Với sự đa dạng, phong phú về điều kiện tự nhiên, Việt Nam là quốc gia đang có rất nhiều dư địa và cơ hội để phát triển các mặt hàng sinh vật cảnh. Mặc dù số lượng, sản lượng, diện tích không lớn, tuy nhiên đây lại là nhóm mặt hàng đem lại giá trị rất lớn. Hiện cả nước đã hình thành nhiều làng nghề SX mặt hàng sinh vật cảnh chuyên nghiệp, đem lại thu nhập rất cao như Văn Giang (Hưng Yên), Sa Đéc (Đồng Tháp)... cùng rất nhiều vùng chuyên canh ven đô thị lớn của cả nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ đến nay, diện tích sản xuất sinh vật cảnh tập trung và phân tán trên cả nước ước đạt trên 50.000 ha, trong đó diện tích tập trung khoảng 34.400 ha, với các mặt hàng chuyên canh như hoa, cây cảnh...Ngoài ra, ngành nghề SX sinh vật cảnh đang ngày càng bứt phá mạnh mẽ với hàng trăm làng nghề truyền thống đã được khôi phục và thành lập, phát triển đa dạng nhiều mặt hàng sinh vật cảnh như hoa, cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh.... cho giá trị rất cao và đang ngày càng tăng mạnh về số lượng.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng sinh vật cảnh đã được xuất khẩu và tăng mạnh về số lượng. Theo Bộ Công thương, đến nay, chỉ tính riêng hoa tươi cắt cành, hàng năm cả nước có khoảng 11.000 ha, với khoảng 4,5 tỉ cành/năm, trong đó khoảng 1 tỉ cành đã được XK sang nhiều thị trường. Hà Nội, TP HCM và Lâm Đồng cùng các vùng phụ cận đã hình thành nên các trung tâm SX sinh vật cảnh lớn, đem lại nguồn thu ngoại tệ rất lớn từ XK và làm giàu cho người SX.
Qua 33 năm thành lập, hiện Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có 56 tổ chức hội cấp tỉnh, gồm 6.000 chi hội với trên 250 nghìn hội viên khắp cả nước. Trong đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn trong ngành nghề SX kinh doanh các mặt hàng sinh vật cảnh.
Phát biểu tại Đại hội, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá những kết quả Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã xây dựng và trưởng thành qua 6 kỳ đại hội, Sinh Vật Cảnh từ chỗ chỉ là thú chơi nhân văn tao nhã của một bộ phận trong xã hội thì ngày nay Sinh Vật Cảnh đang trở thành một mặt hàng có nhu cầu tất yếu của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa và đời sống ngày càng tăng cao.
Sinh Vật Cảnh đã định hình là một ngành hàng đặc hữu quan trọng trong hệ thống các ngành hàng của nền nông nghiệp, và sẽ có các đề án, chương trình hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, khai thác dư địa và lợi thế của ngành hàng này trong thời gian tới.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã dành thời gian phân tích và chỉ rõ nhiều giải pháp để thúc đẩy Sinh Vật Cảnh lên một tầm cao mới trong nhiệm kỳ VII, giai đoạn (2022 - 2026). Cụ thể: Tập trung củng cố công tác Hội theo hướng kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.
Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Phải tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp từ trung ương đến địa phương để triển khai những chương trình nòng cốt như: Triển khai Nghị định 52 của Chính phủ ban hành 2018, trong đó xác định ngành sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngành phát triển nông thôn; Chương trình muc tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Trước mặt tham gia xây dựng và triển khai Đề án phát triển hoa cây cảnh Việt Nam giai đoạn 2021- 2030.
"Muốn phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế đặc hữu có giá trị cao thì phải tập trung đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ. Thực tế, trong thời gian vừa qua một số địa phương có tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh, giá trị Sinh Vật Cảnh phát triển mạnh thì yếu tố khoa học được áp dụng rất nhiều. Phải có yếu tố khoa học công nghệ thì sản phẩm của chúng ta mới tiến tới xuất khẩu lớn...", ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái đặc hữu giá trị cao
Bên cạnh đó, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh những giải pháp khác trong báo cáo chính trị trình bày trong Đại hội đã đề ra, cần phải triển khai đồng bộ. Các hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến giao thương, trưng bày triển lãm, hội thi trong và ngoài nước trong thời gian vừa qua đã được quan tâm bước đầu. Trong thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là công tác giao lưu học tập quốc tế. Thông qua những hoạt động này, để khẳng định vị thế sản phẩm hoa cây cảnh, Sinh Vật Cảnh Việt Nam, đồng thời tranh thủ các yếu tố thời đại để giao lưu học hỏi để làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam lên một tầm cao mới góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Việt Nam trong tổng thể bức tranh chung của kinh tế Việt Nam.
Vương Xuân Nguyên