47 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2022), Dân trí đã có cuộc gặp mặt với ông Trần Văn On và lần đầu được lắng nghe câu chuyện về chiếc huân chương
Huy Hậu: Anh hùng phi công Từ Đễ đã từng băn khoăn khôn nguôi về ông - người anh em từng được cả Phi đội Quyết Thắng tin yêu vì sự hết lòng phục vụ cách mạng. Thế nhưng, sau năm 1977, tại sao ông lại đột ngột mất liên lạc?
Ông Trần Văn On: Sau năm 1975, Pol Pot đánh phá dọc biên giới Tây Nam nặng nề. Vì lực lượng phi công còn mỏng nên hàng binh chế độ cũ chúng tôi được Nhà nước trọng dụng rất nhiều.
Ấy vậy, Nguyễn Văn Hai - một phi công của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) - đã đánh cắp chiếc trực thăng UH1 chở vợ con bay ra nước ngoài, khiến công tác trong quân đội của chúng tôi gặp khó khăn, sự nghi ngờ 2 bờ chiến tuyến lại một lần nữa dấy lên.
Ở lại lực lượng nhưng không biết tương lai sẽ ra sao? Ra nước ngoài cũng chẳng đành vì còn vợ còn con. Thế nên, sau năm 1977, Pol Pot được đẩy lùi, tôi liền xin rút khỏi hàng ngũ, lặng lẽ trở về quê nhà theo diện hàng binh.
Huy Hậu: Sau khi trở về quê cũ, cuộc sống của ông như thế nào?
Ông Trần Văn On: Vì thất lạc giấy tờ chứng minh bản thân tham gia cách mạng nên suốt thời gian đầu, tôi cùng nhiều nông dân, hàng binh đã đào kênh, vét thủy lợi, xả mặn, rửa ngọt ruộng đồng… Kinh tế nước ta khó khăn, công việc thực hiện toàn bộ bằng tay chân nên khổ trăm bề.
Lúc đó, cả gia đình tôi đều sống dựa vào đồng lương đổi bằng gạo ít ỏi từ nghề giáo viên của vợ. Để phụ thêm, tôi còn tranh thủ trồng bắp, đậu, nuôi heo, gà… Chắt bóp từng li từng tí nhưng đến năm lớp 9, nhà nghèo, con trai lớn của tôi vẫn buộc phải nghỉ học để đi làm công nhân.
Thế nhưng, cái khổ tay chân ấy chẳng bằng gì so với sự khổ tâm đâu. Thời điểm ấy, một số bạn bè thuộc chế độ cũ nghe tin tôi tham gia trận ném bom Tân Sơn Nhất, họ thù lắm, gọi tôi là "kẻ phản quốc". Bị mắc kẹt giữa 2 chế độ khiến tôi đau đớn vô cùng!
Đến năm 1995, tôi mới quyết định quay trở lại Đà Nẵng, tìm đồng đội để xin giấy tờ chứng minh mình có công với cách mạng nhằm giúp cuộc sống dễ dàng hơn.
Huy Hậu: Sau hàng chục năm xa cách, đến khi được đoàn tụ, cảm xúc của các thành viên Phi đội Quyết Thắng ra sao?
Ông Trần Văn On: Ban đầu tôi đắn đo lắm mới quyết định bán ít vườn tược để có tiền làm lộ phí. Ra tới Sư đoàn Không quân 372, chỉ mặc đúng chiếc áo thun mỏng tan, đôi dép Nhật mang trên chân cũng đã cũ mèm.
Anh Hán Văn Quảng (khi ấy đang là Sư đoàn trưởng - PV) nhìn tôi từ trên xuống dưới một lượt thì xúc động không thôi: "Anh tưởng em đã qua Mỹ". Rồi anh ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào: "Sống còn nhìn thấy nhau như vậy này là đủ lắm rồi…".
Anh Quảng kể, sau khi đất nước hòa bình, rất nhiều cơ hội anh em ở Phi đội Quyết Thắng về Tiền Giang, hỏi thăm tin tức để tìm tôi nhưng không thể. Sáng hôm sau, anh quyết định rút tiền mua một vé tàu để tôi ra Hà Nội đoàn tụ với tất cả thành viên.
Mặc dù lúc bấy giờ, chúng tôi đã cách biệt nhau rất nhiều. Thế nhưng, khoảnh khắc đoàn tụ, nghe hoàn cảnh khó khăn của tôi, ai nấy đều xúc động. Anh em bảo nếu năm 1975, tôi ở lại Sài Gòn và nhận huân chương "Chiến công Giải phóng hạng Nhất", có lẽ cuộc đời bây giờ đã khác.
Trước ngày chia tay, mọi người đứng ra kêu gọi Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân quyên góp 10 triệu đồng để giúp tôi trở về quê nhà, cải thiện cuộc sống.
Huy Hậu: Sau chiến thắng của trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, các thành viên phi đội Quyết Thắng đều nhận huân chương "Chiến công Giải phóng hạng Nhất". Tại sao ông lại không?
Ông Trần Văn On: Thực tế, lúc ấy Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện đã có quyết định ký tặng cho tất cả. Nhưng vì tôi và Nguyễn Văn Sanh là hàng binh, vừa tham gia trận đầu tiên nên chưa trao ngay mà vẫn giữ ở Quân chủng Phòng không - Không quân.
Đến ngày 1/5, Sài Gòn giải phóng, tôi vội vã trở về quê, thông báo cho vợ biết mình còn sống. Chưa ở cạnh con đủ ngày thì lại phải tiếp tục nhận lệnh xuống sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) tham gia huấn luyện bay và chiến đấu ở biên giới Tây Nam.
Cuộc chiến chống Pol Pot diễn ra suốt 2 năm trời, bom ném triền miên, căng thẳng vô cùng. Ấy vậy, chiếc huân chương cũng dần rơi vào quên lãng.
Huy Hậu: Vậy đến bao giờ, chiếc huân chương ấy mới được quay trở về với chủ nhân?
Ông Trần Văn On: Sau này, anh em Phi đội Quyết Thắng lần mò theo địa chỉ, tìm về Tiền Giang. Nhìn thấy tôi sống trong căn nhà lá lụp xụp mấy chục năm, họ bèn giúp đỡ.
Từ Đễ gọi ra Quân chủng Phòng không - Không quân hỏi chuyện, xác nhận chiếc huân chương còn nên cậu ấy liền gợi ý mang trao trả cho tôi. Từ Đễ cho rằng, dù muộn nhưng đó là những gì tôi đáng được nhận.
Nhanh chóng, sư đoàn mời tôi lên Sài Gòn để thực hiện lễ trao trả nhưng Từ Đễ nhất quyết không đồng ý. Bởi lẽ, khi ấy tôi còn chịu sự nghi kỵ từ bà con ở quê và bạn bè chế độ cũ, cậu ấy muốn đem về tận xã để tôn vinh cho tất cả mọi người đều biết.
Một sáng tháng 8/2008, trước sự chứng kiến của hàng chục cán bộ tại UBND xã Gò Công, tôi được nhận chiếc huân chương thất lạc suốt 33 năm. Nhìn tấm bằng khen đã úa màu vì thời gian, ai nấy đều xúc động!
"Như thế này là đã trả danh dự rồi, để anh bọc huân chương trong túi mang về" - ra đến cửa ủy ban, tôi lên tiếng đề nghị.
Từ Đễ liền lắc đầu: "Không! Anh phải đeo trước ngực đi trên con đường rộng nhất, dài nhất về nhà, để dân thấy anh đã có công với cách mạng như thế nào…".

Thế là giữa trưa nắng hôm đó, anh em lái xe máy đèo tôi ngồi sau vừa cầm bằng khen, vừa đeo huân chương, đi trên con đường làng dài nhất để trở về.
Huy Hậu: Từng tham gia huấn luyện tại Mỹ, rồi tiếp tục trở thành phi công phục vụ cho chế độ Sài Gòn, từ khi nào ông bắt đầu có ý nghĩ sẽ đứng dưới lá cờ cách mạng?
- Ông Trần Văn On: Thú thật, chúng tôi không có quyền lựa chọn!
Sau năm 1968, chính quyền Sài Gòn ra lệnh tổng động viên, tất cả trai tráng 18-20 tuổi đều phải đi lính. Tôi may mắn tốt nghiệp tú tài nên được đưa sang Mỹ học bay. Đến khi Mỹ rút viện trợ, lũ lượt rút khỏi Việt Nam, tôi biết chắc chắn chiến tranh sắp kết thúc. Bạn bè ở chế độ cũ khuyên tôi nên đi di tản nhiều lắm chứ, nhưng tôi không.
Thứ nhất, pháo đạn thời điểm ấy bắn ngày đêm, chưa chắc gì chúng tôi có thể sống sót. Thứ hai, vợ con vẫn đợi, tại sao tôi phải rời đi? Thứ ba, ừ thì sang Mỹ rồi, nhưng ở xứ người, tương lai phía trước sẽ ra sao? Cuối tháng 4/1975, tôi xin ra hàng, tham gia cải tạo tập trung nhằm đợi thời gian kết thúc chiến tranh.
Thế nhưng, lịch sử lại lần nữa lựa chọn tôi để thử thách. Quân giải phóng Việt Nam thu được 6 chiếc A-37 của Mỹ nhưng chưa biết cách sử dụng. Thấy lý lịch tôi tốt, gia đình có người tham gia cách mạng họ liền tuyển chọn để tôi chỉ dạy và cùng ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Huy Hậu: Khoảnh khắc ném bom xuống Tân Sơn Nhất - nơi là căn cứ của chế độ cũ mà ông từng tham gia phục vụ, ông suy nghĩ điều gì?
- Ông Trần Văn On: Một người bị kẹt giữa 2 chế độ như tôi nghĩ nhiều lắm! Bất đắc dĩ chiến tranh đã diễn ra trên đất nước chúng ta, buộc chúng tôi đứng ở 2 đầu chiến tuyến. Nhưng không thể cứ mãi đánh nhau. Thời điểm ấy, phải nói rằng tất cả chúng tôi đều đã quá chán ghét chiến tranh. Tất cả chỉ mong mỏi một sự kết thúc, không còn ai chết chóc và người ta được tự do, trở về đoàn tụ gia đình.
Đến đêm 27/4, trước giờ bay, Đại tá Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, gọi anh em Phi đội Quyết Thắng ra sân và nhấn mạnh: "Không đánh vào khu ga hàng không, không đánh trại Davis nơi có phái đoàn quân sự của ta, không phá đường lăn, đường băng, không để rơi bất kỳ quả bom nào xuống Sài Gòn, không làm thương vong dân thường… chừa đường cho Mỹ về nước".
Đó là một hành động vô cùng nhân đạo! Chúng tôi đã thực hiện đúng mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", tức không tiêu diệt mà vẫn cho địch rút và giảm hoàn toàn thương vong.
Và thời điểm khi hàng chục quả bom được ném xuống, chúng tôi vẫn cố gắng định vị một cách chuẩn xác nhất theo lời đại tá Lê Văn Tri. Thậm chí, lửa cháy cuồn cuộn dưới đất, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục cất cánh rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tân Sơn Nhất hôm ấy gần như không có một thương vong.
Huy Hậu: Bây giờ nhìn về quá khứ, ông cảm nhận lựa chọn của mình khi ấy thế nào?
- Ông Trần Văn On: Câu chuyện của tôi, cứ 10 người thì 5 người khen, 5 người vẫn nghi ngờ. Khi đó, trở về cuộc sống đời thường, cực khổ có đấy, nhưng tôi chưa một ngày ngừng cố gắng để gia đình mình bình yên.
Sau này mỗi lần đồng đội nhắc nhớ chuyện cũ, tôi luôn cười trừ: "Khổ đã khổ rồi. Nhưng nếu để chiến tranh kết thúc, để không còn người Việt Nam nào chết, tôi vẫn chọn đứng dưới cách mạng…"
Huy Hậu: Những ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước có ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với những người lính phi công như ông?
- Ông Trần Văn On: Mọi năm, cứ đầu tháng 4, rất nhiều nhà báo như bạn lại tìm về quê để thăm hỏi, đồng đội dù lớn tuổi nhưng vẫn hẹn nhau gặp mặt ở Sài Gòn để hàn thuyên chuyện cũ.
Mấy hôm nay, tụi cháu nhà tôi lên mạng xã hội là thấy hình ảnh, câu chuyện kể về tôi. Tụi nó bảo tự hào về những gì ông đã làm.
Đấy, chỉ cần nhiêu đó thôi là đủ niềm vui tuổi già…
Xin cảm ơn chia sẻ chân thành từ ông.
Trái tim người lính
Huy Hậu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tran-van-on-va-tam-huan-chuong-chien-cong-giai-phong-hang-nhat-a12195.html