Ngày 4/6, Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp bàn xem xét thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 gây hậu quả nghiêm trọng.
Các cá nhân là ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.
Vì sao Bộ Chính trị phải đề nghị Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật 2 cán bộ này?
Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trước hết cần hiểu rằng, đối với các Ủy viên Trung ương hay Ủy viên Bộ Chính trị, việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với những cán bộ này phải do Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. Sở dĩ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của các cán bộ nói trên phải đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét là đúng quy định của Đảng. Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo do Trung ương bầu ra để lãnh đạo, điều hành công việc giữa 2 kỳ họp Trung ương. Các ủy viên Bộ Chính trị là những thành viên ưu tú nhất trong Trung ương được bầu vào cơ quan này để điều hành công việc của Trung ương giữa hai kỳ họp của Trung ương.
Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đang là Ủy viên Trung ương Đảng do vậy Bộ Chính trị không thể quyết định hình thức kỷ luật với 2 cán bộ này mà phải trình ra Trung ương. Như vậy, theo quy định, có thể tại kỳ họp tới đây, Trung ương sẽ xem xét và quyết định hình thức kỷ luật đối với 2 cán bộ này. Trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Chính trị cũng có thể triệu tập Trung ương họp bất thường để xem xét việc thi hành kỷ luật. Cụ thể, việc xem xét hình thức kỷ luật đối với Ủy viên Trung ương sẽ được đưa ra để Trung ương bỏ phiếu. Khi đó kết quả bỏ phiếu sẽ là hình thức kỷ luật chính thức đối với những cán bộ trên.
Tại cuộc họp ngày 4/6, trong phạm vi quyền hạn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ có thể quyết định khai trừ khỏi Đảng đối với ông Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; quyết định cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Nguyễn Trọng Phúc cũng cho biết, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với các Ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long không có gì lạ. Trong nhiều vụ việc trước đây Đảng vẫn tiến hành như vậy. Như trong trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh của Đà Nẵng cũng phải trình ra Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cách chức Ủy viên Trung ương; hay trường hợp của ông Trần Văn Nam ở Bình Dương gần đây cũng vậy.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đã có những sai phạm liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
PV
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vi-sao-bo-chinh-tri-de-nghi-trung-uong-xem-xet-ky-luat-ong-chu-ngoc-anh-nguyen-thanh-long-a13052.html