Câu lạc bộ Thiền sáo gặp mặt tại Hà Nội

Ngày 29-5 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Thiền sáo (do thầy Bùi Công Thơm, giảng viên sáo trúc, Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sáng lập và dìu dắt) đã tổ chức gặp mặt sau 1 năm thành lập với chủ đề “Thiền sáo- Bốn phương tụ hội”.

thien-sao-1-1654179187.jpg
 

 

Trong không khí ấm áp, chân tình, cởi mở, gần gũi, các thầy trò Câu lạc bộ Thiền sáo đã cùng nhau ôn lại chặng đường hơn 1 năm hoạt động. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biễn vô cùng phức tạp và nguy hiểm, nhưng Câu lạc bộ Thiền vẫn duy trì và phát triển mạnh mẽ quan nền tảng số. Những buổi dạy và học online vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ, số thành viên cũng tăng lên từng ngày, từng giờ. Đó là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của thầy Bùi Công Thơm, các trợ giảng, Ban liên lạc và sự đồng lòng của tất cả các thành viên.

Rất nhiều thành viên trong Câu lạc bộ đã có mặt, trong đó có những người đến từ những địa phương xa xôi, như: phía Nam, miền Trung, Tây Bắc… Tất để đều mang tinh thần sự hồ hởi, phấn khởi và niềm hạnh phúc. Chữ tình đã đọng lại từng gương mặt, từng ánh mắt của các thành viên. Mỗi người có mặt ở đây đã trao cho nhau những tình cảm đặc biệt, tình thầy trò, tình anh em và nói chung đó là tình cảm gia đình. Họ cảm thấy hạnh phúc, thấy vui vẻ và tự hào về gia đình Thiền sáo, và bản thân thấy yêu mình, yêu đời hơn.

Tại buổi gặp mặt, các thành viên trong Câu lạc bộ đã thể hiện nhiều bài hát với tiếng sáo hết sức chuyên nghiệp, truyền cảm, như: Thanh Việt với “Tình ca Tây Bắc”, Nguyễn Thị Thanh Nga với “Thần thoại”, Nguyễn Nhật Giang Nam với “Despacito”, hai bố con Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Nhật Giang Nam với “Tàu anh qua núi”, Đặng Như Thảo với “Cô hàng xóm”, Sùng Mí Say với “Gọi em bên suối”, Hồng Hạnh với “Giấc mơ trưa”, Lê Hữu Nghị với “Xuân này con về mẹ ở đâu”, Phan Trường với “Ngược dòng Hương Giang”…

Xen lẫn các chương trình văn nghệ là màn giao lưu, trình diễn sáo trúc của giảng viên, bốc thăm may mắn. Đặc biệt là sự biểu diễn của chính thầy Bùi Công Thơm – người thầy, người anh lớn và cũng là “linh hồn” của Câu lạc bộ Thiền sáo.

Thiền sáo ra đời đáp ứng nhu cầu học tập sáo của những người yêu sáo trên khắp mọi miền Tổ quốc. Câu lạc bộ đã góp phần bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc, đó là Câu lạc bộ giàu ý nghĩa và nhân văn.

 

 

Lê Dương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-lac-bo-thien-sao-gap-mat-tai-ha-noi-a12964.html