Nò tôm

Yếu tố đầu tiên để hành nghề nò là chiếm hữu được mặt nước đáp ứng điều kiện dựng các sở nò. Khi đã có mặt nước, ngư dân mới bắt đầu dựng nò. Tuy là chọn quãng sông thích hợp, nhưng mặt nước dựng sở nò phải có độ sâu khá đồng đều, từ 1,8 đến 2, 2 mét.

         

song-truong-giang-1654531324.jfif
Song Trường giang

 

          Hai bên bờ Trường Giang, do nghề nghiệp qui định, đã xuất hiện nhiều cụm dân cư có địa danh giống nhau. Đó là những xóm rớ, xóm nò... Trường Giang, mặt nước mênh mông là vậy, nhưng không phải trên quãng sông nào cũng có thể dựng nò. Sông đang trải rộng, đột nhiên có quãng bóp nhỏ, nước chảy mạnh hơn. Con tôm ốn lại ở quãng hẹp. Nơi đó là mặt nước dựng nò lý tưởng nhất. Từ xa xưa cha ông ta đã nắm được qui luật sinh sống của các loài tôm nên dọc Trường Giang, nơi có quãng sông hẹp mới có nhiều sở nò, từ đó xuất hiện vùng dân cư gọi là xóm Nò. Theo đó Quãng sông chạy ngang qua hai xã Bình Dương, Bình Giang có nhiều sở nò cố định trên sông đã bao đời nay

         Nò là nghề có mặt nước cố định, được các Tiền nhân chọn, cắm cọc dựng nò và đăng ký sở hữu trước tiên đối với chính quyền sở tại của nhà nước phong kiến. Mặt nước của khu vực cắm nò được vào sổ bộ Vạn thủy điền của mỗi làng xã và phải nộp thuế hằng năm. Mặt nước của các sở nò được thừa kế nhiều đời, con cháu được quyền kế nghiệp. Vì vậy, đương nhiên nò trở thành nghề gia truyền của một vài tộc họ trong mỗi làng chài. Bởi, mặt nước trên sông để dựng được nò có hạn, tộc nào đến sau sẽ không còn nơi mà hành nghề, có muốn cũng chẳng được. Trừ trường họ mua lại mặt nước giống như mua ruộng trên cạn để làm nông.

        Như vậy, yếu tố đầu tiên để hành nghề nò là chiếm hữu được mặt nước đáp ứng điều kiện dựng các sở nò. Khi đã có mặt nước, ngư dân mới bắt đầu dựng nò. Tuy là chọn quãng sông thích hợp, nhưng mặt nước dựng sở nò phải có độ sâu khá đồng đều, từ 1,8 đến 2, 2 mét.

         Cấu trúc của nò gồm ba bộ phận chính là cọc, sáo và đó. Để dựng một sở nò, trước tiên người ta phải chọn tre già, thẳng làm cọc và sáo và đó. Mỗi sở nò phải tốn đến trăm cây tre già, phần gốc làm cọc, phần thân làm sáo và đó.

       Cọc nò có độ dài hơn 3 mét, cắm sâu xuống lòng sông, đứng vuông góc với mặt nước, cứ 3 mét cắm một cây, làm chỗ dựa vững chắc cho sáo.

       Sáo là những miếng tre to bằng ngón tay trỏ, vót sạch, có độ dài 2,3-2,5 mét được bện lại thành tấm bằng 3-4 đường dây mây vót kỹ; khe hở giữa các que sáo độ 0,5-0,6 cm. Bện sáo xong, cuốn lại thành tấm, chờ ngày tốt dựng nò. Sáo được trải dựng đứng, buộc chặc dọc theo hai hàng cọc đã định vị, tạo thành một cái phẻo hứng ngược dòng nước

      “Đó” là dụng cụ hứng tôm, cũng đặt thẳng đứng với mặt nước như sáo ở nơi đáy nò. Đó có dáng hình trụ tròn  độ cao bằng sáo, đường kính khoảng 0,7 mét; mặt hình trụ được kết bằng những que tre cật, vót nhỏ, mỏng, bệnh dày hơn sáo, khe hở giữa các que chỉ cho phép đến 0,2 cm.

         Nò được dựng theo hình thù tam giác cân. Đáy của tam giác là miệng nò, hướng về phía đầu con nước, rộng độ 17 đến 20 mét. Từ miệng nò chạy về phía cuối con nước được chắn bởi hai hàng “sáo” dựa chắc vào cọc nò. Hai hàng sáo đứng vuông góc với mặt nước, tạo thành hai cạnh nối liên tục tới đỉnh của tam giác cân. Đỉnh tam giác cân gọi là đáy nò, nơi góc nhọn này được đặt vừa khít một cái “đó” sao cho không có khe hở, tôm không thể rúc qua được. Căn cứ vào độ sâu để làm sáo và cọc dựng nò, sao cho sáo chòm lên khỏi mặt nước từ 0,2 đến 0,4 mét. Do miệng nò luôn hướng về phía đầu ngọn nước nên đi thuyền dọc Trường Giang ta để ý thấy nò từ Bình Dương, Bình Giang trở ra Bàn Thạch, miệng nò luôn quay về hướng nam; từ Bình Hải, Bình Sa trở vào phía cửa Lỡ thì miệng nò quay theo hướng ngược lại.

        Khởi công dựng nò thường vào mùa nắng. Lúc này nước cạn, ít chảy, thuận lợi cho việc trồng trụ, dựng sáo. Mặt khác vào tiết đông xuân nò bắt được nhiều tôm nên người ta dựng nò để đón đầu mùa tôm khá nhất trong năm.

         Sáo đặt xuống lòng sông lâu ngày thường bị rong bám, hà bu làm mục hỏng các que tre. Mặt khác, các loài thủy sinh phát triển rất nhanh, bịt kín những khe hở giữa các que sáo, cản trở dòng chảy làm cho sức nước ép mạnh, dễ dẫn tới gãy sáo. Vì vậy, cứ vài tháng chủ nò phải tháo sáo đưa lên bờ phơi khô, quét sạch rong rêu, hà ốc rồi đem dựng trở lại. Có làm như vậy mới bảo quản sáo được lâu, giảm bớt chi phí hành nghề. Đặc biệt phải thường xuyên kiểm tra cái đó. Đó mà lủng một lỗ bằng cái ngon tay thì tôm cũng có thể tháo chạy không còn con nào. Vì vậy mỗi sáng đều phải kiểm tra chiếc đó, nếu phát hiện có dấu hiêu hư hỏng thì phải đem về nhà củng cố lại ngay.

         Nghề nò chỉ làm vào ban đêm, thường thì tối trời được tôm nhiều hơn sáng trăng. Hằng ngày, cơm tối xong, ngư dân đem theo một cái giỏ hình trái bầu gọi là cái bộng, bện bằng những que tre cật mảnh, dùng đựng hoặc rộng tôm; bơi một chiếc ghe nhỏ có mui trú mưa, cập nơi đáy nò, chong đèn dầu canh chừng để dỡ đó, trút tôm.

         Đêm đến, con tôm đất bơi xuôi dòng nước kiếm mồi. Trong khi lần mò kiếm ăn, tôm lọt vào miệng nò đơm ngược dòng. Vào nò, thấy có dấu hiệu nguy hiểm tôm tạt ra hai phía bờ sông, râu chạm phải sáo, chúng không chui qua các khe hở giữa các que tre mà giật mình lập tức búng thụt lui, rồi tiếp tục mù quáng xuôi theo dòng nước. Đến đỉnh tam giác (đáy nò) tôm bí đường, phải chui vào “đó”. Đã chui vào đó, tôm không thể trở ra. Bởi, quay về phía miệng đó, tôm chạm phải những que tre dày kín, nhọn hoắt, chĩa ngược vào lòng đó giống như cái hom lờ vậy. Cuối cùng, lũ tôm phải bơi, búng quanh trong cái đó, chờ người canh nò thu gom.

         Trên ghe, chủ nò kiên nhẫn nằm trong mui, lặng lẽ chờ đợi những con tôm xấu số kia. Cứ khoảng một tiếng đồng hồ, người canh nò trở dậy dỡ đó, trút tôm vào bộng rồi lại thả bộng xuống nước rộng cho tôm tươi sống. Cứ vậy, người làm nò vừa tranh thủ ngả lưng vừa canh giờ, thực hiện các động tác hành nghề đều đặn.

         Cũng là nghề sông nước, nhưng nò là nghề khu biệt và lặng lẽ nhất. Trong đêm tối, trên quãng sông hành nghề nò cảnh vật vô cùng yên tĩnh, chỉ có đốm sáng đèn dầu lẻ loi thao thức cùng người cô lẻ. Ngư dân nò tính khí cũng lặng lẽ và kiên trì theo nghề của họ. Quanh năm dù nắng hay mưa, dù ấm hay rét họ đều ép mình bên ngọn đèn dầu, hết dỡ đó trút tôm lại đặt đó xuống nước suốt cả đêm thâu. Họ có thể vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh theo những mớ tôm bắt được nhiều hay ít. Nhưng, họ chẳng thể chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn ấy cùng ai trong giờ phút lao động trên cái mặt sông tối om và phẳng lặng ấy. Bù vào đó, mỗi sáng sớm mai ở các chợ đồng bằng dọc Trường Giang thuộc các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên - vùng Đông Quảng Nam như: chợ Đò- Tam Ấp, chợ Kim Thành, chợ Bà, Lạc Câu, Tây Giang, Mù U, chợ Được, Nồi Ran luôn có mặt các bà vợ chủ nò bày bán những mẻ tôm đất tươi nguyên còn nhảy búng trong rổ. Những mớ tôm đất tươi nguyên còn nhảy búng ấy luôn làm vui hơn cho các phiên chợ mỗi sáng mai lên. Và giữa phiên chợ đông nghịt người với trăm kẻ bán vạn người mua, rộn ràng tấp nập liệu có ai biết, ai nghĩ tới niềm vui nho nhỏ ấy được làm nên từ sự cô đơn kiên trì của ngư dân nò đã trắng đêm cùng sông nước trong đêm qua.

          Ngày xưa, môi trường nước trong sạch hơn, đặc sản tôm đất bắt được từ các sở nò trên dòng nước lợ Trường Giang nhiều hơn. Nhưng khi ấy, nhu cầu tiêu thụ các loại đặc sản lại ít, giá tôm đất rẻ nên dẫu có làm được nhiều cũng khó giàu lên từ nghề nò. Trong truyền thống, nò là nghề sông nước có thu nhập ổn định, chắc ăn. Mà thời xưa có mấy người làm giàu được từ nghề sông nước, biển giả, làm đủ đắp đổi qua ngày là quí rồi. Vả lại, chủ nò hành nghề ban đêm trên sông nước, ban ngày tranh thủ ngủ và cũng có thể kết hợp làm nghề khác, như ở quê tôi họ thường làm thêm nghề đóng ghe săn, thợ may… nên chủ nò thường có tổng thu nhập gia đình khá so với toàn cộng đồng làm nghề sông nước.

         Ngày nay, môi trường sông nước có nhiều biến động bất lợi cho các loài thuỷ tức, tôm khó sinh sống và phát triển hơn trước. Vì thế sản lượng tôm bắt được từ nghề nò giảm sút. Tuy giá cả tôm đất đắt, nhưng nghề nò vẫn phải mai một dần. Mặt khác trong thời hiện đại, điều kiện xã hội cho phép lớp trẻ đi xa nhìn rộng, biết làm ăn lớn mà nghề nò lại quá khu biệt, bắt được con tôm mỗi ngày lại một khó.

        Cuộc sống của con người là sự liên tục đấu tranh, tìm kiếm cơ hội giải quyết mâu thuẫn để phát triển thích hợp nhất. Nhưng dù sao, ngư dân nò dọc Trường Giang vẫn còn đau đáu với ánh đèn nò tôm truyền thống, vẫn ước mong môi trường nước được cải thiện để Trường Giang xanh luôn giữ được “Ánh lửa nò tôm làm nên sự sống” như câu thơ của ai đó đã từng sáng tác về con sông hiền hoà thơ mộng này. Và để, đặc sản tôm đất Trường Giang tại Quảng Nam luôn là sản phẩm được làm ra từ bàn tay cần mẫn, từ sự cô đơn đầy ý nghĩa của người dân nò tôm thì chính quyền và mỗi người dân phải phối hợp hành động để trả lại một Trương Giang xanh năm xưa. Khi ấy địa danh xóm nò, nghề nò mới có cơ tồn tại trong cái thế giới công nghiệp hiện đại đầy biển động. Đó cũng chính là niềm vui và ước mong của những chủ nò, của những cư dân xóm nò. Niềm vui nhỏ nhoi, và ước mong đơn giản mà thiết thực của người dân nò, của xóm nò truyền thống ở vùng đông Quảng Nam là vậy. Niềm vui nhỏ nhưng ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa bản sắc thì lớn. Vì vậy, người đương đại cần phải có phương cách bảo tồn nghề nò tôm cả về hai phương diện - kinh tế và văn hoá.

Phạm Thông

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/no-tom-a13073.html