sử hào hùng, oanh liệt, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của đơn vị 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1975, 1979 và 2000).
Ngày 14/12/1975, đồng chí Nguyễn Minh Dỹ, Chính trị viên Tiểu đoàn 23, Trung đoàn Đặc công 113 đã trao quyển sổ tay và chiếc khăn mùi xoa của liệt sỹ Đặng Đăng Lâm cho đồng chí Nguyễn Văn Đàm, cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Binh chủng Đặc công làm hiện vật truyền thống. Chiếc khăn mùi xoa và quyển sổ của Liệt sỹ hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Đặc công với số đăng ký BTĐC: 401-Gi-135, B-74, là một trong những hiện vật đặc biệt, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống mười sáu chữ vàng “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn” của Bộ đội Đặc công anh hùng.
Theo Trái tim người lính/ Nguồn: Bảo tàng Đặc công
Thành Đô ( St-Tổng hợp )
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-vat-cua-nguoi-linh-dac-cong-giu-cau-bac-nhip-gianh-dai-thang-a12074.html