Cây gạo cổ này nằm cạnh cổng trường cấp 2 của làng, giữa hai thôn Trung Thịnh và Bắc Thịnh (xã Thái Thịnh, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình). Đối diện bên kia đường là cổng nghĩa trang liệt sĩ. Phải chăng hồn cây gạo cũng thành kính trước những anh hung!? Cây gạo có thân dáng như con rồng nằm, trông xa như một cụ già gù khổng lồ xòe những cánh tay ra vẫy chào những người đi qua.
Khi được hỏi cây gạo có từ bao giờ, các bô lão trong làng đều không có câu trả lời chính xác, chỉ nói rằng nó được khoảng 700 năm tuổi. Trải qua những thăng trầm,cây vẫn sừng sững và hiên ngang.
Không ai có tài liệu hay sách vởviếtvề cây gạo mà chỉ nhớ trong tiềm thức, truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người dân nơi dây quan niệm rằng, cây cổ thụ là vật cổ rất thiêng liêng, ai mà phá cây là có tội. Dân làng giữ gìn, tôn kính nó như một nét đẹp văn hóa. Chẳng ai biết ngày, tháng, năm sinh của“lão già gù”nhưng xung quanh lão chứa rất nhiều những kỉ niệm, những câu chuyện nhuốm màu tâm linh. Là vùng đất ven biển, làng thường xuyên phải gánh chịu những cơn bão lớn nhỏ nên cây cổ thụ hiếm lắm. Người ta nhìn cây to sừng sững như thấy một linh hồn mạnh mẽ đứng canh làng vậy. Cũng bởi thế, người dân địa phương đã lập miếu thờ ngay cạnh nó.
Cây có tên là gạo chắc bởi nó quý như hạt gạo của người dân ngày ấy dù không phải để ăn. Các cụ kể lại, ngày xửa ngày xưa có một cậu học trò,tự nhiên bị nhập đồng nhảy qua bụi dứa rồi nhảy tót lên cây ngồi. Cậu tự xưng là bộ đội và còn nói quê quán, tước danh… cậu cứ ngồi trên đó múa máy luyên thuyên. Sau có một anh bộ đội đến nói chuyện và đưa về, mãi mới tỉnh. Sau này, cậu ta đi bộ đội và hi sinh sát ngày đất nước thống nhất.
Cây gạo còn ghi lại những kỉ niệm của người dân cái thời mà miếng ăn chưa có, tấm áo sẻ đôi. Nhân dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Vào những ngày hè nóng bức, cây gạo như người mẹ già dang tay che bóng cho con dân, rồi trầm tĩnh lắng nghe những câu chuyện trong xóm ngoài ngõ của mọi người. Bà Nguyễn Thị Sén, một người dân lớn tuổi cho biết, không phải tự nhiên dân làng lại thờ kính cây gạo đến vậy. Từ đời xa xưa đã lưu truyền những câu chuyện kìbí mà không một khoa học nào có thể lí giải được. Đám trẻ trong làng thường ra gốc cây gạo vui chơi sau mỗi giờ tan trường. Nhưng nếu chơi vào lúc trời đã khuya thì chúng lại như những ngườ bị mộng du, cứ lẩm nhẩm nói một mình rồi lên cây nhảy múa bị ngã oạch xuống toác cả máu ra. Những ai yếu bóng vía đi qua cây gạo lúa ban đêm sẽ thấy một cô gái mặc áo trắng, tóc xõa dài đang múa trên cành cây. Bà Sén còn kể, ngày xưa có một bà ăn trộm vàng của hàng xóm, vì bí đường nên đem giấu ở gốc cây gạo. Hôm sau bà ra gốc cây tìm lại, đúng lúc trờ đổ mưa to, bà trượt chân ngã gãy tay, đến khi khỏi vẫn còn di chứng để lại.
Đó là những câu chuyện từ đời trước. Hiện nay, cây gạo được coi là một di tích lịch sử, được người dân chăm sóc, bảo tồn. Những con dân khi khắp nơi khi được nghe kể đều kéo đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây. Tháng 3 là mùa hoa gạo, những bông hoa bung tỏa đong đưa trong gió như mời gọi, đón chào mọi người tới thăm. Có những người dân khi được nghe kể những câu chuyện về cây gạo này cho rằng, đó là do người dân yêu quý cây gạo nên đã dẫn những điều tâm linh để đời sau giữ gìn và mong muốn thế hệ sau sống tốt hơn và nhớ về lịch sử, cội nguồn.
Phạm Hường
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-chuyen-ma-mi-ve-cay-gao-gu-a12280.html