Kỳ 20.
Tháng 3 năm 1380, nắng hè rải xuống Thăng Long như thảm lụa, nắng lọt qua những rặng cây xanh lọt xuống hoàng thành. Gió mùa xuân đưa nhẹ làm lá cây khua xào xạc. Trong cung của điện Càn Nguyên, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông đang ngồi uống trà, chợt có quan nội thị vào báo:
-Dạ, bẩm Thái thượng hoàng, có thám mã từ phía nam về xin cấp báo.
-Cho vào ngay.
-Dạ.
Thám mã vào quỳ hành lễ:
-Thái thượng hoàng vạn tuế.
-Miễn lễ, có gì nói ngay đi.
-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, quân Chiêm Thành đã đánh vào Thanh Hóa và Nghệ An, tình hình vô cùng nguy cấp ạ.
-Nhà ngươi lui ra.
-Dạ.
-Ngườiđâu.
-Dạ.
-Cho mời quan Tư không Lê Quý Ly vào đây.
-Dạ.
Lê Quý Ly bước vào quỳ hành lễ:
-Thái Thượng hoàng vạn tuế, vạn tuế.
-Miễn lễ, ngồi đi.
-Đa tạ Thái thượng hoàng.
Sau khi hai người cạn mỗi người một ly trà, Trần Nghệ Tông nói:
-Hiện nay, quân Chiêm Thành đã tấn công Nghệ An, Thanh Hóa, ta phong thêm cho khanh chức Nguyên Nhung hành hải Tây Đô thống chế, cầm quân cùng Đỗ Tử Bình vào Thanh-Nghệ chống giặc.
Lê Quý Ly vội quỳ và nói:
-Đa tạ Thái thượng hoàng yêu mến, thần sẽ cố hết sức đuổi giặc.
-Ta chờ tin thắng trận ở khanh.
-Thần sẽ không làm Thái thượng hoàng thất vọng.
Trời chưa sáng, 300 chiến thuyền, 3 vạn thủy binh do Lê Quý Ly chỉ huy đã rời khỏi cửa Nam Triệu sông Cấm đè sóng tiến về nam. Trời tháng 5 bình minh rực rỡ rải nắng xuống đại dương, sóng biển từng đợt tung bọt trắng xóa vỗ vào mạn những con thuyền và tan ra ngầu bọt trắng. Cờ vàng trên thuyền tung bay phấp phới rợp trời. Thuyền của Lê Quý Ly đi trung quân, trên cột buồm có lá cờ chữ “Soái” màu đỏ tung bay phần phật. Trong căn phòng rộng của tàu, Lê Quý Ly cùng tướng chỉ huy quân Thần vũ là Nguyễn Kim Ngao và tướng chỉ huy quân Thị vệ là Đỗ Dã Kha đang nghiên cứu địa hình sông Mã, nơi thủy quân Chiêm Thành đang tập kết. Theo tin tức thám mã báo về thì thủy quân Chiêm Thành đang chiếm đóng một nhánh sông Mã đổ ra cửa biển Lạch Trường. Phía bắc nhánh sông này giáp Nga Sơn, phía nam giáp Hậu Lộc. Lê Quý Ly nhìn sơ đồ rồi nói:
-Hiện nay thủy quân Chiêm Thành đang ở Lạch Trường là nhánh giữa của sông Mã, ta cho thủy quận ta rẽ vào sông Đò Lèn là nhánh phía bắc Lạch Trường đi vào sông Mã. Ban đêm ta từ sông Mã rẽ vào bất ngờ tấn công phía tây Lạch Trường tiêu diệt quân Chiêm. Quân Chiêm thất bại phải tháo chạy ra biển về nước. Ta sẽ thu được thắng lợi.
Hai tướng đều nói:
-Kế của Tổng đô thống chế hay lắm.
Xế chiều, Lê Quý Ly cho đoàn chiến thuyền rẽ vào sông Đò Lèn, nhánh phía bắc của sông Mã, nằm giữa hai huyện Hà Trung và Nga Sơn rồi lên sông Mã, sau đó từ hướng tây rẽ vào sông Lạch Trường. Đến canh ba Lê Quý Ly lệnh cho chiến thuyền dàn hàng ngang lao tới bắn lửa và tên vào chiến thuyền của Chiêm Thành. Hàng chục thuyền của Chiêm Thành bốc cháy. Lính tráng thức dậy thì bị hàng nghìn mũi tên của quân Đại Việt tiêu diệt hoặc bị lửa thiêu chín, xác nổi đầy sông. Quân Chiêm Thành đại bại, còn vài chục thuyền vội chạy ra biển và chạy về nước.
Đạo bộ binh Đại Việt 3 vạn người do Đỗ Tử Bình đến nơi thì chiến dịch đã kết thúc. Từ đó, Đỗ Tử Bình cáo ốm, không nắm binh quyền nữa. Lê Quý Ly với chức Nguyên Nhung hành hải Tây Đô Thống chế đã thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Trần.
Thăng Long, một sáng năm 1382, trong cung Trần Nghệ Tông đang bàn công việc với vua Trần Phế Đế, Lê Quý Ly và Nguyễn Đa Phương. Trần Nghệ Tông nói:
-Theo tin thám mã từ phía nam về báo, thủy quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga chỉ huy đang vượt biển tiến ra bắc, chưa biết chúng sẽ đánh vào sông nào, phủ nào. Các ái khanh có kế sách gì chống giặc không?
Lê Quý Ly nói:
-Bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, chưa rõ chúng đổ bộ đánh phá ở đâu nên trước hết cử một tướng đem một đạo thủy binh chặn ở cửa Thần Phù, một đạo bộ binh đóng ở núi Long Đại (Hàm Rồng), Thanh Hóa đề phòng chúng đổ bộ lên bờ.
Trần Nghệ Tông nói:
-Khanh nói phải lắm. Tướng quân Nguyễn Đa Phương.
-Dạ, có thần.
-Khanh đem đạo thủy binh đến chờ giặc ở cửa Thần Phù.
-Thần tuân chỉ.
-Tây Đô thống Lê Quý Ly.
-Dạ, có thần.
-Khanh chỉ huy đạo bộ binh đến đợi giặc ở núi Long Đại, phủ Thanh Hóa.
-Thần tuân chỉ.
Thủy binh và bộ binh Đại Việt hành quân thần tốc. Khi quân Chiêm Thành còn hành trình trên biển Nghệ An thì thủy quân Đại Việt đã chờ ở cửa biển Thần Phù, còn bộ binh đã dàn trận ở chân núi Long Đại. Khi trông thấy thủy quân Việt, Chế Bồng Nga ra lệnh:
-Dàn đội hình cánh cung chuẩn bị chiến đấu.
-Tuân lệnh hoàng thượng.
Bên thủy quân Việt, Nguyễn Đa Phương ra lệnh:
-Dàn đội hình tam giác tiến vào đội hình địch.
-Tuân lệnh chủ tướng.
Hàng trăm chiến thuyền Việt biến thành đội hình tam giác, mũi nhọn đi đầu, hai cánh đi hai bên và cạnh đáy phía sau bảo vệ cho lâu thuyền của chủ tướng ở giữa. Nguyễn Đa Phương ra lệnh:
-Dùng tạc đạn, tên lửa và tên đánh vào giữa đội hình của địch.
-Tuân lệnh chủ tướng.
Thủy quân Việt dũng mãnh lao tới, tạc đạn tới tấp ném vào đoạn giữa của đội hình thủy binh Chiêm Thành. Quân Chiêm Thành chết cháy, đoạn giữa của thế trận Chiêm Thành rối loạn tan tác tháo chạy, hai cánh cung vì thế không hợp thành thế bao vây được, cũng cố thoát thân mà chạy về phương nam. Cả biển Thần Phù đỏ ngầu máu giặc, xác giặc và xác thuyền. Quân Chiêm đại bại. Quân Việt lao thuyền đuổi đánh đến biển Nghệ An mới dừng lại.
Sau trận chiến thắng đó, Trần Nghệ Tông phong Nguyễn Đa Phương chức Kim Ngô Vệ Đại tướng quân.
Mùa hạ năm 1383, tháng 6, trời nắng như đổ lửa xuống Thăng Long. Trần Nghệ Tông đang ngồi uống trà ở cung trong điện Càn Nguyên, hai bên có hai người lính đứng quạt, chợt có quan nội thị vào báo:
-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, thám mã về báo vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga lại đem thủy binh tiến ra bắc đánh chúng ta.
-Cho gọi Lê Quý Ly vào đây.
-Dạ.
Lê Quý Ly vào quỳ hành lễ:
-Thái thượng hoàng vạn vạn tuế.
-Miễn lễ, ái khanh bình thân.
-Tạ ơn Thái thượng hoàng.
-Chế Bồng Nga lại đem thủy binh ra đánh Đại Việt, chiến thuyền đang tiến ra bắc. Ái khanh hãy đem thủy binh ra chống giặc.
-Thần tuân chỉ.
Lê Quý Ly đem thủy binh đi chặn giặc. Không ngờ Chế Bồng Nga cho Lã Khải chỉ huy đạo bộ binh bí mật hành quân theo đường bộ, giặc tiến ra đến Quốc Oai rồi mà triều đình mới biết. Trần Nghệ Tông ra lệnh cho tướng Mật Ôn đem quân ra đánh. Mật Ôn bại trận và bị bắt. Quá hoảng sợ, Trần Nghệ Tông, Trần Phế Đế và triều đình bỏ kinh thành chạy lên Bắc Ninh. Trước khi đi, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Nguyễn Đa Phương:
-Khanh hãy chỉ huy quân đội bảo vệ Thăng Long.
-Thần tuân chỉ.
Nguyễn Đa Phương ra sức phòng thủ kinh đô, giặc Chiêm Thành không xâm phạm được nhưng 6 tháng sau, tháng 12 năm 1383, Chế Bồng Nga mới rút bộ binh và thủy binh về nước.
Trần Nghệ Tông và triều đình trở lại Thăng Long. Khu ngoại vi kinh thành tre gai và chiến lũy ngổn ngang. Bên trong, những biệt thự lâu đài đã bị quân Chiêm Thành đốt phá hai lần trước chưa được sửa chữa nên vẫn nát tan ngổn ngang. Thăng Long đã trải qua nhiều lần bi thảm bởi giặc ngoại xâm xâm phạm, bởi chế độ suy yếu không bảo vệ được. Trong mấy lần chạy giặc ra vùng nông thôn, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông mới thấy được cảnh nông thôn tiêu điều xơ xác trong nghèo đói. Từ thời Trần Dụ Tông lại đây, đã 9 lần vỡ đê mang lại lũ lụt mất mùa, hết lũ lụt lại sang hạn hán. Cho đến nay trải qua 10 trận đói khủng khiếp, thảo dân chết như rạ. Trong khi đó triều đình chỉ lo tăng thuế, thu thuế để ăn chơi trác táng sa đọa, bọn quan lại địa chủ ở nông thôn thả sức cướp đoạt ruộng đất của nông dân, nông dân bị biến thành nô tì, chịu sưu cao thuế nặng. Mỗi người đàn ông mỗi năm phải nộp 3 quan tiền thuế đinh. Không thể chịu đựng được nữa, nông dân đã nổi dậy chống lại triều đình như khởi nghĩa của Ngô Bệ ở Hải Dương, năm 1360 mới bị quân triều đình đàn áp. Năm 1379, Nguyễn Thanh tự xưng Linh Đức Vương, khởi nghĩa ở mạn Thọ Xuân, sông Chu Thanh Hóa, Nguyễn Kỵ tự xưng Võ Vương, khởi nghĩa ở Nông Cống Thanh Hóa, Nguyễn Bổ khởi nghĩa ở Bắc Giang khiến triều đình hao phí bao nhiều tiền bạc và sinh mạng binh lính mới đàn áp được. Trần Nghệ Tông thấy chưa bao giờ đất nước suy tàn hỗn loạn như ngày nay. Bên ngoài giặc Chiêm Thành liên tục tấn công, bên trong nông dân đói khổ. Triều đình kỷ cương pháp luật sụp đổ, kéo bè kéo cánh, quan lại chỉ lo cho bản thân và gia đình, không lo cho triều đình, không lo cho nước, cho dân. Một số trí thức đương thời nổi tiếng chán thời cuộc lui về rừng rú ở ẩn, xa lánh thời cuộc. Họ học cao biết rộng mà không ai hiến cho Trần Nghệ Tông một kế sách gì để ổn định triều chính, cứu vãn thời cuộc. Trong số thân vương học cao biết rộng có Trần Nguyên Đán. Trần Nghệ Tông gửi gắm biết bao hy vọng nhưng Trần Nguyên Đán đã xin về Côn Sơn ở ẩn, bưng tai nhắm mắt, đắm chìm trong mây núi chim muông hoa lá. Trần Nghệ Tông đã mấy lần xa giá tới thăm, hỏi về hậu vận đất nước, Trần Nguyên Đán đều không nói được gì. Trong mắt Trần Nghệ Tông, người có ý tưởng cải cách toàn diện để cứu vãn xã hội, chỉ có mỗi Lê Quý Ly. Có lẽ đó là con gười mà Trần Nghệ Tông có thể dựa vào để cứu vãn thiên hạ, cứu vãn thời cuộc. Nhưng chiến tranh binh lửa liên tục, chưa có thời gian để thử nghiệm những dự án của Lê Quý Ly. Đó là lý do vì sao ngài ra sức bảo vệ Lê Quý Ly và tạo điều kiện để Lê Quý Ly tiến lên nắm đại quyền.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-a-tieu-thuyet-lich-su-ky-20-a12306.html