Kỳ 8.
Cả năm người im lặng. Cả bốn vị đại thần, kể cả Nguyễn Tri Phương cũng không dám trả lời câu hỏi của Trương Công Định: Nếu cố thủ không được thì làm sao? Nhưng câu trả lời thì đã có là mất nước. Nhưng phát động bách tính nổi dậy là trái chủ trương của Tự Đức, là bất trung. Các quan lại của thời đại này đang gặp mâu thuẫn lớn trong lý thuyết, trong mối quan hệ trung với vua là trung với nước. Triều đình và quan lại không hiểu được nguyên nhân sâu xa mà Pháp xâm lược Đại Nam. Họ chỉ cho rằng nguyên nhân chính là do triều đình Đại Nam bắt giáo sĩ, cấm truyền đạo Thiên Chúa giáo, cấm thông thương. Họ không hiểu được dã tâm của thực dân Pháp là kiên quyết xâm lược Đại Nam để làm thuộc địa, thị trường. Lý thuyết Nho gia lạc hậu, bảo thủ đã làm cho họ không nhìn thấy được sự chuyển biến to lớn của thế giới, sự chuyển biến đó đang tác động to lớn đến Đại Nam. Từ đó dẫn tới những chủ trương quân sự và đối ngoại sai lầm: “ Thủ để hòa” và khi thủ không được thì nhân nhượng từng bước trong đàm phán dẫn tới mất nước. Từ nhân nhượng kẻ thù đến đầu hàng chỉ cần một bước.
* *
*
Cùng thời gian đó, tháng 2 năm 1861, những con tàu sắt hung tợn của quân Pháp đã đậu hai năm trên sông Sài Gòn. Sóng vẫn muôn lớp xua vào các mạn tàu, những lá cờ (tam tài), mà trên mỗi lá có màu trắng ở giữa, liền bên trong là màu tím, bên ngoài là màu đỏ bạc màu tung bay theo gió. Trong căn phòng sang trọng của Đô đốc hạm, có cuộc họp các sĩ quan cao cấp của Pháp ở Viễn Đông, khởi động lại cuộc xâm lăng Đại Nam sau gần hai năm ngừng chiến. Chủ tọa cuộc họp là Sác Lơ Lê ô na , người mới được Na pô lê ông III giao cho chỉ huy toàn bộ quân Pháp ở Viễn Đông thay cho Sác lơ Đơ giơ nu di ra Đà Nẵng và đã về nước. Dự họp có thiếu tướng Đơ vát soa nơ Gi ti ê, đại tá Tây ban nha Rốt lan xa, đại úy Foóc nan đe (Tây ban nha), trung úy hải quân Lê ô pôn Pan lu, đại úy hải quân Vin le, trung tá Cơ ru zát, chuẩn úy Lơ se bơ le, thượng sĩ Do ly. Họ ngồi quanh một chiếc bàn vuông rộng màu nâu. Trên bàn, nhà bếp của tàu đã rót vào tám cốc thủy tinh đầy rượu săm pa nhơ tỏa mùi thơm sóng sánh. Sác lơ Lê ô na đứng dậy nâng cốc và nói:
-Xin mời các ngài nâng cốc chúc mừng chiến thắng của liên quân Anh- Pháp trong cuộc chiến tranh thuốc phiện lần 2 với Trung Quốc.
Các sĩ quan cũng đứng dậy chạm cốc. Tiếng thủy tinh chạm nhẹ nhau phát ra âm thanh leng keng:
-Chúc chiến thắng của chúng ta trong cuộc chinh phục Trung Hoa, chúc Đô đốc được hoàng thượng Na pô lê ông III bổ nhiệm, chúc chiến thắng của chúng ta trong công cuộc chinh phục Đại Nam.
Tất cả dốc cạn rượu vào mồm và ngồi xuống. Rượu vào làm cho những tên thực dân cướp biển mặt đỏ au, mũi như dài hơn, mắt như xanh hơn. Sác lơ Le ô na nói tiếp:
-Các ngài đã biết, cuộc chinh phục Đại Nam phải ngừng trệ lại là do cuộc chiến tranh thuốc phiện lần 2, chúng ta phải mang quân sang Trung Quốc phối hợp với Anh. Chiến thắng của ta và của Anh buộc nhà Mãn Thanh phải ký điều ước Bắc Kinh năm 1860, Trung Quốc phải mở nhiều cửa biển cho chúng ta thông thương, nhượng nhiều đất cho chúng ta làm tô giới, đặc khu, khu vực ảnh hưởng, bồi thường cho liên quân nhiều triệu lạng bạc chiến phí. Đặc biệt, liên quân được một phen tràn vào Bắc Kinh giàu có, thả cửa cướp bóc, vơ vét không biết bao nhiêu vàng bạc, các đồ quý gia là di sản văn hóa của Trung Hoa, đặc biệt là cướp phá vườn Viên Minh, vườn quốc gia bậc nhất giàu có của hoàng đế Mãn Thanh.
Ngừng một lát, Lê ô na Sác lơ nói tiếp:
-Hôm nay chúng ta họp để bàn về tiếp tục công cuộc chinh phục Đại Nam làm thuộc địa. Các ngài biết rằng khi rút lực lượng tham gia chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc, ở đây ta chỉ còn có 800 người. Khi đó chính ta muốn rút khỏi Đại Nam. May mà có ngài Đô đốc Sác lơ Đơ giơ nu di biện hộ và bộ trưởng hải quân Pháp Lau bát can ngăn, chính phủ Pháp mới cho ít quân đó ở lại Đại Nam. Ta nói như vậy để thấy triều đình Huế đã bỏ qua một cơ hội hiếm có để tiêu diệt chúng ta. Như vậy là vua Tự Đức và các tướng lĩnh, quan chức Đại Nam không hiểu tình hình thế giới và thời cuộc. Họ không hiểu nguyên nhân thực sự ta đánh Đại Nam. Họ chỉ tin vào cái cớ mà ta nêu lên để phát động chiến tranh là do nhà Nguyễn cấm đạo, bắt giáo sĩ, cấm thông thương. Cho nên họ chủ trương sai lầm là “Thủ để hòa”. Họ kiên trì "thủ"”đến mức khi lực lượng của chúng ta rất mỏng hai năm vừa qua mà họ cũng không tấn công. Họ không dám phát động cho các đội ứng nghĩa đánh chúng ta. Trong số các quan lại và tướng lĩnh nhà Nguyễn hiện nay, Nguyễn Tri Phương là ngươi xuất sắc nhất. Ở Đà Nẵng chiến thuật của ông đã chiến thắng Sác lơ Đơ giơ nu di. Nhưng vào Gia Định ông vẫn phải theo chủ trương “Thủ để hòa'’của Tự Đức. Ông dốc ba vạn người xây Đại Đồn kiên cố để “thủ”. Tư tưởng thủ của Nguyễn Tri Phương đã triệt tiêu ý chí tấn công của ông ta. Trong hai năm qua khi chúng ta chỉ có 800 người thì Nguyễn Tri Phương vẫn thủ. Tư tưởng thủ để hòa đã làm cho Nguyễn Tri Phương và các tướng lĩnh Đại Nam không cần biết tình hình của địch mà chỉ ngồi trong thành chờ địch đến mà thôi. Sự mù quáng của họ là sự may mắn cho quân Pháp. Hai năm qua, ta chỉ có 800 binh lính ở giữa một đất nước thù địch với 10 triệu dân ở Nam Kỳ lục tỉnh mà vẫn sống yên ổn. Đó là điều kỳ lạ nhất của cuộc chiến tranh này.
Sác lơ Lê ô na ngừng lại uống một cốc rượu và nói tiếp:
-Để tiếp tục cuộc thôn tính Đại Nam, việc trước tiên là ta phải đánh Đại Đồn Chí Hòa do trực tiếp Nguyễn Tri Phương là Tổng thống quân thứ Gia Định chỉ huy. Đại Đồn có tiếng là kiên cố nhưng các ngài đừng ngại. Theo tin tình báo, Đại Đồn có khoảng 3 vạn quân, trên thành có đặt 150 khẩu thần công. Nhưng qua trận thành Gia Định, các ngài đã thấy thần công của Đại Nam lạc hậu, đạn không nhồi thuốc nên rơi vào mục tiêu không nổ, không có sức sát thương. Bộ binh của Đại Đồn trang bị vẫn lạc hậu như ở Gia Định. Có điều lưu ý ở đây là lính Đại Nam chiến đấu cực kỳ dũng cảm, gan dạ, họ coi cái chết trong chiến đấu là chuyện bình thường, là hy sinh cho vua, cho nước, cho dân, nếu họ được trang bị hiện đại và tốt như quân Pháp, họ sẽ là đội quân vô địch. Cái yếu lớn nhất của Đại Đồn là gần nhiều sông, đại bác trên các tàu chiến của ta sẽ phát huy hiệu quả và chúng ta sẽ chiến thắng. Hiện nay chúng ta có 50 chiến thuyền, 4.000 tay súng, so với quân của Nguyễn Tri Phương là gần 3 vạn. Lực lượng ta ít hơn nhưng trang bị hiện đại, ngoài pháo trên tàu chiến ta còn có pháo do ngựa kéo di động. Bộ binh của ta ai cũng có súng trường bắn nhanh, đầu súng có gắn lưỡi lê, hơn hẳn bộ binh Đại Nam phần lớn còn trang bị giáo gươm, vài người mới có một súng hỏa mai, bắn chậm và sát thương kém. Cho nên quân ta dù ít vẫn chiến thắng. Nào, mời các ngài nâng cốc, chúc cho sự khởi động cuộc thôn tính Đại Nam thắng lợi. Đại Đồn sẽ bị san phẳng.
Cả bọn lại đứng dậy nâng cốc dốc rượu vào mồm, rượu đỏ như màu máu của cuộc chiến tranh mà chúng đang gây ra. Khi cả bọn đã đặt cốc xuống, Sác lơ Lê ô na ra lệnh:
-Đại úy hải quân Vin le.
-Có thuộc cấp.
-Đại úy chỉ huy các chiến hạm dọc sông Sài Gòn, bao vây nã pháo vào Đại Đồn khi được lệnh.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Trung tá Cơ ron zat.
-Có thuộc cấp.
-Trung tá chỉ huy bộ binh có pháo binh do ngựa kéo yểm trợ tấn công phía Tây Đại Đồn.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Đại tá Rốt lan xa.
-Có thuộc cấp.
Đại tá cùng đại úy Phoóc nan de chỉ huy bộ binh bố trí dọc sông Đồng Nai chặn quân Đại Nam không cho chạy về Biên Hòa.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
-Thiếu tướng Đơ Vat soa nơ.
-Có thuộc cấp.
-Ngài sẽ cùng ta chỉ huy hệ thống pháo binh từ các chùa Cây Mai, chùa Kiếng Phước, chùa Hiển Trung, chùa Khải Trường đồng loạt tấn công phía Nam và Đông Nam của Đại Đồn, trước tiên là tiêu diệt Đồn Tả, Đồn Hữu của Đồn Tiền, sau đó đánh thẳng vào Đồn Giữa của Đại Đồn.
- Thuộc cấp tuân lệnh.
-Chuẩn úy Lơ be bơ le và thượng sĩ Do ly.
-Có thuộc cấp.
-Chuẩn úy cùng thượng sĩ Do ly làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, báo cáo tình hình chiến sự các hướng cho tổng hành dinh của ta.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
Rượu lại được viên đầu bếp của tàu rót ra. Cả bọn lại nâng cốc:
-Chúc các ngài chiến thắng.
-Chúc Đô đốc chiến thắng.
Như vậy, quân Pháp đã hình thành một thế trận bao vây tiêu diệt Đại Đồn mà không để cho quân Đại Nam có lối thoát. Ngoài bộ binh thì ở phía Nam Đại Đồn, có đại bác do ngựa kéo từ hệ thống các chùa bắn vào phối hợp với pháo hạm ở các sông Rạch Cát, sông Bến Nghé, sông Sài Gòn thì Đại Đồn còn bị bao vây bởi pháo binh.
4 giờ sáng ngày 24 tháng 2 năm 1861, khi miền Gia Định còn chìm trong giấc ngủ thì Sác lơ Lê ô na ra lệnh tấn công Đại Đồn. Đại bác từ hệ thống các chùa và trên các chiến hạm trên các sông Rạch Cát, Bến Nghé, Thị Nghè đồng loạt bắn vào Đại Đồn từ hướng Nam và hướng Đông. Tiếng nổ vang rền như sấm sét. Hàng trăm viên đạn đỏ lừ bay như chớp. Đại Đồn chìm trong lửa khói và tiếng nổ. Đại bác của quân Đại Nam trên các thành cũng bắn ra dữ dội. Hai bên đấu pháo nhau 4 giờ cho đến sáng. Sáng hôm sau ngày 25-2-1861, Sác lơ ra lệnh:
-Bắn 500 quả đại bác yểm trợ cho bộ binh tiến vào.
- Thiếu tướng Đơ Vat soa nơ dẫn bộ binh và pháo hạng nhẹ do ngựa kéo vừa đi vừa bắn tiến vào Đại Đồn
-Tuân lệnh Đô đốc.
Pháo do ngựa kéo nhả đạn. Dưới những làn đạn như hàng trăm tia chớp bay trên đầu, bộ binh Pháp cũng vừa tiến vừa bắn vào Đồn Hữu và Đồn Tả. Đạn đại bác phá tung, đốt cháy mọi thứ, Đại Đồn chìm ngập trong khói lửa. Xác quân Đại Nam bị trúng đạn pháo bay lên không trung rồi rơi xuống, máu thịt đẩm đìa trong lửa đạn. Dù vậy, quân Đại Nam không hề sợ hãi, vẫn bám trụ kiên cường bắn trả. Đại bác và súng quân Đại Nam bắn không xa, rơi xuống không nổ nên hiệu quả không cao. Dù vậy thiếu tướng Đơ Vát soa nơ, đại tá Rốt lan xa bị trúng đạn trọng thương, rất nhiều lính Pháp cũng chết ngã gục. Sác lơ Lê ô na thân chinh thay Vác soa nơ chỉ huy tiếp tục nã đại bác và thúc quân vào chiếm Đồn Hữu và Đồn Tả. Quân Pháp tiếp tục bị chết vì trúng hầm chông, đạn từ các lỗ châu mai. Tham tán Tôn Thất Hiệp ra lệnh:
-Cho tượng binh ra ứng chiến.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-vi-tieu-thuyet-lich-su-ky-8-a12907.html