Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.          

Kỳ 18.

 Tên lính gác mở cửa. Lính ngự lâm giả dí dao vào cổ:

-Hoàng thượng ở phòng nào, dẫn đường thì tha chết.

-Dạ, xin dẫn đường, xin tha mạng.

  400 lính im lặng tràn vào. Vài tên lính ngự lâm đứng cạnh phòng Dương Nhật Lễ bị giết chết ngay. Đến cửa phòng tên lính nói:

-Đây là phòng hoàng thượng.

chuvanan-1651672779.jpg

Trần Nghệ Tông(1321 - 1394)  Nguồn: thuvienlichsu.com

 

  Trần Phủ cùng 5 người lính đạp cửa xông vào. Dưới ngọn đèn dầu vàng khè, Dương Nhật Lễ trong chăn đang ôm một mỹ nhân. Chơi bời trác táng và đêm lạnh khiến Dương Nhật Lễ ngủ say như chết, khi Trần Phủ chĩa gươm lật chăn ra mới thức dậy, thấy gươm đã chĩa vào cổ liền kêu lên:

-Bay đâu, thích khách, cứu giá.

  Định thần lại Dương Nhật Lễ run run:

-À, Cung Định Vương, xin ngài tha mạng, ta là con rể của ngài mà.

  Trần Phủ quát:

Đốn mạt, hôn quân vô đạo, dậy mặc quần áo, chịu trói để về Thăng Long.

-Dạ, dạ, đa tạ nhạc phụ tha mạng.

  Sau khi Dương Nhật Lễ mặc quần áo, Trần Phủ ra lệnh:

-Trói lại, đưa về Thăng Long

-Dạ.

  Bên ngoài bọn lính ngự lâm thức dậy đã thấy gươm kề cổ, vội lạy xin tha mạng và đầu hàng. Gia đình hào trưởng Trần Mai cả nhà thức dậy, ra sân quỳ lạy như tế sao:

-Xin tha mạng, xin tha mạng.

  Trần Phủ nói:

-Nhà ngươi tổ chức ăn chơi bài bạc, trác táng làm hư hỏng hoàng thượng, tội gì đây?

  Cả nhà Trần Mai lạy lia lịa:

-Xin tha mạng, xin tha mạng.

Trần Phủ nói:

-Ta sẽ tha mạng nhà ngươi với một điều kiện.

-Dạ.

-Nấu cơm cho ta và tất cả binh lính ăn, ăn xong chúng ta  còn về Thăng Long.

-Dạ, xin tuân lệnh, đa tạ thân vương.

  Cơm xong, Trần Phủ, Trần Kính, Lê Quý Ly, Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa cùng 400 quân bản bộ, cùng 100 lính ngự lâm đưa Dương Nhật Lễ bị trói xuống thuyền theo đường sông Luộc về Thăng Long. Cuộc đảo chính thành công mà không đổ máu vì con rắn đã rời hang ổ đi Nam Định trác táng chơi bời. Đó là tháng 10 năm 1370, Dương Nhật Lễ lên ngôi chưa được 1 năm. Đoàn thuyền đi gần trưa thì tới Thăng Long. Chiều hôm đó Trần Phủ cho thiết triều. Ngai vàng bỏ trống. Dương Nhật Lễ bị trói quỳ trước văn võ bá quan. Quan nội thị đọc tờ bố cáo: “ Dương Nhật Lễ từ khi lên ngôi không chăm lo việc nước mà sa vào ăn chơi trác táng dâm dật, cờ bạc, lại vô cớ giết hại thái hoàng thái hậu, giết quan Thái tể Trần Nguyên Trác, đại công tử Trần Nguyên Tiết và hai con của Thiên Ninh công chúa, lại mưu đổi triều đại họ Trần sang triều đại họ Dương. Tội ác của Dương Nhật Lễ trời không dung đất không tha. Nay giáng xuống làm Hôn Đức Công, đuổi ra khỏi cung về trang ấp, không được tham dự triều chính. Khâm thử”.

  Đọc hết bố cáo, quan nội thị gọi:

-Lính đâu.

-Dạ.

-Đem Dương Nhật Lễ đi đuổi ra khỏi hoàng thành.

-Tuân lệnh.

  Cấm quân lôi Dương Nhật Lễ đi. Quan nội thị nói tiếp:

-Kính mời bá quan văn võ nghe chỉ của Anh Tư Hoàng thái phi.

  Bá quan văn võ ra khỏi ghế, quỳ nghe: “Phụng thiên thừa vận, nay ngôi vua bỏ trống, xét thấy Cung Định Vương Trần Phủ, hoàng tử thứ ba của Tiên đế Trần Minh Tông tài đức hơn người, trong lúc xã tắc nguy nan, triều đình nghiêng ngửa vì loạn giặc Nhật Lễ, Cung Định Vương đã cùng Cung Tuyên Vương Trần Kính, Chương Túc Quốc Thượng Hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa hội quân ở sông Đạo Lại Thanh Hóa bắt gọn Dương Nhật Lễ đang đi trác táng ở Nam Định, trừ hại cho triều đình, bảo vệ được ngai vàng nhà Trần khỏi bị thay sang họ Dương. Nay Trần Phủ xứng đáng ngồi vào ngôi báu, gánh vác trọng trách cho sơn hà xã tắc. Khâm thử”.

  Trần Phủ bước lên quỳ nhận chỉ, quan nội vụ khoác áo long bào, đội vương miện cho Trần Phủ. Áo bào và vương miện màu vàng quả nhiên làm cho Trần Phủ nổi ánh hào quang rạng rỡ vẻ đế vương. Bá quan văn võ quỳ xuống tung hô chúc mừng:

-Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Trần Phủ nói:

-Ta nay đăng cơ hoàng đế Đại Việt, lấy đế hiệu Trần Nghệ Tông, niên hiệu Thiệu Khánh. Năm 1370 là năm Thiệu Khánh thứ nhất .

  Bá quan văn võ lại tung hô:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

II

  Thăng Long một buổi sáng mùa xuân năm 1371, trong cung, Công chúa Nhất Chi Mai (Huy Ninh công chúa) đang ngồi uống trà sau khi ăn sáng thì có thị nữ vào báo:

-Dạ bẩm công chúa, có hoàng thượng giá đáo.

-Mời hoàng thượng vào.

-Dạ.

  Trần Nghệ Tông bước vào. Công chúa quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế.

  Trần Nghệ Tông nói:

-Đứng dậy đi anh em trong nhà, muội không cần đa lễ.

-Đa tạ hoàng thượng. Mời hoàng thượng ngồi. Bay đâu dâng trà.

-Dạ.

  Trần Nghệ Tông và công chúa ngồi. Sau một lượt trà, Trần Nghệ Tông nói:

-Tiên đế và thân mẫu sớm qua đời rồi đến Hiến Tông Trần Vương cũng sớm qua đời, anh em cùng mẹ cùng cha chỉ còn huynh và muội. Phu quân muội lại bị Dương Nhật Lễ giết hại. Huynh thấy cần phải lo cho muội kẻo sống cô đơn một mình, không nơi nương tựa, khổ cho hiện nay và cả sau này.

  Công chúa Huy Ninh đặt ly trà uống cạn xuống bàn và nói:

-Đa tạ huynh đã quan tâm đến muội. Hình như huynh đã tìm được cho muội một đám nào rồi phải không? Thân em là cành vàng lá ngọc, cũng hơi khó cho huynh rồi.

  Trần Phủ đặt ly trà và hỏi:

-Muội có biết người em họ ngoại của chúng ta là Lê Quý Ly không?

  Công chúa đáp:

-Dạ, muội có biết nhưng không rõ ràng và không được nhiều. Huynh nói muội nghe thêm chút.

  Trần Nghệ Tông nói:

-Lê Quý Ly quê quán ở Hà Trung, Thanh Hóa, là cháu của hai thân mẫu nhà ta, phải gọi Anh  Từ Thái phi và Đôn Từ Thái phi là cô ruột. Như vậy Lê Quý Ly là em họ ngoại của chúng ta. Lê quý Ly có vóc dáng là văn quan, lại có dáng võ tướng, năm này 35 tuổi, có tài năng. Vừa rồi chính Lê Quý Ly đã cùng anh chạy vào Thanh Hóa hội quân và chính Lê Quý Ly đã bàn kế sách tấn công Nam Định để bắt sống Dương Nhật Lễ, đóng góp lớn cho cuộc chính biến, diệt trừ tai họa cho triều đình. Huynh định bồi dưỡng cho anh ta thăng tiến làm chỗ dựa cho vương triều đang suy yếu như hiện nay.

  Huy Ninh công chúa nói:

-Được như vậy thì tốt quá, gái đã một đời chồng còn mong gì hơn. Nhưng huynh đã hỏi Lê Quý Ly chưa?

-Muội đồng ý thì mai huynh sẽ nói.

- Đa tạ huynh.

  Hôm sau trong cung của mình, Trần Nghệ Tông ngồi uống trà sau khi ăn sáng và bảo quan nội thị:

-Đi mời Cung Tuyên Vương Trần Kính vào đây.

-Dạ.

  Trần Kính là con của Đôn Từ Thái phi, em ruột của Anh Từ thái phi là thân mẫu của Trần Nghệ Tông, Trần Hiến Tông và Huy Ninh công chúa, cùng là thái phi của vua Trần Minh Tông. Trần Hiến Tông đã mất năm 1341. Vậy Trần Kính là em cùng cha khác mẹ với Trần Nghệ Tông.

  Một lát sau Cung Tuyên vương Trần Kính bước vào vội quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy đi.

-Tạ hoàng thượng.

Sau một lượt trà, Trần Nghệ Tông đặt chén xuống và nói:

-Đệ này, công chúa Huy Ninh em gái của chúng ta thì đệ đã rõ, còn trẻ tuổi, nhan sắc, chưa có con cái gì, phu quân đã bị Dương Nhật Lễ giết chết. Ta định gả muội ấy cho Lê Quý Ly. Đệ thấy thế nào?

  Cung Tuyên Vương nói:

-Được như vậy thì tốt quá. Chỉ sợ tỉ ấy không đồng ý.

-Hôm qua ta đã nói với muội ấy rồi. Muội ấy đã ưng thuận.

-Thế còn Lê Quý Ly?

-Để ta gọi Lê Quý Ly đến nói chuyện.

  Rồi Trần Nghệ Tông gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đi gọi Lê Quý Ly vào đây.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng.

Một lát Lê Quý Ly bước vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ. Ái khanh bình thân.

-Tạ hoàng thượng.

-Kính chào Cung Tuyên Vương.

-Xin chào đệ. Mời ngồi.

-Đa tạ Cung Tuyên Vương.

(Còn nữa)

CVL                                                                       

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-18-a12245.html