"Hà Thành đầu độc" vụ án táo bạo, bất thành

(Cách đây khoảng 20 năm, tôi cùng một bác là cựu tù chính trị đã tìm đến khu mộ của các cụ nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, HN. Nhân sắp tới ngày kỉ niệm 114 năm xảy ra vụ việc, xin giới thiệu lại tóm lược bài viết này).

Đầu thế kỷ XX, tại Hà Nội xuất hiện những tổ chức và những vụ bạo động chống lại thực dân Pháp. Trong đó, có phong trào Đông Du và Duy Tân hội là hai phong trào có uy tín. Ngoài ra, còn có tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục - một tổ chức tiêu biểu cho tinh thần yêu nước thời kỳ này. Ảnh hưởng lan rộng của Đông Kinh Nghĩa Thục làm bọn thực dân hoảng sợ, nhất là khi, các nhà hoạt động cách mạng biết xoáy vào số binh lính người Việt có tư tưởng bất mãn vì thái độ phân biệt đối xử của chính quyền thực dân. Nhiều binh lính ở Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh sau khi được vận động đã tự nguyện đứng sang hàng ngũ những người yêu nước.

dau-doc-1652268297.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Dưới sự chỉ đạo của cụ Hoàng Hoa Thám và cụ Phan Bội Châu, một kế họch táo bạo được vạch ra: Nghĩa quân cụ Đề Thám sẽ đầu độc số lính Pháp  đóng tại Hà Thành, tạo thời cơ thuận lợi cho số nguỵ quân nổi dậy, phối hợp với nghĩa quân từ nhiều hướng đánh vào giải phóng Hà Nội. Theo phương án, toàn bộ lực lượng được chia làm ba mũi: Một đội quân đánh thắng vào Đồn Thuỷ phía bờ sông. Một đội khác chờ sẵn trong các thuyền gần xưởng thuốc lá, từ Cửa Bắc đánh thốc vào thành. Đội thứ ba, trong đó có 20 người của Đề Thám được trang bị súng lục chờ sẵn ở đám đất trước cửa Vọng Lâu phủ Toàn quyền để đánh ngay vào trại lính khố đỏ ở phía Tây. Hiệu lệnh là 3 phát súng đại bác.

Theo mệnh lệnh: Đêm 27-6-1908, nhân lúc quân đội Pháp mở tiệc chiêu đãi các sĩ quan, quân ta sẽ thực hiện cuộc khởi nghĩa. Nhiệm vụ quan trọng nhất  trong toàn bộ kế hoạch là phải đầu độc nhằm làm tê liệt hơn 2000 lính Pháp tại Hà Nội. Người trực tiếp chỉ đạo việc đầu độc là cụ Bếp Hiên tức Hai Hiên cùng một số đầu bếp khác như Bếp Xuân, Bếp Nhiếp... đều là người của cụ Hoàng Hoa Thám đang làm việc tại các đơn vị lính Pháp  ở Hà Nội. 

Thuốc độc được làm từ cà độc dược đã được chuẩn bị. Những người tổ chức còn phân phát cho các binh lính tham gia vụ nổi dậy một mảnh vải, trong đó có in những ám hiệu riêng để quân ta có thể nhận ra nhau khi chính biến.

Đúng kế hoạch, dưới sự chỉ đạo của cụ Bếp Hiên, độc dược đã được bí mật cho vào các khẩu phần ăn của lính Pháp.

Vào một ngày hè, trong phòng ăn của binh lính Pháp thuộc Đại đội số 3 và số 4 Trung đoàn thuộc địa số 9 và Trung đoàn pháo binh 47 đồn trú tại Hà Nội, những xuất ăn nóng hổi, thơm mùi gia vị làm sực mũi những kẻ háu ăn được bưng lên. Khoảng 5 đến 10 phút sau, bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ những trường hợp đau bụng. Sau đó, hiện tượng này lan rộng ra toàn phòng ăn...

Ngay sau khi hơn 200 tên lính bị trúng độc, lệnh báo động khẩn cấp được loan ra. Một mặt, nhân viên y tế được điều đến để cứu chữa cho số lính trúng độc. Mặt khác, một mật lệnh được ban ra, toàn bộ số lính người Việt - lực lượng nội ứng chủ yếu của kế hoạch khởi nghĩa - lập tức bị quân Pháp tước hết vũ khí và bị cấm trại không cho ra ngoài...

Đã quá giờ "G", các toán nghĩa quân cùng lực lượng phối hợp ém sẵn ở các vị trí, chỉ chờ hiệu lệnh bằng tiếng súng nổ là hành động, nhưng càng đợi càng vô vọng... Biết vụ việc đã bại lộ, theo mệnh lệnh của Đề Thám, số binh lính khẩn trương rút lui theo các ngả, tránh rơi vào vòng vây của giặc.

Thì ra, đã có một người lính trong số binh lính người Việt tham gia nội ứng  đến xưng tội trước Chúa ở Nhà thờ lớn. Vị linh mục biết tin liền báo ngay cho nhà cầm quyền Pháp. Vả lại, hành tung của cụ Hai Hiên - người chỉ đạo cuộc đầu độc - đã bị mật thám Pháp để ý từ lâu, chúng lường trước âm mưu binh biến của số binh lính người Việt, nên khi xảy ra cuộc khởi nghĩa đã kịp thời hành động.

Sau khi vụ khởi nghĩa thất bại, đã có 49 nhà yêu nước bị bắt giữ. Giặc Pháp kết án 37 vị, trong đó có 18 vị bị tuyên tử hình (5 vị bị kết án vắng mặt). Trong danh sách 13 người bị hành quyết có cụ Hai Hiên và một số  bính lính người Việt như cụ Nguyễn Trí Bình, cụ Dương Bé, cụ Đặng Đình Nhan. Ngày 17-7-1908, 3 cụ Bình, Bé và Nhan bị đem ra xử chém.

Một tác giả người Pháp, có tên là Ajalbert, miêu tả giờ phút lâm chung đầy hào khí của các cụ:  "...  Tóc búi ngược trên trán, những người tù bị cột chặt trước bọn đao phủ mặc đồ đen, lưỡi lê tuốt trần... Những người sắp chết muốn nói. Dương Bé cất tiếng bảo kẻ hành hình mình: - Anh hãy bảo cho vợ tôi, có lẽ đang đứng ở trong đám đông kia rằng, nếu đầu tôi được lìa ngọt lưỡi khỏi cổ, thì tôi thưởng cho anh 5 đồng bạc. Đặng Đình Nhan thì nhắn vợ ghi 3 chữ "Phó Đề đốc" lên linh bài thờ mình. Nguyễn Trí Bình, với một giọng quyết liệt đã nói: - Tôi cảm ơn những người Âu đã đến đây đông để nhìn tôi chết... Chết như thế này là một cái chết nhẹ nhàng... "

Hành quyết xong 3 người lính dũng cảm, bọn thực dân đem đầu của họ đi bêu  nhằm  thui chột tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Ba tháng sau, ngày 7-10-1908, bọn chúng tiếp tục hành quyết 9 người còn lại tại Vườn Bàng gần chợ Bưởi. Cũng như 3 người lính đã bị hành hình trước đó, 9 chiến sĩ yêu nước đã bị bọn đao phủ chặt đầu mang đi nơi khác, còn xác thì chôn chung vào một hố. Sau khi Tổng đốc Hà Đông cùng giặc Pháp lấy vườn Bàng làm nơi nhuộm thảm, ngôi mộ các nghĩa quân được chuyển tới một khu đất khác.

Mãi tới năm 1988 - tức là  80 năm sau vụ "Hà Thành đầu độc" xảy ra, ngành Văn hoá thông tin mới xác định được ngôi mộ của 9 cụ đang nằm trong vườn nhà ông Nguyễn Đức Hỷ, tại xóm 2, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Vụ "Hà Thành đầu độc" tuy thất bại, song ý nghĩa của nó đối với phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam đã được các nhà sử học ghi nhận. Đây là minh chứng lịch sử rất có giá trị của cuộc khởi nghĩa này. Được biết, năm 2000, khu mộ đã được ngành Văn hoá thông tin công nhận là di tích lịch sử  và giao cho UBND quận Cầu Giấy trực tiếp quản lý.

 Trái tim người lính/ theo Tài liệu tham khảo: Hồ sơ Ban QL-DT&DT Hà Nội

Trần Minh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-thanh-dau-doc-vu-an-tao-bao-bat-thanh-a12412.html