Giữa sự sống và cái chết chúng ta luôn ở bên nhau vượt qua muôn vàn khó khăn.
Lưu bút của Tư Cang trong sổ tay của Phạm Xuân Ẩn, tháng 9/2006
Cuối năm 1967, Thiếu tá Tư Cang, 40 tuổi, tổ trưởng mạng lưới tình báo quân sự cụm H.63 đặt chân đến Sài Gòn. Trước đó vài tháng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ở Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức một cuộc tổng tiến công và nổi dậy mới đánh vào "trung ương thần kinh của chính phủ bù nhìn miền Nam". Mục tiêu chính là Sài Gòn!
Bản Nghị quyết được các giao liên chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh, đến tháng 9/1967 mới tới được Trung ương Cục miền Nam. Ngày hành động được ấn định vào Tết Mậu Thân, tức ngày 31/1/1968. Nghị quyết này chỉ dành cho chưa đầy ba tháng để thu thập tin tức tình báo và lên kế hoạch chiến lược cho trận tấn công vào thành phố thủ phủ của miền Nam.
Ông Trần Văn Trà, Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam từ năm 1963, lãnh trách nhiệm về các hoạt động chiến thuật và chiến lược trong cuộc tổng tiến công. Ông Trần Văn Trà tin chắc rằng, nếu kế hoạch này được thực hiện thành công, Chính quyền Sài Gòn do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu sẽ sụp đổ. Phương pháp hướng dẫn cơ bản là kết hợp giữa tấn công của các đơn vị quân đội với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đô thị, kết hợp giữa tấn công từ bên trong các thành phố với bên ngoài thành phố, và giữa hoạt động quân sự ở nông thôn với hoạt động quân sự ở các trung tâm đô thị. Cuộc tổng tiến công sẽ là liên hoàn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ông Trần Văn Trà phụ thuộc nhiều vào các mạng lưới tình báo của ông ở Sài Gòn. Nhiệm vụ của ông Tư Cang là: Điều tra năng lực của Sư đoàn 1 quân đội Việt Nam Cộng hoà; Báo cáo về hệ thống an ninh xung quanh tổng hành dinh hải quân đóng ở Cảng Sài Gòn; Xác định đường đột nhập tốt nhất vào thành phố, cũng như những đường đến các toà cao ốc hoặc những cơ sở dễ tấn công nhất. Tư Cang hiểu rằng ông cần phải dành càng nhiều thời gian với điệp viên thượng hạng của mình là Phạm Xuân Ẩn thì càng tốt.
Phạm Xuân Ẩn tạo vỏ bọc cho Tư Cang là trong vai một người bạn từ Huế vào, một thầy giáo đi thăm đồn điền ở Dầu Tiếng, một người lai tạo giống chim và thích nuôi dạy chó. Với vỏ bọc như vậy, Tư Cang và Phạm Xuân Ẩn có thể đi cùng nhau đến tiệm cà phê Givral hoặc bất cứ nơi nào trong Sài Gòn mà không hề gây ra chút nghi ngờ nào. Với tư cách một nhà báo được kính trọng đang làm việc cho Tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn dễ dàng đi lại khắp Sài Gòn, trong đầu xốn xang với ý nghĩ về những địa chỉ có thể tấn công và những cách thức để tránh hệ thống an ninh.
Khoảng năm 1968, Phạm Xuân Ẩn nói chung được mọi người coi là anh cả trong đám phóng viên ở Sài Gòn. Laura Palmer, phóng viên tự do của Tạp chí Time và là bạn thân của ông Ẩn, viết:
"Phạm Xuân Ẩn là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông".
Khi David Lamb của tờ Los Angeles Times đến Sài Gòn đã được mọi người nói "Đến gặp Phạm Xuân Ẩn của Tạp chí Time". Henry Kamm của tờ New York Times biết Phạm Xuân Ẩn là "một đồng nghiệp thạo tin, hào phóng, nhẹ nhàng và tế nhị, người Việt Nam duy nhất được một toà báo Mỹ là Tạp chí Time tuyển dụng và cho hưởng qui chế phóng viên đầy đủ, chứ không phải chỉ là những trợ lý người địa phương cho các nhà báo Mỹ từ New York được cử đến để đưa tin về chiến tranh".
Nhiều năm trước khi David Halberstam biết về các hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn, ông đã nói với Neil Sheehan rằng Phạm Xuân Ẩn là một nhân vật lớn ở Sài Gòn "bởi vì ông ấy có nhiều ảnh hưởng đối với các nhà báo Mỹ". Khi tôi chìa đoạn trích từ kho tư liệu báo chí của Neil Sheehan này cho Phạm Xuân Ẩn xem, ông đã mỉm cười và nói:
- David Halberstam nói đúng, bởi vì tôi gây ảnh hưởng đối với các nhà báo Mỹ bằng cách giúp họ hiểu Việt Nam. Nhiều người trong số họ đến đây khi còn là những phóng viên tự do rất trẻ, lúc nào cũng tìm kiếm tin để viết bài. Tôi không muốn họ bị hướng dẫn sai, vì có nhiều người khác đưa ra những thông tin không đúng. Tôi đã ở vị trí dạy cho các phóng viên Mỹ trẻ tuổi, vì tôi không thể để cho ai nghi ngờ tôi. Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ dính líu vào việc đưa các thông tin thất thiệt. Chỉ có những người xấu mới làm như vậy. Tôi phải công bằng và khách quan, nếu không tôi sẽ bị chết. Đơn giản như vậy đó.
Câu hỏi về việc Phạm Xuân Ẩn một tình báo viên có đưa tin thất thiệt - tức là phát tán những thông tin giả nhằm đánh lạc hướng kẻ thù của đất nước mình - hay không, cho đến nay chưa được khẳng định, mặc dù đã từng có một số cuộc điều tra và buộc tội ông. Có lẽ vấn đề này vẫn còn nhạy cảm nếu không muốn nói đây là vấn đề trọng tâm liên quan đến vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn. Ông có đưa tin xuyên tạc về cuộc chiến tranh để có lợi cho Cộng sản hay không? Đã từng có người ở Mỹ buộc tội ông Phạm Xuân Ẩn như vậy. Tại cuộc điều trần của một tiểu ban thuộc Thượng nghị viện Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Jeremiah Denton, một cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, làm chủ toạ, ông Armaud de Borchgrave đã đưa ra những lời buộc tội Phạm Xuân Ẩn. Theo de Borchgrave, "Phạm Xuân Ẩn phụ trách việc chuyển tiếp thông tin sai lạc đến Đại sứ quán Mỹ và các đồng nghiệp nhà báo của ông".
Tuy nhiên, tất cả các đồng nghiệp từng làm việc sâu sát bên cạnh Phạm Xuân Ẩn đều nói rằng Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ cung cấp cho họ những thông tin sai lạc. Ông Roy Rowan, cựu Trưởng phân xã Tạp chí Time ở Sài Gòn, khăng khăng nói:
- Vì uy tín của mình, Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ cung cấp các thông tin sai lạc cho các phóng viên về diễn biến của cuộc chiến tranh.
Sau này, Tạp chí Time đã từng tiến hành thanh tra nội bộ, nhưng vẫn không tìm thấy bằng chứng nào về việc Phạm Xuân Ẩn đã viết những tin, bài xuyên tạc, bóp méo. Tôi đã phân tích một cách kỹ lưỡng những ghi chép chi tiết của Robert Shaplen trong các cuộc chuyện trò với Phạm Xuân Ẩn thì thấy không hề có chi tiết hoặc dấu hiệu nào chứng tỏ rằng ông Ẩn đã cố đưa ra những thông tin sai, hoặc thậm chí sự hiểu sai, để có thể bị coi là thân Việt Cộng. Cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn khẳng định:
"Làm báo là một nghề tôi thực hiện rất nghiêm chỉnh. Đó là lý do vì sao không ai có thể nghi ngờ tôi và đó cũng là lý do vì sao ngày nay tôi có rất nhiều bạn. Tất cả những điều tôi đã làm chẳng qua chỉ là vì nghề nghiệp của tôi, vì đất nước tôi. Những ai là người công bằng thì đều biết điều đó".
Mối quan hệ nghề nghiệp thân thiết nhất của Phạm Xuân Ẩn là với Bob Shaplen, phóng viên Viễn Đông của tờ New Yorker làm việc tại Hong Kong từ năm 1962-1978. Bob Shaplen có nhiệm vụ đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam và tình hình ở các nước khác tại châu Á. Khi đến Sài Gòn, Bob Shaplen đặt trụ sở của mình tại phòng số 407, Khách sạn Continental. Từ phòng làm việc của mình và đứng ở ban công, Bob Shaplen có thể nhìn thẳng sang Toà nhà Quốc hội; nhìn sang bên phía tay phải và ngang qua phố là tiệm cà phê Givral. Nhà nhân chủng học Gerald Hickey nhớ lại:
"Khi Bob Shaplen đến Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn và tôi thường đến phòng của ông ta ở khách sạn Continental Palace, nơi có nhiều người khác nhau tụ họp. Họ là những nhà báo, trong đó có Jean-Claude Pomonti của tờ báo Le Monde, George McArthur của Los Angeles Times, Keyes Beech của Chicago Daily News và những tay lõi đời về Việt Nam như Lou Conein. Nhiều lần các quan chức Việt Nam, trong đó có tướng Trần Văn Đôn, cũng xuất hiện ở đấy.”
Chiêu hồi trong tiếng Việt có nghĩa là đầu hàng (1) (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)
(Chú thích của Nhà xuất bản: Chiêu hồi là chương trình trong chiến tranh xâm lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn (trước 1975) tiến hành bằng các biện pháp mua chuộc kết hợp thủ đoạn tâm lý chiến để lôi kéo cán bộ cách mạng và chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng đào ngũ về với họ)
Nguồn: “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman
( còn nữa)
Trái tim người lính
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/diep-vien-anh-hung-pham-xuan-an-ky-14-tu-tap-chi-time-den-tet-mau-than-a12118.html