Dòng sông Long Hồ với nhiều di tích lịch sử, những ngôi nhà xưa và xóm nghề, làng nghề truyền thống đang có tiềm năng lớn để khai thác, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch của Vĩnh Long.
Tuyến sông Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) có chiều dài khoảng 7 km, bắt đầu từ nhánh rẽ của sông Cổ Chiên ngay khu vực thành phố Vĩnh Long đến xã Bình Phước, xã Hòa Tịnh của huyện Mang Thít. Dọc tuyến sông này là những địa danh, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương như: Văn Thánh Miếu, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Minh Hương Hội Quán và những ngôi nhà xưa còn nguyên bản thiết kế của người Pháp... Đặc biệt, trên tuyến sông Long Hồ hiện còn lưu giữ nhiều xóm nghề truyền thống được hình thành từ rất nhiều năm như xóm nghề chằm nón, đan rổ, rế; sản xuất hủ tiếu, bún...
Men theo tuyến sông Long Hồ, xóm nghề chằm nón lá (khóm 6, thị Trấn Long Hồ) đã tồn tại hàng chục năm qua với nhiều hộ gia đình gắn bó, truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người phụ nữ khéo tay ngày ngày miệt mài làm nên những chiếc nón lá - một trong những biểu tượng của vùng quê miền Tây sông nước.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ) Trương Thị Vĩnh Xuân cho biết, làng nghề truyền thống chằm nón được duy trì lâu đời. Hiện, địa bàn có hơn 400 hộ dân, trong đó hơn một nửa theo nghề. Đa phần là phụ nữ, tranh thủ thời gian nông nhàn để chằm nón, có thêm thu nhập. Nếu làng nghề được kết hợp với du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn, vừa hỗ trợ kinh tế vừa góp phần quảng bá về làng nghề đến du khách gần xa, để nghề chằm nón lá không bị mai một.
Một điểm dừng chân khác trên tuyến sông Long Hồ đó là xóm nghề đan đát rổ, rế từ tre trúc (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít). Nơi đây có gần 200 hộ dân theo nghề. Nét độc đáo của làng nghề là sử dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cây tre, cây trúc và những bụi rơm, đồng thời đây là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo từ đôi bàn tay của người thợ.
Với kinh nghiệm hơn 50 năm trong nghề, bà Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ, để hoàn thành một cái rổ tre, một chiếc rế lót nồi cần qua nhiều công đoạn. Chiếc rổ, rế làm ra phải tròn, đều. Đặc biệt, chiếc rế tre hoàn chỉnh cần phải lên màu đẹp, mà chỉ có cách duy nhất là hơ trên lửa của rơm mới có được màu như ý muốn. Nghề này phải chịu khó, tỉ mẩn công phu mới theo được. Nếu như xóm nghề được gắn kết với du lịch có thể giới thiệu nghề truyền thống đến với nhiều người.
Từng có thời gian làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách trên sông Long Hồ, bà Phạm Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Công ty Mekong Travel bày tỏ, chỉ một đoạn sông nhưng chứa đựng cả văn hóa trăm năm. Từ đoàn ghe xuồng tấp nập ngay chợ cá, du khách nước ngoài say sưa ngắm nghệ nhân làm gạch men ở đoạn chợ Cua. Dọc bờ sông, những rặng bần xanh trĩu quả - đây là những sản vật quê hương, là nguyên liệu đặc biệt chế biến những món ăn dân dã, khó quên… Dòng sông Long Hồ với nhiều điểm tham quan, những làng nghề truyền thống khi đưa vào khai thác tuyến du lịch mới sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, được du khách đón nhận.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, ngành Du lịch Vĩnh Long chủ yếu khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn ở các xã Cù lao của huyện Long Hồ. Do đó việc khai thác những tiềm năng du lịch trên dòng sông Long Hồ là cần thiết, nhằm xây dựng một tuyến du lịch mới với những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, để khi hoàn chỉnh có thể gắn kết với các tuyến du lịch đã hình thành, tạo nên nhiều điểm đến ấn tượng, thu hút du khách. Phòng Quản lý Du lịch đang tích cực phối hợp với các địa phương để quảng bá về những tiềm năng du lịch tại đây, đồng thời có phương án khảo sát, đánh giá để từng bước hình thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh hơn, phục vụ tốt cho việc gắn kết phát triển du lịch.
Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tet-doan-ngo-a13003.html