Vĩnh Phúc: Văn hóa Tam Đảo danh thắng và tâm linh (Bài 3): Danh thắng và tâm linh

Khách hành hương đến Tây Thiên lần đầu, thường cảm thấy ngỡ ngàng bởi sự đa dạng và đan xen của yếu tố tâm linh và danh thắng. Sự đa dạng đó còn thể hiện ở tính chất phức hợp trong thờ tự và tín ngưỡng với sự hội tụ cả đạo Phật (chùa), đạo Lão (am), và đạo Nho (đền). Điều này, đã góp phần làm cho Tây Thiên thơ mộng trở nên huyền bí và linh thiêng hơn.

Ngày nay, đa phần chúng ta đều hiểu "Tây Thiên" là gắn với địa danh của Phật giáo, song bắt đầu từ bao giờ vẫn còn là câu hỏi. Truyền thuyết dân gian vùng Tam Đảo nói rằng, ngay từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, tại núi Thạch Bàn, đã có các đệ tử của Đức Phật tìm đến và làm nơi trụ trì tu hành. Nhiều khả năng, các nhà sư đầu tiên đó đến từ Ấn Độ (Tây Thiên). Từ đó, vùng núi này mang tên "Tây Thiên" với nghĩa là “nơi các nhà sư Ấn Độ tu hành”. Đó cũng là cách để các đệ tử đời sau, ghi nhớ các nhà sư đầu tiên mang đạo Phật vào Việt Nam. Dần về sau, với các phật tử Việt Nam, "Tây Thiên" đã trở thành là tên của thế giới cực lạc, thế giới mà Đức Phật và các đệ tử ưu tú của Ngài ở. Tây Thiên đã được coi là một trong những nơi xuất phát của Phật giáo Việt Nam.

van-hoa-dao-tao7-1651536998.jpg
Nhà thờ trong mây

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong hệ thống các huyền thoại về thời kỳ dựng nước, ba ngọn núi "Tam Đảo - Ba Vì - Nghĩa Lĩnh" luôn được coi là vùng đất linh thiêng, là "ba cột trụ đỡ trời” của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc mà trung tâm là đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do vậy theo ý, này thì Tây Thiên chính là bầu trời phía tây của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cũng là nơi các thần tiên trên trời thường lui xuống, tụ hội, vân du. Chính truyền thuyết về vua Hùng lên núi cầu tiên rồi cưới nàng Lăng Thị Tiêu đã phần nào phản ánh quan niệm này.

Sau này, khi hệ thống huyền thoại về cội nguồn dân tộc hình thành, thì ba ngọn núi thiêng trên cũng đã sớm được tích hợp vào hệ thống các huyền thoại thời các vua Hùng dựng nước. Cũng rất tương đồng, khi ở cột trụ phía đông bên kia, Sơn Tinh Tản Viên, kết duyên với con gái vua Hùng và trở thành vị tướng phò vua diệt Thục, thì ở cột trụ phía tây này, Hùng Chiêu Vương cưới nàng Lăng Thị Tiêu là người tiên và cùng giúp vua đánh quân Thục. Các huyền thoại này đã góp phần giải mã về quá trình hình thành Nhà nước sơ khai thời xa xưa tại vùng Tam Đảo.  Xu hướng tích hợp tín ngưỡng - văn hóa thờ thần núi (Tản Viên, Tam Đảo, Nghĩa Lĩnh) vào hệ thống huyền thoại Hùng Vương dựng nước đã là yếu tố quan trọng thúc đẩy, dẫn tới sự nhân thần hóa việc thờ thần núi ở Bắc Bộ, mà trước tiên là hai ngọn núi thiêng Tam Đảo (Núi Mẹ) và Ba Vì (Núi Cha).

Sau này, việc xây dựng biểu tượng núi thiêng bảo trợ cho quốc gia và kinh thành Thăng Long còn được tiếp tục, củng cố và hiện thực hóa bằng việc phong thần của các triều đại, Lý, Trần, Lê…cũng như tổ chức các nghi lễ thờ cúng mang tính quốc gia đối với hai vị thần núi này. Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, đây chính là lần "tăng quyền” thứ nhất cho các vị thần núi. Các vị thần núi từ là "nhiên thần" mà đã trở thành những "nhân thần" có sức mạnh, công trạng gắn bó với lịch sử thời kỳ lập quốc cũng như củng cố, bảo trợ quốc gia tự chủ của dân tộc Việt.

van-hoa-dao-tao8-1651536998.jpg
Đền Tản viên Sơn thánh ở Ba Vì

Cùng với việc nhân thần hóa và nam tính hóa thần núi Tản Viên thành nam thần thì việc nhân thần hóa và nữ tính hóa thần núi Tam Đảo thành nữ thần cũng là lẽ tự nhiên và phù hợp với tâm thức dân gian. Tương truyền, ngọn núi Tam Đảo là nơi các thần tiên trên trời thường xuống ngao du, đàn hát, là nơi các đạo sĩ lui tới tu tiên. Truyền thuyết về vua Hùng Chiêu Vương thứ 7 đi tuần du ở núi Tam Đảo, để cầu Phật và cầu Tiên, chắc cũng không nằm ngoài mạch suy luận dân gian này.

Biểu tượng Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ được "tăng quyền” do quá trình hội nhập vào hệ thống huyền thoại hình thành quốc gia dân tộc và còn được tiếp tục  "tăng quyền” nhờ sự hội nhập tôn giáo - tín ngưỡng. Đó là sự hội nhập việc thờ nữ thần núi với Phật giáo và Đạo giáo dân gian (Mẫu Tam phủ, Tứ phủ). Quốc Mẫu Tây Thiên đã trở thành là một trong hai Quốc Mẫu có từ thời dựng nước, với điểm thờ quan trọng nhất là ngôi đền Thượng nằm trên núi Thạch Bàn, nơi ấy trong tâm thức người Việt là nơi đất Mẹ - đất Mẫu, nơi “nước trong nguồn chảy ra”.

van-hoa-dao-tao9-1651536998.jpg
Tam Toà Thánh Mẫu trong Phủ thờ Mẫu ở Việt Nam

Tại Tây Thiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. Vì vậy, những người hành hương tới đây, luôn tin rằng những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và thành hiện thực. Thật may mắn khi được đến Tây Thiên trong một ngày đầu xuân và khám phá những điều huyền bí và linh thiêng của vùng đất này cũng như thỏa những ước nguyện về một cuộc sống an lành và hạnh phúc.

Đón đọc bài 4:  Lễ hội Tây Thiên - Giao lưu và phát triển.

 TS. Nguyễn Quang Miên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-van-hoa-tam-dao-danh-thang-va-tam-linh-bai-3-danh-thang-va-tam-linh-a12210.html