Tấm bé lon ton cùng chúng bạn lượm phượng kết vương miện giả làm bà hoàng. Lớn một chút, kiễng chân vít cành, hái mấy nụ bằng lăng về cắm góc học tập. Khi thành thiếu nữ, lúc một mình bẻ từng cánh phượng hồng nuôi ước mơ, lúc cô đơn cùng bằng lăng tím thì thầm... Người đàn bà tủm tỉm nhớ về kỷ niệm. Nhưng... dường như vẫn còn thiếu vắng một cái gì đấy, rất… rất quen với đám học trò tinh nghịch, và cả những người đương vào tuổi thèm... mọi thứ. Vảng vất đâu đó rất gần đây thôi mà sao chẳng thấy…?
Cảm giác ấy cứ chợt đến, chợt đi. Chua chua, cay cay, ngòn ngọt… ứa tràn. Ồ phải rồi, những gánh quà rong đi đâu nhỉ? Sấu, khế, me, mơ, mận... ngọt, mặn, cay cay. Bún riêu, đậu rán mắm tôm. Bánh cuốn, cháo sườn. Miến lươn, ốc nóng. Xúm xít, xuýt xoa, xì xụp... ồn ào dưới bóng cây, hiên phố. Những tiếng cười trong trẻo, giòn tan. Người đàn bà tưởng tượng lại những ký ức xưa một cách nuối tiếc.
Dạo này, Hà Nội ráo riết dọn dẹp thông đường, thoáng hè, kiến tạo nền văn minh phố sá cho theo kịp nhịp sống gấp gáp, hiện đại. Những chiếc xích lô, những gánh hàng rong vẫn được coi như nét độc đáo, riêng biệt của Hà Nội phố, giờ sao mà quê… Thành phố đã có những chiếc taxi chạy nhằng nhịt trên đường, những nhà hàng, siêu thị mọc lên như nấm.
Dù sống nơi đô hội xứ người giàu có, hiện đại hơn nhiều Hà Nội, nhưng người đàn bà gốc Tràng An vẫn cảm thấy có gì gờn gợn về một sự mất mát. Bất kỳ thành phố nào trên thế giới, bên cạnh cái hiện đại rất chung kia, người ta vẫn cứ muốn giữ lại một chút rất riêng, rất đặc trưng của mình. Khu phố cổ ba sáu phố phường mai đây sẽ thiêu thiếu một cái gì đó "rất Hà Nội" nếu vắng những chiếc xích lô và những gánh hàng rong. Cảm giác trống trải như loang vào cõi lòng cố hương.
Chuyện quê
Kim Oanh Đào
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/su-nhech-nhac-dang-yeu-a12376.html