Lễ hội vật cầu nước làng Vân

 Mặc dù đã hai năm mới trở lại Nha Trang để giảng bài cho một lớp học về An toàn bức xạ do Sở KHCN tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ tin học và bức xạ tổ chức; nhưng khi lớp học vừa kết thúc là tôi lập tức bay trở về Hà Nội ngay tối hôm 10/5/2022 để kịp về làng Vân vào ngày 12/5/2022, chưa kịp một lần tắm biển Nha Trang. 

Ngày 12/5/2022 là ngày khai hội “Lễ hội vật cầu nước làng Vân”; bốn năm mới được tổ chức một lần, vào ba ngày 12 – 14/4 (âm lịch). Lễ hội vật cầu nước làng Vân (còn gọi là hội Khánh Hạ) nghe nói đã có từ thế kỷ thứ VI tuy nhiên do chiến tranh, giặc dã… nên không được duy trì thường xuyên. Mãi sau năm 2.000 mới được khôi phục trở lại với chu kỳ 4 năm một lần và nghi lễ ngày càng hoàn thiện hơn.

lang-van-vat-1652749065.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Năm 2022, “Lễ hội vật cầu nước làng Vân” được công nhận là danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên Lễ hội năm nay (12 – 14/4  Nhâm Dần) được quảng bá, tổ chức hoành tráng hơn. Tôi đã từng sống cả tuổi thơ (hơn 10 năm) ở làng Thổ Hà; 3 năm học cấp II ở làng Vân nhưng chưa từng được tham dự Lễ hội vật cầu nước làng Vân, vì những năm tháng ấy làng Vân không tổ chức Lễ hội vật cầu nước. Tôi náo nức muốn trở về tham dự Lễ hội vật cầu nước làng Vân năm nay một phần vì thông tin đại chúng; một phần vì lời mời của bạn bè nhưng hơn hết là vì mong muốn trở lại thăm làng Vân trong tôi dâng cao đến mức không thể chờ thêm nữa.

Ngôi đền nơi các quân cầu (hay quan cầu) làm nghi lễ là nơi tôi từng ngồi học suốt năm lớp 5; tôi đã từng trèo lên ông ngựa được thờ ở đền mà không biết sợ; nay chỉ được giương máy ảnh "chụp lén" chứ không được phép bước vào. Sới vật hình chữ nhật, diện tích khoảng 200m2 được đào âm xuống đất, nền sới là đất sét được đầm chặt. Các cô thôn nữ làng Vân (được lựa chọn kỹ càng) gánh nước sông Cầu đổ vào tạo một lớp bùn nhão cho các quân cầu quần nhau cùng quả cầu bằng gỗ chính là vườn dâu của thời tôi đi học nơi đó. Tôi muốn trở lại với tuổi thơ nhiều hơn là muốn xem vật cầu nước.
Cũng giống bao Lễ hội ở khắp các tỉnh thành Việt Nam đang được rầm rộ tổ chức trở lại sau hơn hai năm bị tạm dừng để chống dịch Covid-19; phần nghi lễ thường hao hao giống nhau. Một sân khấu lớn được dựng lên phía sau sới vật; hai bên sới vật là khu vực dành cho quan khách, có bàn ghế, nước uống và mái che mưa nắng. Quan khách, đại biểu cấp huyện trở lên thì ngồi bên cánh phải; đại biểu cấp xã trở xuống thì ngồi bên cánh trái; chức vụ to ngồi trước, chức vụ nhỏ ngồi sau, cứ như vậy mà tự nguyện thực hiện (nếu không tự nguyện thực hiện thì sẽ được nhắc nhở để thực hiện).

Dân làng và nhất là trẻ em thì được yêu cầu hạn chế vào dự phần Lễ và sẽ được tự do vào tham dự phần Hội; tất nhiên là vị trí của những khán giả đáng yêu nhất đó chỉ là chen chúc, đứng ngồi trên bùn đất ở phía trước và phía sau sới vật hoặc phải trèo lên cây đa, cây bàng quanh sới vật để xem. Tôi đưa điện thoại chụp các chú bé trên cây đa nhưng trong lòng lại rung động bởi nhớ tới bài hát “Mặt trời bé con” của nhạc sỹ Trần Tiến:
Ngoài kia có chú bé trèo cành me…
 Mắt xoe tròn lắng nghe (lal lal lal)
Ngày bé vé không có chẳng ai cho…
 Tôi cũng đành trộm nghe (na na na)… 
Trời mưa quá em ơi..
Tuy nhiên; nhìn nét mặt hân hoan của dân làng, sự háo hức của những khán giả trẻ chen chúc nhưng không xô đẩy để có một chỗ ngồi sát sới vật với những đôi chân trần đầy bùn đất mới thấy tấm lòng của người làng Vân. Người làng Vân từ già tới trẻ không bao giờ tỵ nạnh với khách (với quan chức, đại biểu); họ luôn dành những vị trí tốt nhất trong lễ hội cho khách; họ tự nguyện đứng ra yêu cầu mấy anh chị phóng viên đứng đúng nơi quy định để đại biểu, khách mời dễ quan sát lễ hội. Nếu bạn đến gia đình người dân làng Vân trong những ngày lễ hội; bạn sẽ được gia đình họ mời cơm dù bạn là ai.

Tôi và hai người bạn của tôi từ Hà Nội về cũng được mời một bữa trưa (linh đình) như vậy ở gia đình một người bạn học thời cấp II với tôi; hai người bạn của tôi cứ ấn tượng mãi vì các con của bạn tôi luôn tươi cười, ân cần, thật lòng với chúng tôi mặc dù bạn tôi vì nhiệm vụ được phân công phải ra phục vụ lễ hội chứ không thể ngồi tiếp chúng tôi.

Tôi và hai người bạn đã được chính tay ông chủ tịch xã trao 3 thẻ “đại biểu” để vào dự phần Lễ của Lễ hội, vậy là ưu tiên lắm đó. Sau phần công bố quyết định “Lễ hội vật cầu nước làng Vân được công nhận là danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” là phần trao quyết định do Phó Cục trưởng Cục di sản Văn hóa trao cho Chủ tịch UBND xã Vân Hà; Trưởng thôn Yên Viên (làng Vân). Tiếp theo là ông Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Bắc Giang đọc diễn văn cảm ơn; một bài diễn văn dài được chuẩn bị công phu nhưng vì giọng đọc quá nhỏ nên chỉ nghe câu được câu chăng. Thật không may; bài diễn văn mới đọc được nửa chừng thì trời mưa to; ông vẫn đọc dưới mưa nhưng hình như chẳng còn ai nghe nữa.

Ban tổ chức sau đó cử một nhân viên cầm ô che mưa cho ông dù ông đã ướt sũng để ông đọc tiếp phần diễn văn còn lại; không biết có ai ghi âm bài diễn văn của ông không mà ông không dám dừng đọc dù biết không người nghe. Dân làng; nhất là trẻ em thì không cần tránh mưa; mọi người đội mưa để xem các quân cầu tiến hành các nghi lễ trên sân vật và bắt đầu tranh nhau trái cầu đầy bùn đất. Cả đám đông hò reo theo nhịp trống lúc khoan, lúc nhặt, đôi khi thúc dục như trống trận thật vui. Hình như vật cầu nước trong mưa mới đúng là vật cầu nước làng Vân; Chắc năm nay mưa thuận gió hòa, dân làng bình an giàu có. Tự nhiên tôi lại muốn được như những đứa trẻ kia, đầu tóc, quần áo đầy bùn đất, sũng nước mưa hò reo thật to theo nhịp cầu lăn.
Cám ơn Lễ hội vật cầu nước làng Vân; cám ơn tấm lòng của người làng Vân.

Trái tim người lính

Bài và ảnh Nguyễn Văn Nọi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-vat-cau-nuoc-lang-van-a12510.html