Ông Vũ Cao Hồng, năm nay ngót 80 tuổi vẫn còn nhớ như in cuộc chia tay hai đứa con trai vào bộ đội. Cậu cả nhập ngũ tháng 8-1965 vào chiến trường B, cậu thứ hai là Vũ Cao Thắng vừa kết thúc học kỳ I - lớp 9 đã viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Nhiều đứa trong số chúng tôi phải ở lại, vì “thấp thước nhẹ cân” nên chờ đợt tuyển quân năm sau. Lúc chia tay, Thắng còn viết vào cuốn sổ lưu niệm và tặng tôi hai câu thơ thật sự xúc động: “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc/ Chiến trường rộn rã bước hành quân”. Lớp chúng tôi tổ chức tiễn Thắng lên đường trong niềm vui phấn khởi. Riêng mấy đứa bạn nữ đứng ôm nhau nước mắt cứ chảy giàn giụa. Khi chiếc xe Gat- 63 chở quân khuất dần sau con đường quốc lộ 1 A, lớp chúng tôi mới chịu đi về.
Mùa thu năm 1970, sau khi kết thúc 3 tháng huấn luyện tân binh ở Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh, đơn vị của Thắng hành quân vào chiến trường miền Nam. Lúc đó chiến trường đang diễn ra cực kỳ ác liệt. Khi vào đến Quảng Trị, Vũ Cao Thắng được tăng cường về Trung đoàn 24, thuộc Sư đoàn 304, cắm chốt tại Cao điểm 351- nơi được mệnh danh là “túi bom” của địch.
Đầu năm 1971, đế quốc Mỹ mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nhằm mục đích kiểm nghiệm khả năng tác chiến của quân ngụy và cắt đứt tuyến hậu cần của ta đồng thời cô lập cuộc kháng chiến ở miền Nam cũng như ở Campuchia và Lào. Địch kết hợp bộ binh đánh từ dưới Đông Hà theo Đường 9 - Khe Sanh lên Sê Pôn, cho máy bay đổ quân xuống ba cụm cao điểm phía Nam, Đường 9 - Tây Trường Sơn. Việc Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra Đường 9 - Nam Lào thực sự là cuộc hành binh có quy mô lớn nhất, điển hình nhất trong quá trình thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam.
Đơn vị của Thắng được giao nhiệm vụ nghi binh lừa địch vào đúng “túi lửa” phòng không mạnh nhất của Bộ đội Trường Sơn. Lúc đầu, pháo phòng không, tên lửa của ta vẫn “ém” quân nằm im lìm dưới những tán lá rừng già, chỉ cho các loại súng bộ binh, đại liên ra “đánh mồi” để “kéo” máy bay đến gần trận địa mai phục sẵn. Trong tiếng gầm rú của máy bay và tiếng pháo của địch bắn lên, Thắng nghe rất rõ giọng khàn khàn quen thuộc của Đại đội trưởng Lê Văn Cường:
- Phải nhử máy bay vào thật sâu, đúng vòng vây của ta, sẵn sàng đánh nhanh, tiêu diệt gọn quân địch.
Đơn vị của Thắng kiên trì mai phục “nhử” địch, đến ngày thứ 5 không thấy bộ đội ta động tĩnh gì, chúng tổ chức một đoàn trực thăng ào ào đổ quân xuống. Lập tức, hỏa lực của ta phụt “túi lửa” tiêu diệt gọn. Trận chiến đấu diễn ra suốt 6 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, không biết bao nhiêu đạn dược đã bị tiêu tốn. Lúc ấy, đơn vị Thắng chuyển hướng tấn công, hàng loạt đạn pháo bay ào ào, lướt qua đầu, trời đất như tối sầm lại. Hình ảnh của địch bị ta tiêu diệt và đồng đội bị thương đã làm Thắng thực sự bị sốc nặng. Bởi vì trong đầu Thắng chưa nhìn thấy cảnh chết chóc bao giờ. Nỗi kinh hoàng đã bóp nghẹt trái tim Thắng khi chứng kiến cảnh những người đồng đội thân thiết của mình ngã xuống. Trên đường ém quân vào vị trí chiến đấu, một đồng đội bị thương nặng gần như bị đứt cổ chân và cánh tay. Anh ta đã giấu đồng đội xé nát mảnh áo tự băng bó cho mình để tiếp tục chiến đấu với địch trong suốt 4 tiếng liền và anh bị ngất lịm. Khi tiếng súng của địch đã ngớt dần, Thắng được phân công đưa thương binh về tuyến sau, lúc xử lý vết thương, Thắng phát hiện trong túi ngực anh có một tấm ảnh thiếu nữ rất xinh đẹp, với mái tóc dài buông xỏa sang hai bên. Phía sau tấm ảnh có ghi dòng chữ bằng mực tím: “Anh đi gìn giữ quê hương/ Đánh tan giặc Mỹ, hậu phương em chờ…”. Thắng nhìn tấm ảnh lòng như thắt lại khi nghĩ về người thiếu nữ trong ảnh. Hẳn là người thiếu nữ đó không thể biết về những giây phút dũng cảm cuối cùng của người yêu mình. Có thể người thiếu nữ đó đến giờ vẫn chờ đợi hoặc đi tìm tung tích người yêu cũ. Thắng quyết định cất giữ tấm ảnh vào ba lô của mình, có lẽ sẽ an ủi được phần nào trái tim của người thiếu nữ đó.
Tháng 3-1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc toàn thắng. Cuộc hành quân “Lam Sơn - 719” của Mỹ - ngụy âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn đã hoàn toàn thất bại. Đơn vị Thắng được giao nhiệm vụ mở tuyến đường Trường Sơn - con đường huyền thoại để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đêm về, nằm trong doanh trại, có thể nghe rất rõ tiếng gió và tiếng lá xào xạc ngoài xa, đếm được từng lần hô mật khẩu đổi gác của lính vệ binh và như thấy trước mặt hình ảnh gia đình. Vặn tìm làn sóng trong chiếc radio của Đại đội trưởng Cường, loay hoay mãi Thắng vớ ngay được tần số Văn nghệ đêm khuya “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo/ Tấm áo ấy, bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/ Đời mẹ nghèo trông áo rách/ Áo rách nên thương…”. Bài hát đó đêm đêm phục vụ bộ đội hành quân trên các nẻo đường Trường Sơn suốt một thời đánh Mỹ. Bài hát có một cảm xúc khó tả, rất đỗi dung dị, hào sảng, tự hào mà đầy ấm áp, yêu thương. Chợt Thắng nhớ đến thắt lòng, mùa Đông về giá rét, mẹ già với tấm áo mong manh, sớm trưa, mưa nắng ngoài đồng, mong chờ con sớm trở về.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại đội trưởng Lê Văn Cường vỗ vai Thắng, với gương mặt rất vui vẻ :
- Ngày mai, đơn vị sẽ tổ chức ăn liên hoan 22-12 sớm hơn mọi lần. Kết hợp tiễn cậu ra quân. Hôm đó có Tiểu đoàn trưởng Hoàng Long xuống dự đấy.
Trong phút chốc, Thắng suy nghĩ: Đại đội trưởng Cường luôn gần gủi, quý mến mình như anh em ruột thịt trong nhà, điếu thuốc lào cũng hút chung, nhiều đêm sốt rét “thập tử nhất sinh”, Đại đội trưởng vẫn ân cần thăm hỏi và lấy thuốc từ Trạm xá về cho mình uống. Không giấu được sự xúc động lên đến tột độ, Thắng đứng ngồi không yên, miệng lẩm ba, lẩm bẩm như đứa trẻ con:
- Thế là được về với mẹ rồi, thỏa lòng mong ước bấy lâu nay.
Đại đội trưởng Cường lại cười tít mắt, rít thêm điếu thuốc lào rồi nhấp nhấp, nhả khói ra, giọng vẫn khàn khàn:
- Chiều cậu Thắng xuống gặp bộ phận Hậu cần nhé.
- Vâng!
Buổi chiều cuối cùng trong doanh trại, một nỗi buồn man mác, Thắng đến làm thủ tục thanh toán lần chót rất nhanh gọn. Vốn hay tếu táo, Thắng nói đùa với Thượng uý, Trần Hải - Trưởng ban Hậu cần:
- Này, thôi, Trưởng ban ơi… được bao nhiêu tiêu chuẩn nhu yếu phẩm, quy hết ra xà phòng 72 cho nhanh.
Thú thực, trong đầu Thắng nghĩ rằng: xà phòng 72 lúc bấy giờ rất có giá, mang về quê có thể đong được rất nhiều gạo cho mẹ. Chiều xuống, sau khi đi chào hỏi anh em trong đơn vị và mấy nhà dân xung quanh - nơi đã từng nuôi dấu bộ đội trong suốt những năm chiến đấu, Thắng chợt nhớ ra kỷ vật thiêng liêng, đó là đến tặng cuốn “Nhật ký chiến trường” cho Hương Giang như đã hứa từ trước.
Hoàng hôn buông xuống dần, chiều mùa Đông trời se se lạnh. Mới 5 giờ chiều, chuẩn bị vào bữa cơm tối, mà mặt trời đã khuất sau các làn mây xám xịt. Xung quanh đồi thông một màu trắng sữa huyền ảo, bao phủ toàn doanh trại. Trời không còn sáng, nhưng cũng chưa tối hẳn, để có cớ, Thắng bật ngọn đèn vàng trong phòng đọc lại mấy trang nhật ký chiến trường. Một mùi hương lan rừng thơm ngát, dịu dàng như làm mênh mông không gian bé nhỏ của căn phòng nơi Hương Giang ở. Một cặp mắt nâu tròn, trong veo, hàng mi dài, mềm mại, mái tóc buộc chẻ sang hai bên như tô đậm thêm vẻ đẹp, lúc nào cũng long lanh ánh nước.
- Sáng mai, anh được ra quân phải không?
- Đúng rồi Giang à.
- Em có buồn và nhớ anh không?
- Đương nhiên rồi ! Có thế mà cũng hỏi.
Giang không cầm nổi cuốn sách, mà nắm chặt lấy bàn tay Thắng:
- Tí nữa, khi có kẻng sinh hoạt đơn vị, anh lên đây, em nhờ...
Hương Giang chỉ hơi nghiêng khuôn mặt lên, nhìn mình, đủ để cho Thắng nhận thấy một dòng nước, đang chực lăn ra ngoài bờ mi cong, dài với một tâm trạng buồn bã. Ánh mắt nâu, không hề chớp và khẽ chìm xuống như mọi khi, bỗng trào lên tia hào quang rực rỡ. Thắng dường như cũng cảm thấy có một ánh chớp, vừa vụt lên trong ánh hoàng hôn trắng mờ...
Nhưng rồi, cũng đến ngày Thắng được cởi bỏ áo lính về lại với đồng quê và gia đình nhỏ bé của mình. Tin đồn được về phục viên, suốt mấy đêm Thắng không sao chợp mắt. Thắng được phục viên về địa phương, trên mình mang đầy thương tích do mảnh đạn và sức ép của bom địch. Ngày Thắng về, ông bà Hồng không tin vào mình nữa, mắt nhắm, mắt mở ghì chặt cậu con trai vào lòng nước mắt lưng tròng, hướng lên bàn thờ, miệng lẩm bẩm như nói điều gì với tổ tiên… Sau khi bị thương, Thắng được phục viên về quê sống phụ thuộc vào gia đình. Thắng tự hứa sẽ không bao giờ gắn bó đời mình với bất kì người phụ nữ nào, vì không muốn họ đau khổ. Nhưng bố mẹ ở nhà đã sắp xếp nhờ bà con mối lái cho một người con gái làm Văn thư Ủy ban xã. Mọi việc tưởng chừng như êm ấm, nào ngờ một hôm anh Bưu tá đưa cho Thắng lá thư. Cầm lá thư trên tay, Thắng chợt linh cảm và nhận đoán ra thư của Hương Giang. Tâm trạng của Thắng lúc ấy thật khó tả. Bẵng đi một thời gian bặt tin nhau, nay mối tình xưa ở chiến trường lại ùa về. Thắng miên man suy nghĩ những ngày nằm chờ giặc tới, những cơn sốt rét rừng giày vò, mình đầy vết thương, Hương Giang đều tự tay chăm sóc, bây giờ… Mở vội lá thư, dòng chữ tỏa ra một hơi ấm kỳ lạ: “Anh thương yêu! Đợi anh mãi, chắc anh dận em lắm phải không? Hôm nay, lần giở cuốn nhật ký chiến trường, nhìn thấy địa chỉ, em ghi vội vài dòng về thăm anh và gia đình. Báo cho anh tin vui là cuối tháng này em ra quân rồi, chờ em anh nhé… Gửi anh nhiều cái…”. Lúc này, Thắng đã bình tĩnh, cất vội lá thư vào ngăn tủ rồi hớt ha, hớt hải chạy tìm mẹ đang làm cỏ lúa ngoài đồng:
- Mẹ ơi! Cái Giang nó gửi thư về thăm mẹ và gia đình ta đấy.
- Ồ hay, con Giang nào?
- Thì con chả nói với bố mẹ hôm giỗ ông nội rồi còn gì.
- Tiên sư nhà mày, cái Oanh nó ở gần nhà, lại có công ăn việc làm trên Ủy ban chả chịu lấy mà đi mãi tận đâu…
Nói thế thôi, từ ngày ra quân, trong đầu Thắng không bao giờ quên được hình ảnh Hương Giang, người đồng đội đã từng “chia lửa”, chung chiến hào trong những năm đánh Mỹ, nay về quê, cô ấy vẫn chờ mình. Đúng là ông trời xe duyên, sắp đặt, ngày đó đã đến. Mùa Xuân năm ấy, gia đình Thắng sắm sửa lễ vật cơi trầu, chai rượu đến chơi họ hàng, bố mẹ nhà Giang xin ngày tổ chức đám cưới cho hai đứa. Đón gia đình nhà trai đến chơi, Giang chăm chú ngước đôi mắt đã ráo hoảnh trong ngọn lửa chiến tranh, nhìn hai tay run run của mẹ. Tóc mẹ giờ đã pha sương, lưng mẹ hơi còng, nhưng dáng đi nhanh nhẹn. Mẹ Giang trân trọng bưng lễ vật đặt lên bàn thờ tổ tiên. Mắt mẹ dịu dàng và một nét cười bừng sáng lên trong ánh mắt:
- Nam mô a di đà phật… con xin lạy chín phương trời, mười phương đất… chư phật mười phương… hôm nay cháu gái nhà ta đi lấy chồng, đội ơn Tổ tiên, các cụ phù hộ hạnh phúc cho các cháu…
Rồi đột nhiên nước mắt mẹ lại dâng trào. Mẹ quay xuống nhìn Thắng và Giang trong niềm vui hạnh phúc. Thắng không giấu nỗi sự xúc động, thậm chí là ngỡ ngàng khi đón nhận một cái kết có hậu, gặp lại người con gái mình đã yêu thương. Nếu không có duyên phận thì có lẽ hai người đã nghìn trùng cách xa. Từ đó, hai gia đình đã thường xuyên đi lại với nhau. Đến ngày tổ chức đám cưới của Thắng thật đơn giản, giống như bao vùng quê nghèo ở đất Hà Tĩnh. Cô dâu, chú rể ra Ủy ban đăng ký kết hôn. Chú rể, chỉnh tề trong bộ quân phục bạc màu, còn cô dâu mặc chiếc áo trắng tinh khiết với chiếc quần lanh đen - bộ quần áo đẹp nhất ở chiến trường của Giang. Lễ thành hôn được tổ chức gọn nhẹ nhưng đầm ấm bên những đồng đội đã cùng cô dâu, chú rể trải qua mưa bom, bão đạn ở chiến trường. Điều đặc biệt là Đại đội trưởng Lê Văn Cường và nhiều đồng đội năm xưa cùng chia lửa trên chiến hào, nay đến chia vui trong ngày hạnh phúc trăm năm của hai chiến sĩ.
Sau ngày cưới, Hội Cựu chiến binh xã sắp xếp cho Thắng và Giang công việc phù hợp, với đồng lương ít ỏi, nhưng cũng tạm đủ. Trong suy nghĩ của Thắng thường tâm sự với Giang: người lính rời quân ngũ trở về, vật vã kiếm thêm bát cơm, manh áo, bữa rau, bữa cháo nuôi sống gia đình thời kỳ bao cấp mà vẫn giữ bản chất của bộ đội Cụ Hồ, đó là điều thiêng liêng, vô giá nhất. Được trở về đã là hạnh phúc rồi, Thắng không oán trách số phận. Cuộc sống của vợ chồng Thắng hiện tại tuy khó khăn nhưng vẫn tạm ổn. Bữa cơm, rau dưa nhưng nghĩa tình vợ chồng trước sau như một. Với Thắng, thế là còn may mắn hơn bao mảnh đời bất hạnh khác. Ông, bà Hồng lắng nghe câu chuyện của hai con, đôi mắt buồn thăm thẳm nhìn vào khoảng xa xăm ngoài sân trống vắng. Ông, bà không biết nói gì để động viên các con của mình lúc này chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay cứ thế im lặng. Cái im lặng của sự thấu hiểu, sẻ chia, dường như chỉ có những người lính đã từng chiến đấu mới hiểu hết sự tàn khốc của chiến tranh, với những mất mát không thể nào bù đắp được, dù chỉ là dĩ vãng.
Những tưởng ông trời thương cho mụn con để vui cửa, vui nhà. Ai ngờ, cuộc đời trớ trêu khi Thắng biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Chạy vạy mãi, sinh ra đứa con thứ nhất, ông trời lấy đi. Mấy năm sau sinh đứa con thứ 2, cháu không nói năng gì, suốt ngày nằm một chỗ. Rồi đứa con thứ 3 ra đời, vợ chồng Thắng sung sướng trào dâng nước mắt. Cháu càng lớn càng mũm mỉm, nào ngờ cứ thấy chân tay teo dần, co quắc lại. Vợ chồng Thắng đi khắp nơi tìm thầy chạy chữa, nhưng đều vô nghĩa. Thời gian có thể tàn phá và làm phôi phai tất cả những gì thuộc về quá khứ. Những dấu tích chiến tranh trên da thịt Thắng vẫn không thể nào quên được. Thắng đã về với quê hương, nơi mà từ đó mình bắt đầu bước chân ra đi để trở thành người lính, trở về để làm tiếp mọi dự định, mọi công việc năm xưa còn bỏ dở… Hóa ra con đường trở về của người lính thời bình cũng đầy chông gai, khúc khuỷu, lắm ổ trâu, ổ gà, khiến họ phải bước thấp, bước cao để vượt qua. Cuộc sống không chỉ là của riêng mình mà phải sống thêm cả phần người khác - đó là món nợ sinh tử mà khi bước ra khỏi cuộc chiến Thắng phải mang theo bên mình. Điều làm Thắng trăn trở suốt cuộc đời - đó là chưa tìm được gia đình đồng đội để giao lại bức ảnh người thiếu nữ xinh đẹp trong túi ngực khi anh ngã xuống nơi chiến hào năm xưa. Trở về quê, nhiều lần Thắng cùng bạn bè đi hỏi, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu với lời chia sẻ cảm thông sâu sắc, đúng là “mò kim đáy bể”. Họ tin tưởng và đợi chờ nhau chỉ bằng một lời hẹn ước trước lúc chia tay người yêu vào chiến trường…
Nghe câu chuyện của Thắng, tôi cứ miên man suy nghĩ dường như bị cuốn hút bởi bao câu chuyện đời thường mà thấm thía về nhân cách của người lính sống trong thời bình. Họ chiến đấu với cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn. Sau chiến tranh, họ xác định rằng: Cuộc đời từ khi cởi áo lính mới là lúc bắt đầu, chứ không phải kể công lao cống hiến để an phận thủ thường, hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Mỗi người một vòng quay số phận, lúc chan chứa nước mắt, khi rộn rã tiếng cười, nhưng nhất quyết không chịu gục ngã trước mọi cám dỗ tầm thường./.
Duy Minh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hanh-phuc-ngay-tro-ve-a12202.html