Viên đạn bọc đường

Ông Cương hết sức đau lòng khi nói với đứa con trai của mình:“Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, con đã dũng cảm, không sợ hy sinh, chiến đấu quên mình, nhưng trước mọi cám dỗ của đồng tiền con đã tự đánh mất mình…Lúc xông pha trận mạc con không chết mà con đã chết bởi “viên đạn bọc đường”… Thôi! Hãy lau nước mắt và đứng dậy đi con, ngã ở đâu con hãy đứng lên từ đấy…”.

vien-dan-boc-duong-1652749166.jpg
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

 

Tháng 8 năm 1979, vừa mới tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm của tỉnh, Nguyễn Lương Thiện có giấy gọi nhập ngũ. Đạp xe từ trường về quê, Thiện lâng lâng với tâm trạng khó tả:“Mình đang là sinh viên của trường sư phạm đầy thơ mộng, giờ đây sắp trở thành người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu nơi biên cương của Tổ quốc, phải xa bố mẹ, gia đình, bạn bè và bà con làng xóm… bao khó khăn gian khổ đang đợi chờ mình ở phía trước, không biết mình có thể vượt qua được không?”. Mãi thả hồn vào vào những suy nghĩ miên man… Thiện đã về đến cổng nhà từ lúc nào mà dường như anh không hay biết… Ông Cương bố của Thiện một Thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu hớt hải từ trong nhà bước ra:

- Con đã về đấy ư, mấy hôm nay bên xã đội gửi giấy báo nhập ngũ, chờ mãi không thấy con về bố mẹ sốt ruột quá.

- Vâng! con chào bố à, nhận được tin là con cũng vội vàng thu xếp để về ngay, nhưng còn mấy thứ giấy tờ thủ tục phải giải quyết ở nhà trường nên con phải đợi làm nốt…

- Thế là tốt rồi, tối nay bố mẹ định mời bà con làng xóm đến uống nước để mừng cho con ngày mai lên đường nhập ngũ.

- Vâng ạ, nói rồi Thiện dắt chiếc xe đạp cà tàng khung Sài Gòn vào nhà, đây là phương tiện duy nhất “cõng” Thiện suốt mấy năm học Trung cấp sư phạm… Biết Thiện về, mẹ anh mừng rỡ từ trong bếp chạy ra:

- Con rửa tay chân rồi vào ăn cơm, thức ăn mẹ nấu chờ con nguội hết cả rồi.

- Con chào mẹ… vâng ạ!

Cả nhà Thiện quây quần bên mâm cơm được đặt trên chiếc chiếu trải ở gian nhà giữa với các món mà Thiện vẫn thích: cá kho tộ, canh mùng tơi với cua đồng và mấy quả cà pháo… Bố thiện trịnh trọng tuyên bố:

- Ngày mai anh Thiện lên đường nhập ngũ, hôm nay cả gia đình ta quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng đông đủ, bố chúc Thiện ra đi chân cứng đá mềm viết tiếp trang sử truyền thống oai hùng của quân đội như bố cũng đã từng làm.Ngày chiến thắng trở về bố sẽ cưới vợ cho con nhé…

- Con chưa nghĩ đến lấy vợ đâu bố ơi! Thiện  phân bua…

- Anh phải lấy vợ để mẹ còn có cháu ẳm chứ, đáng ra nếu không đi bộ đội thì bây giờ học xong ra trường là con phải cưới vợ rồi. Mà cái Lam con chú Thành, trước  đi bộ đội với bố con, nay chú ấy chuyển ngành về làm trên tỉnh có vẻ thích con đấy… Mẹ Thiện nói chen vào.

- Cô ấy xinh đẹp, con ông to, nhà có điều kiện thiếu gì người thích hả mẹ…

- Nhưng nó ưng con đấy, cứ đi bộ đội ít năm về là mẹ cưới cho…

Sáng sớm hôm sau, Thiện đang chập chờn trong giấc ngủ vì đêm hôm trước bà con trong làng đến chơi, anh phải thức khuya… tiếng ông Cương gọi oang oang:

- Nào đồng chí tân binh dậy để còn lên sân vận động của huyện tập trung chứ, sáng nay bố sẽ tiễn chân con đi, nghe nói đơn vị tuyển quân trước cũng ở đơn vị của bố nên bố cũng muốn gặp… Thiện dụi mắt, vội vàng ngồi dậy và hỏi:

- Đơn vị nào đấy bố,

- Sư đoàn 316 hiện đang đóng ở quân khu 2 con à?

- Đơn vị này trước chiến đấu ở chiến trường miền Nam và bây giờ được chuyển ra Bắc.

- Truyền thống đơn vị này chắc oách lắm bố nhỉ?

- Chuyện! đơn vị bố chiến đấu lại chả oách, con không thấy Huân, Huy chương của bố treo đầy ra đấy à…

- Con sợ không theo kịp bố đâu…

- Các con còn trẻ được học hành cơ bản phải hơn bố chứ lị.

Sáng hôm đấy hai bố con Thiện chở nhau bằng xe đạp đến chỗ tập trung giao nhận quân. Vừa mới tới nơi, một đồng chí đại úy từ trên bàn tiếp đón vội đứng lên:

- Xin chào thủ trưởng ạ. Đồng chí Đại úy từ từ bước đến chỗ ông Cương và bắt tay hai bố con Thiện.

- Thủ trưởng đợt này cũng có con nhập ngũ à? Ông Cương ngạc nhiên chợt nghĩ:“sao tay này lại biết mình nhỉ?”. Thấy ông Cương lưỡng lự, đồng chí Đại úy tuyển quân nói tiếp:

- Em là Khoa, trước là quân của Thủ trưởng đây mà. Sau một lát, ông Cương cũng nhận ra chiến sĩ cũ của đại đội mình ngày trước khi ông làm đại đội trưởng và ông đã đã từng cứu cậu ấy vượt qua cái chết trong gang tấc… Hôm đó trong một trận đánh không cân sức giữa đại đội ông với một tiểu đoàn biệt động của địch. Hầu hết anh em trong đơn vị bị thương vong và hết đạn… bọn địch xông lên đánh giáp lá cà… Khi thấy một tên biệt động đội mũ sắt bò tới sát chỗ chiến sĩ Khoa trong tư thế chuẩn bị đâm lê, ông Cương vẫy một phát đạn K59 trúng ngực tên biệt động, hắn kêu hự một tiếng rồi ngã gục… Lúc này, Khoa mới biết là đại đội trưởng đã cứu sống mình.

- Ồ! Khoa đấy à? cậu khác nhiều quá tớ không nhận ra…

- Thủ trưởng có khỏe không à?

- Về già nhiều bệnh tật lắm cậu ạ, bây giờ chỉ trông cậy vào cánh này… Ông Cương vừa nói và chỉ tay về phía Thiện:

- Tớ gửi nó vào đơn vị cậu và trông cậy cả vào các cậu đấy… Mà cậu làm đến chức gì rồi?

- Dạ em làm Trợ lý quân lực trung đoàn ạ, Thủ trưởng yên tâm, “Con nhà lông không giống lông cũng giống cánh”, chắc chắn cháu sẽ tiếp nối truyền thống của cha anh…

- Ừ! tớ cũng mong được như vậy …

Sau khi huấn luyên tân binh 3 tháng, đầu năm 1980, Thiện được bổ sung vào một đơn vị chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tập kết ở Làng Pinh được hai ngày, sau đó Thiện được đơn vị đưa lên chốt trực tiếp chiến đấu. Đang quen với cuộc sống thời bình ở hậu phương nay phải trực chiến ở trên chốt, lúc đầu Thiện cũng  thấy hoang mang, nhất là mỗi khi địch pháo kích giữ dội vào trận địa của ta, nhiều đồng đội hy sinh… Nhưng anh cũng dần quen với cuộc sống trên chốt nơi có những hầm hào chằng chịt trên những đỉnh núi đá vôi. Mùa hè trời nóng như đổ lửa, mùa đông hơi lạnh từ núi đá phả ra thật tái tê… những lúc này gợi cho anh nỗi nhớ nhà da diết… Nhiều đêm vừa chợp mắt, lại phải thức giấc để chống địch lấn chiếm… Do có kiến thức được trang bị ở nhà trường và đức tính gan dạ dũng cảm nên sau 3 năm chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Nguyễn Lương Thiện được tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng nhì và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa.

Mùa xuân năm 1985, Thiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được ra quân trở về hâu phương… trên vai anh là chiếc ba lô bạc màu lấm đầy bụi đất… Gặp con, ông Cương mừng lắm, ông ôm con vào lòng như những người đồng đội từ chiến trường trở về, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má:

- Chúc mừng con đã trở về… Thỉnh thoảng bố vẫn được các chú trên đơn vị thông báo về sự tiến bộ của con, bố mừng lắm…

- Cảm ơn bố vì con là con của bố mà…

- Cha mày… ông Cương tỏ sự mãn nguyện âu yếm chỉ lên đầu con trai.

- Mẹ đi đâu ở hả bố?

- Nghe tin con về mẹ đi chợ mua ít cá về kho tộ cho con ăn… Ông Cương vừa nói dứt lời mẹ của Thiện từ ngoài cổng chạy vào, đặt túi thức ăn xuống sân, bà ôm Thiện khóc nức nở:

- Con đã về với mẹ thật rồi, bao đêm thao thức nghĩ về con mẹ lo lắm, nhà chỉ có mỗi đứa con trai, nhỡ có làm sao chắc mẹ chết mất… mà đợt này về con phải cưới vợ đấy nhé, cái Lam cũng vừa mới tốt nghiệp ra trường làm kế toán trên huyện vẫn đợi con đấy…

          Mùa Xuân năm đấy, Thiện và Lam tổ chức đám cưới, hạnh phúc đôi bạn trẻ được nhân lên vì cùng năm đó Thiện được tuyển dụng về dạy học ở trường phổ thông cấp 1 ở thị trấn huyện nơi Lam công tác. Cuối năm đó họ đã sinh được một bé gái kháu khỉnh…

Ba năm sau, Thiện được nhà trường cử đi học tại chức ở Trường đại học sư phạm và lớp quản lý giáo dục ở tỉnh. Hoàn thành khóa học loại giỏi anh được đề bạt Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng của Trường phổ thông cơ sở thị trấn. Con đường quan lộ của Nguyễn Lương Thiện rất thuận lợi một phần có sự giúp đỡ của bố vợ, người đang đứng đầu một ngành của tỉnh… Đặc biệt là mối quan hệ của Lam với các cấp chính quyền rất thân thiết…

Một hôm Lam bàn với Thiện:

- Anh đã chiến đấu gian khổ ở chiến trường rồi, cũng kinh qua dạy học và làm công tác quản lý ở trường nhiều năm rồi, sắp tới Phòng Giáo dục-Đào tạo của huyện đang khuyết một chân phụ trách công tác tổ chức-cán bộ vì bác này mới nghỉ hưu, nếu anh đồng ý em sẽ nhờ các anh lãnh đạo huyện giúp cho…

- Tùy em, anh làm đâu cũng được…

- Coi như anh đồng ý rồi đấy nhé.

Một tháng sau, Nguyễn Lương Thiện đã có quyết định điều động về Phòng giáo dục-Đào tạo. Với tài ăn nói lại xinh đẹp, Lam đã chinh phục được nhiều vị lãnh đạo để lo việc cho chồng một cách nhanh chóng. Ngoài việc ở cơ quan, cô còn tham gia buôn bán bất động sản nên kinh tế gia đình đôi vợ chồng Thiện, Lam ngày một khấm khá… Để tránh mưa nắng nắng khi đi làm thay vì phải đi xe gắn máy, Lam đã mua hẳn cho chồng một xe ô tô hiệu Camri 4 chỗ ngồi màu đen.Từ khi có xe ô tô Thiện có biểu hiện thích hưởng thụ, thường xuyên tụ tập bạn bè ăn nhậu, có lúc đi hát karaoke,  xông hơi, mát xa thâu đêm suốt sáng…

Một hôm vợ Thiện thủ thỉ với chồng:

- Anh ạ, bây giờ nhu cầu xin việc làm của cánh sinh viên mới ra trường tăng cao, làm công tác tổ chức cán bộ, anh cố gắng lo một số trường hợp là có tiền hàng trăm triệu đấy anh ạ. Nhất là những vợ chồng dạy học ở các trường cách xa, nay muốn hợp lý hóa gia đình, đây là đối tượng để chúng mình dễ “kiếm tiền đấy”…

- Anh không làm được đâu, cái đó do lãnh đạo quyết…

- Thì anh cứ tham mưu, lãnh đạo để em lo… ăn chia sòng phẳng là xong hết…

Được vợ quan tâm chiều chuộng, sắp xếp nên mọi hoạt động của Thiện đều do Lam điều khiển, anh phải nhất nhất nghe theo… Ban đầu anh cũng băn khoăn, trăn trở lắm…nghĩ mình là một đảng viên một cán bộ lãnh đạo đã được tôi luyện trong chiến trường với truyền thống cách mạng của gia đình như vậy, sao mình có thể làm những việc không có lợi cho dân cho nước… Nhưng cơn lốc của cơ chế thì trường ào đến làm tha hóa biến chất  nhiều cán bộ lãnh đạo có chức có quyền mà Thiện cũng không phải là trường hợp ngoại lệ… Sức quyến rủ của đồng tiền đã làm anh mờ mắt.Thiện nghe lời vợ tìm mọi cách xoay xở miễn là kiếm được tiền… Thời gian đầu, khi chất lính trong người anh vẫn còn, anh còn cảm thấy ngượng khi nhận những đồng tiền không lấy gì làm sạch sẽ, nhưng về sau anh coi đó là chuyện bình thường…

Lúc đầu, Thiện cũng cũng hơi băn khoăn, nhưng sau khi lo trót lọt cho một số trường hợp, nên anh bắt đầu bị cuốn vào công việc kiếm tiền này. Nhiều người ghé tai nhau nói: “Muốn xin việc ở đâu cứ lót tiền cho vợ chồng Thiện, Lam là xong hết”. Dư luận xã hội cũng bắt đầu hướng đến đôi vợ chồng họ khi thấy họ giàu lên quá nhanh. Ngoài xe đẹp, vợ chồng Lam, Thiện còn xây một “biệt phủ” với  hàng trăm mét vuông, cùng nhiều phòng ốc sang trọng, kín cổng cao tường, có chó Béc zê canh giữ nhà thật hoành tráng. Thấy cảnh sinh hoạt mang tính thực dụng, hưởng thụ của vợ chồng hai con Lam, Thiện, ông Cương lo lắm. Nhiều đêm ông nằm trăn trở không sao ngủ được, ông thầm nghĩ: “Với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng chúng nó sao mà  mua xe, xây nhà sang trọng vậy, có lẽ do khuất tất chi đây”. Khi được bà con hàng xóm đến chúc mừng, ông bộc bạch: “Thấy vợ chồng Lam, Thiện giàu lên tôi thấy lo hơn mừng các ông ạ”.

Quả thật, người sĩ quan quân đội, một cán bộ lão thành cách mạng suốt một đời chiến đấu hy sinh cho dân cho nước không thể hiểu nổi lý do tại sao con mình giàu nhanh đến thế! Ông cảm thấy nghi hoặc việc làm khuất tất của con… Nhiều lần ông khuyên bảo Thiện nên tỉnh táo trước mọi sự cám dỗ của đồng tiền, nên cảnh giác với vợ và không nên đi vào “guồng máy” làm ăn bất chính… Trước mặt bố, Thiện ầm ừ vâng dạ, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy bởi cuộc sống sung sướng, sa đọa đã bắt đầu ngấm vào người anh… Thiện không còn là người lính ăn cơm nắm chấm muối ngủ hầm trên chốt ngày trước nữa… Nhà hàng sang trọng với những bữa ăn đặc sản trên rừng dưới biển đắt tiền đã làm lóa mắt anh… những chuyến du lịch nước ngoài và xuyên Việt không còn xa lạ với gia đình anh. Những đồ dùng điện thoại, đồng hồ đắt tiền không còn là thứ hàng xa xỉ… Như chiếc xe xuống dốc không phanh, vợ chồng anh tìm mọi cách miễn là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Một hôm, Lam bàn bạc với chồng:

- Anh ạ, thời đại bây giờ là thời đại bằng cấp, nếu chúng mình nghĩ cách liên kết đào tạo để cấp được những tấm bằng đại học, hay chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là kiếm tiền dễ lắm đấy…

- Nhưng bằng cách nào?

- Mình phải tìm nguồn liên kết với các trung tâm đào tạo, một số trường đại học chứ.

- Ừ để anh hỏi mấy ông bạn học cùng thời đại học tại chức thử xem sao…

Nói được, làm được, từ việc làm này, đã thu về cho vợ chồng Lam, Thiện một khoản tiền khá lớn, nhưng cũng từ đây họ đã dính đến việc cấp khống chứng chỉ ngoại ngữ… Nghiêm trong hơn, vợ chồng Lam, Thiện đã bị kiện vì thu một khoản tiền lớn để chạy cho hai người từ ngoại tỉnh về, nhưng kết quả không thành. Khi họ đòi tiền thì vợ chồng Lam, Thiện cố tình trì hoãn kéo dài không chịu trả. Của đau con xót, cuối cùng họ đã viết đơn tố cáo vợ chồng anh với cơ quan bảo vệ pháp luật…Thanh tra ngành giáo dục vào cuộc và tìm ra những khuất tất trong công tác tiếp nhận, luân chuyển cán bộ mà Thiện là người tiếp tay… Vợ chồng Lam, Thiện cũng phải đối mặt với cơ quan điều tra về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân.Mặc dù Lam đã dốc hết vốn liếng tìm cửa để “chạy tội” nhưng kết quả Thiện vẫn bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng và buộc phải thôi việc để chờ kết quả của cơ quan điều tra. Khi nhận quyết định kỷ luật, suốt đêm Thiện như người mất hồn, trong giấc ngủ chập chờn có lúc anh khóc thét lên:

- Đồng đội ơi, tôi là người có lỗi… do không làm chủ bản thân mình, tôi đã bị gục ngã trước đồng tiền… đồng đội hãy trừng phạt tôi đi, đừng tha thứ cho tôi nữa, tôi không còn xứng đáng với các anh nữa đâu… Bình ơi, Minh ơi, giá như lần đấy mình cũng hy sinh như các cậu thì bây giờ mình có phải đỡ nhục nhã hơn không. Bố ơi, tại vì con không nghe theo lời bố mà chỉ nghe lời của vợ, nên đã để xẩy ra nông nỗi này, cho con ngàn lần xin lỗi bố…

Trong đêm thấy con trai mình dằn vặt, ông Cương cũng đau xót lắm… ông nghĩ: "Sự tha hóa biến chất của con trong đó đã có lỗi của ông. Giá như ông cương quyết hơn nữa, nắm bắt diễn biến tâm lý của con để phân tích cho con hiểu. Bằng kinh nghiệm cuộc đời thực của ông về sự liêm khiết thanh cao của ông có thể tăng thêm sức đề kháng trước sự tấn công của cơ chế thị trường đầy cám dỗ… đau lắm người lính già đã từng đi qua hai cuộc kháng chiến thắng Pháp và Mỹ nay lại bất lực trước sự tha hóa của đứa con của mình” rồi ông khóc nấc lên không thành tiếng, thể hiện sự đau xót tột cùng. Sáng hôm sau, thấy con mệt, buồn bã, ông gọi Thiện dậy ăn sáng và ôn tồn nói:

- Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, con đã dũng cảm, không sợ hy sinh, chiến đấu quên mình, nhưng trước mọi cám dỗ của đồng tiền con chỉ là con rối… Lúc xông pha trận mạc con không chết mà con đã chết bởi “viên đạn bọc đường”… Thôi! Hãy lau nước mắt và đứng dậy đi con, ngã ở đâu con hãy đứng lên từ đấy…”.

             Nói đến đây nước mắt ông lại dàn dụa chảy, ông khóc nấc lên:

          - Con đã làm hại bố rồi, bố còn mặt mũi nào để nhìn đồng đội và bà con làng xóm nữa… mong con hãy vì bố mà làm lại cuộc đời…

 

Truyện ngắn của Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vien-dan-boc-duong-a12511.html