Cuộc chiến sau thời đạn bom

Thoạt nhìn, không ai đoán ông đã vượt xa cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Với dáng người tầm thước, làn da trắng tuy có vài chỗ đồi mồi, cộng thêm mái tóc đã bạc hơn nửa và đặc biệt là khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, ai cũng nghĩ chắc ông là giáo viên mới về nghỉ hưu vài năm nay.

Ngay như người dân của Tổ Dân phố số 2, phường Đồng Bẩm là nơi ông cư trú khá lâu năm nhưng người trong khối phố cũng chỉ biết ông là một thương binh chứ có mấy người biết ông là Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Văn Sơn đã có một thời vào sinh ra tử cùng bao chiến công hiển hách, từng là nỗi kinh hoàng, ám ảnh của bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai ngụy quân, ngụy quyền. ​Một ngày cuối đông vừa bước vào năm mới, tôi háo hức được ngồi nghe ông kể về những ngày chiến tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, trong đó có ông, đã góp một phần làm nên chiến thắng vẻ vang, giành lại độc lập, tự do cho nước nhà.

dan-bom-1652495554.jpg
 

“Tôi sinh ra và lớn lên bên cạnh con Sông Cầu hiền hoà, thơ mộng, có cây cầu Gia Bảy nối liền với thành phố Thái Nguyên”. Mở đầu bằng giọng nhỏ nhẹ, hiền từ ông kể…

… Học hết cấp hai, tôi ở nhà làm ruộng và tham gia dân quân. Sau khi chứng kiến trận ném bom của Đế Quốc Mỹ đánh phá cầu Gia Bảy năm 1965, tôi tình nguyện nhập ngũ. Sau sáu tháng huấn luyện, đơn vị tôi chuẩn bị đi Nam. Đến tháng tám tôi về trung đoàn đặc công 426 của bộ tổng tham mưu, vừa luyện tập vừa tham gia huấn luyện trinh sát. Công việc của đội trinh sát chúng tôi là hoàn toàn độc lập tác chiến, hàng ngày phải ngụy trang, âm thầm bí mật, tiếp cận mục tiêu, thọc sâu, đánh hiểm, vào căn cứ của địch, kiểm tra địa hình và sơ đồ về báo cáo với cấp trên để lên kế hoạch tập kích.

​Những năm ở tiền tuyến, nhiều trận đánh của đội trinh sát chúng tôi đã làm cho quân địch phải hoảng sợ như trận đánh Kà Tum, sân bay Téc - Ních, vào chiến đoàn 9, sư đoàn 5 của Ngụy đóng ở Chơn Thành hay trận sân bay Dầu Tiếng… đều là những trận đánh đã đi vào lịch sử quân sự của cả nước. Nhưng tôi nhớ nhất trận đánh vào Kho 53 của Tổng kho Long Bình ngày 13/8/1972. Trận đánh ấy tôi là Đại đội trưởng Đại đội 3 là đơn vị nhận nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu của địch. Đó là trận đánh làm đại đội chúng tôi mất nhiều thời gian nhất.

Trước khi trinh sát trận địa, chúng tôi phải trải qua mấy chục ngày học cách cưa ổ khoá kho vũ khí của địch để làm sao được nhanh nhất mà không phát ra tiếng động. Trong tác chiến, phải tập rượt, bò toài, ngụy trang vượt qua chín hàng rào B40, phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn gian khổ, có những lúc dán mình dưới đất, nín thở trước họng súng quân thù ở ngay trước mặt. Rất may là trận đánh ấy chúng tôi đã hoàn tất mọi kế hoạch tác chiến một cách nhanh chóng và trọn vẹn. Chỉ có điều, sau khi rút quân an toàn ra ngoài nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy tiếng nổ phát ra. Đối với những chiến sĩ trinh sát chúng tôi thì cái giây phút chờ đợi đến thắt lòng ấy cũng đồng thời là sự quyết định của sự thành bại. Chẳng lẽ trong thao tác cài đặt thuốc nổ có sự sơ suất nào chăng? Đối với tôi, cái thời khắc ấy như có cả một bầu trời u ám sắp sập xuống. Nhưng rồi, chỉ sau đó vài phút, bất chợt một vệt sáng bùng lên, xé tan màn đêm bằng một khối lửa đỏ khổng lồ, rồi tiếp theo là mặt đất rung chuyển trong những tiếng nổ lớn liên tiếp. Anh em chúng tôi hò hét. Mấy đồng chí chạy đến nhấc bổng tôi lên công kênh như các cầu thủ làm bàn trong các trận bóng đá lớn. Chúng tôi vui sướng đến nghẹn ngào. Những tiếng nổ kéo dài mãi hơn hai giờ chiều ngày hôm sau mới dứt, Trận đánh ấy, đã phá hủy toàn bộ kho vũ khí 150 nghìn tấn bom đạn, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ, Ngụy mà đơn vị chúng tôi không có một sự mất mát hy sinh nào. Đến tận bây giờ, vào những đêm mất ngủ nhớ lại chuyện xưa, thì trận đánh kho Long Bình ấy tôi vẫn không quên, dù một chi tiết nhỏ…”

​Ông Sơn ngừng lời, ánh mắt nhìn về xa xăm như đang hồi tưởng lại trận đánh năm xưa trong một tâm trạng bồi hồi. Một lúc lâu sau ông mới quay lại câu chuyện cùng tôi…

​“Sau ký kết hiệp định Pa Ri, chúng tôi về bảo vệ, huấn luyện trường văn hoá và tiếp tục chiến đấu. Tháng 9/1974 tôi được đề bạt làm tham mưu trưởng tiểu đoàn 23. Ngày 24/11/1974, chúng tôi nhận lệnh đi trinh sát để nhổ chốt phòng ngự của địch ở Khua Cát, dọn đường cho đại quân hành quân vào chiến dịch tổng tiến công. Lúc trở ra tôi dẫm phải mìn zip, chân trái bị thương nặng. Anh em cõng tôi về căn cứ. Bọn địch thấy động bắn xối xả, chúng tôi đi giữa làn đạn nhưng may không ai bị trúng đạn cả.

​Do tôi cùng đồng đội lập được nhiều chiến công trong chiến đấu nên trong Đại hội Thi đua của miền ngày 3/6/76 tôi được tuyên dương anh hùng, đến ngày 19/3/77 kỷ niệm thành lập Binh chủng thì chính thức được trao quyết định.

Những năm sau đó, do vết thương bị tái phát nhiều lần, nên tôi về bệnh viện Quân Y 91 làm phẫu thuật lần thứ năm, rồi cuối cùng phải cưa chân. Tại đây tôi được một cô thực tập sinh luôn quan tâm và chăm sóc. Qua vài lần tiếp xúc tôi được biết cô ấy cũng người Thái Nguyên. Tôi và chị cô ấy lại học cùng lớp cấp 2. Thế là nỗi ngại ngùng ban đầu không còn nữa. Từ đấy, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ và chuyện trò tâm sự, rồi tình cảm cũng nảy sinh. Nhưng tôi vốn là người nhút nhát nên cứ chần chừ chưa dám thổ lộ, để cuối cùng cô ấy đành phải là người chủ động trước.

Đến năm 1980 thì một đám cưới tập thể được diễn ra, đầm ấm và đúng chất lính. Cưới nhau xong tôi vẫn phải xa nhà, mỗi tuần chỉ được về chiều thứ bầy, đến chủ nhật đã phải lên đơn vị. Rồi ba con của chúng tôi lần lượt ra đời, phần nhiều do một tay cô ấy chăm sóc. Bao nhiêu nỗi vất vả mà tôi không được thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ. Thương vợ thương con mà chỉ biết im lặng.

​Đến tháng 1 năm 1992, tôi nghỉ hưu, nghĩ rằng từ đây sẽ thường xuyên giúp vợ trong công việc và bảo ban con cái cho cô ấy có thời gian được nghỉ ngơi. Nhưng không ngờ tôi lại phải bắt đầu âm thầm bước vào một trận chiến mới… Thời gian này, sức khỏe của cô ấy không được tốt, nên phải thường xuyên nằm điều trị trên bệnh xá của đơn vị. Chữa trị mãi mà không khỏi tôi khuyên cô ấy đi khám thì mới phát hiện ra bị ung thư giai đoạn cuối. Tôi choáng váng như có tiếng nổ lớn trong đầu. Cố giấu đi những giọt nước mắt của mình để động viên vợ mà trong lòng không thể nén được những tiếng nấc thầm. Mười hai năm sống với nhau, yêu thương nhau chưa đủ.

Trong khi cô đã hy sinh cho bố con tôi cả tuổi thanh xuân và sức khỏe để giờ đây chứng kiến những giờ phút cuối cùng của người vợ thương yêu mà tôi vẫn phải cắn răng, âm thầm chịu đựng cho cô ấy an lòng ra đi...

Vì các con còn nhỏ dại, nên ban ngày tôi làm mọi việc, phần để nuôi dạy con cái nên người như cô ấy mong muốn, phần thì muốn quên đi nỗi đau trong lòng, chỉ đến khi đêm về, tôi lại một mình với hình ảnh của cô ấy...

Rồi sau một thời gian dài, nỗi đau cũng nguôi ngoai dần, mọi người trong ra đình khuyên tôi đi bước nữa, trong đó có ông anh họ, thấy cảnh “gà trống nuôi con” quá cơ cực, nên giới thiệu cho tôi một cô làm cùng ngành xây dựng với anh ấy. Sau vài tháng gặp gỡ, tôi cũng không dám chủ động đặt vấn đề tình cảm, vì nghĩ đến hoàn cảnh của mình, bản thân là thương binh, ba con còn nhỏ dại, rồi cảnh “dì ghẻ con chồng, con anh, con tôi” cùng những khó khăn trong cuộc sống, liệu có làm tổn thương đến nhau không. Với suy nghĩ đó tôi cũng không dám hy vọng gì nhiều. Nhưng chắc một phần do duyên số và cũng là cô ấy thương hoàn cảnh mà đã bỏ ngoài tai tất cả những lời rèm pha, ngăn cản từ phía gia đình cô ấy, để chủ động đến với bố con tôi”.

Kể đến đây ông bỗng chững lại, cái chững lại khiến tôi cũng thấy nghẹn lòng. Nhìn hai mắt đỏ hoe của ông, tôi hiểu bao lâu rồi, ông nén nỗi đau để lặng im giấu sự cô đơn vào tận đáy lòng… Tôi cũng giấu xúc động của mình bằng cách rót một ly nước, bê hai tay với sự kính trọng mời ông. Ông nhấp một ngụm rất nhỏ rồi kể tiếp bằng giọng trầm buồn.

“ Tôi và gia đình rất biết ơn bà ấy. Một người đẹp người, đẹp nết. Ngày nào bà cũng thức khuya dậy sớm, làm đủ mọi nghề, miễn là có tiền để nuôi các con tôi ăn học. Riêng tôi, sau mấy chục năm cống hiến trong quân đội, phần do vết thương hoành hành, mỗi khi trái gió trở trời thì với đồng lương hưu và số tiền thương tật ít ỏi cũng chỉ thuốc men, chữa trị là hết. Còn lại, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều một tay bà ấy lo toan. Gia đình tôi và gia đình bên ngoại của các con tôi đều quý mến bà ấy, nhất là khi biết bà quyết định không sinh thêm con chung với tôi, để dành toàn tâm, toàn ý lo cho các con riêng của chồng ăn học bằng người. Ấy thế mà khi các con đã trưởng thành, khi mà chúng tôi nghĩ từ nay sẽ được nghỉ ngơi, hưởng sự thanh nhàn, hạnh phúc bên con cháu thì đến năm 2019…”

​Bất chợt ông lại dừng lời, nhấp một ngụm trà nhỏ rồi quay sang nói với tôi:

​ - Đấy! Đến đoạn cuối này thì cô biết rõ rồi, tôi không phải kể nữa.

Vâng, có lẽ sẽ rất bất nhẫn khi để ông phải kể ra lần nữa nỗi đau vẫn luôn âm ỉ trong lòng.

Vì là hàng xóm của ông nên tôi đã chứng kiến số phận lại một lần nữa đẩy ông vào một cuộc chiến không tiếng súng. Tôi hiểu rằng, ở chiến trường, vượt qua những trận đánh, đối mặt với bao nhiêu vũ khí tối tân cùng nhiều sự nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc” rình tập vây quanh nhưng chưa một lần làm ông dao động, chưa một lần làm ông nhụt chí, chỉ một quyết tâm “ đã đánh là phải thắng”… Nhưng “cuộc chiến” mà hôm nay phải gánh vác, với ông, chắc còn nặng gấp ngàn lần. Hai lần phải chứng kiến những cơn đau hành hạ của hai người phụ nữ mà ông yêu thương nhất nhưng đành bất lực. Những nỗi đau ấy, những thử thách ấy lại một lần nữa, đòi hỏi một nghị lực phi thường của anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa mới có thể vượt qua.

Nhìn ông ở cái tuổi xế chiều với bao thương tật trên người, ngày ngày trầm ngâm trước tấm ảnh chụp gia đình hình dung tới những người thân yêu như vẫn còn đâu đây, tôi hiểu đây chính là một cuộc chiến mới của một người anh hùng đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường. Cuộc đời và số phận của ông đã từng gắn liền với các trận đánh luôn có những phút im lặng, theo như ông tâm sự có những phút “im lặng đến rợn người” trong các đợt trinh sát căn cứ địch, thì giờ đây, ông lại đang phải “thầm lặng” để đối diện với khoảng trống mênh mông của chính lòng mình, chính cuộc đời mình.

Chào ông ra về mà trong lòng tôi cứ trào lên một cảm xúc khó tả. Buồn, nhưng trong tôi vẫn luôn có lòng tin, ông, một chiến sĩ đặc công, trinh sát với bao chiến công hiển hách năm xưa, một lần nữa chắc chắn sẽ vượt qua những nỗi đau thầm lặng của cuộc chiến sau thời đạn bom mà ông phải gánh chịu.

​Tôi chỉ biết cầu mong ông luôn mạnh khỏe và bình an bên con cháu và luôn chiến thắng như đã từng chiến thắng trên chiến trường xưa.

​Ông sẽ mãi là tấm gương, niềm tự hào của người dân Đồng Bẩm và nhân dân trong cả nước.

Trái tim người lính

Tiết Minh Hà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cuoc-chien-sau-thoi-dan-bom-a12468.html