Truyền kỳ mạn lục – Tác phẩm văn xuôi đỉnh cao thời phong kiến

Truyền kỳ mạn lục được viết theo kiểu ma mị, huyền hoặc, nhưng trong đó là đời sống con người Việt Nam thời xưa. Những mảnh đời hiện lên rõ nét.

nguyen-du-1652020233.jpg
Hình minh hoạ Nguyễn Dữ. Nguồn internet

Nguyễn Dữ có nơi gọi là Nguyễn Dư, sống vào thời Lê sơ, thời nhà Mạc. Năm sinh, năm mất của ông đến nay còn chưa rõ. Ông là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.

Có thuyết nói Nguyễn Dữ sống vào thế kỷ 16, là bạn của Phùng Khắc Khoan, và là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông từng làm quan dưới triều nhà Mạc, triều Lê. Nhưng thời gian làm quan không được lâu, ông xin về vùng núi Thanh Hoá sống, chăm sóc mẹ. Có thuyết nói, đó là cái cớ cớ vì ông đã chán ngán thời cuộc bấy giờ.

Nguyễn Dữ nổi tiếng với tác phẩm Truyền kỳ mạn lục. Truyền kỳ mạn lục được viết theo kiểu ma mị, huyền hoặc, nhưng trong đó là đời sống con người Việt Nam thời xưa. Những mảnh đời hiện lên rõ nét.

Truyền kỳ mạn lục được hiểu là Ghi chép tản mạn những truyện kì lạ được lưu truyền. Đương thời, tác phẩm được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, sau được Vũ Khâm Lân đánh giá là thiên cổ kỳ bút, đã cho thấy tầm vóc lớn của tác phẩm này.

Tác phẩm gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, kể những nội dung có khoảng thời gian đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ.

Nhận định về tác phẩm, PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh viết:  “Thông qua các nhân vật thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ..., tác phẩm muốn gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian hiểm nịnh hót đầy triều đình; những kẻ quan cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành, thậm chí đến chiếm đoạt vợ người, bức hại chồng người. Trong một xã hội rối ren như thế, nhiều tệ nạn thế tất sẽ nảy sinh. Cờ bạc, trộm cắp, tật dịch, ma quỷ hoành hành, đến Hộ pháp, Long thần cũng trở thành yêu quái, sư sãi, học trò, thương nhân, nhiều kẻ đắm chìm trong dục vọng.

Kết quả là người dân lương thiện, đặc biệt là phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ. Nguyễn Dư dành nhiều ưu ái cho những nhân vật này. Dưới ngòi bút của ông họ đều là những thiếu phụ xinh đẹp, chuyên nhất, tảo tần, giàu lòng vị tha nhưng luôn luôn phải chịu số phận bi thảm. Đến cả loại nhân vật "phản diện" như nàng Hàn Than (Đào thị nghiệp oan ký), nàng Nhị Khanh (Mộc miên phụ truyện), các hồn hoa (Tây viên kỳ ngộ ký) và "yêu quái ở Xương Giang" cũng đều vì số phận đưa đẩy, đều vì "nghiệp oan" mà đến nỗi trở thành ma quỷ. Họ đáng bị trách phạt nhưng cũng đáng thương. Dường như Nguyễn Dư không tìm được lối thoát trên con đường hành đạo, ông quay về cuộc sống ẩn dật, đôi lúc thả hồn mơ màng cõi tiên, song cơ bản ông vẫn gắn bó với cõi đời. Ông trân trọng và ca ngợi những nhân cách thanh cao, cứng cỏi, những anh hùng cứu nước, giúp dân không kể họ ở địa vị cao hay thấp. 

Trong Truyền kỳ mạn lục, có truyện vạch trần chế độ chính trị đen tối, hủ bại, đả kích hôn quân bạo chúa, tham quan lại nhũng, đồi phong bại tục, có truyện nói đến quyền sống của con người như tình yêu trai gái, hạnh phúc lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, có truyện thể hiện đời sống và lý tưởng của sĩ phu ẩn dật…”.

Bùi Duy Tân nhận xét: “Tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Dữ là tư tưởng Nho gia. Ông phơi bày những cái xấu xa của xã hội là để cổ vũ thuần phong mỹ tục xuất phát từ ý thức bảo vệ chế độ phong kiến, phủ định triều đại mục nát đương thời để khẳng định một vương triều lý tưởng trong tương lai, lên án bọn "bá giả" để đề cao đạo "thuần vương", phê phán bọn vua quan tàn bạo để ca ngợi thánh quân hiền thần, trừng phạt bọn người gian ác, xiểm nịnh, dâm tà, để biểu dương những gương tiết nghĩa, nhân hậu, thủy chung. Tuy nhiên Truyền kỳ mạn lục không phải chỉ thể hiện tư tưởng nhà nho, mà còn thể hiện sự dao động của tư tưởng ấy trước sự rạn nứt của ý thức hệ phong kiến...”.

Tạ Ngọc Liên cũng đánh giá rất cao Truyền kỳ mạn lục: “Trong 20 truyện, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Đó là những mong muốn của ông về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người... Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục chính là ở những nội dung nhân văn đó”.

An An

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/truyen-ky-man-luc-tac-pham-van-xuoi-dinh-cao-thoi-phong-kien-a12347.html