Hồi ký chiến tranh: Sống như anh Nguyễn Trọng Bổn

Ngày 27/3/1972 Đại đội 14 e102, f308 chúng tôi vừa hành quân tới đây thì trời cũng vừa sáng.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy một cánh rừng cây rộng lớn hàng trăm ha thẳng hàng ngang dọc lại chung một mầu lá. Phải công nhận là rất đẹp. Nhưng tôi ko biết đó là rừng cây gì? Mãi sau anh Bổn nói tôi mới biết đó là rừng cây Cau Su của nông trường Quyết Thắng Vĩnh Linh.

Ở đây cũng rất là lạ. Chúng tôi thì vẫn cứ ngồi chơi, vẫn cứ cười vui, vẫn cứ thản nhiên đi lại trong rừng. Trong khi đó ở nơi kia chừng hơn cây số đường chim bay, tôi nhìn thấy rõ mồn một những ụ pháo kích từ Cồn Tiên Dốc Miếu bắn ra bờ Bắc. Pháo hạng nặng bờ Bắc cũng quyết liệt chẳng kém gì Dốc Miếu Cồn Tiên. Cứ thế và cứ thế, dữ dội suốt cả ngày rồi lại suốt cả đêm.

nguyen-trong-on-1653213575.jpg
Liệt sĩ Nguyễn Trọng Bổn chụp 1968. Ảnh do tác giả cung cấp

 

Một nơi là chiến tranh, một nơi là hoà bình, thấy hay hay và là lạ anh Bổn liền lấy cây bút chì và cuốn sổ tay, tay anh thoăn thoắt phác họa lúc sau đã ra một tấm hình rất đẹp. Tấm hình Tiểu Đội tôi trong rừng Cau Su Vĩnh Linh.

Tôi liền đứng phắt dậy, chọn một góc có cây cột cờ Hiền Lương đang phần phật tung bay:

- Anh Bổn ơi vẽ em tấm này.

Anh nheo mày nhìn xa xa:

- Ko biết là cờ của ta hay của địch.

Tôi bảo anh:

- Thấy sao thì anh cứ vẽ, có gì phải suy nghĩ.

- Ừ được rồi, cậu chống 2 tay vào mạng sườn cho oai nhé.

- Vâng! đây là tấm hình khoảng khắc thiêng liêng lịch sử đấy, Anh vẽ cho đẹp nhé.

Nụ cười vui vẻ luôn thường trực trên môi:

- Cậu đẹp trai nhất đơn vị mà.

Hai ngày sau chúng tôi hành quân vượt sông Bến Hải. Giờ khắc lịch sử đã đến, nhưng anh ko vẽ được tấm hình nào.  Mãi khi về đến Cam Chính anh mới nói với tôi:

- Tiếc quá vì Đại Trưởng Ngô Hinh hô chạy thì làm sao tớ vẽ đươc.

Thế là tấm hình không được vẽ còn mãi trong tôi...Và còn mãi trong anh... Chẳng là hôm qua anh nói với tôi :" Khi nào đơn vị mình lội qua sông Bến Hải tớ sẽ vẽ Tiểu đội mình, Hòa đẹp trai nhớ vác lòng pháo đi đầu nhé!".

Ngày 15/4/ đến ngày 17/4/72, trong 3 ngày chiến đấu quyết liệt ở Cầu Lai Phước, anh Tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Bổn người Hồng Lộc, Can Lộc, Hà tĩnh đã anh dũng hy sinh! Anh đi vội vàng để lại bố mẹ già, người vợ trẻ và 2 đứa con thơ nhỏ dại...! Anh đi để lại lòng tiếc thương vô hạn cho tôi mãi tới ngày hôm nay...!

Chiều ấy tiểu đoàn Biệt Động Quân (B.Đ.Q.) tới sát chân trận địa chừng vài chục mét, đơn vị thì hết đạn từ hôm trước, vậy mà chỉ huy Tiểu đoàn 9 vẫn không chịu cho chúng tôi rút lui.

Tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của anh: " Bỏ hết lựu đạn ở lại, tháo pháo rút chạy, sai trái tôi chịu kỷ luật ". Một mình anh với cây súng AK vài ba quả lựu đạn thì làm sao chống trả nổi hàng Tiểu đoàn Biệt Động Quân.

Anh Bổn và tôi là 2 người bạn rất thân nhau. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng ở một nhà. Đến khi vào chiến trường cũng vậy, tôi và anh luôn ở bên nhau. Tôi nhớ đêm cuối cùng ở hậu cứ anh bảo tôi đào hầm, còn anh đi chặt cây. Lúc sau anh vác về 1 bó cây và 1 tảng ong rừng, hai anh em tôi ngồi giải lao ăn hết tảng ong rừng luôn. Vừa ăn anh vừa nói: " Gắng ăn hết đi, ăn một bổ một, ăn mười bổ mười " .

Chẳng biết bổ béo như thế nào, nhưng chỉ biết đêm ấy hai anh em tôi cứ sột soạt luôn tay tựa gẩy đàn.

Vậy có ngờ đâu 3 ngày hôm sau anh bỏ mặc tôi ngủ một mình ôm chiếc Balô trong căn hầm lạnh lẽo.

Sinh thời đơn vị tôi ai cũng rất quý mến anh. Anh nguyên là Hoa sỹ mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Ra trường năm 1965 anh nhập ngũ vào đại đội 14 của tôi.

Anh đa tài lắm, hát rất hay, làm thơ cũng rất hay, chơi đàn Bầu, thổi sáo trúc thì miễn chê. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ một bài thơ của anh viết cho em trai họ tên là Nguyễn Trọng Bằng:

" ANH TRẢ LỜI EM

Những ngày tháng lê thê

Những đêm dài lặng lẽ

Nhiều đêm nằm nước mắt bã bằng rơi

Vì đời anh biết bao đau khổ

Và bi thương bất hạnh cuộc đời...."

Lần ấy ở Hương khê, tôi ra sông Ngàn Sâu giặt quần áo giúp anh, tình cờ tôi nhặt lá thư trong túi áo anh viết dở chưa kịp gửi.

Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những bài hát tủ của anh: Xa khơi, Bóng cây kơ lia, Con suối Lê Nin, Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân... Giọng anh cao vút, giọng anh mượt mà nghe xong là một tràng vỗ tay như sấm dậy yêu cầu anh hát lại.

Ngày nay mỗi lần nghe lại bài hát này là tự nhiên tôi nhớ tới anh.

Sau ngày 3/9 tôi bị thương, tôi có đi qua rừng Cau Su Vĩnh Linh, nhưng không tài nào nhận ra được, vì không còn một bóng cây Cau Su mà toàn là hố bom, hố pháo chồng chất lên nhau. Phải chăng nó cũng theo anh, theo bao bạn bè tôi về nơi an nghỉ vĩnh hằng!

Nhìn lại nơi đóng quân xưa, tôi không thể nào cầm được nước mắt! Nhớ anh! Nhớ bao đồng đội! Các anh không được may mắn như tôi. Các anh hy sinh trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ gần như hết cả c 14 rồi!

Sau ngày 30/4/1975 GĐ anh đã đưa hài cốt anh về quê nhà.

Trái tim người lính

Lương Hòa

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-ky-chien-tranh-song-nhu-anh-nguyen-trong-bon-a12663.html