David Halberstam nói:
- Nếu có một người nào đó nắm bắt được giữa hai thế giới, thì người đó chính là Phạm Xuân Ẩn. Những ai không sống ở Việt Nam trong những năm tháng đó, thì sẽ khó mà hiểu nổi sự phức tạp này.
Vào thời điểm năm 1989, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào. Không có đại sứ quán, cũng như chẳng có toà tổng lãnh sự. Chỉ có một nhóm nhỏ sinh viên Việt Nam nhận vsia sang học tập tại Hoa Kỳ. Sự hợp tác giữa hai nước chỉ mới bắt đầu ở khâu giải quyết số phận những người Mỹ mất tích khi đang làm nhiệm vụ (MIA). Tất cả đều không có gì, mãi cho đến mùa xuân năm 1991, phía Mỹ mới có một văn phòng ở Hà Nội để phục vụ cho việc giải quyết các vấn đế liên quan tới MIA. Mặc dù vậy, tất cả những điều khó khăn này vẫn không thể cản trở được Robert Sam Anson và Frank McCulloch mở một cuộc vận động nhằm đưa cháu Phạm Ân sang học ở Mỹ, cũng như không thể cản trở nổi người cha của chàng thanh niên trong việc phối hợp các nỗ lực từ phía Việt Nam.
Đối với Robert Sam Anson, đây là một cơ hội để ông trả món nợ đời với Phạm Xuân Ẩn. Đối với Frank McCulloch, khi đó là Trưởng ban biên tập của tờ San Francisco Examiner thì đây là cách bày tỏ sự kính trọng đối với Phạm Xuân Ẩn, cũng như niềm tin sâu sắc vào tương lai. Frank chia sẻ niềm hy vọng với Phạm Xuân Ẩn về một sự hoà giải giữa hai kẻ thù cũ. Ông coi việc cháu Phạm Ân sang du học ở Mỹ sẽ là một nhân tố chính của ước mơ hy vọng đó. McCulloch nói với tôi:
- Chúng tôi không quyên góp tiền cho các con của Nguyễn Văn Thiệu hay Nguyễn Cao Kỳ. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng và khâm phục của mọi người đối với Phạm Xuân Ẩn. Chúng tôi đặt điều kiện rằng sau khi hoàn thành khoá học, cháu Phạm Ân phải trở về Việt Nam.
McCulloch có nhiều lý do để đặt niềm tin vào tính cách của chàng thanh niên mà ông đứng ra bảo lãnh. Bài luận mà Phạm Ân viết trong đơn xin học tại Trường Đại học Bắc Carolina thể hiện sự chín chắn và hiểu biết của người viết về quá trình hoà giải:
"Chúng ta đang sống trong một thời đại mà không một nước nào có thể tốn tại được nếu đứng riêng ra, bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Đây là thời đại của sự hợp tác để cùng tồn tại. Tôi không thấy lý do gì mà Việt Nam lại là một ngoại lệ. Sau hàng loạt sự kiện ở Đông Âu, tôi vui mừng thấy Việt Nam đã có chính sách mở cửa sớm hơn các nước Đông âu. Nhờ chính sách này, chúng tôi giờ đây đang đi đúng hướng để xoá bỏ đói nghèo. Tôi có thuận lợi là đã từng sống và học tập cả ở Liên Xô và Hoa Kỳ khi tôi còn ở tuổi teen… Tôi mong ước có thể được sang Mỹ học tập ngành báo chí và kinh tế học để tiếp thu những tinh hoa của xã hội Mỹ. Sau đó, khi trở về nước, tôi có thể nói với nhân dân tôi về văn hoá, lịch sử, và con người, cũng như những thành tựu mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, và công nghệ của một siêu cường tiên tiến này. Bằng cách đó, tôi hy vọng thiết lập được cầu nối giữa nhân dân hai nước, nhằm xoá bỏ những sự hiểu lầm và những thành kiến giữa hai dân tộc chúng ta… Nguyện vọng của tôi là nhân dân tôi được hạnh phúc và thịnh vượng".
Có lẽ trở ngại lớn nhất cho quá trình thực hiện kế hoạch này là việc Morley Safer cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề Hồi tưởng: về chuyến trở lại Việt Nam. Ngay từ đầu, cuốn sách này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi, bởi vì có một chương viết về một cuộc thảo luận rất thành thật của tác giả với Phạm Xuân Ẩn. Tạp chí New York Times Chủ Nhật số ra ngày 11/8/1990 đã đăng một đoạn trích trong cuốn sách đó với cái tít giật gân: Làm gián điệp cho Hà Nội cùng lời tựa
"Trong 10 năm, Phạm Xuân Ẩn là một phóng viên có giá trị của Tạp chí Time ở Sài Gòn. Nhưng có một điều mà các trưởng ban biên tập của ông không biết, đó là suốt thời gian ấy, ông đã làm gián điệp cho Hà Nội".
Trước đó một năm, trên tờ Tin chiến tranh, Bob Anson đã cho in một bài viết của ông về vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong việc giải thoát cho chính bản thân Anson khỏi bị giam giữ. Giờ đây đang sống ở Bangkok, Anson nhận được một bản thảo chưa biên tập của Safer do một nhà báo từ New York gửi cho, vì nhà báo này biết cả Anson lẫn Phạm Xuân Ẩn. Khi đọc đoạn nói về Phạm Xuân Ẩn, Anson cảm thấy ngay người bạn của mình sẽ bị ảnh hưởng. Anson càng nổi cáu hơn khi nghe Safer thừa nhận rằng ông ta không hề ghi chép gì khi nói chuyện với Phạm Xuân Ẩn. Khi đó Safer có một người trợ lý đi cùng và Phạm Xuân Ẩn, ba ông uống hết một chai rượu Uyt-xki Bạch Mã (White Horse) trong lúc nói chuyện. Anson lo ngại rằng người đã từng cứu mạng sống cho ông sắp phải chịu thiệt thòi vì nội dung ông đã trả lời phỏng vấn Safer. Anson đã khẩn trương làm thủ tục xin visa và lấy vé chuyến bay sớm nhất từ Bangkok đi Thành phố Hồ Chí Minh để gặp Phạm Xuân Ẩn.
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng, ông cứ nghĩ cuộc nói chuyện của ông với Safer chỉ là cuộc trao đổi không trích dẫn; đó chỉ là một cuộc gặp nhau giữa hai người bạn và uống hết một chai rượu Uyt-xki. Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi không hề nghĩ rằng Safer lại cho đăng báo về cuộc nói chuyện của chúng tôi. Hôm đó, tôi rất vui vì có bạn đồng nghiệp nói chuyện cùng.
Sau đó, Anson và Phạm Xuân Ẩn cùng dò từng dòng bản thảo nhằm cấu trúc lại nội dung cuộc trò chuyện.
Hai người biên tập lại để làm giảm sự nhạy cảm xuống đến mức mà Phạm Xuân Ẩn hy vọng sẽ không gây nguy hiểm cho việc xin visa nhập cảnh Mỹ của con trai mình. Phạm Xuân Ẩn không quan tâm đến bất cứ điều gì có thể xảy ra đối với ông. Và do sự tôn trọng nghề nghiệp của mình, Phạm Xuân Ẩn quyết định không tranh cãi với Safer về quyền đăng tải cuộc phỏng vấn. Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi có thể kiểm duyệt, nhưng tôi không làm điều đó và tôi chỉ cố gắng làm rõ những gì tôi đã nghĩ và tôi nói thôi.
Cuốn sách nói trên của Safer dự định sẽ được Nhà xuất bản Random House ấn hành. Với Nhà xuất bản này, Anson cũng đã từng xuất bản cuốn “Những ý định tốt nhất: Sự giáo dục và Giết chóc” của Edmund Perry.
Anson liền điện thoại cho Nhà xuất bản Random House.
- Tôi đã cầu xin họ thông qua điện thoại, ba hoặc tám lần gì đó, để bình luận về phương pháp viết bài của Morley Safer - Anson nói.
Ngoài ra, Anson còn nói cho Nhà xuất bản biết về chuyến thăm Phạm Xuân Ẩn vừa qua của ông, đồng thời đề nghị Nhà xuất bản Random House và tác giả Safer biên tập lại đoạn dẫn đó trước khi cho in. Cả tác giả và Nhà xuất bản đều đồng ý.
Đoạn kể về cuộc trò chuyện xuất hiện trên bản in cuối cùng đã được làm giảm giọng điệu xuống đến mức đáng kể so với nguyên gốc, nhưng vẫn còn đầy tính thẳng thắn đặc trưng của Phạm Xuân Ẩn. Khi trả lời câu hỏi của Safer liên quan đến cơ quan mà ông đã làm việc:
- Sự thật à? Sự thật nào? Chỉ có một sự thật là trong suốt 10 năm, tôi là một phóng viên cho Tạp chí Time và trước đó là cho Reuters. Một sự thật khác nữa là tôi đã tham gia phong trào từ năm 1944 và dù ít dù nhiều, cũng là một phần của phong trào từ đó. Hai sự thật… cả hai sự thật đều là sự thật.
Khi trả lời câu hỏi của Safer về các hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn:
- Công việc thực sự bắt đầu từ năm 1960, khi tôi đang làm việc cho Reuters. Tôi đã giữ chức trung đoàn trưởng… Trong những năm làm việc với Tạp chí Time, tôi được thăng hàm đại tá. Tôi đã tiếp cận được tất cả các cơ sở của miền Nam Việt Nam và các chỉ huy của họ. Cấp trên của tôi muốn biết sức mạnh của từng đơn vị khác nhau. Họ muốn đánh giá ước lượng về năng lực của những người chỉ huy - những người tham nhũng và những người có thể tha hoá.
Các câu hỏi và trả lời đạt đến độ nhạy cảm khi Safer hỏi tại sao cuộc cách mạng (1) lại chưa thành công.
"Có rất nhiều lý do. Nhiều sai lầm đã mắc phải chẳng qua chỉ vì sự dốt nát. Giống như mọi cuộc cách mạng, chúng tôi gọi đó là cuộc cách mạng của nhân dân, nhưng tất nhiên nhân dân là người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả… chừng nào còn những người nằm ngủ bên đường phố, thì chừng đó còn thất bại. Không phải những nhà lãnh đạo là những người độc ác, nhưng tác động hiệu quả của chủ nghĩa gia trưởng và lý thuyết kinh tế đã bị mất niềm tin là như nhau".
Safer hỏi:
- Ông có sợ về việc đã nói thẳng thắn như vậy không? Có nguy hiểm gì cho ông không.
Phạm Xuân Ẩn đáp lại giống như ông đã từng nói năm 1990 và năm 2006:
- Mọi người đều biết tôi cảm thấy thế nào. Tôi công khai nói điều đó. Tôi chưa bao giờ… Tôi đã già quá đến mức không thể thay đổi được nữa. Tôi đã quá già đến mức không thể im lặng được nữa.
Khi Safer hỏi về cải cách kinh tế vừa qua ở Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn nói:
- Đó chính là điều làm tôi buồn lòng. Khi nhìn thấy sự nhiệt tình đang diễn ra với sự phấn khích trước một vài cải cách kinh tế. Nó gợi ra một ý về những khả năng nào đó cho đất nước, nếu chúng tôi không chỉ có hoà bình, mà cả những điều khác nữa.
Một trong những câu hỏi cuối cùng của Safer đặt ra với Phạm Xuân Ẩn là ông có cảm thấy hối tiếc điều gì không: Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi ghét câu hỏi đó. Tôi đã tự hỏi mình với câu hỏi đó cả ngàn lần. Nhưng câu trả lời còn làm cho tôi ghét hơn. Không? Tôi không có gì phải hối tiếc. Tôi phải làm điều ấy. Tôi yêu nước Mỹ, nhưng Mỹ chẳng có quyền gì ở đây. Người Mỹ đã phải ra khỏi Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Chúng ta phải tự lựa chọn lấy chỗ này.
Khi cuộc phỏng vấn gần kết thúc, Safer nêu câu hỏi:
- Họ có để cho ông ra đi không?
Phạm Xuân Ẩn đáp:
- Tôi không biết. Tôi không muốn đi. Nhưng ít nhất thì tôi cũng muốn các con tôi được sang Mỹ để học tập.
Sau khi cuộc trả lời phỏng vấn của ông với Safer được đưa ra công chúng, tất cả những gì Phạm Xuân Ẩn có thể làm chỉ là hy vọng rằng nhà chức trách không gây khó dễ đối với ông. Một trong những kết quả tức thì được người bạn của Phạm Xuân Ẩn là Douglas Pike đưa tin nói rằng, sự giám sát đã được tăng cường, bởi vì nhà chức trách tin rằng Phạm Xuân Ẩn đã "tiết lộ bí mật quốc gia trong cuộc trả lời phỏng vấn của Safer".
"Tôi cũng lo vì dễ có ai đó bên an ninh chỉ vì tôi mà không cho con trai tôi đi. Nhưng lần này tôi đã may mắn. Tôi cho rằng họ đã nghĩ chúng ta có thể làm cho ông ta không nói gì nữa bằng cách gửi con ông ta sang Mỹ. Do vậy mà điều thực sự xảy ra ngược hẳn lại với điều tôi đã nghĩ. Cách nói của họ là "cám ơn về nhà, đọc sách và giữ yên lặng".
Khi tôi hỏi Frank tại sao Hà Nội lại cho cháu Ân đi, Frank cũng nói tương tự như lời Phạm Xuân Ẩn:
"Để tạo ra cảm giác hoàn hảo. Đó là hãy gia ơn cho ông già, để xem sau khi đã làm một điều tốt lớn lao như vậy, liệu có thể làm cho ông ta bớt nói đi không. Ngoài ra, tôi nghĩ không có bất cứ lý do nào khác để giải thích cho việc tại sao họ lại làm như vậy".
Cho đến nay, tôi vẫn còn chưa hiểu được tại sao Chính phủ Mỹ có thể cho người con cả của một điệp viên Cộng sản lỗi lạc vào một đất nước ở thời điểm rất khó xin visa như vậy. Phải chăng đã có một người nào đó điện thoại cho ai đó nói rằng tôi còn nợ anh hoặc là gây áp lực với ai đó tại Bộ Ngoại giao Mỹ hoặc một cơ quan nào đó của Mỹ để buộc phải giúp đỡ con trai của Phạm Xuân Ẩn? Liệu Phạm Xuân Ẩn có sự ảnh hưởng như vậy đối với phía bên kia không? Nếu có thì tất cả những cái đó nói lên điều gì? Chẳng hạn, tại sao William Colby lại đề nghị được gặp Phạm Xuân Ẩn trong cả hai lần ông ta sang thăm Việt Nam? Phạm Xuân Ẩn nói:
- Tôi không thể chấp nhận lời mời bởi vì cái cách người ta nhìn nhận. Họ đã nghi ngờ tôi là CIA.
Liệu Colby có phải chỉ muốn thăm một người bạn cũ để ngả mũ ra đùa? Hay là còn có một lớp vỏ sâu hơn nào đó chỉ dẫn đến những câu hỏi mà không bao giờ được trả lời?
Bob Anson đã tình nguyện sử dụng các mối quan hệ của gia đình ông để xem liệu cháu Ân có được chấp nhận vào Khoa Báo chí của Trường Đại học Bắc Carolina hay không? Bây giờ đã cưới vợ mới, Anson có mẹ vợ là bà Georgia Kyser sống ở Chapel Hill đang có quan hệ thân thiết với Trường đại học Bắc Carolina. Anson viết thư cho McCulloch:
"Georgia là một phụ nữ miền Nam tuyệt vời. Bà thực sự có mối liên hệ với Trường Đại học Bắc Carolina và cộng đồng, do vậy đó sẽ là điều thuận lợi lý tưởng".
Trên thực tế, bà Georgia có quan hệ rất tốt với Trường Đại học North Carolina ở Chapel Hill. Bà là vợ của ông James Kern "Kay" Kyser, một người nổi tiếng trong giới phát thanh, một lãnh đạo ban nhạc nổi tiếng, một cựu sinh viên Trường Đại học North Carolina, và là một trong những người ủng hộ nhiều nhất cho nhà trường. Năm 1943, ông James Kyser gặp bà Georgia Carroll, một người mẫu tóc vàng từng xuất hiện trong một vài bộ phim, kể cả có lần đóng vai Betsy Ross trong bộ phim ca nhạc Yankee Doodle Dandy của James Cagney năm 1942. Sau đó một năm, hai người cưới nhau. Bà Georgia phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc ba cô con gái Kimberly, Carroll, và Amanda. Gia đình nhà Kysers sống trong một ngôi nhà cổ kính nhất vùng Chapel Hill ở gần khu học xá của Trường Đại học North Carolina.
Bà Georgia đồng ý thu xếp chỗ ở cho cháu Ân tại một căn hộ ở tầng trệt đầy đủ tiện nghi của nhà mình. Cho đến ngày nay, Ân vẫn gọi bà là Mamo, nghĩa là "mẹ thứ hai". Ân cũng tự hào là thủ lĩnh của bé Gigi, con gái của Robert Sam và Amada Anson. Bà Georgia nhớ lại:
"Cháu Ân là một trong những sự kiện lớn lao nhất đã từng xảy ra đối với tôi. Chúng tôi ở đây, hai người từ hai nơi khác nhau của thế giới, khác nhau cả về chính trị, và trong quá khứ, hai nước từng có chiến tranh, nhưng chúng tôi liên kết được với nhau với tư cách là con người. Thực sự đây là lần đầu tiên trong đời mình tôi có một người bạn châu Á. Cháu Ân là niềm vui của tôi".
Xin cho Ân được nhận vào học tại Khoa Báo chí, Trường Đại học North Carolina là một trong những nhiệm vụ dễ dàng nhất có liên quan. Trong một lá thư đề ngày 7/5/1990, Chủ tịch Trường Đại học North Carolina là C. D. Spangler gửi cho Anson nói rằng:
- Đại học North Carolina ở Chapel Hill sẽ vui lòng chấp nhận anh Ân vào học tại Khoa Báo chí với tư cách sinh viên phi bằng cấp.
Chương trình phi bằng cấp kéo dài một năm là rất bổ ích cho các sinh viên nước ngoài, vì họ có thể tham dự các lớp học mà không bị ràng buộc vào những yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, chương trình này không kèm với sự hỗ trợ tài chính thuộc bất kỳ loại nào. Nếu Ân học tốt ở năm đầu tiên và sau đó, làm tốt các bài kiểm tra GRE, cháu hoàn toàn có thể trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ báo chí.
Ngay trước ngày Quốc tế Lao động vào cuối tuần của năm 1990, Anson nhận được một lá thư của Phạm Xuân Ẩn - người đang phối hợp các việc từ phía Thành phố Hồ Chí Minh. Cháu Ân cần ba loại giấy tờ để xin visa xuất cảnh. Thứ nhất, một lá thư chính thức chấp nhận của Trường Đại học, lá thư này đã có. Thứ hai, người bảo lãnh chính thức trong thời gian ở Hoa Kỳ (Trường Đại học cũng yêu cầu điều này). Thứ ba, visa nhập cảnh Hoa Kỳ. Cùng với một số thủ tục khác, việc này cần phải có thời gian hai tuần để kiểm tra an ninh tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok. Anson điện cho McCulloch nói:
"Tôi đang làm việc để giải quyết xong những việc này. Và phía Việt Nam, ông Nguyễn Quang Dy, Tuỳ viên báo chí địa phương, đã hứa sẽ làm tất cả mọi điều để giúp tăng tốc các khâu thủ tục".
Nhiệm vụ trước mắt là quyên góp tiền. Do cháu Ân không được nhận hỗ trợ tài chính của Trường Đại học North Carolina, nên phải dựa vào sự giúp đỡ của các đồng nghiệp cũ của ông Phạm Xuân Ẩn. Hôm đó đang nghỉ cuối tuần và ngày lễ Quốc tế Lao động, nên phải đến ngày thứ ba McCulloch mới có kế hoạch phát động chiến dịch quyên góp tiền. McCulloch điện cho Bob Anson:
"Nói với Phạm Xuân Ẩn là có thiện chí rồi. Bánh xe đã bắt đầu quay, tuy nhiên vẫn còn chậm".
Trong một lá thư gửi cho "những người bạn thân" đề ngày 4/9/1990, McCulloch viết:
"Tôi xin lỗi vì đã không thể viết riêng cho từng người, nhưng do thời gian không còn nhiều và cách này có vẻ là hiệu quả nhất. Tôi nghĩ rằng về quan hệ cá nhân hầu hết các bạn đều biết Phạm Xuân Ẩn hoặc nếu ai không có quan hệ với ông ấy, thì sẽ nhớ ông như một phóng viên của Tạp chí Time-Life ở Sài Gòn. Ông từng là chủ đề cho một chương độc hại trong cuốn sách của Morley Safer được phép đăng tải một số đoạn trích trên Tạp chí New York Time Chủ Nhật vừa qua. Nhiều thế hệ đã thay đổi và giờ đây con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn, cháu Ân, rất muốn tới Mỹ để học ngành báo chí - không phải là cách để chạy trốn ra khỏi Việt Nam mà theo lời cháu, thì khi về nước có nhiều kỹ năng mới để phục vụ nhân dân tôi".
McCulloch cám ơn Anson vì đã lấy được cam kết từ phía Trường Đại học North Carolina, đã dàn xếp được nơi ở cho cháu Ân tại nhà bà mẹ vợ của Anson, và đã bắt đầu cho lăn "bánh xe quan liêu ở cả bên Hoa Kỳ lẫn Hà Nội. Điều mà chúng ta còn thiếu ở đây là nguyên liệu để sắp xếp tất cả những việc nói trên vào với nhau, nói đơn giản tức là tiền. Theo ước tính của chúng tôi thì cháu Ân cần 11.000 USD cho mỗi năm học. Số tiền này để chi phí cho mọi thứ, từ vé máy bay khứ hồi cho đến học phí, tiền mua sách, ăn, ở.
Trước khi chiến dịch chính thức phát động, chúng tôi đã quyên góp được 3.000 USD, trong đó 1.000 USD từ Neil Sheehan và 2.000 USD từ Chủ tịch Trường Đại học North Carolina Spangler được coi là quà của cá nhân ông. Anson viết:
"Chúng tôi vẫn còn thiếu khoảng 7.500 USD nữa. Tốt nhất là Tạp chí Time gánh hết, nhưng nói thật, tôi không nghĩ rằng Time lại giúp đỡ. Theo bà Susan, vợ của nhà báo Neil Sheehan, hai vợ chồng bà đã nêu vấn đề giúp đỡ Phạm Xuân Ẩn trong một bữa ăn tối với một vài lãnh đạo của Tạp chí Time cách đây mấy tháng. Với cách nhìn cho rằng Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho Tạp chí Time trong một thời gian dài mà bị trả lương thấp, hơn nữa hiện nay ông vẫn còn tiếp tục giúp đỡ bất cứ ai và toàn bộ phóng viên của Tạp chí Time ghé qua Sài Gòn. Nhưng các nhà lãnh đạo Tạp chí Time đã thẳng thừng bác bỏ. Tôi thấy hành động của Tạp chí Time là thô lỗ và rất lạ, nhưng nó vẫn xảy ra như thế đấy".
Anson gợi ý cần có người đến tiếp cận với báo New Yorker và nhận sự trợ giúp để tưởng nhớ Robert Shaplen, người đã qua đời tháng 5/1988. Nhưng Anson e ngại rằng, không có tổ chức, cơ quan nào bảo trợ, thì việc quyên góp từ các cá nhân sẽ trở nên khó khăn hơn. Anson lập một danh sách những người có thể tiếp cận được để vận động quyên góp gồm :
"David Greenway, Dick Clurman, Murray Gart, và tiếp đó là những phóng viên như Bill Stewart đang là trưởng phân xã ở Hong Kong, mà chính ông Phạm Xuân Ẩn cũng đã viết thư trực tiếp đề nghị giúp đỡ, Stanley Cloud - người vừa đến gặp Phạm Xuân Ẩn, Laura Palmer - người luôn hết lòng vì Phạm Xuân Ẩn, Jim Willwerth của phân xã Los Angeles, Burt Pines của Quỹ Di sản, Bill Marmon, Pippa Marsh, Jon Larsen, Jim Wilde, John Sarr - cựu phóng viên Tạp chí Time tại Sài Gòn, nhưng nay đang viết cho Tạp chí People, Dick Swanson và Germaine - người chống Cộng sản điên cuồng, và… Beverly Deepe…. “
Việc thông tin liên lạc với Phạm Xuân Ẩn cũng là một vấn đề khó khăn. Sau cuộc trả lời phỏng vấn của Safer, sự giám sát đối với ông được tăng cường. Phạm Xuân Ẩn lại không có máy điện thoại hoặc fax. Anson phân trần với McCulloch:
- Thậm chí cho đến bây giờ, tôi vẫn phải tự bay sang Sài Gòn hoặc gửi thư như kiểu gửi qua chim bồ câu mỗi khi có phóng viên nào sang Việt Nam. Nhưng rồi "chim bồ câu" cũng có trục trặc, vì thời gian đó rất ít khi có phóng viên sang Sài Gòn. Rất may, tôi đã "tuyển" được ít nhất là một người giúp làm liên lạc. Người đó là cô Alison Krupnick làm việc cho Chương trình "Ra đi có trật tự" (ODP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Là người nói trôi chảy tiếng Việt, Alison đến Sài Gòn thường xuyên và chuyến đi sắp tới của cô dự định vào ngày 3 tháng 9. Nếu ông có thông tin gì cho Phạm Xuân Ẩn từ nay đến thời gian đó, thì fax ngay cho tôi càng sớm càng tốt. Tôi hy vọng là cô Alison sẽ giúp chúng ta như một con chim bồ câu thường xuyên bay sang đó, nhưng việc cô ấy sang Sài Gòn sắp tới cũng chưa có quyết định chính thức.
Alison Krupnick làm việc 10 năm trong ngành ngoại giao, được phân công làm việc cho Chương trình ODP từ tháng 12/1988 đến tháng 7/1992. Có lẽ, cô đã từng hơn 30 lần sang Việt Nam trong thời kỳ đó.
"Thời kỳ cao điểm của Chương trình ODP rơi vào nhiệm kỳ công tác của tôi. Mỗi tháng, chúng tôi sang Việt Nam hai lần, mỗi lần để tổ chức hai cuộc phỏng vấn mỗi cuộc kéo dài hai tuần".
Alison Krupnick nhớ lại hôm đến thăm nhà ông Phạm Xuân Ẩn, bề ngoài là để hỏi ông về việc liệu Ân có biết cha mình là tình báo viên trong thời gian chiến tranh hay không.
"Tôi rất nhớ tôi đã bị ấn tượng mạnh, bởi phong cách đầy phẩm hạnh của ông Phạm Xuân Ẩn. Việc được gặp ông lại thêm một minh chứng nữa cho tôi về sự phức tạp của cuộc đấu tranh vì độc lập của người Việt Nam. Rõ ràng là rất nhiều nhà báo đã tỏ lòng kính trọng và tin cậy Phạm Xuân Ẩn. Vậy mà ông lại là một điệp viên. Điều đó khiến tôi tự hỏi phải chăng ông là con người luôn làm việc theo lương tâm của mình, một người luôn đấu tranh với lương tâm của mình, hay đơn giản đó chỉ là một người cơ hội… Là một người Mỹ còn trẻ tuổi và ngây thơ, lại chưa từng trực tiếp trải qua chiến tranh, tôi chỉ có thể mường tượng được rằng người ta có thể làm được điều đó một khi nguyên tắc của họ bị xâm phạm hoặc an ninh của gia đình họ bị đe doạ. Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn giống như những câu chuyện của nhiều người mà tôi đã từng gặp đã nhắc nhở tôi một điều rằng mọi thứ trên đời không phải lúc nào cũng rõ ràng như hai màu đen và trắng".
Phạm Xuân Ẩn nhớ lại:
"Alison Krupnick đến để kiểm tra tôi và muốn biết con trai tôi có biết gì về cuộc chiến tranh không. Tôi đã nói với cô ấy rằng tôi hoạt động đơn tuyến, nên chẳng có ai giúp đỡ tôi và rằng tôi là một con sói cô đơn. Vì thế, con trai tôi chẳng biết gì. Cháu hoàn toàn mù tịt về những gì tôi đã làm. Cháu nó chỉ biết vào năm 1976, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng".
Theo Trái Tim Người Lính/Nguồn: “Điệp viên hoàn hảo” của giáo sư Larry Berman
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/diep-vien-anh-hung-pham-xuan-an-chuong-7-duoi-bong-nguoi-cha-a12987.html