"Các phóng viên ở Sài Gòn chi suốt ngày ngồi trong quán bar trên tầng tám của khách sạn Caravelle, để rồi đưa ra những lời kết tội, những thông tin không xác thực, gây nhiễu, và cả những lời ca thán".
Kết quả là "các phóng viên này có xu hướng đạt tới một sự nhất trí với nhau hoàn toàn đối với gần như tất cả mọi điều mà họ vừa nhìn thấy. Nhưng sự nhất trí đó là đáng ngờ, bởi vì rất rõ ràng là nó được sản xuất lắp ghép lai tạp với nhau. Bản thân các phóng viên cũng trở thành một phần hỗn độn của miền Nam Việt Nam. Họ đã đưa tin là tình hình rất phức tạp, nhưng họ chỉ nhìn nhận từ một góc. Họ làm ra vẻ như những kết luận của họ đã làm sáng tỏ được mọi vấn đề".
Trước khi xảy ra trận Ấp Bắc, hầu hết cánh nhà báo ở Sài Gòn đều ủng hộ quan điểm về mục tiêu ở Việt Nam của Chính quyền Mỹ. Sau này, David Halberstam đã thay đổi cách nghĩ của mình về cuộc chiến tranh, thể hiện trong bài viết của ông:
"Sự thực, điều luôn ám ảnh tôi trong suốt những năm tháng đó vẫn là một sự thực đau lòng. Cánh phóng viên chúng tôi có sai lầm là đã không bi quan quá, mà cũng chưa bi quan đủ… chúng tôi chưa bao giờ tìm cách đưa vào trong các bài viết của mình câu hỏi về cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp đã làm được gì ở Việt Nam. Nó đã tạo ra những gì ở miền Bắc Việt Nam, một xã hội năng động và hiện đại. Và nó đã trao lại cho chúng ta, với tư cách những đồng minh, một trật tự xã hội hậu phong kiến đang giãy chết như thế nào… Không phải là chúng ta đã không yêu nước hoặc chúng ta đã phá hoại những mục đích dân tộc cao cả khác của mình - mà đúng hơn là chúng ta, ngay từ dầu, đã không làm rõ được những điều không thể về cuộc chiến tranh".
Chính phủ gần như chẳng cung cấp được thông tin gì cho các nhà báo về sự thực của cuộc chiến tranh. Sự thiếu hụt những thông tin đáng tin cậy đã tạo điều kiện cho Phạm Xuân Ẩn với tư cách nhà báo trở nên được quan tâm, vì ông có khả năng cung cấp được những thông tin mà cánh phóng viên ở Sài Gòn cần. Trong quá trình đó, Phạm Xuân Ẩn cũng thu thập được những thông tin quan trọng giúp ông có thể viết được báo cáo tình báo để gửi vào trong rừng.
Vào thời gian này, chế độ Ngô Đình Diệm đang tiến gần đến bờ phá sản nên khước từ mọi quyền tự do cơ bản đối với những người Phật giáo; cắt giảm tất cả mọi thứ, trừ sự trung thành tuyệt đối với gia đình họ Ngô. Năm 1962, bác sĩ Trần Kim Tuyến, cũng như Nguyễn Thái và nhiều nhân vật tai to mặt lớn khác không còn nghe lời Madame Nhu trong các vấn đề chính trị nữa. Trong một lá thư dài gửi cho Ngô Đình Diệm, bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc giục Diệm phải gạt bỏ bà Nhu ra khỏi trung tâm sân khấu chính trị.
Khi Ngô Đình Nhu - người vừa là em trai ruột của Tổng thống Diệm, vừa là chồng của bà Nhu - biết chuyện lá thư của Trần Kim Tuyến, liền cho khai tử số phận chính trị của Trần Kim Tuyến. Ngay lập tức, bác sĩ Trần Kim Tuyến bị "cử đi làm việc" tại Tổng lãnh sự quán ở Cairo. Trong khi đó, gia đình của Trần Kim Tuyến tại Sài Gòn bị Ngô Đình Nhu ra lệnh quản thúc. Trước khi rời Sài Gòn đi Ai Cập nhận nhiệm vụ mới, Trần Kim Tuyến vạch ra một kế hoạch đảo chính, rồi mang ra thảo luận các chi tiết của kế hoạch đó với Phạm Xuân Ẩn và một số người khác. Sau đó, Trần Kim Tuyến rời Sài Gòn, nhưng không đi Cairo, mà đến Hong Kong thì dừng lại ở đó để chờ kết quả của cuộc đảo chính với hy vọng sẽ trở về Sài Gòn sau khi Diệm bị lật đổ.
Một trong những trợ lý trung thành khác của Trần Kim Tuyến là Ba Quốc (bí danh của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức). Sau khi vượt qua được các cuộc sát hạch bằng máy kiểm tra nói dối, Ba Quốc được chuyển sang làm việc tại một đơn vị mới được lập ra là bộ phận tình báo trong nước của CIO, Ba Quốc làm trợ lý cho lãnh đạo bộ phận tình báo trong nước này. Do phong cách và dáng vẻ bề ngoài nhẹ nhàng, hiền lành như ông bụt, nên Ba Quốc được mọi người ở bộ phận báo trong nước đặt cho biệt danh "Bụt Tá". Ở vị trí này, Ba Quốc được tiếp cận với hầu hết các tài liệu quan trọng thuộc mạng lưới tình báo miền Nam Việt Nam. Đây lại thêm một bằng chứng nữa về việc tình báo Cộng sản Bắc Việt Nam đã thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội miền Nam Việt Nam, kể cả thâm nhập vào chính các cơ quan tình báo của miền Nam là những đơn vị có nhiệm vụ phải loại trừ Việt Cộng.
Trong khi đó, dường như Chính quyền Sài Gòn không tổ chức được một điệp viên nào cỡ như Phạm Xuân Ẩn và Ba Quốc ra hoạt động ở miền Bắc. Đây cũng là lý do tại sao tình báo Mỹ đã ít nhất hai lần tìm cách tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm việc cho CIA mà không thành.
Ông Ba Quốc không hề biết Phạm Xuân Ẩn đang hoạt động dưới vỏ bọc. Ba Quốc nói:
- Tôi có quen biết Hai Trung, nhưng chỉ biết ông ấy là một nhà báo làm việc cho Mỹ và có rất nhiều ảnh hưởng, quan hệ rất rộng rãi… Vì biết ông là người có ảnh hưởng lớn, nên tôi muốn thiết lập quan hệ với ông để lấy thông tin. Tôi đã báo cáo ý định này của mình với cấp trên, nhưng nhận được chỉ thị cấm tiếp xúc với ông.
Tương tự như vậy, Phạm Xuân Ẩn cũng không hề biết gì về vai trò của Ba Quốc.
Có lẽ gây tò mò nhiều nhất là trường hợp của nhà tình báo đại tá Phạm Ngọc Thảo. Nhiệm vụ của nhà tình báo này là làm mất ổn định chính phủ chống Cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo cũng trở thành một chuyên gia lật đổ nổi tiếng, thường cấu kết với bác sĩ Trần Kim Tuyến và các tướng lĩnh của quân đội Việt Nam Cộng hoà để làm tất cả mọi điều miễn là có thể làm mất uy tín của chính phủ miền Nam Việt Nam. Nhà báo Shaplen mô tả Phạm Ngọc Thảo là một nhân vật cách mạng đầy mưu mô, chẳng khác nào nhân vật từ trong tiểu thuyết Malraux bước ra ngoài đời. Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn là chỗ bạn bè. Mặc dù Phạm Xuân Ẩn biết rõ nhiệm vụ bí mật của Phạm Ngọc Thảo, nhưng ông không hề nói nửa lời về điều đó. Phạm Ngọc Thảo cũng chơi thân với Shaplen và bác sĩ Trần Kim Tuyến. Phạm Ngọc Thảo đã hoạt động như là một trong những trợ lý được tin cậy nhất của Ngô Đình Diệm. Ông cũng thường được ca ngợi là một trong những người chống Cộng sản thành công nhất. Sau khi chứng kiến những hoạt động của Phạm Ngọc Thảo ở tỉnh Bến Tre, nhà báo Shaplen đã viết một bài ca ngợi tài năng chống nổi dậy của ông.
Xuất thân từ một gia đình Thiên chúa giáo, chống Cộng và có học, Phạm Ngọc Thảo được ba, mẹ dắt đến giới thiệu với Ngô Đình Thục, người anh cả của Ngô Đình Diệm đang làm Giám mục ở tỉnh Vĩnh Long. Phạm Ngọc Thảo đã làm cho Ngô Đình Thục tin rằng ông thực sự tin tưởng vào sự nghiệp chống Cộng sản, đồng thời muốn giúp đỡ Ngô Đình Diệm làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình. Nhiệm vụ bí mật của Phạm Ngọc Thảo được cấp cao nhất là Bộ Chính trị Trung ương Đảng chấp thuận. Sau đó, Phạm Ngọc Thảo được cử sang học ở Trường chỉ huy và tham mưu của Mỹ tại Kansas. Ông từng được đề bạt lên quân hàm đại tá, làm Chỉ huy trưởng các lực lượng vùng tỉnh Vĩnh Long, sau chuyển sang làm Chỉ huy trưởng các lực lượng vùng tỉnh Bình Dương, rồi Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre.
Phạm Ngọc Thảo trở thành một trong những nhân vật thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho dự án đô thị nông nghiệp, thôn ấp hiện đại tự quản. Dự án này nhằm chia rẽ những người nổi dậy với dân chúng ở vùng nông thôn thông qua việc dồn dân vào những ấp lớn có hệ thống hàng rào vững chắc để cho Chính phủ Diệm bảo vệ các nông dân. Phạm Ngọc Thảo biết rõ chương trình này sẽ vấp phải sự phản đối của nông dân. Đó chính là lý do tại sao Phạm Ngọc Thảo đưa ra đề nghị về dự án này mạnh mẽ nhất. Các nông dân ghét dự án đô thị nông nghiệp vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là nông dân bị huy động đi xây dựng những cái đô thị như vậy rồi sau đó lại phải dọn nhà đến ở.
Chương trình này đã gây ra sự phản đối và cô lập chính quyền Ngô Đình Diệm. Khi dự án này bị huỷ bỏ, Phạm Ngọc Thảo tập trung vào vấn đề xây dựng ấp chiến lược. Ông thuyết phục Diệm cho xây dựng ấp chiến lược thật nhanh chóng. Nếu để lâu, e rằng nó lại gây ra sự phản đối và thù địch của nông dân.
Phạm Xuân Ẩn cho biết, thay vì phải thử đi thử lại, người ta cho tiếp tục làm tới theo kiểu đặc trưng của Mỹ với sự giúp đỡ của Phạm Ngọc Thảo. Phạm Xuân Ẩn cho biết:
"Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi. Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều".
Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng vì sao rất nhiều người khâm phục Phạm Ngọc Thảo? Ông Ẩn, một người bạn chơi với Phạm Ngọc Thảo từ bé, nói:
- Bob Shaplen quí Phạm Ngọc Thảo vì ông ấy tin rằng đầu óc trí tuệ của Phạm Ngọc Thảo là tách rời và khác biệt với Hà Nội. Ông ấy cũng là một người mơ mộng giống như chúng tôi. Phạm Ngọc Thảo là người mà suốt cuộc đời đã một mình đơn độc chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam. Ông ấy là người theo chủ nghĩa dân tộc, chứ không phải là một nhà tư tưởng. Phạm Ngọc Thảo là người có thái độ và mục tiêu được hình thành khi Việt Nam bị thực dân Pháp đàn áp về chính trị và bị khai thác về kinh tế…
Nhìn lại cuộc đời Phạm Ngọc Thảo, không cần phải tô hồng phóng đại, cũng có thể nói rằng cá nhân ông Phạm Ngọc Thảo đã làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị giữa Chính quyền Sài Gòn với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo đã giúp làm suy yếu Diệm và Nhu bằng cách giúp cho chương trình bình định nông thôn nhanh chóng thất bại. Phạm Ngọc Thảo là một nhân vật lớn trong cơn xoáy lốc của các âm mưu phá hoại ngầm, rồi cuối cùng là huỷ hoại các chương trình đó. Phạm Ngọc Thảo bị giết chết ngày 17/7/1965.
Người ta tin rằng chính Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh hành hạ ông Phạm Ngọc Thảo thật đau đớn bằng cách dùng một chiếc thòng lọng bằng da thít quanh cổ và một chiếc khác thít chặt nơi tinh hoàn. Sau khi ông Phạm Ngọc Thảo đã chết, Nguyễn Văn Thiệu và vợ liền mở rượu sâm banh ăn mừng.
Tại một trong những cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi với Phạm Xuân Ẩn, tôi đã nói đùa rằng bác sĩ Trần Kim Tuyến hoá ra là người thế nào mà cả Ba Quốc, Phạm Xuân Ẩn, và Phạm Ngọc Thảo đều bắt đầu sự nghiệp từ tổ chức của ông Tuyến. Đây là một trong rất ít các cuộc trò chuyện của chúng tôi, Phạm Xuân Ẩn hạ giọng xuống rồi nói:
- Đó là điều tôi không thể nói được với giáo sư. Nhưng tôi không phải là người duy nhất cứu mạng sống của ông Trần Kim Tuyến. Ông Phạm Ngọc Thảo cũng tham gia cứu Trần Kim Tuyến vì ông Tuyến đã giúp thả rất nhiều người của chúng tôi bị cầm tù sau khi ông ấy không còn được anh em Diệm, Nhu tin cậy.
( còn nữa)
Theo Trái tim người lính/ Nguồn: “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/diep-vien-anh-hung-pham-xuan-an-ky-13-a12076.html