Ôi dào. Giấc mơ mà. Trong mơ thường xảy ra những chuyện phi lý nhưng lại khiến người ta nhớ dai dẳng lắm. Ví như chuyện lần đầu chị mơ gặp con thuồng luồng vây. Năm ấy, tôi mười tám, chị mười chin. Một hôm tôi đang cầm theo chiếc cần câu tính ra suối kiếm mớ cá thì chị chạy đến, vỗ vỗ lên lưng bảo : “Này, tối qua tau có giấc mơ lạ lắm nhé. Tau mơ thấy con thuồng luồng nhô lên từ mặt sông. Nó đến bảo ngồi lên lưng rồi chở theo tau bay đi.”
“Nó đem chị đi đâu?” – Tôi hỏi hồi hộp như một chú thiếu niên.
“Đi đâu ấy à? Không nhớ nữa.”
Nhìn ánh mắt tôi đoán chắc chị muốn giữ bí mật một phần câu chuyện. Chị hơn tôi một tuổi nhưng lại ngồi học cùng bàn. Tôi thích chở chị trên chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng đến lớp và trở về nhà sau tan học. Có khi tôi và chị còn ôm nhau nằm ngủ như hai thằng con trai. Lũ bạn bảo tôi với chị thương nhau. Tôi không rõ. Chỉ biết rằng sau cái lần chị ôm chầm lấy tôi rồi thơm lên má hồi học lớp mười, tôi chỉ cười coi như trò nghịch ngợm của lũ bạn với nhau.
Con thuồng luồng đã đưa chị đi đâu ấy nhỉ? Câu hỏi đó cứ quẩn quanh trong đầu tôi suốt cả buổi chiều. Tôi móc mồi và thả câu, mặc cho chiếc phao trôi hết tầm tay rồi kéo lên. Suốt buổi chỉ nhấc được dăm con cá.
Tôi đem giấc mơ của chị hỏi bà nội. Bà tôi sống lâu nhất cộng đồng, biết giải mã những giấc mơ. Dĩ nhiên, tôi không nói đó là giấc mơ của chị mà bảo là của một người khác.
Bà bảo rằng có sự không lành. Chẳng ai mơ thấy con thuồng luồng bao giờ, nhất là dòng họ Ngân có tục thờ rắn. Mơ thấy thuồng luồng là coi như tổ tiên tìm đến.
Tôi nghe mà giật bắn mình. May mắn là mắt bà đã lòa nên không nhận thấy biểu hiện của tôi. Chị là người trong dòng họ Ngân có tục thờ rắn. Tôi toan đem chuyện này nói với chị. Nhưng rồi nghĩ chúng tôi đều sắp thi đại học. tốt nhất chẳng nên để những chuyện không đâu ảnh hưởng đến việc ôn luyện. Tôi lao vào học và dường như quên béng luôn câu chuyện về giấc mơ lạ của chị.
“Này, tau đỗ đại học đấy.” Sau kỳ thi gần một tháng, và buổi sáng hôm ấy tôi chợt nghe tiếng chị réo lên dưới cầu thang nhà sàn. Ánh mắt chị long lanh, mừng rỡ. Chị lại ôm chầm lấy tôi, thơm lên má như hồi lớp mười. “Tao sắp xuống thành phố, đi học. Mi có biết kết quả thi chưa?” Tôi bảo còn thiếu những chục điểm nữa mới đỗ. Chị an ủi năm sau thi nữa vậy. Tôi đẩy chị ra. Hai bầu ngực chị ập vào khiến tôi thấy ngượng ngùng. Lần đầu tôi biết ngượng trước chị.
Tối đến, tôi lại xách cần câu ra suối. Câu đêm là biệt tài của tôi. Tối nay có trăng và tôi nhìn những bóng nước lấp lánh ánh lân tinh trên bãi đá giữa suối và nhớ về những ngày ấu thơ, khi bọn con trai, con gái vẫn tắm chung bến nước. Có lẽ chính vì từ ngày nhỏ chúng tôi đã biết đến thân thể của nhau nên chẳng mấy ai chung bến tắm lại thành chồng vợ. Tôi vẫn nhớ những lần vốc nước té lên cơ thể trần truồng của chị rồi nhảy tùm ra chỗ nước sâu. Ngày đó chị cười thích thú nhưng chẳng biết làm sao đuổi theo tôi trên dòng nước xiết. Chị sợ ra suối sâu, thuồng luồng sẽ bắt về thủy cung làm vợ, làm người hầu. Người lớn vẫn dọa trẻ con như thế mà.
Chị vào đại học. Tôi có tiếng học khá nhất vùng nhưng lại thi rớt. Tôi nhớ ngày ấy mình đã không lấy gì làm buồn bã. Năm sau, tôi nhường cho em gái đi thi nên ở nhà phụ cha mẹ việc ruộng nương. Chị thư về bảo ở phố buồn lắm. Tôi biên thư khuyên hay chị thử yêu ai đó đi, như thế biết đâu sẽ vui hơn. Mấy tuần sau tôi nhận được thư chị biên về bảo nhớ làng. “Tau muốn về thăm mi. Đi xa rồi mới biết nhớ người thân, bè bạn.”
Sau mấy ngày, tôi tính viết thư thì thấy chị về. Hôm đó, tôi đang coi sóc vườn mía, thoáng thấy bóng chiếc nón trắng của chị nhấp nhô trên dốc núi. Chị tiến về phía tôi. Sau gần nửa năm không gặp, nom làn da chị trắng hơn. Gương mặt ửng hồng sau vành nón. Chị không chạy đến vồ vập tôi như hồi trước nữa, chỉ nói : “Về cái là tau chạy đi tìm mi đó.” Tôi sán đến cầm tay chị. Hai bàn tay lành lạnh, yếu đuối, những cái móng dài hơn. Chị bảo để móng tay dài vì học đàn.
“Chị chơi guitar à?”
“Ừ, học chơi cho đỡ nhớ nhà.” – Chị nói thủng thặng, sắc giọng trầm buồn.
Chị ở nhà gần một tuần rồi trở về trường. Trước khi đi chỉ động viên tôi vài câu rằng nên ôn thi, đừng nản chí. Buổi tối trước ngày chị ra thành phố tôi mượn từ ông chú họ chiếc đàn guitar rồi rủ chị ra suối nước. Đó là dòng suối mà chúng tôi đã trải qua tuổi thơ cùng nhau. Bây giờ người ta ngăn dòng xây một con đập thủy lợi. Từ bãi đá, dưới ánh trăng, tôi có thể thấy dòng nước đổ xuống sân tiêu năng như ngọn thác lớn, cuồn cuộn ì ầm. Tôi ngồi sát bên chị, vỗ vỗ vào cây đàn.
“Chị chơi một bản nhạc đi.”
“Bài chi được đây?” – Ngừng một lúc chị nói – “For Elize nhé.”
Tôi từng nhiều lần cùng chị nằm nghe bản nhạc này trên radio vào những buổi tối hay lúc xế chiều. Chỉ thảng hoặc thôi, nhưng ai nấy đều thích thú. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày chị chơi được bài nhạc này bằng đàn guitar, chứ không phải dương cầm như trên radio.
Tiếng đàn bập bẹ của chị cất lên rồi chìm lẩn trong tiếng suối và gió núi. Tôi từng không ít lần ngồi nghe những người lớn tuổi hơn gảy đàn dưới trăng. Nhưng đó là lần duy nhất tôi chứng kiến một người con gái chơi guitar trong đêm vắng. Sau này, vào những đêm lạnh lẽo, cô quạnh, tôi vẫn nhớ về đêm ấy. Nó vừa như một thứ lửa ấm khiến tâm hồn tôi rạo rực. Đôi khi lại hệt một miếng băng đá xát vào lồng ngực.
“Lâu nay còn mơ thấy thuồng luồng nữa không?” Tôi hỏi khi chị đã ngừng chơi đàn.
“Không! Nhưng cho đến giờ tao vẫn chưa giải mã được giấc mơ đó.”
Tôi nhìn thấy cánh tay chị nổi da gà. Có lẽ chị sợ khi tôi nhắc lại giấc mơ về con thuồng luồng ngay cạnh suối nước. Bất giác chị hôn lên môi tôi rồi vội vã bỏ về. Chỉ còn lại tôi và cây đàn trơ trọi bên dòng suối. Tôi cứ thế ngồi đến tận khuya, mặc cho sương đêm tràn xuống che lấp cả rừng núi và khoảng suối trước mặt. Bên tai tôi chỉ còn tiếng suối rì rần, ầm ĩ như tiếng lòng tôi vậy.
Sáng hôm sau, chị lên đường đi sớm mà không chào từ biệt. Suốt một năm sau đó tôi có viết cho chị gần chục cái thư nhưng chẳng có hồi âm. Ngày tết, và dịp nghỉ hè, tôi có ghé qua nhà tìm chị. Khi thì chị bận hoạt động tình nguyện, lúc lại bảo ăn tết nhà bạn.
Cuối năm đó, bất ngờ tôi nhận được thư chị. Bức thư viết trên hai trang giấy kẻ ngang. Chị có hỏi thăm và bảo đã biết chuyện tôi thầm thương chị và khuyên hãy quên những chuyện cũ đi. Đừng chờ chị nữa. Quả thật là tôi cũng đã nguôi ngoai nỗi nhớ chị. Có điều bức thư này chị lại kể về giấc mơ gặp con thuồng luồng.
“Lần này thì nó bay đến và cuốn lấy tao đi. Đi đâu ư? Đó là một cái nhà rộng, có nhiều người đang chờ sẵn ở đó.” Tôi đọc thư chị lại sởn gai ốc. Tôi vẫn tin lời những người già rằng khi thuồng luồng đến trong giấc mơ của ai đó là điều chẳng lành.
Dòng họ của chị có tục thờ rắn.
Truyền thuyết kể rằng ông tổ họ Ngân sống bằng nghề chài lưới, lần nọ ra sông nhặt được trái trứng lớn nên lấy làm lạ lắm. Lão bèn đem về cho con gà mái ấp. Sau nửa tháng, đàn gà chạy táo tác. Ông lão ra ổ rơm xem thì thấy trái trứng nở thành một chú rắn con. Từ đó, hễ ông lão đi đâu rắn liền bám theo. Nó ăn giun, dế cùng đàn vịt và lớn rất nhanh. Chẳng bao lâu đã trở thành con rắn lớn. Đêm về rắn ngủ trên xà nhà, ngày lại theo lão ra sông, lên rừng.
Lần nọ, lão vô tình vung xẻng đâm trúng khiến rắn đứt đuôi. Trời đất bống tối sầm. Ông nhận ra con rắn có lai lịch không bình thường liền ra sức chữa chạy. Sau này rắn vẫn quấn quýt người như xưa. Khi rắn lớn thêm nữa, nó cảm thấy không thể sống mãi trên cạn nên tìm về sông mà ở. Ngày ông lão mất, rắn về viếng rồi trở ra sông. Từ đó không ai thấy nó về nữa. Về sau, hễ dòng họ có việc lớn, việc bé, cưới hỏi, ma chay trời liền đổ mưa. Người ra tin rằng con rắn đã hóa thành thuồng luồng. Mỗi lần mưa là linh hồ của thuồng luồng trở về.
Người trong họ chẳng mấy ai mơ gặp thuồng luồng. Ai mơ thấy nó sẽ gặp chuyện chẳng lành.
Còn với chị dường như là một ngoại lệ.
Bằng cớ là cuối năm ấy tôi hay tin chị sắp lấy chồng. Gần tết, trong bản xuất hiện một người đàn ông nhiều hơn chị gần hai mươi tuổi. Ông ta mắt to, da ngăm đen, chân tay đều dài với những ngón nhỏ khẳng khiu. Chẳng hiểu sao trong lần đầu nom thấy chồng sắp cưới của chị, tôi nghĩ đến con thuồng luồng trong ruyền thuyết. Ý nghĩ khiến tôi mất ngủ. Chồng sắp cưới của chị nghe bảo giàu lắm. Ông từ thành phố về xây hẳn một cái nhà cấp bốn cách không xa ngôi nhà sàn của cha mẹ chị và sẽ coi đó là một nơi ở thứ hai của đôi vợ chồng về sau. Trước mắt, cái nhà sẽ là nơi diễn ra đám cưới chị.
Ra tết thì cưới chị. Tôi vác sang mấy bó củi. Mẹ tôi đưa thêm mấy con gà và một bao gạo nếp. Quê tôi người ta vẫn góp giúp nhau những thứ như thế khi có cưới hỏi, làm nhà mới, thậm chí là ma chay. Tôi ngồi bên bếp củi để mặc cho ngọn lửa liếm lên bàn tay. Ngoài đường, lũ trai gái gọi bạn đến nhà nhau hút rượu cần. Tôi bỏ bếp lửa rúc vào chăn, cố tìm một giấc ngủ nhưng rồi những kỷ niệm ấu thơ lại ùa về. Tôi nhớ những ngày hè nắng như đổ lửa, lũ trai gái rủ nhau ra suối tắm, nhớ hồi chở chị ngồi sau xe đạp đến trường, nhớ khi cùng nghe For Elize và cái đêm trăng chơi đàn bên suối. rồi giấc ngủ cũng đến với tôi dù chỉ chập chờn. Trong giấc ngủ, tôi vẫn nghe rõ tiếng nhạc xập xình từ căn nhà mới của chị. Chỉ đêm nay thôi, căn nhà nhỏ đó sẽ là nơi chị về làm dâu.
Tiếng chiêng vang vọng trong đêm đã đánh thức tôi. Đó không phải là âm thanh tôi muốn nghe thấy. Boong boong! Tiếng chiêng của đám rước dâu xuyên qua đêm vắng dội vào lồng ngực khiến tim tôi nhói lên từng cơn. Sau mỗi hồi chiêng, tôi như rơi vào một khoảng lặng sâu vời vợi. Rồi cơn đau khác ùa tới hành hạ tôi trong hồi chiêng kế tiếp. Tôi nhòm qua khe vách, đám rước diễu qua trước mắt nhập nhòa ánh đuốc. Hai người lớn tuổi cầm đuốc đi đầu. Người chồng cao lênh khênh như một bóng ma dắt tay chị chập chờn trong ánh đuốc. Bên cạnh là một người đàn ông khác cầm chiêng. Chốc chốc ông ta lại gõ ba tiếng liên hồi. Phía sau còn vài người nữa cũng cầm theo những ngọn đuốc. Đám rước đi qua nhà tôi rồi rẽ vào con đường lớn dẫn đến căn nhà mới xây. Dù nhà chị và ngôi nhà mới không cách xa nhau nhưng đám rước vẫn phải đi vòng theo con đường mà những người am hiểu tục cưới truyền thống đã chọn.
Từ căn nhà mới, đèn điện đã bật sáng trưng chờ sẵn. Lúc này, tiếng nhạc từ chiếc loa công suất lớn nổi lên chào đón đám rước. Một vài người ra ngõ ngó mặt cô dâu trong ngày cưới. Đám rước đã đến cổng căn nhà mới và vượt khỏi tầm mắt tôi. Khi đám rước dâu vào nhà, tiếng chiêng dứt, chỉ còn tiếng nhạc chat chúa.
Sau đám cưới, người đàn ông đưa chị về thành phố. Căn nhà mới sơn màu xanh nhạt đóng kín cửa. Tôi vẫn ngó vào khi ngang qua nhưng chẳng thấy có ai. Sau vài tháng, cỏ cây bắt đầu xâm lấn khoảng sân trước nhà. Khi mùa hè sang, những bông hoa dại đầu tiên nở cạnh hang rào um tùm cây cỏ. Thảng hoặc lắm, mẹ chị mới mở cửa quét tước, dọn cỏ. Những lần như thế, căn nhà bớt phần nào vẻ hịu quạnh.
Năm tháng trôi qua và tôi tưởng chừng như đã quên mất sự hiện diện của ngôi nhà có vẻ khác lạ nhất trong cộng đồng mà cư dân chỉ ở nhà sàn thì chợt một ngày mảnh vườn liền kề trở nên sạch cỏ. Ai đó đã sơn lại mặt tiền và thay cửa chính. Thấp thoáng có bóng người. Thì ra chị về. Tôi nhận ra chị giờ không còn mảnh khảnh như thời con gái. Gương mặt đầy đặn với hàng mi thưa khiến đôi mắt như mở to hơn. Tôi nom thấy một nỗi u buồn ngây dại trong ánh nhìn của chị. Chị dắt tay đứa bé trai đang lẫm chẫm tập đi. Nó nép bên chân mẹ khi bất ngờ nom thấy tôi.
“Mỗi mình chị về thôi sao?”
Câu hỏi đột ngột và có phần ngạc nhiên khiến gương mặt chị sa sầm.
“Anh ấy mất tích rồi. Mình cất công tìm đã hơn nửa năm mà chẳng có kết quả.”
Chị kể về công việc của người chồng. Ông ấy làm thuyền phó trên một con tàu viễn dương. Có những chuyến đi kéo dài vài tháng trời nên ba năm qua hầu như chỉ mỗi mình chị ở nhà trông con. Dù là vợ chồng nhưng thời gian gần gũi nhau không nhiều. Đôi khi chị không nhớ được gương mặt chồng mình nữa.
Tôi từng nghe những người họ hàng đến thăm chị ở thành phố về kể rằng chị sống trong một căn nhà rộng có một khu vườn mướt xanh cây cối ở giữa lòng thành phố. Đó là niềm mơ ước của nhiều người thế nhưng tòa lâu đài ấy nó cô quạnh lắm. Cái nhà hướng mặt ra một quãng sông rộng nhưng chẳng mấy khi có bóng tàu thuyền.
Thế rồi một ngày chị nhận được tin báo người chồng mất tích. Vào một buổi sáng, mọi người tìm khắp con tàu nhưng chẳng thấy ông thuyền phó đâu. Ai cũng tin rằng vì lý do nào đó, ông ta đã ngã xuống biển hay trốn đi bằng một con thuyền bí mật nào đó. Trong hải trình thâu đêm, con tàu đã vượt hàng trăm dặm giữa Ấn Độ Dương mênh mông và mọi nỗ lực tìm kiếm đều trở nên vô vọng.
“Anh ấy đã rơi xuống biển hay đi đâu, hay ai đó đã hại anh ấy? Từ hơn nửa năm nay trong đầu mình luôn hỏi vậy? Nhưng có lẽ chẳng bao giờ mình có được câu trả lời. Thế rồi sau khi xong thủ tục với công ty, mình đã bán cái nhà ở thành phố. Từ nay về ở hẳn đây thôi.” – Chị nói rồi ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Từ ngày lớn lên, đây là lần đầu tôi chứng kiến nước mắt của chị.
Chẳng biết vì sao tôi chợt mừng thầm khi nghe chị nói sẽ về ở hẳn. Chị về ở đây căn nhà sẽ bớt hiu quạnh hơn. Như chợt nhớ ra điều gì, chị chợt nói:
“À, trước hôm nhận được tin anh ấy mất tích, mình lại mơ thấy con thuồng luồng đó. Tau ra bến nước giặt áo cho chồng thì thấy nó nhô lên nhìn rồi lặn biến đi. Chỉ có vậy.”
Có khi nào thuồng luồng đến từ biệt chị không nhỉ? Có lẽ rồi chị sẽ chẳng còn bao giờ mơ gặp nó nữa đâu. Tôi thầm nghĩ. Chú bé con chị rời khỏi mẹ ngó lên tôi. Tôi nhận ra nó cũng có đôi mắt to và đen. Ngón tay nó cũng dài như tay người cha vậy…
H.V
Truyện ngắn của Hữu Vi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giac-mo-thuong-luong-a12331.html