Dân bản cúng “nợ thuế” nhà trời lúc rạng sáng

Từ quá nửa đêm về sáng, nhiều người tìm đến ngôi đền nhỏ trong bản để cúng giải trừ những điều không may mắn, cầu hanh thông, khỏe mạnh. Người bản địa cho rằng, những khó khăn trong cuộc sống là do họ đang “nợ thuế” nhà trời.

 

anh-1-1-dan-ban-cung-1651496405.jpg
Một người phụ nữ bưng lễ vật cúng đền lúc rạng sáng – Anh HV

Từ nhiều năm nay, ngôi đền nhỏ tại nhà bà Quang Thị Thay, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu – Nghệ An) là nơi nhiều người dân trên địa bàn và một số huyện lân cận như Quế Phong, Quỳ Hợp chọn làm địa điểm để cúng “thuế” cho nhà trời. Để tranh thủ làm đồng vào buổi sáng, bà con thường đến sớm để làm lễ. Nhiều người đi từ 1, 2 giờ sáng, dù Dù một lần làm lễ chỉ kéo dài chừng 15 phút.

Theo quan niệm riêng của cư dân bản địa, người ta gặp khó khăn hoạn nạn là vì chưa “đóng thuế” cho nhà trời. Bà Quang Thị Thay giải thích : Hàng năm, Trời cử hai chàng trai chuyên việc thu thuế xuống “đòi cơm đòi rượu”. Để thuận lợi làm ăn, tránh được ốm đau, người ta phải làm lễ cúng cống vật cho nhà trời.”

Cống phẩm giải hạn cũng khá đơn giản. Trên mâm bày 1 chai rượu, một bát nước có cho vào ít gạo, một con gà luộc chín, một bát xôi, vải vóc, áo của vợ chồng gia chủ. Ngoài ra cạnh mâm còn để một con gà còn sống.

Khi làm lễ, thầy mo cúng gọi vía của người thụ lễ, vía cha mẹ của họ và gọi luôn cả hồn vía người đã truyền nghề cho mình đến dự. Đương nhiên, hai chàng trai chuyên việc thu thuế của nhà trời cũng được gọi đến. Thầy mo cúng mới cơm những linh hồn đến dự lễ và cầu xin cho người được làm lễ khỏe mạnh hanh thông, vượt qua tai ách…

Sau lễ, Người nhà được thầy mo cho một ít tiền “lộc” để mang về. Người ta cũng mang theo những hạt gạo (của cải) gói trong những chiếc áo và vài vóc mang về. Phần của thầy mo là gà cúng, xôi, con gà sống. Thầy mo ở bản thường ít khi nhận tiền của khách làm lễ.

Cũng theo quan niệm người bản địa thì nửa đầu tháng là dịp tốt để giải trừ những điều không may và “nộp thuế” cho nhà trời. Người Thái ở Quỳ Châu thường chọn các ngày 2, 4, 8 và 12 để làm lễ. Bà con ít khi chọn thời gian cuối tháng, nghĩa là sau ngày rằm để làm lễ.

anh-21-1651496405.jpg
Lễ Giải hạn, cũng là cách để cộng đồng người Thái ở Nghệ An tìm quên những lo âu trong cuộc sống Ảnh : HV
anh-2-dan-ban-cung-1651496405.JPG
“Cống vật” cho nhà trời Ảnh : HV
img-79273-dan-ban-cung-1651496405.jpg
 
anh-4-dan-ban-cung-1651496405.JPG
Tung đồng xu là cách giao tiếp của thầy mo với những linh hồn Ảnh : HV
anh-5-dan-ban-cung-1651496405.JPG
Những người chờ đến phiên mình làm lễ Ảnh: HV

 

Hữu Vi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dan-ban-cung-no-thue-nha-troi-luc-rang-sang-a12203.html