Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thiên tài dự báo tương lai cách mạng Việt Nam

Việc nhìn vào tương lai để tiên đoán mọi sự việc là yêu cầu của cách mạng. Tài chỉ đạo kiệt xuất của Bác Hồ là nhận định, phân tích đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác thời cơ, chuẩn bị đầy đủ kịp thời nắm bắt  thời cơ, đưa đất nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

1-chu-tich-ho-chi-minh-thien-tai-du-bao-1652947868.jpg
 

 

Những lời “Tiên tri” “đi tắt, đón đầu”

Năng lực tiên tri, dự báo của Người được hình thành nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo lí luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin trên cơ sở kết hợp vốn văn hóa Đông - Tây, một vốn tri thức lịch sử và thực tiễn rộng lớn.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi được tin Paris rơi vào tay quân Đức ngày 29/6/1940, Người đã nhận định “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Sau đó, Bác về nước, ở Pác Bó, Người chủ trì hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Tại buổi hội nghị, Bác nhận định “Cuộc tiến công của Đức chống Liên Xô chắc chắn sẽ xảy ra. Cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc sẽ chuyển thành cuộc chiến tranh giữa chủ nghĩa phát xít với Liên Xô và Anh, Mỹ. Nó chỉ có thể kéo dài khoảng 5 năm. Thắng lợi chắc chắn sẽ thuộc về Liên Xô và đồng minh. Thắng lợi ấy là cơ hội giải phóng nghìn năm mới có. Chúng ta phải tập hợp mọi lực lượng của toàn dân tộc chuẩn bị một cuộc tổng khởi nghĩa của toàn dân mới đánh đổ được ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Lúc này giải phóng tổ quốc là nhiệm vụ trên hết, trước hết, nếu không giải phóng được tổ quốc thì vạn kiếp cũng không giải phóng được giai cấp. Cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh năm 1930 và cuộc khởi nghĩa Nam Kì tháng chạp năm ngoái không thành công vì chưa có thời cơ và không tập hợp được lực lượng đông đảo của dân tộc”.

Với nhận định Đồng minh sẽ thắng, Nhật, Pháp ở Đông Dương không sớm thì muộn sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập. Chiến tranh du kích do Việt Minh lãnh đạo dần dần phát triển với những vũ khí thô sơ, gươm, giáo và một ít khẩu súng cướp được của giặc, vào tháng 11/1941, Bác viết quyển “ Cách đánh du kích” làm tài liệu huấn luyện trong thời gian chuẩn bị cuộc cách mạng tháng 8. Tháng 2/1942, tác phẩm “ Lịch sử nước ta” của Người xuất bản lần đầu tiên, cuối tác phẩm là mục “Những năm quan trọng” được kết thúc bằng cái mốc lịch sử: 1945, Việt Nam độc lập.

Năm 1944, trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác ghi rõ “quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Sau khi hiêp định Gionevo 1954, quân Pháp còn ở Miền Nam, Bác sớm khẳng định đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương và cuộc đấu tranh giành hòa bình của nhân dân ta còn cam go và gian khổ. Ngày 13 tháng 1 năm 1959, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 15, đồng chí Lê Duẩn đọc báo cáo nhấn mạnh phải chuyển sang sử dụng bạo lực cách mạng vừa đấu tranh chính trị vừa đấu tranh vũ trang, không để cho địch tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam. Nội dung Đề cương cách mạng miền Nam được Trung ương thông qua.

Khi đồng chí Hai Văn và Phạm Văn Xô của Xứ Ủy Nam Bộ trở vào Nam, Bác dặn “Báo cáo với Xứ Ủy nhất định không để cho địch tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền Nam.…..Trung ương ở xa, Xứ Ủy vừa có trách nhiệm với Trung ương vừa có trách nhiệm với Đảng bộ và nhân dân miền Nam”, và, Đồng khởi Bến Tre nổ ra tết Canh Tý 1960 mở đầu cho công cuộc giải phóng miền Nam.

Trong diễn văn bế mạc Lễ kỉ niệm 15 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tổ chức vào ngày 1/9/1960, Người viết “Trong lúc chúc mừng Ngày quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ -Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng “Toàn dân đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc – Nam, nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Năm 1965, Bác khẳng định “Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B52, B57 hay B gì đi nữa, chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng lợi”; Cuối năm 1967, Bác tiên đoán “Sớm muộn gì rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới nó mới chịu thua….Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Quả nhiên, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, ở Hà Nội ta đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 B52, bắt 43 giặc lái trong đó có 33 giặc lái B52, đến nỗi Nichxon phải thú nhận “Nỗi lo sợ chính của tôi là mức tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”, tỷ lệ thiệt hại máy bay lên đến 17%.

Trong thư chúc Tết 1969, Bác dự kiến “ Vì độc lập, vì tự do; Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” và trong Di chúc, Bác tiên đoán “ Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là điều chắc chắn”. Thực hiện lời tiên đoán của Người “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, quân và dân hai miền Nam - Bắc luôn kề vai sát cánh bên nhau đánh thắng hết chiến lược chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

Với thắng lợi này, nhân dân ta đã quét sạch bọn đế quốc xâm lược, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỉ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta. Đúng như trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã viết “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”. Nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất của chủ nghĩa đế quốc kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Bài học quý cho thế hệ mai sau

Qua một vài sự kiện trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, ta thấy chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài dự báo tình hình cách mạng Việt Nam. Những lời “Tiên tri” của Bác đã góp phần định hướng, “đi tắt, đón đầu” chủ động trước mọi hoàn cảnh của lịch sử để không bị rơi vào thế bị động. “Tiên đoán” để chủ động trước mọi tình huống, kịp thời thích ứng với điều kiện thực tế để có những quyết sách kịp thời đã đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập, ấm no cho dân tộc với mốc son chói lọi, chiến thắng 30/4/1975.

 Như vậy, công tác dự báo có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược của đất nước để ta có thể “đón đầu” những vận hội mới cho đất nước. Những dự báo thiên tài tình hình cách mạng Việt Nam của Bác là những  bài học quý cho cách mạng Việt Nam, cho mỗi chúng ta trong giai đoạn hiện nay và mãi mãi về sau.

Để công tác dự báo đạt hiệu quả cao nhất, cần phải nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác dự báo khoa học. Trên cơ sở nhận thức đúng mới có hành động đúng. Làm tốt công tác dự báo là cơ sở quan trọng cho Đảng ta hoạch định đường lối, chủ trương đúng, tổ chức lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới thắng lợi.

Trong điều kiện biến động phức tạp của tình hình thế giới và tình hình nước ta hiện nay, công tác dự báo đặt ra vừa là cơ bản lâu dài vừa là cấp bách trước mắt. Không nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác dự báo sẽ dẫn tới những cách làm không đúng thường gặp vì dự báo không sát, không rõ, chắp vá, thiếu thực tiễn.

Trong dự báo chiến lược của Đảng phải xem xét, đánh giá tình hình thế giới, trong nước một cách khách quan, toàn diện, cụ thể và phát triển. Để dự báo tình hình thế giới, trong nước được sát, đúng, vấn đề có tính nguyên tắc là phải đánh giá đúng tình hình, xem xét sự vật trong điều kiện cụ thể nhất định, qua đó dự kiến, nắm bắt chiều hướng phát triển của chúng. Thực tiễn cho thấy, nhờ nắm chắc phương pháp luận này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có niềm tin tất yếu vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Luôn bám sát sự vận động biến đổi của thực tiễn, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn. Trong dự báo những vấn đề chiến lược của cách mạng phải luôn bám sát sự vận động biến đổi của thực tiễn trong nước, khu vực, thế giới,…để tổng kết rút ra từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm. Đây là một căn cứ quan trọng trong hoạch định đường lối của Đảng.

 Xa rời vấn đề có tính nguyên tắc này, chủ trương, đường lối của Đảng sẽ khó đi vào đời sống nhân dân, không động viên, cổ vũ được nhân dân tham gia. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn tổng kết, rút ra một trong những bài học kinh nghiệm là: Đường lối của Đảng phải luôn xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.

Bài học dự báo vẫn là bài học lớn của Đảng, nhân dân ta trong thời đại ngày nay.

 

 

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-ho-chi-minh-thien-tai-du-bao-tuong-lai-cach-mang-viet-nam-a12581.html