Kể về con sông quê hương thì ai cũng ngàn lời không hết. Nhưng tự hào có nơi đâu được ngân nga câu hát: "Sông chẳng sâu răng cứ gọi Ngàn Sâu"? Với tuổi thơ sông rộng lớn vô cùng, đi khắp mọi miền anh về thấy nó bé nhỏ. Cũng như mùa lũ con sông hung dữ tràn bờ, lũ qua rồi lại hiền hoà yêu thương. Và anh còn ngỡ ngàng khi biết con sông quê mình là dòng sông chảy ngược, như lòng mẹ nước mắt đầy vơi mà trong trắng ngọc ngà.
Đầu tiên là quê nội, xã Đức Hương huyện Đức Thọ, tên cũ. Chuyến đò qua sông là tới. Quê nội tên làng Chùa, chắc vì có nhiều miếu thờ nhỏ.
Ảnh Cha trên ban thờ ghi: (1912-1959). Ra đời năm 1948, kỉ niệm còn lại của anh là người cha luôn ốm yếu và anh chẳng hiểu nhiều lời cha kể. Cha là anh cả của hai em một trai một gái. Thủa sơ khai của quê hương, chắc phải có sức khoẻ hơn người nên ông bà nội khai hoang được nhiều đất lắm, hơn hẳn mọi người. Cha anh tham gia lực lượng Công An vũ trang một năm thì sốt rét quật ngã. Ông trở về quê hương kết duyên với mẹ và anh ra đời, sau anh là em trai và một em gái- em Nhung.
Chú hai lên đường tiếp bước anh mình, chú là bộ đội biên phòng. Cô út mất cùng ông bà nội. Vốn đất đai giấy tờ bố mẹ anh giữ, thương lắm đời ông bà tần tảo khai hoang nhưng sức có hạn nên bố mẹ phần thì bán, phần chia cho người nghèo, có nơi bỏ hoang. Dân cư đông dần.
Về với đời thường nhưng bố vẫn giữ khí phách người lính. Hồi ấy rừng còn nhiều muông thú: voi, nai, khỉ, lợn rừng, chí rừng... và sợ nhất là Hổ. Người dân sợ tới mức gọi chệch đi là "Thánh". Thánh thường về ban đêm, điềm nhiên bắt trâu bò gà lợn, có cả người bị Thánh bắt đi. Mỗi đêm Thánh về là làng im phắc không tiếng chó sủa, cả những con chó dữ nhất cũng chỉ thấy thoáng hơi Thánh là cúp đuôi như đã chết, dân làng cũng vậy, chỉ biết thắp hương cầu cho Thánh không đến nhà mình. Cha đã bày cách cùng nhau đoàn kết đốt lửa, gõ kêu vang động mỗi khi nghi có Thánh, từ đó nỗi sợ Thánh không còn. Rồi nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về tự nhiên, cha truyền lại. Dân đã đỡ phần nào cầu cúng. Nhưng Cha đã đụng tới miếng cơm, quyền lực của lớp người rất có uy thời bấy giờ: thầy mo.
Năm 1957, cơn lốc Cải Cách Ruộng Đất tới quê anh. Có lời quy ông bà nội anh là Địa chủ, ruộng đất không còn, cha được gọi là "Địa chủ phá sản". Ám ảnh nhìn cha đứng lên bục đất bãi bồi sông Ngàn Sâu nhận những lời xỉ vả chẳng có thật chút nào... hai ngày. Thật may chỉ hai ngày sau cha được kịp thời sửa sai, gia đình anh được là thành phần Bần nông, được chia một mẫu sáu đất lẫn ruộng, được chia chăm nửa con trâu cùng với một gia đình khác. Gia đình kia để được nuôi cả con trâu đã gán cho cha một con bò, và mẹ anh đã làm một việc không phải- bán trộm con bò cứu bố và em trai anh bệnh nặng. Nhưng không kịp nữa, hai người thân yêu của anh không qua khỏi.
Đường cùng, mẹ dắt hai con, anh và em gái về quê ngoại. Lúc này đã chín tuổi, anh được đi học.
Bên sông Ngàn Sâu là quê ngoại, cùng chiếc đò mẹ tần tảo nuôi con. Cũng chiếc đò này trong chiến dịch Điên Biên mẹ là cô gái chở đò đưa quân, chuyển lương miệt mài. Hoà bình lập lại miền Bắc mẹ chẳng ước mơ nào hơn. Những chữ đầu tiên anh học muộn mằn cùng bao tình yêu đất nước mẹ truyền cho các con, tự hào anh luôn cố gắng và được đứng trong hàng ngũ Đoàn viên. Mẹ ủng hộ ước mơ nhập ngũ của con khi anh chưa tròn mười tám, hoàn cảnh con một mồ côi cha làm anh phải viết đơn xin nhập ngũ bằng máu, cân nặng không đủ anh mang đá trong người. Ánh mắt mẹ thất thần khi miệng cười tiễn con theo anh suốt dọc đường đánh giặc.
Anh không biết ở nhà trên con sông quê hương mẹ lại vào trận chiến chống Mỹ. Bom đánh ác liệt hòng chặn đường vận tải sông Ngàn Sâu, bao người đi sơ tán, mẹ ở lại, giấu em vào chỗ an toàn rồi chèo thuyền phục vụ kháng chiến. Có những lúc máy bay rượt trên sông với con thuyền tài sản duy nhất cùng em Nhung đang đợi mẹ về. Mẹ bảo được góp công với nước là vinh dự hạnh phúc. Chẳng bao giờ mẹ nhắc đến công lao.
Sáu năm chiến trường, anh về cùng mẹ với thương tật đến tàn phế. Một trăm năm mươi ngày trên đường ra Bắc, đưa được anh về là bao tấm lòng như mẹ. Không nghĩ tới mẹ kiên trung, đồng đội xả thân che chở, cùng lời hứa với đồng đội hi sinh... chắc anh không vượt qua nổi nỗi đau thể xác. Anh đã thắng.
Gặp anh hôm nay, nụ cười thật hiền.
Biết ơn lắm có một thế hệ quên đi bản thân, quên cả thiệt thòi bất công, vượt qua so đo nhỏ nhặt để giữ lòng Trung với nước.
Như câu hát thôi thúc: "Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta...".
Dì Pig (Kính tặng CCB Đặng Sỹ Ngọc)
Chuyện làng quê
Dì Pig
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/long-trung-a12232.html