Cảm xúc chủ đạo trong thơ Trần Ngọc Toản là “yêu lịch sử, biết ơn những con người đã có công với quê hương, đất nước, với dân tộc ...”. Trần Ngọc Toản muốn qua thơ của mình, gợi mở, khơi thêm dòng chảy ngọt ngào ngợi ca, vinh danh những anh hùng, những nhà thơ, nhà văn hóa đã có công đánh giặc ngoại xâm giữ nước, làm giàu văn hóa dân tộc, làm giàu tâm hồn Việt Nam. Với dòng cảm xúc chủ đạo ấy, một vài bài thơ dịch ra âm Hán – Việt của Trần Ngọc Toản khi viết, liên hệ về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp rất có hồn, dạt dào cảm xúc (bài Hồ Chí Minh, Tầm chân nhân, Tâm công, Doãn Hậu Quế Đường ...). Qua những bài thơ này, một lần nữa, người đọc được ôn lại tầm vóc lớn lao của những anh hùng, những nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta. Trần Ngọc Toản đã đúng khi cho rằng nói về công lao to lớn của những anh hùng, nhà thơ lớn của dân tộc chính là sự tiếp nối đạo lý nghìn đời, nuôi dưỡng hồn thiêng sông núi.
Trần Ngọc Toản giành tình cảm, sự kính trọng lớn, lòng biết ơn khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (với 7 bài thơ: Vịnh tên Bác, Bác Hồ đọc luận cương Lê-Nin, Bóng Người, Lỗi hẹn Nhà Rồng, Thăm nhà sàn, Đơn sơ, Ngày Bác trở về). Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong như ngọc, càng ngày càng toả sáng cho bao thế hệ con cháu noi theo. Và Trần Ngọc Toản cũng hòa vào dòng cảm xúc đó để tạo trong thơ của mình hình ảnh Bác Hồ thật vĩ đại và giản dị, từ khi mới về nước sống tại hang Bắc Pó đến lúc làm chủ tịch nước, chỉ ở một nhà sàn đơn sơ với vài vật dụng bình thường phục vụ cho công việc lãnh đạo của Bác: “Đây đôi dép lốp in sương giá/ Đấy bộ ka – ki đượm gió hòa”, hay “Đôi cánh quạt nan quen nắng hạ/ Một đài bán dẫn kịp tin xa”/ “Thiêng liêng mà lại thân thương quá/ Vĩ đại vô ngần Bác của ta” (Thăm nhà sàn). Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lồng lộng trong thơ với đôi nét chấm phá về một con người vĩ đại, được toàn thể nhân dân mến phục, kính yêu: “Đất Việt sáng ngời cùng nhật nguyệt/ Trời Nam hạnh phúc có hiền nhân”(Vịnh tên Bác).
Thời đất nước, nhân dân còn đắm chìm trong nô lệ, chúng ta cũng đã từng biết tình hình rất ngột ngạt, bế tắc qua bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên:“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”. Bi kịch bế tắc ấy của đất nước được Trần Ngọc Toản nhắc lại và sự giải quyết bế tắc ấy chính là con đường mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho dân tộc đi theo, cô đọng trong bốn câu: “Tự do, tự quyết đường dân tộc/ Nô lệ công nông thế đại đồng/ Nguồn sáng đây rồi đây sức mạnh/ Xua tan đêm tối chặt xiềng gông” (Bác Hồ đọc luận cương Lê-Nin) ...
Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Ngọc Toản dồn sự ngưỡng mộ của mình đối với cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng của nhân dân, văn võ toàn tài. Theo quan niệm của người xưa: "Thái thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn" . Lập đức như cái cây, lập công như cái quả, lập ngôn như cái hạt để truyền lại đời sau. Lập đức tức xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng phép tắc trị nước là việc của bậc thánh nhân; lập công là việc của người anh hùng, lập ngôn là việc của kẻ sĩ. Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là niềm cảm hứng của bao nhà văn, nhà thơ. Trong cái tứ ấy, với bốn câu thơ, Trần Ngọc Toản đã khắc họa khá thành công chân dung, sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp :“Tổ quốc đời đời nối sắc xuân/ Ơn người Đại tướng giữa lòng dân/ Dựng nền quân sự phi thường ấy/ Từ thuở tuyên truyền giải phóng quân”. Và cũng chỉ bốn câu để diễn đạt thành công xuất xử của Đại tướng: “Hiến trọn cuộc đời cho nước non/ Chia ly ước nguyện được về nguồn/ Vũng Chùa – Đảo Yến nơi yên nghỉ/ Để triệu niềm thương, triệu lệ tuôn!” ...
Với Nguyễn Trãi, Trần Ngọc Toản tập trung cảm xúc trong một bài thất ngôn bát cú: Tâm công. Tôi cho rằng đây là một trong những bài thơ sâu sắc, có tầm nhìn rộng, hiểu biết uyên thâm, diễn đạt khá đầy đủ cuộc đời thăng trầm, đau đớn, bi ai và đầy oan khuất của Nguyễn Trãi. Tôi cũng đã từng đọc Nguyễn Trãi, lên Côn Sơn viếng Nguyễn Trãi nên dễ tiếp nhận và đồng cảm với Trần Ngọc Toản trong bài thơ này. Ý chí, tâm hồn, nhân cách của Nguyễn Trãi theo sử sách lưu truyền là vô cùng cao cả. Ông từng nói với vua Lê Thái Tôn rằng: "Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu" . Trong bài “Tâm công”, Trần Ngọc Toản đã lột tả đầy đủ sự nghiệp và oan khuất của Nguyễn Trãi: “Vườn cũ Lệ Chi dồn bão tố/ Cung vàng Học Sĩ nức hương hoa/ Tâm công ngọn đuốc soi kim cổ/ Nguyễn Trãi hồn thiêng mãi sáng lòa”.
Trần Ngọc Toản đã từng viết bút ký “Khấp Tố Như”. “Khấp Tố Như” là cụm từ được Nguyễn Du viết trong bài “Độc Tiểu Thanh ký”, thể hiện sâu sắc tư tưởng của ông về thân phận con người trong khuôn khổ cô đúc của bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Nguyễn Du khóc người cũng để tự thương mình. Khép lại bài thơ là những suy tư, trăn trở của Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Tôi cho rằng Trần Ngọc Toản có sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du. Ngoài bút ký “Khấp Tố Như”, trong tập“Về nguồn”, Trần Ngọc Toản đã có hơn 10 bài thơ nói về tình cảm của mình đối với Nguyễn Du và thân phận nàng Kiều, những nhân vật trong Truyện Kiều. Trần Ngọc Toản khi có dịp viếng mộ Nguyễn Du đã khóc với tâm tình chan chứa, thâm trầm: “Đây nén nhang thơm tim ứa lệ/ Tiên Điền cụ hỡi nợ văn chương”(Khóc Tố Như)! Những bài liên quan đến nàng Kiều, các nhân vật trong truyện Kiều được Trần Ngọc Toản vẽ lên với nhiều nét chấm phá và lồng vào đó ngôn ngữ, ý tứ gửi tới người đọc suy nghĩ, cảm nhận của mình đối với nàng Kiều, Nguyễn Du và Truyện Kiều. Cái “đoạn tràng” nhất của nàng Kiều trong mắt Trần Ngọc Toản chính là khi nàng phải hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến: “Mộ chồng còn đắp chưa xong/ Rượu đàn hầu kẻ giết chồng sao đang? Thế gian lắm sự bẽ bàng/ Cung đàn nhỏ máu, đoạn tràng mãi ru!”(Đoạn tràng). Trong các bài: Kiều lưu lạc, Kiều tỉnh mộng, Kiều đoàn viên ... Trần Ngọc Toản để cảm xúc của mình lưu lạc, trăn trở, suy tư với nàng Kiều rồi rút ra một cái kết:“Luân thường mà luận cho minh/ Cái mầm lưu lạc tại mình mà ra” ... Bế tắc của nàng Kiều, ngày nay chúng ta cảm thấy mà thương, khi chưa nhìn được bản chất của một xã hội phong kiến lỗi thời với lũ cường hào, ác bá hà hiếp người dân lương thiện: “Hàn huyên chưa kịp dã dề/ Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/ Người nách thước, kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”…(Truyện Kiều).
Ngoài cảm xúc chủ đạo trên, Trần Ngọc Toản còn có những bài thơ, câu thơ viết về quê hương, về tuổi thơ êm đềm bên dòng sông, bến nước: “Nhớ chùa Bút Tháp in sông Đuống/ Nhớ chuyện Man Nương lễ hội Dâu”(Hồn quê). Điệp khúc quê hương chính là cảm xúc bất tận, chan chứa ân tình:“Chùa Bút Tháp, thành Luy Lâu/ Chùa Dàn, chùa Tướng, chùa Dâu quê mình”; “Một vầng mây nước ngân nga/ Bờ Thiên Đức, nơi ấy là cố hương/ Câu quan họ nỗi nhớ thương/ Hội Lim trót lỡ vấn vương, hẹn hò” ... Và những đường xưa lối cũ, nơi chôn nhau, cắt rốn, một đời người hồ dễ mấy ai quên:“Cánh đồng Khương Tự ngát hương/ Ai đem hoa cỏ đến trường hôm nao/ Hẹn đâu mà dạ xôn xao/ Xung quanh như cũng nghẹn ngào ức xưa”...
Đọc đến đây tôi cũng chợt nhớ về quê Cha đất Tổ của mình. Cảm ơn Trần Ngọc Toản đã có những bài thơ thấu chạm vào trái tim của bao người vì hoàn cảnh nào đó xa quê sau thời gian đằng đẳng mới về thăm để rồi thổn thức, bồi hồi, xao xuyến ... Đọc thơ Trần Ngọc Toản là trở về cội nguồn xưa, ôn lại lịch sử, tìm hiểu những vĩ nhân, anh hùng, nhà văn, nhà thơ ... có công giữ nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Thật là: “Cội nguồn tiếng Mẹ ru đưa/ Lời thơ nay gió ngày xưa thổi về!” ...
Tháng 5/2022 - TNC
[1] Hiện nay là Trưởng Công an phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM
Nguyễn Ngọc Cơ
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-tap-tho-ve-nguon-cua-tac-gia-tran-ngoc-toan-a12329.html