Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 19)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 19.

 Sau khi ba người cạn một chầu nước, Trần Nghệ Tông nói:

-Đệ gọi hai mẫu thân ta là cô ruột, như vậy đệ là em bên ngoại của chúng ta. Thế hoàn cảnh gia thất của đệ thế nào rồi?

  Lê Quý Ly đáp:

-Dạ bẩm hoàng thượng, bẩm Cung Tuyên Vương, đệ đã có một thiếp, còn con cái thì chưa có ạ.

Trần Nghệ Tông nói:

-Ta có một em gái là công chúa Huy Ninh, chồng đã bị Dương Nhật Lễ giết chết, cũng chưa có con cái gì. Ta muốn gả cho đệ để thành phu thê. Nếu được như vậy càng thắt chặt thêm tình huynh đệ của chúng ta. Đệ thấy thế nào?

chtrduetong-1651761089.jpg
Tranh minh họa: Nǎm 1376, quân Chiêm Thành đánh vào vùng Hoá Châu (Nghệ An). Thấy người Chiêm luôn xâm phạm bờ cõi Đại Việt, vua Duệ Tông quyết định trực tiếp cầm quân đi trừng phạt. Nguồn: Internet

 

  Lê Quý Ly chắp tay đáp:

-Đa tạ hoàng thượng, đa tạ Cung Tuyên Vương, được như vậy thì còn gì bằng. Nhưng công chúa là cành vàng lá ngọc, e rằng…

  Trần Nghệ Tông ngắt lời:

-Đệ đừng e ngại, ta đã hỏi công chúa rồi và muội ấy đã tỏ ra đồng ý.                                               

Lê Quý Ly vội quỳ xuống chắp tay và nói:

-Vậy xin hai huynh hãy nhận của đệ một lạy, cảm tạ hai huynh đã tán thành.

  Sau cuộc trò chuyện đó, ba ngày sau khi chuẩn bị đầy đủ, hôn lễ của Lê Quý Ly và Huy Ninh công chúa được tiến hành ba ngày ròng rã tưng bừng náo nhiệt khắp kinh thành, cỗ bàn thịnh soạn, rượu như nước, xôi thịt như núi. Triều đình và dân kinh thành đều nói Lê Quý Ly gặp vận may hiếm có nhờ Anh Từ Thái phi và Đôn Từ thái phi là hai cô ruột là phi của Trần Minh Tông mà được vào triều đình, nay nhờ cuộc hôn nhân mà thành phò mã, được Trần Nghệ Tông vô cùng yêu quý tin cậy. Dưới con mắt của Trần Nghệ Tông, Lê Quý Ly là một cây cột lớn có thể chống đỡ được ngôi nhà của vương triều Trần đang lung lay sụp đổ, hoặc dã sử không chống đỡ nổi thì Lê Quý Ly cũng có thể thay thế lập một triều đại mới vững mạnh hơn để ổn định thiên hạ, giữ vững sơn hà xã tắc, bảo đảm an toàn cho tôn thất nhà Trần. Trong tầm nhìn, Trần Nghệ Tông đang muốn đóng vai trò như Lý Huệ Tông chuẩn bị chuyển giao vương triều vào tay một người như Thái Tông Trần Cảnh xưa. Cho nên sau hôn lễ, ngoài quan hệ anh em bên ngoại, nay quan hệ giữa Trần Nghệ Tông với Lê Quý Ly thêm mối quan hệ anh em rể, Lê Quý Ly thành phò mã của triều đình. Sau này, khi đã có con là công chúa Lê Thánh Ngâu (Hồ Thánh Ngâu), Lê Quý Ly gả cho con út của Trần Nghệ Tông là vua Trần Thuận Tông thì lại thêm mối quan hệ thông gia nữa. Mối quan hệ chồng chéo này cộng thêm sự tín nhiệm đặc biệt của Trần Nghệ Tông có một không hai đã mở đường cho Lê Quý Ly đi đến nắm đại quyền và đi thẳng tới ngai vàng vào năm 1400.

  Nhờ những mối quan hệ đặc biệt đó, Lê Quý Ly thăng tiến nhanh chóng. Tháng 5 năm 1371, trong một buổi thiết triều, Lê Quý Ly được Trần Nghệ Tông phong chức Khu mật viện Đại sứ đứng đầu Khu mật viện, chính thức được tham dự triều chính. Tháng 9 năm 1371, Trần Nghệ Tông lại phong cho Lê Quý Ly tước hiệu Trung Tuyên Quốc Thượng hầu.

  Năm 1371, Trần Nghệ Tông xuống chiếu phong cho em cùng cha khác mẹ là Cung Tuyên Vương Trần Kính lên ngôi, đế hiệu là Trần Duệ Tông. Trần Nghệ Tông làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm toàn bộ quyền lực trong nước. Trần Nghệ Tông cử Lê Quý Ly làm tham mưu quân sự.

  Mùa đông năm 1376, Thăng Long chìm trong gió rét. Vua Trần Duệ Tông đang ngồi trong cung uống trà thì có quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có thám mã từ phương Nam về cấp báo.

-Cho vào.

-Dạ.

Thám mã vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, có việc gì đứng dậy nói ngay đi.

-Dạ bẩm hoàng thượng, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem 5 vạn quân đánh phá biên giới phía Nam ạ.

-Rồi, lui ra ăn uống nghỉ ngơi đi.

-Đa tạ hoàng thượng.

-Người đâu?

-Dạ.

-Gọi Tướng quân Đỗ Tử Bình vào đây.

-Dạ.

  Đỗ Tử Bình vào quỳ gối hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Hiện nay, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem 5 vạn quân xâm phạm biên giới phía Nam. Ái khanh đem 10 vạn quân vào chống giặc.

-Dạ, thần tuân chỉ.

  Đỗ Tử Bình kéo 10 vạn quân vượt qua đèo Hải Vân vào Quảng Nam đối diện với doanh trại của Chế Bồng Nga. Nhìn thấy quân Việt đông gấp bội, khí thế hùng mạnh, mưu sĩ của Chế Bồng Nga nói:

-Quân Việt đông và hùng mạnh, hoàng thượng nên giảng hòa chờ dịp khác chúng suy yếu hãy đánh cũng chưa muộn.

  Chế Bồng Nga nói:

-Nhà ngươi nói phải lắm. Ngươi hãy dẫn một phái đoàn, đem 10 mâm vàng sang đại quân Việt giảng hòa.

  Đỗ Tử Bình rút quân về nhưng giấu 10 mâm vàng và tâu với Trần Duệ Tông:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, Chế Bồng Nga ngạo mạn không thần phục, lại thách hoàng thượng đem quân vào giao đấu một trận. Cho nên thần vội rút quân về bẩm hoàng thượng.

  Trần Nghệ Tông nghe nói nổi giận đập bàn:

-Thằng vua mọi rợ này láo xược. Bay đâu:

-Dạ.

-Lệnh chuẩn bị 12 vạn đại binh, trẫm thân chinh chinh phạt Chế Bồng Nga.

-Dạ, tuân chỉ.

  Tháng 12 năm 1376, 12 vạn quân do Trần Duệ Tông chỉ huy theo đường biển tiến vào Nam. Mùa đông bầu trời u ám, sóng lừng vỗ vào hàng trăm chiến thuyền tung bọt trắng xóa. Cờ phiến vàng rực bay bát ngát trên biển. Hành quân hai ngày hai đêm, quân Việt đổ bộ lên cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn). Sớm hôm sau thám mã về báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có sứ giả Chiêm Thành đến.

-Cho vào.

  Viên sứ giả Chiêm Thành vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế.

  Trần Duệ Tông nói:

-Ngươi đến có việc gì? Về bảo với vua nhà ngươi đem quân giao chiến như lời thách đấu.

-Dạ bẩm hoàng thượng, vua chúng tôi nghe đại quân của hoàng thượng đến đây đã hoảng sợ bỏ chạy vào đất cực Nam, kinh đô Đồ Bàn bỏ trống. Mong hoàng thượng vào lập vua mới, mãi mãi thần phục Đại Việt để yên lòng bá tính.

  Trần Duệ Tông nói:

-Được, ta sẽ tiến vào Đồ Bàn.

  Trần Húc can:

-Có thể có mưu kế, xin hoàng thượng cẩn trọng.

  Trần Duệ Tông nói:

-Ta có 12 vạn quân, cho dù Chế Bồng Nga có quỷ kế gì ta cũng đập tan. Tiến quân vào Đồ Bàn, xuất phát.

-Tuân lệnh hoàng thượng.

  Quân Việt chỉ để lại 3 vạn quân coi thuyền, còn 9 vạn quân theo Trần Duệ Tông hành quân vào Đồ Bàn. Thốt nhiên lá cờ soái bị gió thổi đổ gục, các tướng lĩnh đều rợn người cảm thấy điều không lành. Quân Việt từ Thi Nại vào Đồ Bàn phải qua một khu núi non hiểm trở, cây cối rậm rạp. Quân Việt đang đi, thốt nhiên có những phát tên lửa bắn lên trời. Quân Việt còn đang ngơ ngác thì hàng vạn mũi tên từ hai bên sườn núi bắn ra. Hàng nghìn quân Việt gục xuống, thây đổ, máu phun chan hòa. Trần Duệ Tông đi trung quân, lại có lọng vàng, có cờ soái nên quân Chiêm Thành cứ nhằm vào đó mà bắn. Trần Duệ Tông bị nhiều phát tên, chết ngay tại trận. Đại quân Việt tan tác, số chết, số mở đường máu rút ra Thi Nại lên thuyền chạy ra Bắc. Trần Húc, em của Trần Nghệ Tông, phò mã nhà Trần bị bắt và đầu hàng, Chế Bồng Nga không giết, lại gả công chúa cho. Trần Húc thành lưỡng quốc phò mã. Lê Quý Ly khi đó đi hậu quân, phụ trách lương thực, cũng vội vã bỏ  chạy về nước. Đỗ Tử Bình đi hậu quân không cứu Trần Duệ Tông cũng tháo chạy. Ngoài mất vua, mất vài vạn quân, trận này nhà Trần còn mất các tướng có năng lực như Nguyễn Lạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh, tướng quân Đỗ Lễ…Tất cả đều cùng Trần Duệ Tông và vài vạn quân hy sinh trong một ngày. Đó là tháng 12 năm 1376, Trần Duệ Tông khi đó mới 39 tuổi (1337-1376), ở ngôi được 4 năm. Sau trận này nhà Trần càng suy yếu nhiều mặt nhưng kiệt quệ về quân sự, không thể gượng dậy được nữa.

  Sang năm 1377, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông làm lễ chiêu hồn cho Trần Duệ Tông và xây mộ gió ở Chiêu Lăng. Trần Nghệ Tông lập con trưởng của Trần Duệ Tông là Kiến Đức Đại Vương Trần Hiện mới 16 tuổi, cháu gọi Trần Nghệ Tông bằng bác lên ngôi, đế hiệu là Trần Phế Đế.

  Sau trận đại thắng, giết chết vua Trần Duệ Tông, Chế Bồng Nga biết binh lực nhà Trần đã suy yếu, liền mở các cuộc tấn công bằng đường biển vào Đại Việt năm 1377, 1378. Cả hai lần quân Chiêm Thành không gặp một sự kháng cự nào đáng kể của quân Đại Việt. Cả hai lần Quân Chiêm Thành vào được Thăng Long. Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, vua Trần Phế Đế đem triều đình chạy lên Bắc Giang. Khi rút đi, quân Chiêm Thành đốt nhiều lâu đài cung điện, cướp hết vàng bạc châu báu, bắt về Chiêm Thành nhiều đàn bà con gái làm nô tì.

  Trong một buổi sáng năm 1379, Trần Nghệ Tông đang ngồi uống trà trong hành cung thì có nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, có Lê Quý Ly muốn vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

  Lê Quý Ly vào quỳ hành lễ:

-Thái thượng hoàng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, bình thân, ngồi đi.

-Tạ Thái thượng hoàng.

  Sau một ly trà, Lê Quý Ly nói:

-Thần tuân chỉ Thái thượng hoàng, khổ công đi tìm nhân tài về quân sự cho triều đình, nay có con của sư phụ của thần là Nguyễn Đa Phương có tài cầm quân chiến trận, có thể cùng thần cầm quân chống lại Chế Bồng Nga.

  Trần Nghệ Tông nói:

-Vậy thì phong Nguyễn Đa Phương làm tướng, Phạm Cự Luận làm Quyền Đô sự giúp khanh. Ta phong khanh giữ chức Tư không kiêm hành khu mật Đại sự. Ái khanh hãy lo liệu chống lại giặc Chiêm Thành cho có hiệu quả.

-Đa tạ Thái thượng hoàng, thần sẽ hết lòng tận trung báo quốc, đền đáp công ơn Thái thượng hoàng.

(Còn nữa)

CVL                                                                       

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-19-a12279.html