Đặng Huy Giang, “Mỗi ngày tôi một mặt trời”

Đặng Huy Giang cho thấy, ông là thi sỹ luôn xới lên, úp xuống vể cảm xúc. Những đường lật suy tư của ông, từ lâu rồi đã thể hiện ở tên các tác phẩm thơ đã xuất bản, như: “Trật tự không trật tự”, “Những mảnh vỡ hoàn nguyên”, “Nhìn lên”...Trong “Mỗi ngày tôi một mặt trời”, NXB Hội Nhà văn, quý 3/2021, tác phẩm mới nhất cũng vậy.

dang-huy-giang-1652872953.jpg
 

 

Mỗi ngày một mặt trời”, mới lướt qua tên các bài thơ đã cho thấy “hồn thơ” tự vấn. Đó là “Xưa nay”, “Đối ẩm”, “Gốc và ngọn”, “Đi và đến, đến và đi”, “Vô sự và hữu sự”, “Đời nến”, “Lời cỏ”, “Trừ đi và cộng vào”, “Độc thoại của chiếc thùng đựng gạo”...Rất nhiều bài khác, trong tập.

Trong bài “Xưa nay”, qua hình ảnh sen, cốm và con người, ông nêu ra vấn đề giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại. “Sen bây giờ bọc cốm ngày xưa / Cốm bây giờ thơm sen ngày xưa”, ông giả định và nhận định. Cốm làng Vòng là vốn đã thành “trăm năm”, giá trị không còn vật thể. Lá sen gói cốm, ai đã từng mua không lạ, nhưng giữa ngày xưa và bây giờ? Sau cái hiện thực hàng quà của mùa thu Hà Nội, có một “tầng” của hiện thực, hay nói cách khác, hiện thực ảo, của xưa và nay. Nhiều khi “làm mới” không được “như cũ”, nhiều giá trị không đồng nghĩa với “đánh bóng mạ kền”.

Tập thơ “Mỗi ngày một mặt trời” gồm 55 bài, ngoài “Xưa nay”, Đặng Huy Giang còn có hai bài “Gốc và ngọn”, “Sen” dùng hiện thực hoa sen làm ẩn dụ thi ca.

 

Một đóa sen

Một đầm sen

Thơm từ nước ấy

Thơm lên non này

(Sen)

 

Dưới là bùn

trên là hoa

thấp mới gốc

cao chỉ là ngọn thôi

(Gốc và ngọn)

 

Ca dao có câu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen” hoặc “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà thơ trong sáng tác của mình lấy sen làm ẩn dụ. Sen là biểu tượng, dù màu gì cũng là biểu tượng. Hoa sen trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên.

Hoa sen có mặt trong các công trình Phật giáo như cây hoa sen thực trong các hồ ở chùa, có mặt ở các toà sen của các vị chư Phật, chư thần. Trên các bức tranh lụa Phật giáo cũng có hình tượng hoa sen như trong tranh lụa Tây Tạng có dấu chân của Thanh-đa-la trên hoa sen. Trong các tranh ảnh về cảnh Cực lạc Phật giáo, người ta tin rằng, những linh hồn kém đức hạnh thì được tái sinh vào những đoá sen còn khép và phải đợi cho đến khi hoa nở mới nhận được sự giúp đỡ của A-di-đà.

Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Trong Phật giáo Tantra, đóa sen biểu thị cơ quan sinh dục nữ và đó chính là nguyên lý âm trong vũ trụ.

Sen trong thơ Đặng Huy Giang, có ý nghĩa ngộ giác. Ông thờ sự thuần khiết, “một đài sen / một tòa sen”, (Sen).

*

**

Mỗi ngày một mặt trời” là tập thơ đưa người đọc đến với thế giới của chiêm nghiệm. Năm 2020, trong bài viết “Nhìn lên cùng Đặng Huy Giang”, đã đăng trên Văn nghệ Công an, tôi (bút danh Lam Giang) có viết: “Đặng Huy Giang thần tượng nhà thơ Đức B. Brecht...Thơ ông "nói thẳng nói thật" mà vẫn là thơ, thậm chí là thơ tuyệt diệu. Tố chất của thơ là sở hữu những khoảng mờ, ẩn nghĩa”.

Và “Đặng Huy Giang thẳng thắn và hài hước như thần tượng của ông. Nói chuyện về thơ, Đặng Huy Giang coi trọng "đơn vị câu" trong một bài thơ. "Ít nhất tôi phải nhặt được một câu trong bài thơ của anh chứ?". Ở tập “Mỗi ngày một mặt trời” vẫn thế, ông chung thủy với chính mình.

Đọc “Mỗi ngày tôi một mặt trời”, rất dễ nhận ra Đặng Huy Giang là người nội tâm, hướng nội. Ông luôn tự hỏi “lòng mình” với tư cách là một chủ thể thi ca. Hình ảnh thấp và cao; xuống và lên; đi và đến; xa và gần; đầy và rỗng; chìm và nổi...gặp trong khá nhiều bài. Ông muốn tìm ra biện chứng “Cao chỉ là ngọn” (Gốc và ngọn), “Xuống xuống và lên lên / Một hành trình thẳng đứng” (Thang máy chung cư),  “Tự do là đây / Tự mình thoát hiểm” (Tự mình thoát hiểm), “Điều còn lại cuối cùng / Phải tự mình tìm kiếm” (Điều còn lại).

...

Mỗi ngày tôi một tôi ơi

Nước mắt đi trước nụ cười theo sau

 

Thấp cao cùng với nông sâu

Lại xuất phát lại bắt đầu...người ơi

(Mỗi ngày tôi một mặt trời)

 

Bài thơ này Đặng Huy Giang sắp xếp cuối tập, được lấy đặt tên chung cho cả tập. Ông vừa ẩn ý, vừa giao phó “sứ mệnh” đối với cả tập thơ. Điều lạ là, đây là bài thơ lục bát, truyền thống như truyền thống. Nói điều này, vì trong tập còn hai bài lục bát khác là “Gốc và ngọn”, “Sen”, “Vô sự và hữu sự” cũng là lục bát, nhưng biến thức, ngắt câu theo thể tự do.

Thơ Đặng Huy Giang, vốn đơn giản hóa triết lý. Trong bài báo (đã dẫn), ông chia sẻ với tôi: "Thơ tôi đôi khi hay triết lý nhưng quen thế rồi, viết mấy mươi năm như thế, thay đổi gì nữa". Tôi nhận ra, triết lý trong “Mỗi ngày tôi một mặt trời” chính là sự vận động, dẫu “Nước mắt đi trước, nụ cười theo sau”, “Thấp cao cùng với nông sâu”, đời người không ai không nếm trải.

...

Lửa nhắc ta sôi sục

Đá nhắc ta cứng rắn

Gió nhắc ta không đứt bước giữa đường

(Dạ khúc).

Ba câu cuối của “Dạ khúc” có ý nghĩa như một “tuyên ngôn Đặng Huy Giang”, phần đời cũng như phần thơ. "Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu xa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái lời hết mực. Song lời dừng mà ý chưa hết thì lại càng hay tuyệt" (Hải Thượng Lãn Ông). Điều này dễ thấy ở thơ Đặng Huy Giang.

Mỗi ngày tôi một mặt trời” hàm súc, số từ hạn định nhưng dễ gây cảm xúc mới mẻ đối với người đọc. Đó cũng là “cá tính”, hiệu quả thơ Đặng Huy Giang./.

 

17/3/2022

NĐH

 

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dang-huy-giang-moi-ngay-toi-mot-mat-troi-a12552.html