Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn quân nhạc Việt Nam

Ngày 19 tháng Tám năm 1945, đoàn người biểu tình tiến về phố Hàng Bài – Hà Nội chiếm trại Bảo an binh. Trong căn phòng nhỏ trên tầng 2 khu lính kèn, ông Quản Liên vẫn đang miệt mài với những bản tổng phổ cho dàn nhạc Bảo an binh.

chu-tich-ho-chi-minh-1652795909.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời điểm đấy ông Đinh Ngọc Liên chưa biết Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đang trong những ngày trọng đại của dân tộc.

Từ người chơi nhạc trong Ban thánh lễ nhà thờ Phú Nhai – Nam Định, ông Đinh Ngọc Liên lên Hà Nội, ứng tuyển vào đội kèn nhà binh Pháp. Nhật đảo chính Pháp, nhạc sĩ đội trưởng Camille Parmentier bị bắt giam, ông Đinh Ngọc Liên được giao quản đội.

Được gặp ông Vương Thừa Vũ, đại diện cách mạng, ông Đinh Ngọc Liên mới hiểu đôi chút về thế cuộc nước nhà và phụ giúp kêu gọi lính kèn tham gia cách mạng.

Những ngày đấy nhiều người trong Ủy ban Khởi nghĩa muốn dẹp bỏ tận gốc những gì thuộc chế độ cũ, đề nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh giải tán đội lính kèn.

Theo thượng tá Phó đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội Đào Quang Tiến chia sẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi lại : "Các chú định đày họ đi con đường nào? Vấn đề không phải là tổ chức của ai, mà là con người. Phải cảm hóa, giáo dục họ để họ trở thành người cách mạng, phục vụ cho cách mạng. Chú nào muốn giải thể không dùng họ cũng được, nhưng Bác giao hẹn trong 15 ngày phải thành lập Đoàn quân nhạc mới có trình độ như họ. Một đất nước độc lập, tự chủ không thể thiếu Quân nhạc".

Chính vì vậy, đội kèn Bảo an binh đã theo cách mạng, sau trở thành Ban âm nhạc Giải phóng quân, tiền thân của nền Quân nhạc Việt Nam.

Ngay lập tức, ông Quản Liên đã viết tổng phổ những ca khúc mới của cách mạng, cùng đội kèn tập luyện suốt ngày đêm để phục vụ những sự kiện quốc gia.

Khi Phái bộ Đồng minh đến Hà Nội chuẩn bị lễ tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật, ông Đinh Ngọc Liên đã chủ động dẫn Đoàn quân nhạc Việt Nam đến hòa tấu chào mừng Phái bộ Đồng minh. Chứng kiến dàn nhạc trình tấu điêu luyện các bản Quốc thiều của nước mình, sĩ quan các nước trong Phái bộ đều nhất trí chọn Đoàn quân nhạc Việt Nam biểu diễn trong buổi lễ chính thức, dù quân đội Tàu Tưởng cũng mang sang Việt Nam một đội nhạc binh.

Ngay sau lễ tiếp nhận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Đoàn quân nhạc. Nói chuyện với các chiến sĩ quân nhạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét : "Bác không thạo về nhạc, nhưng vừa rồi các cháu cử Quốc thiều các nước đồng minh, họ đều khen là vừa giành được chính quyền mà Việt Nam đã có ban âm nhạc hoàn chỉnh, chơi được như thế là giỏi. Bác chuyển lời khen ngợi của họ đến các cháu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia góp ý, chỉnh sửa lời bài Tiến quân ca (sau được chọn là Quốc ca) : "Bây giờ là nước Việt Nam độc lập rồi, không còn đoàn quân Việt Minh đi, mà là đoàn quân Việt Nam đi...".

chu-tich-hcm-2-1652795909.jpg
Bộ kèn đồng Đoàn quân nhạc sử dụng khi cử quốc thiều ngày 2/9/1945 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh gia đình cung cấp

Được biết Đoàn quân nhạc đã cử nhạc công đến từng điểm tiếp nhận trong Tuần lễ Vàng ở Hà Nội tấu nhạc chào mừng mỗi khi có người đến đóng góp, và các nhạc công cũng đã trình tấu trang trọng trong Lễ khai mạc ngày Tổng tuyển cử của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi : “Hôm nay ngày 6/1, ngày Tổng tuyển cử, anh em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng sớm đến chiều, làm cho ngày tuyển cử được tưng bừng vui vẻ và kết quả. Bác thay mặt những ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cảm ơn và khen ngợi anh em. Chào thân ái. Hồ Chí Minh”.

Mùa đông năm 1946, tình hình hết sức rối ren. Quân Tàu Tưởng hỗ trợ các đảng phái Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt mưu toan giành chính quyền. Quân Pháp chực chờ gây hấn để phục hồi quyền cai trị Đông Dương.

Sau khi Hiệp định sơ bộ mùng 6 tháng 3 với Pháp có nguy cơ đổ vỡ, Việt Nam cử phái đoàn do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng sang đàm phán với chính phủ Pháp tại Paris. Cuộc đàm phán lâm vào bế tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải sang Pháp với tư cách Thượng khách để tìm cách cứu vãn hòa bình và có thêm thời gian củng cố nền Cộng hòa non trẻ của Việt Nam.

Hai chính phủ còn đang đàm phán tại Paris thì ngày 1/8/1946 tại Đà Lạt (Việt Nam), Cao ủy D’Argenlie đã khiêu khích, triệu tập đại diện Nam Kỳ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Nam Trung Kỳ nhóm họp Hội nghị Liên bang Đông Dương.

Dồn tâm trí đàm phán ký Tạm ước 14 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp xúc với các cơ quan báo chí quốc tế để tranh thủ dư luận, gặp các kiều bào Việt Nam kêu gọi sự đóng góp của họ cho nước nhà.

Những ngày đấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ để nhờ các Việt kiều đến Paul Beuscher - cửa hàng nhạc cụ lớn nhất và cổ nhất ở quận Bastille thành Paris để mua dăm kèn và phụ tùng cho dàn kèn đồng của Đội quân nhạc Việt Nam. Những lần đến thăm Đoàn quân nhạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết tình trạng kèn của đoàn bị hỏng, không có phụ tùng thay thế.

Về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đoàn quân nhạc. Trong hồi tưởng của gia đình Nhạc sĩ – Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên có viết : “Lần Bác đi Pháp năm 1946 về, Bác đã đến thăm Đoàn quân nhạc và tặng cho chú Liên một bọc tướng. Người (tức ông Đinh Ngọc Liên) tưởng kẹo và quần áo vì rất to và khá nặng. Nhưng mở ra thì là phụ tùng của các loại kèn. Anh em mừng đến phát khóc vì nhiều nhạc cụ bị treo lâu nay do thiếu đồ thay thế. Trời ơi, bận trăm công ngàn việc mà sao Bác lại biết được điều nhỏ nhặt này?”.

Dàn nhạc khí được chỉnh trang kịp thời đã theo Đoàn quân nhạc suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, và theo bước chân Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô !

chu-tich-hcm-3-1652795909.jpg
Paul Beuscher- cửa hàng nhạc cụ lớn nhất và cổ nhất ở Paris. Thành lập năm 1850.

 

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-ho-chi-minh-va-doan-quan-nhac-viet-nam-a12529.html