Phiếm luận quanh WC

Ngày xưa mỗi buổi sáng, người trong làng thường giữ thói quen ra bờ đê để giải quyết cơn đau bụng mãn tính. Ngày Tây về làng lập bốt, nó câu Tăng - xình nổ tan xác một thanh niên vì nghi là du kích đang mai phục ... Từ đó dân làng không dám ra đê ị nữa, nhà nào cũng có một cái vại, chum sứt để ở góc vườn, trên đặt ngang mảnh ván thôi. Mỗi lần đi ị không khác nghệ sĩ biểu diễn xiếc trên cầu thăng bằng.

phiem-luan-1653932168.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Đến những năm 70, phong trào xây hố xí 2 ngăn như một cuộc cách mạng văn hóa diễn ra rầm rộ! Cho dù nhà tranh, vách đất nhưng người ta cố phấn đấu xây cho bằng được cái hố xí 2 ngăn hoành tráng, trên đổ mái bằng hoặc lợp ngói, rơm giạ, vừa giữ vệ sinh, vừa tăng thêm thu nhập! Cũng từ đó, lũ chó nhà đã đói càng thêm đói vì mất nguồn thực phẩm tái tạo truyền thống.

Nguồn phân đó người ta đem tưới rau trong vườn hoặc mang cân cho hợp tác xã, đổi lấy công điểm, cuối vụ quy ra thóc, dầu, vải... Làng bên xuất hiện một nghề mới: Làng nghề buôn bán phân bắc! Dốc đê nơi cây gạo có quán nước đầu làng là điểm dừng chân của các bác xe thồ sang Thủ đô lúc nửa đêm, xin phân từ các nhà WC công cộng về bán cho các xã chuyên canh rau xanh, cà chua bên sông. Mới 5h sáng tiếng rao: "Ai phân Bắc nguyên chất đây" rộn rã khắp cánh đồng. Có chuyện một bác đang tranh thủ ăn bánh mì thì có khách hỏi mua phân:

- Phân của ông có xịn không hay độn đất sét đấy?

- Tôi bằng này tuổi, đầu 2 thứ tóc rồi còn làm điêu để chết không nhắm mắt à? Không tin ông mở to mắt ra mà nhìn! Nói đoạn ông thục sâu cánh tay xuống đáy sọt hàng, móc lên 1 nắm vàng ươm đưa lên mũi cho khách thẩm định...

Sứ mệnh cái hố xí 2 ngăn nhà tôi kéo dài đến cuối thập kỉ 90, khi đó phong trào đưa WC vào tận giường ngủ đã rộ trên Thủ đô. Năm đó, bác tôi bên Pháp về chơi, ông định ở nhà tôi 1 tuần nhưng mới được 3 ngày đã xin ra Hà Nội, mãi sau này tôi mới biết lý do vì ông không thể sử dụng được hố xí 2 ngăn. Biết ý, bố tôi đã phá cái wc đó, xây một cái mới có bể phốt, lắp cái bồn sứ xổm dội nước (bệt ngày đó chỉ những nhà giàu mới dám dùng).

Vậy nhưng mỗi lần về quê, ông vẫn bần thần đứng trước cửa WC rồi bảo tôi đưa sang nhà ông Báu - nhà đầu tiên trong làng có WC bệt, mỗi lần đi xong bấm nước cái ào là lại sạch như chậu tráng men Trung Quốc. Lại nói chuyện cái bệt. Năm đó cơ quan tôi được đi nghỉ mát ở Đồ Sơn. Tôi và một chú tiền bối ở chung phòng. Lần đầu trong đời tôi được tận mắt thấy cái hố xí trong phòng khách sạn nó hiện đại, sạch sẽ thế nào! Chả thế ông chú vừa mở cửa vào phòng, việc đầu tiên là chạy ngay vào xem cái hố xí nó tròn méo ra sao. Được mấy phút trở ra, với vẻ mặt rạng rỡ pha chút nghiêm nghị, ông thẳng thắn quán triệt:

- Phải nói thằng Tư bản giãy chết nó ăn ở sạch sẽ. Chú không có gì chê ngoài việc nó thiết kế cái chỗ đái thì cao, chỗ rửa mặt, đánh răng thì lại quá thấp và ít nước.

Nói đoạn ông kéo tôi vào để hướng dẫn sử dụng nhà WC! Thì ra ngài đã đi tiểu vào cái lavabo và giặt khăn mặt trong cái bệt sứ ! Tôi nửa cười nửa mếu vâng dạ, gật đầu lia lịa, không dám dám cãi nửa câu...

Đến bây giờ mỗi sáng không còn cảnh cả khu tập thể, cả xóm xếp hàng chờ đi WC. Nhà ít nhất cũng có 1 cái, nhà giàu có hàng chục cái WC bố trí khắp nơi. Tiện nghi là vậy, đầy đủ là vậy, nhưng mỗi lần đóng cửa phòng, kéo phec -mơ- tuya làm cái việc không thể trì hoãn ấy, kí ức một thuở xa xăm lại ùa về.

 Chuyện làng quê

Sinh Đông

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phiem-luan-quanh-wc-a12883.html